Trang

05/11/2016

Tản mạn Tây Nguyên (7)


Nguyên Ngọc

Nguồn: Theo BVDVĐĐL

Nhà văn Nguyên Ngọc:  "Có thể nói mà không sợ quá sai: từ sau 1975, công cuộc xây dựng, phát triển và khai thác Tây Nguyên đã được tiến hành rất tích cực, chăm chỉ, hồ hởi, rộng khắp …, nhưng lại có điều rất lạ: hầu như không dựa chắc trên cơ sở nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào!

Phải nói thật rõ, ở Tây Nguyên, không trên cơ sở hiểu biết nghiêm túc, sâu sắc và giải quyết đúng đắn, cẩn trọng các vấn đề xã hội, kinh tế, văn hóa, thì càng làm hăng cái gọi là “khoa học công nghệ” sẽ chỉ dẫn tới càng tàn phá, cho đến tận diệt … "




Người Pháp nghiên cứu Tây Nguyên


1- Các nhà truyền giáo và các nhà thám hiểm
 
 
Có thể nói mà không sợ quá sai: từ sau 1975, công cuộc xây dựng, phát triển và khai thác Tây Nguyên đã được tiến hành rất tích cực, chăm chỉ, hồ hởi, rộng khắp …, nhưng lại có điều rất lạ: hầu như không dựa chắc trên cơ sở nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào! Từ ấy đến nay, về phía Nhà nước đã có ba đợt nghiên cứu lớn, gọi là các Chương trình Tây Nguyên 1, Tây Nguyên 2, Tây Nguyên 3 vào các năm 1976-80, 1984-88, 2013-16. Các chương trình nghiên cứu này trong thực tế đều được giao cho Viện Khoa học Công nghệ chủ trì, trong khi bất cứ người nào có biết đôi chút về vùng đất này đều có thể hiểu đối với Tây Nguyên, đặc biệt trong tình hình từ sau 1975 (và cho tận đến nay) vấn đề chủ yếu không phải là chuyện công nghệ, mà trước hết là chuyện xã hội, kinh tế, văn hóa. Công nghệ, kỹ thuật … đương nhiên có tầm quan trọng nhất định của nó rồi. Nhưng phải nói thật rõ, ở Tây Nguyên, không trên cơ sở hiểu biết nghiêm túc, sâu sắc và giải quyết đúng đắn, cẩn trọng các vấn đề xã hội, kinh tế, văn hóa, thì càng làm hăng cái gọi là “khoa học công nghệ” sẽ chỉ dẫn tới càng tàn phá, cho đến tận diệt … Chương trình Tây Nguyên 1, rất may mắn có được Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ thời bây giờ là giáo sư Nguyễn Văn Chiển, một nhà khoa học uyên bác, đồng thời là một nhà văn hóa lớn, đứng đầu. Ông đã tập họp cho công việc quan trọng này những chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực khá toàn diện, trong đó có nhiều nhà văn hóa uy tín và khá am hiểu Tây Nguyên. Kết quả là một công trình toàn diện và sâu sắc, nhận ra được đúng diện mạo thực của Tây Nguyên, và đã có những dự báo và đề xuất quan trọng cho đến nay còn rất chính xác. Song rồi nghiên cứu tâm huyết và công phu đó cũng không thoát được số phận chung: nó được đóng bìa trang trọng, gáy xanh chữ vàng … để được cất kỹ vào ngăn kéo. Theo chỗ tôi được biết, không cơ quan làm chủ trương, chính sách nào ở cấp cao nhất, cũng không cấp thực hiện cụ thể nào ở đia phương quan tâm đến nó, thậm chí biết đến việc có nó trên đời này … Cũng không thể không nhắc đến nhà khoa học Nguyễn Từ Chi. Ông là chuyên gia nổi tiếng về Mường. Nhưng với tầm nhìn sắc sảo và thâm thúy, dù chỉ đến Tây Nguyên gần như thoáng qua, trong một bài viết rất ngắn, sớm một cách khác thường, ông đã cảnh báo ba nguy cơ đối với Tây Nguyên đến nay đã được chứng minh là hoàn toàn chính xác. Theo ông, nếu cứ làm như ông đã thấy đang làm (ấy là vào cuối những năm 1970 đầu 1980) thì Tây Nguyên tất yếu (1) sẽ mất hết rừng, (2) người bản địa sẽ mất hết đất vào tay người nơi khác đến, (3) văn hóa sẽ mai một, suy tàn với buôn làng đổ vỡ. Buồn thay, không ai nghe những lời sấm truyền bậc thầy ấy …

Nghiên cứu Tây Nguyên một cách nghiêm túc, và chỉ hành động ở đây rất, rất thận trọng trên cơ sở những kết quả nghiên cứu ấy, đặc biệt trong tình hình hiện nay khi trên rất nhiều lĩnh vực sống còn Tây Nguyên đều đã “vượt ngưỡng”, là yêu cầu số một đối với những ai có trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp, xa hay gần đối với vùng đất này và với các dân tộc vốn là chủ nhân lâu đời ở đây.

Nói điều này thì có thể hơi khó nghe, nhưng mà là thật: người Pháp xâm lược đã rất biết cẩn thận và nghiêm túc như vậy khi họ đến Tây Nguyên. Cho đến nay có thể nói rõ: họ là những người nghiên cứu Tây Nguyên sớm nhất, ngay khi vừa đặt bước chân đầu tiên lên bán đảo Đông Dương, và suốt gần trăm năm sau đó cũng chính họ là những người nghiên cứu Tây Nguyên nhiều nhất, kỹ càng, sâu sắc, cơ bản và toàn diện nhất. Cho nên cần nói rõ: một trong những công việc quan trọng cần tập trung làm hiện nay trong nghiên cứu Tây Nguyên là cố gắng dịch cho hết nhừng gì người Pháp đã viết về vùng cao nguyên này trong gần trăm năm qua. Còn cả một khối lượng khổng lồ. Tôi cũng được biết ở Pháp hiện nay vẫn còn một số văn bản do người Pháp viết về Tây Nguyên bằng tiếng Ba Na, Gia Rai, Ê Đê … chưa được dịch ra tiếng Pháp hay tiếng Việt, tất nhiên chưa được xuất bản, thậm chí chưa có ai tiếp cận và khai thác. Nghĩa là công việc còn rất nhiều và ngổn ngang. Tôi luôn bị ám ảnh bởi một câu hỏi: “Mà còn ai tâm huyết?” … (Người Mỹ chưa có nghiên cứu thật đáng kể nào về Tây Nguyên. Mới thấy vài cuốn sách của G. Hickey, chủ yếu tóm lược các nghiên cứu đã có của Pháp nhằm phục vụ cấp tốc cho quân đội Mỹ sử dụng trên chiến trường).

Có thể chia những người Pháp nghiên cứu Tây Nguyên gồm mấy loại, theo thời gian: thoạt tiên là các nhà truyền giáo; gần như song song là các nhà thám hiểm đi tiên phong khảo sát chuẩn bị cho việc chiếm đóng; rồi đến các nhà cai trị khi công cuộc “bình định” đã tương đối ổn; cuối cùng là các nhà khoa học thật sự, “thuần túy”. Tất nhiên chia lớp như vậy cũng là tương đối, giữa các lớp ấy thường có chồng lấn, giao thoa.

Việc các nhà truyền giáo Thiên Chúa lên Tây Nguyên thoạt tiên không bắt nguồn từ một ham muốn nghiên cứu nào, cũng không vì ý đồ xâm lược. Họ … chạy trốn, bị truy đuổi ráo riết bởi chính sách “sát tả” khốc liệt của triều đình An Nam, nhất là từ năm 1848 khi Tự Đức lên ngôi và ban hành chỉ dụ đặt Công giáo ra ngoài vòng pháp luật. Chạy đi đâu? Mơ hồ nghe nói trên những dảy núi phía Tây mờ mịt kia có những tộc người hoang dã còn sống tự do, sự kiểm soát của triều đình hẳn còn sơ khoáng, họ hy vọng tìm được ở đấy một chốn ẩn nấp an toàn. Một trong những đặc điểm của địa hình Tây Nguyên là dốc đứng trên mạn sườn đổ xuống vùng ven biển Nam Trung Bộ. Muốn lên Tây Nguyên từ Nam Trung Bộ, phải len lỏi theo các khe hẹp là các ngọn đèo độc đạo hiểm trở, ngày ấy hẳn còn là đường mòn và chắc chắn được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều cuộc xoi đường lên núi khó nhọc của các giáo sĩ Pháp đã liên tiếp thất bại, thậm chí có người đã phải bỏ mạng. Cuối cùng đến năm 1848, đúng năm Tự Đức thúc đẩy dữ dội hơn nữa cuộc truy đuổi, một nhà truyền giáo trẻ người Việt tên là Nguyễn Do, còn gọi là thầy Sáu Do, không theo những con đường “truyền thống”, tự băng rừng xé núi mà đi, đã tìm đến và đứng chân lại được ở một thung lũng khá rộng, đất đai bằng phẳng và phì nhiêu, chưa có bóng người Kinh nào, bên bờ một con sông rất bình lặng tên là sông Đak Bla nước chảy về hướng Tây, về sông mẹ Mêkông (chính trên con sông này, một thế kỷ sau, đã ra đời nhà máy thủy điện Yaly lớn nhất Tây Nguyên). Theo báo cáo và hướng dẫn của thầy Sáu Do, hai năm sau Giám mục Tông tòa Đàng Trong Étienne Théodore Cuénot cử tiếp hai nhà truyền giáo lên: linh mục Combes đến làng Kon Kơ Xăm lập được xứ đạo Công giáo đầu tiên của người Ba Na, linh mục Dourisboure lập xứ đạo cũng là đầu tiên của người Xơ Đăng ở làng Kon Trang. Đến thăm Tòa Giám mục Kontum ngày nay, còn có thể ngắm tượng người mở đường Sáu Do đặt ở vị trí trang trọng nhất trước tòa, và có thể tìm mua cuốn sách “Dân Làng Hồ”, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Les sauvages Bahnars” (“Những người man di Ba Na”) của cha Dourisboure. Trong tiếng Xơ Đăng, Kon có nghĩa là Làng, Tum = Hồ. Kontum = Làng Hồ. Ngày ấy ở đây còn một hồ nước lớn. “Dân Làng Hồ” kể về cuộc chạy trốn của những người Công giáo lên Kontum và Tây Nguyên, lại hóa ra là cũng cuộc khám khá một vùng truyền đạo lý tưởng cho họ. Xứ đạo Kontum, xứ đạo Thiên Chúa lớn nhất và quan trọng nhất ở Tây Nguyên đã ra đời như vậy. Và “Dân Làng Hồ” có thể được coi là công trình Tây Nguyên học đầu tiên của một cây bút người Pháp. Về sau hầu hết các nhà truyền giáo đến vùng đất này đều đã để lại những công trình nghiên cứu lớn nhỏ, hoặc ít nhất cũng là những ghi chép quý. Muốn truyền đạo thành công, họ phải nghiên cứu những con người là đối tượng của họ trong tất cả các chiều kích, lịch sử, cơ cấu xã hội, ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng, tâm lý … Và trước khi xuống tàu rời nước Pháp để lênh đênh đến nơi xa ngút này có thể suốt đời, họ đã được Đoàn Thừa sai Paris trang bị đầy đủ những kiến thức vững chắc để làm công việc đó.

Lại nữa, dân tộc học là một nghề, một nghiệp, hay như Georges Condominas nói “một loại hình sống” (un genre de vie) khác thường, không giống các khoa học khác, nơi người ta có thể “đứng ngoài” – thậm chí cần đứng ngoài – để có thể lạnh lùng khách quan quan sát. Nó khác, nó là sự nhìn ngắm con người, nhìn ngắm chăm chú, và phải đạt đến cho được chỗ nhìn ngắm từ bên trong. Lại nữa, đấy thường là những con người thoạt trông rất thô sơ và đơn giản, song càng nhìn ngắm kỹ, lâu, sâu, lại không ít khi có thể tìm thấy ở đấy những chiều thăm thẳm mà kẻ văn minh đi tìm chưa hề biết, hoặc cũng có khi có cảm giác mình đã quên và bỗng muốn được quay về. Một nhà dân tộc học thật sự, dẫu đó là một nhà truyền giáo do trách vụ mà phải trở thành, không bao giờ có thể là chỉ là một nhà nghiên cứu lạnh lùng. Họ thường say đắm và thường phải luôn cố giữ sự bình tĩnh khoa học trong đắm đuối đó … Nhân đây tôi xin phép dừng lại một chút để nhắc một kỷ niệm riêng: đầu năm 1954, sau khi tiêu diệt hai đồn binh quan trọng Mang Đen và Kombraih của Pháp trên đường từ Quảng Ngãi lên Kontum, đơn vị chúng tôi được lệnh băng xuyên theo một đường cạnh huyền bất ngờ từ Kombraih nhanh chóng vận động đến một điểm gọi là Ngã ba Trà Huỳnh trên quốc lộ số 14, chặn đánh quân Pháp từ Kontum tháo chạy về Pleiku. Rừng đại ngàn chằng chịt nhiều tầng, nhiều lớp cây chen lẫn dây leo rối bù và vô số loại mây và gai rừng đủ kiểu, chúng tôi phải xé rừng, banh hết mọi thứ ra mà len chân tiến tới từng mét … Vậy mà, giữa đêm đó, đúng ở chỗ rừng già sâu nhất tưởng chừng chưa hề có dấu chân người văn minh, chúng tôi bắt gặp một ngôi làng nhỏ chỉ có hai hay ba nóc nhà, với một nhà thờ cất toàn bằng tre nứa, nóc cao vút theo đúng kiểu nhà rông Ba Na, và ra chào chúng tôi là một vị linh mục người Pháp râu tóc bạc phơ cùng gần chục con chiên Ba Na của ông. Ông nói với chúng tôi bằng tiếng Pháp và tiếng Ba Na, kể rằng ông đã ngoài 80 và đã ở đây gần 40 năm … Chiến tranh, chúng tôi không thể nán lại trò chuyện; sau trận Ngã ba Trà Huỳnh mà chúng tôi đánh hụt và bị khiển trách nặng nề, chúng tôi lại lao đến những trận khác, “đánh bù”, không còn có dịp quay lui … Mãi cách đây bốn năm, tôi mới trở lại được vùng ấy, đi suốt một ngày trên con đường ngày xưa, không tìm lại được chút dấu vết gì, ngôi làng Ba Na bé nhỏ giữa rừng, ngôi nhà thờ tre nứa huyền ảo trong đêm rừng đen kịt, và ông linh mục Pháp già râu tóc bạc phơ hệt một tiên vị giáng trần. Cũng không còn chút rừng nào để phải xé ra mà bước đi nữa. Bây giờ thì tít tắp một vùng ngút mắt mặt đất trơ trụi phơi mình dưới nắng cháy chang chang.

Thật khó quên đối với tôi, hình ảnh một nhà truyền giáo ngày ấy. Ước gì được đọc những trang ghi chép cặm cụi suốt 40 năm của ông sống cùng những người Ba Na giữa nơi thuở đó hẳn là chốn tận cùng thế giới … Có thể chúng đang nằm đâu đó trong số những tư liệu đang còn lưu lạc ở Pháp tôi đã nhắc đến trên kia chăng?

Mặt khác, cũng không thể không thấy sự dính líu tất yếu trong hoạt động của nhà truyền giáo thời bấy giờ ở Tây Nguyên, kể cả các hoạt động nghiên cứu của họ, với công cuộc thực dân hóa do người Pháp đang tiến hành ráo riết trên vùng đất đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược này. Tây Nguyên ở trên cao, là “nóc nhà của Đông Dương”, chiếm vị trí khống chế, các nhà quân sự nói: “Ai làm chủ Tây Nguyên, sẽ làm chủ Nam Đông Dương”. Có một sự kết hợp không che giấu giữa những người đi chinh phục với những người đi truyền đạo. Ta đã thấy ý đồ và hoạt động của những người đứng đầu xứ đạo Kontum dù chỉ mới được thành lập, nổi bật là vai trò của linh mục Guerlach, như chính ông thú nhận, đã ký một liên minh với tay phiêu lưu Mayréna “vua của người Xơ Đăng” nhằm lôi kéo người Xơ Đăng và cả người Ba Na đi đánh người Jarai với các Pӧtao của họ, còn giữ độc lập một cách bí hiểm chống lại mọi áp đặt cai trị của người Pháp … Guerlach đã có những ghi chép khá tỉ mỉ về sự vụ này, trong đó ta có thể thấy hiện lên rất sinh động chân dung và hành tung của một ông Vua Lửa Jarai tên là Ơi Tu đầy uy tín, oai phong và quyền lực, cả thần quyền lẫn thế quyền. Qua đây cũng có thể biết được cách các nhà truyền giáo Pháp bấy giờ nhìn nhận như thế nào về hệ thống Pӧtao thật khó hiểu mà lại đầy hiệu lực của người Jarai: Guerlach, vị linh mục uyên bác ấy đã liều lĩnh gọi Ơi Tu là một “tay phù thủy mọi”! …

Cần tìm và gỡ ra cho được những tư liệu quý do các nhà truyền giáo thời ấy còn để lại, từ mớ rối rắm lịch sử đó …

˟˟˟˟˟˟

Song song với các nhà truyền giáo là một lực lượng khác, còn quan trọng hơn nhiều: các nhà thám hiểm và chinh phục (les explorateurs et les conquérants). Nói chung, họ gồm hai loại người. Hoặc là những nhà khoa học, được trang bị vững chắc về dân tộc học và và các ngành khoa học liên quan, là viên chức dân sự trong bộ máy thuộc địa đang hình thành, được sung vào các phái bộ (mission) chuyên đi thám hiểm khảo sát các vùng đất còn chưa được biết đến, nhằm chuẩn bị cho việc chinh phục và đặt ách cai trị lên đó. Hoặc họ là những sĩ quan của đội quân viễn chinh, thuộc bộ phận trinh sát tiên phong của nó, cũng có nhiệm vụ thám hiểm, khảo sát, và đặt những mốc chinh phục, cụ thể là những đồn bốt khống chế đầu tiên. Dù thuộc loại nào, họ thường có những tính cách chung, cũng chính vì những tính cách đó mà họ được chọn: quyết đoán và độc đảm, ham mạo hiểm, thích phiêu lưu, dám dấn thân, rất thực tế và tháo vát, cùng lúc lại rất lãng mạn dẫu thường giấu dưới một vẻ ngoài khắc khổ. Là những đồ đệ của Rousseau, họ yêu tự nhiên hoang dã và những con người “nguyên thủy” còn quá trong trẻo trong tự nhiên đó, cả hai đều rất dễ bị tổn thương trước cái thời đại mới mà họ biết chính họ đang mang đến.

Hãy xin thử nói đến hai nhân vật có thể coi là tiêu biểu trong hai loại người ấy, Henri Maitre và Odend’hal.

Henri Maitre là tác giả công trình khảo sát về Tây Nguyên sớm nhất và cho đến nay, sau hơn 100 năm, vẫn là toàn diện nhất, chưa có tác phẩm nào khác vượt qua được. Công trình của ông có tên là “Rú Mọi” (“Les jungles moi”), đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội và NXB Tri thức tổ chức dịch và ấn hành với tên sách “Rừng người thượng[1]. Thực ra “Rừng người thượng” chỉ là một phần, phần thứ ba của “Rú mọi” vốn gồm có ba phần. Hai phần đầu là nhật ký hành trình của tác giả trong chuyến thám hiểm gian nan và thú vị của ông qua suốt Tây Nguyên (đúng hơn là Nam Trường Sơn, có cả một bộ phận Lào và Campuchia). Những người làm sách đã quyết định dịch và giới thiệu trước với độc giả phần thứ ba, trong đó, trên cơ sở khối tư liệu vô cùng phong phú và sống động thu được trên thực địa, lại được kiểm tra và bổ sung bằng những nghiên cứu thư viện, Henri Maitre trình bày một bản khái quát và phân tích về Tây Nguyên từ nhiều góc độ và trên hầu hết các lĩnh vực quan trọng nhất của nó, từ sơn văn, thủy văn, hệ thực vật và động vật, ngôn ngữ và phân bố các tộc người, cho đến lịch sử Tây Nguyên khá hoàn chỉnh mặc dầu được viết dưới tiêu đề khiêm tốn “Lược sử”, lại còn một phần dự phóng tuy sơ lược nhưng cũng rất đáng lưu ý cho vùng đất và người này.

Theo như được ghi trong nhật ký hành trình của ông, Henri Maitre đặt bước chân đầu tiên lên Tây Nguyên vào ngày 7 tháng 2 năm 1909. Và cũng theo cuốn nhật ký hành trình được ghi rất chăm chỉ ấy, ông đã hoàn thành cuộc khảo sát của mình vào ngày 10 tháng 2 năm 1910. Đúng một năm ba ngày. Henri Maitre sinh năm 1883. Thật kỳ lạ là nhà thám hiểm 26 tuổi đời ấy. Trong không đầy 370 ngày ông đã đi ngang dọc khắp Tây Nguyên, từ cực Nam đến cực Bắc của nó, tận Voeun-Saï và Attopeu của Lào, từ Đông sang Tây của nó, cho đến tận Sam Bok và Rong Damrei của Campuchia, nơi về sau một nhà nghiên cứu khác là Jacques Dournes xác định là nằm trên con đường các đoàn sứ thần của vua Khmer vẫn định kỳ lên dâng cống vật cho các Pӧtao Jarai. Tất nhiên là ngày ấy Maitre đi bộ, cũng có thể có một số đoạn được khiêng trên kiệu. Đọc kỹ, tôi nhận ra hình như chỉ có hai vùng ông không trực tiếp đặt chân tới được: các huyện của người Cơtu ở Tây Quảng Nam. Trong suốt gần 100 năm, người Pháp hầu như không lập được bộ máy cai trị của họ ở vùng này. Vùng thứ hai, như chính ông thú nhận: một số tổng phía Tây Quảng Ngãi và Bắc Bình Định “còn bất khuất”. Ở tất cả các nơi ông đã đi qua, từng dãy núi, từng trái núi đều được ghi nhận và mô tả rõ, không sót một dãy, một ngọn nào … Rồi đến từng con sông lớn, từng phụ lưu đổ ra sông lớn ấy, từng con suối lớn đổ ra phụ lưu, từng con suối nhỏ đổ ra suối lớn … Có thể thấy rõ ông lội ngược hầu hết những con nước đó, lội đến đâu chăm chú ghi và mô tả đến đấy … Và thảm thực vật xanh thẳm rậm rạp đến như muốn nhấn chìm con người. Và hệ động vật gần như còn nguyên từ thuở hoang sơ …




Đoàn khảo sát của Henri Maitre dừng lại trong rừng thưa. Nguồn: Rừng người thượng của Henri Maitre.


     Ta bỗng muốn biết vậy thật sự con người ấy là ai thế, con người đang say mê chăm chú ngắm nhìn và tận tụy mô tả cho ta tất cả những cảnh tượng vừa bí ẩn, âm u vừa kỳ vĩ kia, một nhà thám hiểm, một kẻ đi chinh phục, hay một con người quyết lặn lội đến tận nơi tận cùng của thiên nhiên hoang dã để lại mong tìm ra một điều gì đó trong chính mình mà thế giới văn minh đã che lấp mất? … Hãy nghe Maitre nói:

“ … Đêm nay cơn dông âm ỉ từ xa rồi mỗi lúc một đến gần; những đám mây lớn chậm chạp phủ khắp bầu trời và che lấp vầng trăng mờ tái; trên đỉnh núi gần, những ngọn lửa đỏ tựa máu của một đám cháy rừng dát vàng óng các đám mây; những tia chớp vạch ngang dọc chân trời phía Bắc trong khi ở phía Tây bầu trời đen như mực; trong thung lũng lửa đang lặng lẽ ngún nốt những gốc cây cuối cùng; có lúc tiếng rống giận dữ của bầy voi rừng đột ngột vang lên, nghe thê thảm trong đếm khuya, và, trong cái bóng đêm dày đặc, gió gầm gào và trăm nghìn mối đe dọa của rừng núi rập rình bốn bề, ta bỗng bị xâm chiếm bởi một cảm giác đơn độc cùng cực, quạnh hiu tuyệt đối và, bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới chung quanh, ta có cảm giác kỳ lạ bị bỏ quên, lạc loài, mất hút giữa một xứ sở trong mơ có thể sẽ chẳng còn bao giờ thoát ra được …”[2]

Tôi vẫn tin rằng tận trong chỗ sâu nhất của mỗi nhà dân tộc học chân chính có giấu một người nghệ sĩ. Và không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách nhân học hàng đầu Nhiệt đới buồn của Claude Lévy-Strauss suýt chút nữa thì được giải Goncourt, nếu cái hội đồng giám khảo của giải văn học danh giá nhất nước Pháp ấy không kịp nhớ ra rằng điều lệ giải của họ đã nghiêm khắc quy định chỉ trao cho tiểu thuyết hư cấu chính cống. Còn tác phẩm điều tra dân tộc học nghiêm nhặt Chúng tôi ăn rừng của Georges Condominas thì được ấn hành ở Mercure de France, là nhà xuất bản chỉ chuyên in những tác giả văn học cỡ Rimbaud và Verlaine … Chính cái phần nghệ sĩ sâu xa trong nhà khoa học Henri Maitre đã cho phép ông phát hiện chiều siêu hình không ngờ của một thiên nhiên Tây Nguyên, mà buồn thay ngày nay ta đã tận diệt bởi lòng tham rất trần tục của mình rồi …

Các tư liệu có thể tra cứu được đến nay không cho biết trước khi trở thành viên chức của chính quyền thuộc địa Đông Dương và được bổ nhiệm trưởng phái bộ thám hiểm Tây Nguyên, Henri Maitre đã được đào tạo về mặt khoa học như thế nào cho nhiệm vụ khó khăn và phức tạp này. Nhưng chỉ riêng chương viết về phân loại các bộ tộc đã cho thấy ông đã nắm rất vững các tri thức về ngôn ngữ dân tộc học để có thể là người đầu tiên căn cứ trên các tiêu chí về ngữ hệ phân loại các tộc người Tây Nguyên đạt được độ chính xác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Như một nhà sử học sắc sảo, ông cũng là người đầu tiên phác họa một lược sử Tây Nguyên xuyên suốt, đặc biệt cung cấp một bức tranh hết sức sắc sảo về một thời kỳ cận đại đầy xáo động trên vùng đất này, khi tình trạng chiến tranh bộ lạc cực kỳ rối rắm còn chưa chấm dứt lại trộn lẫn với thách thức mới của xâm lược thực dân phương Tây đang đến. Riêng tôi rất chú ý chân dung nhân vật Mé Sao ở vùng Đak Lak thời bây giờ được Maitre vẽ nên với những chi tiết cặn kẽ, cực kỳ sắc nét và một bút pháp vừa hiện thực vừa lãng mạn đáng kinh ngạc[3]. Mé Sao, một tay giang hồ, một gã phiêu lưu, một kẻ gian hùng, một tên tướng cướp tàn bạo …, hay một đại tù trưởng vừa được trọng vọng vừa đáng khiếp sợ, một lãnh tụ đứng đầu bộ lạc chống xâm lược? “… một bút pháp vừa lãng mạn …”, bởi vì không thể không nhận ra hơi hướng của một giọng điệu hằn học sâu sắc khi Maitre viết về nhân vật này, một kiểu nhân vật đặc trưng của Tây Nguyên vào chính thời kỳ này. Phải chăng qua đây cũng cũng lại có thể nhận ra chính chân dung của những tác giả đến và viết về Tây Nguyên thời bấy giờ, những con người thiết tha muốn đến tìm hiểu, để mà làm bạn với vùng đất và người này, và cũng để mà khuất phục, chiếm cứ nó. Maitre đã viết về họ với tất cả cảm xúc đầy xung khắc trong chính ông.

Đoàn thám hiểm của Henri Maitre qua sông. Nguồn: Rừng người thượng của Henri Maitre.


Rú mọi”, công trình đồ sộ mà Henri Maitre đã cho ra đời chỉ hai năm sau đó ở Paris[4], do vậy không chỉ là một công trình khám phá lớn, có ý nghĩa mở đầu và khó vượt qua được về Tây Nguyên, nó còn là tiếng vọng của một thời kỳ lịch sử bi tráng khi chủ nghĩa thực dân với những viên chức tận tụy của nó đối mặt với các dân tộc được coi là còn man dã mà họ muốn đến chinh phục, … để mà khai sáng …

Năm 1914, hai năm sau khi “Rú mọi” ra đời, Henri Maitre trở lại Tây Nguyên, hẳn để tham gia vào công cuộc thiết lập nền cai trị của Pháp trên vùng đất ông đã tích cực góp phần chinh phục. Ngày 2 tháng 8 năm ấy ông bị giết chết ở Đak Nông, gần biên giới với Campuchia. Người đã hạ sát ông là Nơ Trang Lơn, như ta biết, lãnh tụ của một trong những cuộc nổi dậy chống xâm lược nổi tiếng nhất của Tây Nguyên đầu thế kỷ XX.

Năm 2009, tôi có đến Đak Nông, và theo chỉ dẫn của các anh chị ở bảo tàng Đak Nông, trên con đường từ huyện lỵ Tuy Đức đi về phía xã Quảng Đức, cách không xa đường lộ, tôi có được nhìn thấy một phiến đá đã bị đập vỡ một nửa. Trên nửa tấm đá còn lại, có thể đọc thấy mấy chữ … ITRE. Có thể đoán là mấy chữ sau cùng của tên Henri Maitre. Không phải mộ của ông. Có thể là bia kỷ niệm nơi nhà thám hiểm đã ngã xuống dưới tay của các nghĩa quân Mnông do Nơ Trang Lơn đứng đầu, gần trăm năm trước.

Đứng trước tấm đá im lặng hẳn cũng đã gần trăm năm tuổi, tôi chợt nghĩ, không biết trước khi trút hơi thở cuối cùng, nhà khoa học, nhà thám hiểm, nhà chinh phục Henri Maitre có hình dung kẻ giết mình giống như một Mé Sao ông từng vẽ chân dung rất tỉ mỉ và sinh động không?

˟˟˟˟˟˟

Khác với Henri Maitre là viên chức dân sự, J. Oden’hal là sĩ quan của đội quân viễn chinh. Nhiệm vụ của ông là thám hiểm và khảo sát, song với mục đích rõ ràng hơn: để khuất phục và tổ chức chiếm đóng, cai trị. Địa bàn của ông hẹp hơn (có thể vì thời gian của ông ngắn hơn) nhưng lại có thể khó khăn, phức tạp hơn: đấy chính là vùng của các Pӧtao, những nhân vật kháng cự lại công cuộc thu phục và chiếm của lực lượng xâm lược mới không phải bằng các cuộc nổi dậy vũ trang, mà giữ độc lập một cách ngoan cố và kỳ lạ bằng một thức “quyền lực” – như cách gọi của Jacques Dournes[5] – bí hiểm. Cuộc chiến đấu đặc biệt khó khăn của ông, nói theo cách nào đó, chính là phải cố giải mã cho ra cái quyền lực nửa người nửa ma khó hiểu kia, và những người bí hiểm nắm giữ nó, các Vua Nước và Lửa, mà ông gọi theo lối Lào là các Sadet (hay Sadète).

Xin dừng lại một chút để nói về lối gọi này của Odend’hal. Khi vào chiếm Đông Dương, đúng theo chính sách gọi là “chia để trị”, người Pháp đã chia bán đảo này ra thành năm “nước” khác nhau với chế độ chính trị khác nhau: Bắc Kỳ, An Nam (tức Trung Kỳ), Nam Kỳ, Cao Miên và Ai Lao. Vậy nên đặt Tây Nguyên vào đâu? Như đã nói, Tây Nguyên có đặc điểm về địa hình là dốc đứng ở phía Đông trên sườn đổ xuống vùng ven biển Nam Trung Bộ, trong khi về phía Tây lại khá bằng phẳng, thoai thoải chạy mãi đến bờ sông Mê Kông. Đi lại với Lào và Cao Miên do vậy dễ hơn. Chính quyền cai trị Đông Dương liền ghép Tây Nguyên về Lào, đúng hơn là theo chế độ quân quản giao vùng đất này cho quân khu Attopeu của Lào. Về sau, khi Lào vốn gốm hai tiểu quốc Nam và Bắc được gộp lại thành nước Lào thống nhất với thủ đô đặt ở Vientianne, nhận thấy từ Vientianne chỉ huy Tây Nguyên thì xa quá, bằng một nghị định, Toàn quyền Đông Dương lại giao Tây Nguyên về quân quản của quân khu Qui Nhơn, tức thuộc An Nam. Ấy là vào tháng 11 năm 1904. Về mặt pháp lý, từ đó Tây Nguyên mới là của An Nam, rồi Việt Nam. Tất nhiên đây là lô gích pháp lý tùy thuộc sự thuận lợi từng lúc của nền cai trị thực dân, mà Jacques Dournes gọi một cách mỉa mai là “lô gích của phân cắt” (logique du découpage). Hoạt động của Odend’hal diễn ra khi Tây Nguyên còn thuộc Lào, khoảng cuối năm 1903 đâu 1904. Mãi hơn nửa thế kỷ sau, Jacques Dournes mới cung cấp được lời giải cho điều bí mật mà Odend’hal với lòng say mê khoa học và đức tính tò mò tất yếu của một nhà thám hiểm cố khám phá. Và vì ông có quân và có súng trong tay, lại được sự phối hợp, hỗ trợ của cha Guerlach ở cách đó không xa và có khi còn muốn quyết liệt hơn cả ông trong việc khắc phục hay trừ khử tên “phù thuỷ mọi” ma quỷ kia, ông sẵn sàng dùng vũ lực, ít nhất là uy hiếp có tính vũ lực, nếu không chiếm lĩnh điều bí mật bằng thuyết phục hòa bình.

Ngày 12-2-1904, Odend’hal gửi cho cha Guerlach một bức thư báo tin do đã tìm thấy ở Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội những tài liệu về một số phế tích Chàm ở vùng Cheo Reo, ông quyết định sẽ đi đến đó để dập ghi các văn khắc cổ. Từ đấy ông sẽ đi luôn đến chỗ các Sadète Nam và Fai (tức các Pӧtao Nước và Lửa) … Guerlach trả lời, khuyên ông thận trọng, chưa nên ghé qua đấy. Nhưng rất tin tưởng ở thiện chí của minh, Odend’hal vẫn quyết đi. Ngày 17-3, ông đến Cheo Reo và Plei Chư, khảo sát các phế tích Chàm. Theo Finot, từ đây Odend’hal đã bắt đầu gặp khó khăn, ông đã cảm nhận ra sự nghi ngại và ngấm ngầm thù hận trong thái độ của dân chúng (Jarai). Chính vì thế, khi rời Cheo Reo ngày 25-3 để đi đến chỗ các Sadète, ông đã thận trọng từ chối một đoàn tùy tùng chi viện do Guerlach định gửi đến cho ông. Khá tinh nhạy, ông hiểu những người đứng đầu giáo phận Kontum vốn coi các Pӧtao Jarai là những kẻ thù họ muốn trừ khử, và một chi viện từ các cha xứ ở đó gửi đến sẽ khiến người Jarai thêm nghi ngờ. Tuy nhiên sau đó ông bị sa lầy vì thiếu phương tiện chuyên chở, nên lại phải viết cho Vialleton là bề trên của phái bộ Kontum xin phái đến cho ông các con voi … Tất nhiên những người Jarai của các Pӧtao đã lặng lẽ theo rõi và biết rất rõ từng động thái này. Rừng núi là của họ.

Ngày 1-4, Odend’hal có cuộc hội kiến đầu tiên với Vua Lửa, và gửi phái viên của mình đến chỗ Vua Nước để xin gặp, nhưng bị từ chối. Về cuộc hội kiến với Vua Lửa ngày 1-4, Odend’hal ghi trong nhật kỳ hành trình của mình: “ … Vị Sadète nói với tôi rằng ông vui mừng thấy chiến tranh đã chấm dứt, ông yêu cầu miễn đánh thuế với các người trong làng và được quyền đi lại để đem nước đến cho xứ sở (tức thực hiện các cuộc tuần du định kỳ cầu mưa như ta đã biết[6]) … Nhà thám hiểm còn tặng Sadète một cái hộp đàn mà theo ông vị Vua tỏ ra rất thích. Sau đó ông chứng kiến, nhưng không tham gia, nghi lễ uống rượu ghè kết nghĩa hữu hảo, và ông đưa lại cho người phụ tá của ông chứ không ăn chiếc đùi gà ông được trao theo nghi lễ …[7]

Linh mục Kemlin ở Kontum về sau nói rằng đây chính là chi tiết quyết định. Sadète Lửa hiểu rằng viên sĩ quan trẻ đến chỗ ông kia đã thẳng thừng từ chối một kết ước hợp tác chân thành. Odend’hal thì không hiểu. Ông không nhớ rằng trong xã hội phương Tây văn minh của ông, nơi ông từ đó đến vùng rừng núi hoang vu này để chinh phục và khai hóa, tất cũng có những quy ước về quan hệ xã hội giữa con người với con người tương tự, tất nhiên dưới những hình thức có thể hoàn toàn khác. Ở chỗ ông, người ta có thể giết nhau bằng đấu gươm hay hiện đại hơn đấu súng vì một bội ước hay một lời khinh khi. Ở đây, ông đã không thể hiểu, không chịu hiểu, không coi các Pӧtao hay Sadète là đại diện của một nền văn minh khác, với những quy ước văn minh kiểu khác của nó.

Cuộc hội kiến của một đại úy thám hiểm Pháp với Vua Lửa (tranh vẽ). Nguồn: Pӧtao, một lý thuyết về quyền lực của người Jarai Đông Dương của Jacques Dournes


Ngày 7-4 Odend’hal thản nhiên trở lại chỗ Vua Lửa, cùng với voi và những người tùy tùng. Ông được đưa vào một ngôi nhà có khoảng bốn mươi người Jarai đang chờ ông. Họ hạ sát ông bằng rìu. Nhật ký hành trình của ông sáng hôm đó ghi một dòng cuối cùng dở dang: “Miưng và Lang khuyên tôi đừng làm …”. Miưng và Lang là ai? Có thể là những người lính Jarai trong đám tùy tùng của ông; bấy giờ người Pháp đã bắt dầu tuyển mộ được một số người bản địa phục vụ cho họ như vậy. Miưng và Lang là những người duy nhất hiểu điều có thể diễn ra với nhà thám hiểm sau cuộc gặp lần thứ nhất của ông với các Pӧtao và thái độ sơ suất khinh mạn của ông hôm đó.

Cũng có người cắt nghĩa cách khác về cái chết của Odend’hal. Họ bảo do Odend’hal khăng khăng đòi xem lưỡi gươm thiêng, biểu hiện của quyền lực Kӧtang hung bạo được giao cho Vua Lửa đời đời giữ chặt không để sổng thoát ra.

Jacques Dournes, sau 15 năm chăm chú nghiên cứu Jarai, có lời giải riêng của ông. Ông cho rằng qua Odend’hal, và bao nhiêu động thái khác của người Pháp hồi bây giờ, người Jarai đã nhận ra mối nguy đối với nền độc lập của họ mà họ đã giữ được một cách hiệu quả suốt lịch sử bằng một hệ thống quyền lực phi quyền lực kỳ lạ. Hình như đây cũng là lần duy nhất người Jarai đã phải dùng đến bạo lực để bảo vệ nền độc lập của mình, kể từ khi Rít của họ đánh bại Kӧtang.

Odend’hal, cũng như Maitre và bao nhiêu nhà thám hiểm khác đều có phần, có thể là phần rất nhiều, tha thiết đến để mà hiểu. Và làm bạn. Nhưng cũng chính J. Dournes từng có một câu nói để đời: “Nếu cần phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà hiểu”.

Tôi xin mạo muội nói thêm: Và là một tình yêu đầy kính trọng.

(Còn nữa)

1-11-2016




[1] Rừng người thượng. Hà Nội: Tri thức, 2008.

[2] Do Andrew Hardy và Nguyễn Văn Huy trích trong lời Tựa viết cho bản dịch Rừng người thượng. Hà Nội: Tri thức, 2008.

[3] Henri Maitre, Rừng người thượng. Hà Nội: Tri thức, 2008, tr. 325-328.

[4] Rú mọi được in lần đầu tiên năm 1912 ở NXB Émile Larose – Paris, với tên đầy đủ Les jungles moi. Exploration et histoire des hinterlands moi du Cambodge, de la Cochinchine, de l’Annam et du Laos (Rú mọi. Thám hiểm và lịch sử các vùng nội địa mọi của Cao Miên, Nam Kỳ, An Nam và Lào).

[5] Tác phẩm của J. Dournes viết về chủ đề này có tên là “Pӧtao, một lý thuyết về quyền lực của người Jarai Đông Dương”.

[6] X. Nguyên Ngọc. Tản mạn Tây Nguyên (6). Văn Việt.

[7] Rừng người thượng, sđd, tr. 60-73.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire