Ngô Nhân Dụng
Ngày Thứ Hai,
tổng thống tân cử Donald Trump đã nói lại rằng ông sẽ xóa bỏ Hiệp Ước TPP, Hợp
Tác Xuyên Thái Bình Dương, thay thế bằng những hiệp ước mậu dịch tự do với từng
nước một. Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe, tại Buenos Aires, Argentina, tuyên bố rằng
nếu không có Mỹ tham dự thì TPP trở thành vô nghĩa, chẳng cần bàn lại nữa.
Hiệp ước TPP do
bốn nước Châu Á đề nghị năm 2002, gồm New Zealand, Singapore, Chile và Brunei.
Năm 2009 nước Mỹ mới sốt sắng góp mặt, mời thêm Peru, Australia và 4 nước khác,
bản hiệp ước được 12 nước ký kết đầu năm 2016. Nhật Bản là quốc gia duy nhất đã
đưa cho Quốc Hội thông qua.
TPP đã chết, các
nước thành viên cũ muốn cổ động thương mại tự do đang nhìn vào hai hiệp ước mà
họ có thể tham dự trong tương lai, cả hai đều có Trung Quốc, trong khi TPP cố ý
không mời. Hai thỏa ước này là Hợp Tác Kinh Tế Toàn Vùng, Regional
Comprehensive Economic Partnership (RCEP) và Vùng Mậu Dịch Tự Do Á Châu Thái
Bình Dương, Free Trade Area of the Asia-Pacific (FTAAP).
Hiệp Ước RCEP
bao gồm 16 quốc gia, trong đó có các khối ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản,
Australia, New Zealand và Ấn Ðộ, với sản lượng (GDP) tổng cộng lớn bằng một
phần ba kinh tế toàn cầu (GDP chung của TPP lớn bằng 40%). Nước Mỹ có thể được
mời.
Giống như TPP,
RCEP cũng nhắm xóa bỏ các hàng rào quan thuế và những rào cản về thương mại
giữa các thành viên. FTAAP bao gồm 21 quốc gia trong khối APEC, Á Châu Thái
Bình Dương trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ. Tại hội nghị APEC năm 2014 tại Bắc
Kinh, các nước APEC ủng hộ dự án này, gọi là “Lộ trình Bắc Kinh.” Sau năm đó,
Cộng Sản Trung Quốc đã cổ động cho FTAAP, nhưng không thành công vì các nước
khác đang muốn xây dựng TPP, trong đó không có Trung Quốc.
Sau khi ông
Donald Trump đắc cử và xóa bỏ TPP, cả hai dự án RCEP và FTAAP đều được hâm nóng
lại, sôi nổi lên tại hội nghị APEC vừa qua ở Peru; đặc biệt là RCEP, trong đó Mỹ
chưa tham dự vào thành phần sáng lập.
Các dự án do
Trung Cộng cổ võ đều giống TPP về các điều khoản xóa bỏ quan thuế và các rào
cản mại và đầu tư, nhưng không bao gồm nhiều điều kiện liên quan đến việc bảo
vệ quyền lợi của giới lao động, không có những hạn chế trên các doanh nghiệp
nhà nước, và không quan tâm đến việc bài trừ tham nhũng và bảo vệ môi trường
sống. Ðặc biệt, điều lưu ý đặc biệt của TPP về tự do thông tin trong lãnh vực
tin học cũng bị bỏ qua.
Thí dụ, PP buộc
các quốc gia phải tôn trọng quyền lợi người lao động theo những quy tắc của Tổ
Chức Lao Ðộng Quốc Tế (International Labour Organisation); trong đó có quyền
thương thuyết tập thể với chủ nhân về các vấn đề lương bổng; cấm dùng trẻ em
lao động, cấm cưỡng bách lao động và kỳ thị trong việc tuyển dụng. Các thành
viên cũng cam kết đưa ra những đạo luật về lương tối thiểu, hạn chế số giờ làm
việc, bảo vệ an toàn và sức khỏe của công nhân. RCEP đã bỏ qua tất cả các điều
kiện này.
PP cũng buộc các
nước ký kết phải đặt ra luật lệ bắt các xí nghiệp phải bảo vệ môi trường sống,
RCEP không hề chú ý tới.
Ðối với các
doanh nghiệp nhà nước, TPP bắt buộc họ phải theo những quy tắc công bằng hoàn
toàn theo mục tiêu thương mại trong khi mua bán, không được kỳ thị và chính
quyền không được ưu đãi như trợ cấp, cho vay với lãi suất thấp, vân vân.
Hiệp Ước TPP
cũng ghi những điều kiện yêu cầu các quốc gia bảo đảm việc trao đổi thông tin
thương mại qua phương pháp điện tử phải được tự do, công bằng, một hệ quả là
ngăn cấm không cho bưng bít thông tin qua các điểm mạng lưới (websites).
Mô phỏng theo
những đạo luật cấm các công ty hối lộ quan chức, đã được Mỹ áp dụng, cũng được
các quốc gia thành viên của TPP cam kết. Hiệp ước này buộc các nước thành viên
đặt ra luật trừng trị các quan chức đòi hối lộ cũng như những người hối lộ. các
quốc gia đồng ý công bố tất cả các luật lệ thương mại một cách công khai minh
bạch cho mọi người nước khác đều biết.
Khi so sánh nội
dung TPP và RCEP thì chúng ta thấy cũng khác nhau như giữa các xã hội dân chủ
tự do và các chế độ độc tài chuyên chế. Nếu ký kết RCEP, các quốc gia hội viên
sẽ không phải bận tâm về các vấn đề nhân quyền, trong đó có quyền lợi của người
lao động; không cần lo diệt trừ tham nhũng, trái lại tham nhũng còn có thể bành
trướng khi có nhiều xí nghiệp ngoại quốc tham gia. Các chính quyền độc tài sẽ
được tự do nuôi những doanh nghiệp nhà nước để chia chác lợi lộc cho đảng cầm
quyền, bắt dân đóng thuế để nuôi những xí nghiệp quốc doanh.
TPP là một trong
hai cái chân của chính sách chuyển trục qua Châu Á của chính phủ Barack Obama,
mà bà Hillary Clinton là người xướng xuất. Cái chân thứ hai là chủ trương
chuyển 60% lực lượng Hải Quân Mỹ qua Thái Bình Dương, đưa thêm thủy quân lục
chiến qua Australia, ký lại hiệp ước an ninh với Phillipnes, và đưa tàu chiến
tới sử dụng hải cảng của Singapore.
Tổng thống tân
cử Donald Trump có thể gia tăng cho phần thứ hai nặng hơn, với những lực lượng
quân sự; nhưng cả chính sách chuyển trục sẽ mất cân bằng nếu thiếu cái chân
kinh tế. Trong khi đó giới lãnh đạo Bắc Kinh sẽ không ngồi yên mà chỉ mong khai
thác cơ hội này. Họ muốn đóng vai trò “anh lớn” trong vùng, đặt các nguyên tắc
thương mại quốc tế chỉ hoàn toàn chú trọng đến tiền bạc, họ sẽ đóng vai cầm cân
nảy mực trong các tranh chấp giữa các nước thành viên, nghiêng về nước nào thì
nước đó được lợi. Vai trò anh lớn này sẽ được áp dụng trong các lãnh vực ngoại
giao và cả các vấn đề quân sự.
Nếu RCEP thành
hình để thay thế TPP, thì một hậu quả trước mắt là nước Mỹ sẽ mất vai trò “lãnh
đạo” trong vùng Thái Bình Dương phía Châu Á.
Nếu chính quyền
Trung Cộng đưa RCEP ra mời gọi, những nước độc tài đảng trị có thể hoan nghênh
vì họ có thể được lợi về mặt kinh tế, chế độ độc tài của họ có thể vững vàng
hơn, trong khi quyền lợi của người dân thường sẽ bị hy sinh.
Những quốc gia
đang sống tự do dân chủ như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Nam Hàn, có thể
cũng ký kết nếu họ thấy không cần quan tâm tới các giá trị như nhân quyền, tự
do, dân chủ mà chỉ chú trọng tới các lợi ích kinh tế. Nhưng chúng ta có thể hy
vọng rằng những nước Ðông Á và Ðông Nam Á sẽ nhìn thấy rằng họ không thể sống
trong một thế giới do Cộng Sản Trung Quốc thống lãnh. Người dân các nước đó và
các đảng chính trị đối lập sẽ phản đối.
Một điều không
còn nghi ngờ nữa là người dân và giới trí thức các nước trong vùng không tin
chế độ Cộng Sản Trung Quốc.
Ðối diện với một
nước Trung Hoa đang lên, tâm lý của giới lãnh đạo dư luận ở Ðông Nam Á đã biến
chuyển vì một hình ảnh diễn ra vào Tháng Bảy năm 2010, ở ngay Hà Nội. Trong
cuộc họp giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Ủy Viên Ngoại Vụ Trung Ương Ðảng
Trung Cộng Dương Thiết Trì (Yang Jiechi) đã chỉ tay vào mặt ngoại trưởng
Singapore tuyên bố một câu giản dị: “Trung Quốc là một nước lớn. Nước ông chỉ
là một nước nhỏ!”
Bất cứ một “nước
nhỏ” nào sống bên cạnh Trung Quốc, khi nghe lời nói đó, cũng có thể vừa rợn tóc
gáy vừa đỏ mặt nổi giận. Trong thế giới ngày nay, ai còn công nhiên phân biệt
“nước lớn, nước nhỏ” thì không thể tin được là họ coi các nước nhỏ ra gì! Năm
sau, bà Hillary Clinton đã viết một bài về vai trò của Mỹ ở Thái Bình Dương,
đánh dấu chính sách chuyển trục được công bố năm 2012.
Cho tới nay,
ngày 22 Tháng Mười Một năm 2016, chúng ta vẫn chưa biết tổng thống Mỹ tân cử có
một chính sách nào về Châu Á. Sau khi nhậm chức chắc ông Donald Trump sẽ được
các chuyên gia chiến lược cho biết chính sách chuyển trục không thể chỉ đi một
chân, chân quân sự. Trước mặt thế giới, nước Mỹ không thể tự mình làm mất địa
vị lãnh đạo kinh tế và vai trò cổ động cho những giá trị tự do dân chủ, nhân
quyền.
Nguồn: Theo Người Việt
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire