Trang

26/11/2016

Ném rác xuống hồ thiêng, người Việt học được gì từ Nhật?

HOÀNG LINH
 
TTO - Truyền thông vừa nổi lên hai sự kiện đáng lưu ý: cảnh người Nhật trật tự khi di tản khỏi thảm họa sóng thần và việc bao cao su nổi kín mặt hồ Linh Đàm (Hà Nội). Nghĩ gì về hai thái cực đối lập này?
Nạn nhân động đất - sóng thần xếp hàng trật tự chờ nhận thực phẩm cứu trợ ở thành phố Yamada, Nhật Bản hôm 31-3-2011 - Ảnh: EPA
Theo tác giả Hoàng Linh, ngọn nguồn chính là lối sống thị dân và văn hóa ứng xử. Dưới đây là bài viết của anh gởi đến Tuổi Trẻ Online nhằm góp thêm góc nhìn về hiện tượng này.



Văn hóa ứng xử của người Nhật hiện đại phần lớn được cho là đã hình thành từ văn hóa thời kỳ Edo cho đến cận đại. Đây là thời kỳ dân cư tứ xứ tụ tập về Edo (Tokyo ngày nay) làm ăn sinh sống.

Vì có nhiều người cùng nhau sinh sống trong một không gian chật hẹp nên để cuộc sống suôn sẻ, qua đúc kết mọi người tự đặt ra những quy tắc ngầm trong ứng xử. 
 
 

 

Trật tự của người Nhật

Xã hội Nhật Bản hiện đại có một nền tảng quan trọng là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy trong cuộc sống điều tối kỵ là làm ảnh hưởng và xâm phạm đời tư của người khác.

Bạn có thể làm gì tùy ý trong không gian riêng tự do nhưng ở nơi công cộng phải tôn trọng những quy tắc đã có. Một trong những quy tắc ứng xử đầu tiên cần phải học khi đến Nhật là giữ trật tự.

Người Nhật rất ít khi tỏ thái độ nhưng nếu bạn gây ồn họ sẵn sàng nhắc nhở, thậm chí nổi nóng. Điều này được cho là xuất phát từ việc Nhật Bản đất chật người đông, việc va chạm hằng ngày khó tránh khỏi nên họ luôn chú ý cách cư xử của bản thân để tránh ảnh hưởng đến người xung quanh.

Người Nhật giao tiếp nơi công cộng hay sinh hoạt ở nhà riêng đều nổi lên tinh thần kỷ luật, tự tiết chế hành động và quyền lợi bản thân vì cộng đồng.

Các hướng dẫn viên du lịch cũng thường xuyên nhắc du khách những nguyên tắc trong văn hóa ứng xử của người Nhật để du khách biết và hành xử cho phù hợp.

Trên một cầu thang cuốn, bao giờ cũng có một bên dùng để đứng và một bên dành cho người đi, vì vậy tránh đứng cản đường đi của người khác. Hầu hết mọi nơi ở Nhật, bên trái dành cho người đứng, bên phải dành cho người vội.

Còn ở Osaka thì ngược lại, bình thường đứng bên phải, người vội đi bên trái. Lý do là ở Osaka trước có rất nhiều khách nước ngoài đến du lịch và họ thường không biết quy định đi bên trái của Nhật và để chỉ dẫn cho họ đi theo thói quen của Nhật thì rất khó khăn.

Chính vì vậy mà người Nhật ở Osaka đã thay đổi theo cách của người nước ngoài đến du lịch.

Người Nhật rất hay đeo khẩu trang, đặc biệt vào mùa cúm hoặc do bị dị ứng phấn hoa. Do đó việc đeo khẩu trang khi nói chuyện không bị coi là bất lịch sự. Ngược lại, nếu bạn bị ốm (cảm cúm, sổ mũi) hãy đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người khác.

Mùi cơ thể cũng là một điểm cần chú ý vì ở Nhật việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng rất phổ biến. Ngày mưa, hai người cầm ô đi đối diện nhau sẽ nghiêng ô ra ngoài để tránh nước giọt sang ướt người đối diện.

Tuyệt đối phải đúng giờ. Việc không hẹn mà tới, trễ hẹn... gọi là kẻ ăn cắp thời gian của người khác.

Khi không may bị người khác giẫm phải chân thì cũng nói xin lỗi (Sumimasen). Giúp không khí bớt căng thẳng.

Và tất nhiên vứt rác nơi công cộng là điều được coi là xấu tệ hại dù là lén lút hay công khai.

Tinh thần kỷ luật, tự hạn chế hành vi của mình vì cộng đồng chính là căn cơ để chúng ta thấy người Nhật có những hành động đáng khâm phục như xếp hàng trật tự khi di tản khỏi thảm họa sóng thần.

Và ứng xử của ta

Còn ở ta mọi việc có vẻ như ngược lại. Miễn là được việc cho mình, lợi ích cộng đồng thì thây kệ.
Trước thông tin được tắm miễn phí, sáng 19-4-2015, hàng ngàn người dân đã tập trung tại khu vực công viên Hồ Tây (thuộc Q.Tây Hồ, Hà Nội) để được vào tắm
Đơn cử như vụ hồ Linh Đàm nổi đầy bao cao su mới đây hay hàng loạt vụ chen lấn, giẫm đạp trước đó khi xếp hàng lấy hồ sơ cho con đi học hay chen lấn, leo rào để tranh thủ là người đến trước trong suất miễn đi tắm của một công viên nước…

Hồ đối với Hà Nội thiêng lắm, hồ luôn gắn với thần tích nào đó nên khi hình ảnh bao cao su đã qua sử dụng “lung linh mây trời” trên mặt hồ Linh Đàm thì người Hà Nội bực lắm.

Nhất là khi nó rơi đúng vào hồ Linh Đàm tượng trưng cho uy vũ, khí tiết và sự hi sinh của học trò thủy thần.

Tương truyền rằng đây là nơi trú ngụ của thần Lâm Đàm (thần Rồng), từng hóa thành cậu học trò theo học thầy Chu Văn An.

Gặp năm trời hạn hán, vì thương xót dân, thần hút mực trong các nghiên bút, phun lên trời cầu mưa, giúp người trừ hạn hán, làm cả mặt hồ đen ngòm như mực, do vậy bị Thiên Đình tức giận trị tội chết.

Người dân nơi đây nhớ ơn, lập đền thờ thần. Bởi thế Hà Nội còn tự hào về một thứ văn hóa thị dân gọi là “văn hóa ven hồ”.

Nhiều người Hà Nội chính hiệu đã tự điều tra và kết luận đây không thể là “văn hóa ven hồ” hay sự phóng tứ, xả rác của người dân mà có thể là do một khách sạn nào đó “xả thải”…

Hà Nội còn làm một việc chưa từng có là cử người kiểm tra việc ném bao cao su xuống hồ!

Hà Nội giờ có nhiều cao ốc chọc trời, âm đất, lẩu sushi và lẩu băng chuyền đầy phố, những con siêu xe lượn lờ, những công trình siêu bất động sản tiếp tục mọc lên.

Hàng trăm tiến sĩ tiếp tục ra “lò” nhưng Hà Nội vẫn nhếch nhác và mất trật tự những khi cần phải xếp hàng, xả rác, xả thải khi cần vệ sinh cộng đồng... là vì người mình đặt lợi ích bản thân cao hơn lợi ích cộng đồng, không gian văn hóa ứng xử còn rất kém, không đủ điều chỉnh hành vi cá nhân.

Thế nên mới có chuyện bao cao su đã qua sử dụng nổi kín mặt hồ hay chen lấn, giẫm đạp những khi cần xếp hàng…
 

HOÀNG LINH

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire