Hoàng Long
(Thị trường) - Trong khi các mặt hàng nông, lâm
thủy sản đều tăng thì kim ngạch xuất khẩu gạo liên tục giảm buộc Việt Nam phải
sang Campuchia học kinh nghiệm.
Trong khi các mặt hàng nông, lâm thủy sản đều tăng thì kim ngạch xuất khẩu gạo liên tục giảm buộc Việt Nam phải sang Campuchia học kinh nghiệm. |
Lúa gạo xuất khẩu giảm mạnh
Bộ NN-PTNT vừa có báo cáo về việc xuất
khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản của Việt Nam trong 11 tháng năm 2016.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ
sản tháng 11 ước đạt 2,69 tỷ USD, nâng tổng xuất khẩu trong 11 tháng lên mức
29,1 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng
nông sản chính ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 7,2%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước
đạt 6,4 tỷ USD; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 6,5 tỷ
USD.
Đáng chú ý, trong khi các mặt hàng nông
sản khác như cà phê, hạt điều, cao su, chè...có xu hướng tăng, thì xuất khẩu
gạo của Việt Nam thời gian qua đã giảm mạnh cả về lượng và giá trị.
Số lượng thống kê cho thấy, khối lượng gạo
xuất khẩu tháng 11 ước đạt 353 nghìn tấn với giá trị đạt 156 triệu USD, đưa
khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2016 ước đạt 4,54 triệu tấn và 2 tỷ USD,
giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn tiếp tục
đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 36% thị phần.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang thị trường
này 10 tháng chỉ đạt 1,57 triệu tấn, giảm 22,5% về lượng và 13,7% so với cùng
kỳ.
Ngoài ra, các thị trường khác vốn nhập
khẩu nhiều gạo từ Việt Nam cũng giảm mạnh. Cụ thể Philippines (-61,6%),
Malaysia (-51,5%), Singapore (34,1%), Bờ Biển Ngà (-29,1%), Mỹ (-28,3%) và Hồng
Kông (-7,7%).
Kim ngạch xuất khẩu gạo giảm mạnh đang là
một thách thức đặt ra đối với ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Việc liên
tiếp bị mất thị phần xuất khẩu gạo đang gây ra nhiều khó khăn với ngành sản
xuất trong nước.
Học Campuchia đã muộn?
Để tìm ra lối thoát cho lúa gạo Việt Nam,
mới đây tỉnh Sóc Trăng đã cử đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm. Đi
cùng đoàn còn có GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí, ông Hồ Quang Cua,
nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, “cha đẻ” giống lúa thơm đặc sản mang
thương hiệu “ST” đánh giá cao sự đầu tư và chiến lược bài bản của Campuchia
trong thời gian qua.
Theo ông Cua, đóng góp quan trọng vào
thành công của Campuchia phải kể đến Viện Nghiên cứu nông nghiệp Campuchia. Cơ
quan này tổ chức bình tuyển và chọn ra giống lúa Phka Roumdoul vào năm
2009. Họ đưa sản phẩm đi dự thi đấu xảo quốc tế 3 năm liền (2012 - 2014) và đều
đoạt giải gạo ngon nhất thế giới.
Sau khi bình tuyển xong, Campuchia tiếp
tục thanh lọc và mở rộng diện tích gieo trồng giống này. Hiện nay quốc gia này
gieo trồng các giống lúa thơm lên đến 40% diện tích.
Cùng với đó, họ còn tổ chức xây dựng mô
hình sản xuất gạo hữu cơ với sự tham gia của khoảng 100.000 hộ nông dân sản
xuất lúa hữu cơ với quy mô lên đến 50.000 ha. Đặc biệt, những sản phẩm này được
Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức BCS Oko - Garantie của Đức chứng nhận hữu cơ.
Bên cạnh đó, một điểm khác biệt nữa được
ông Cua chỉ ra, đó là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Campuchia rất biết
cách khai thác các thị trường cao cấp khi họ in logo gạo ngon nhất thế giới lên
thương hiệu của mình.
Theo đánh giá của ông Cua, hiện nay, gạo
thơm của Campuchia được rất nhiều nước phát triển trên thế giới đặt mua, đặc
biệt là châu Âu. Thậm chí, các doanh nghiệp của Malaysia trước giờ mua nhiều
gạo thơm của Việt Nam cũng chuyển dần sang mua gạo của Campuchia.
“Gạo của Campuchia đã xuất khẩu tới những thị
trường khó tính nhất thế giới, có giá trị vượt 65% giá bình quân của thị
trường: 1.475 USD/tấn so với khoảng 890 USD tấn. Campuchia đã thành công với
thương hiệu gạo của mình; trong khi đó việc xây dựng thương hiệu gạo ở Việt Nam
vẫn còn trầy trật”, ông Cua khẳng định.
Hoàng Long
Nguồn: Theo Báo Đất Việt
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire