Trang

31/12/2016

Donald Trump và tương lai nước Mỹ

Phạm Phú Khải

 "Điều chắc chắn là muốn thay đổi thành công, ông Trump và chính quyền ông lãnh đạo trong bốn năm tới, ngay cả khi lưỡng viện đều thuộc đảng Cộng Hoà, cũng không đủ để giúp ông đạt được những hứa hẹn sau khi lên nắm quyền. Ông thật sự cần sự ủng hộ của đại đa số dân Mỹ đối với các chính sách của ông trong những ngày tháng tới. "




Chiến thắng của ông Trump và phong trào dân túy tại Mỹ, Anh và nhiều nơi tại Âu châu hiện nay sẽ thay đổi mối bang giao quốc tế trong những năm tới một cách sâu sắc. Nhưng thay đổi như thế nào là điều hoàn toàn không chắc chắn. Chính ông Trump cũng chưa rõ những chính sách ông sẽ thực hiện khi lên nắm quyền vào ngày 20 tháng Giêng năm 2017 sẽ như thế nào. Trong cuộc tiếp xúc đặc biệt dành cho tờ The New York Times tại văn phòng ở Manhattan vào ngày 22 tháng Mười Một, ông Trump huyên thuyên về những chuyện nhỏ trong khi cả dàn phóng viên chuyên nghiệp cứ vặn hỏi những vấn đề lớn. Qua cuộc phỏng vấn này, những suy nghĩ của ông về các chính sách lớn, từ kinh tế đến biến đổi khí hậu và chính sách ngoại giao của Mỹ, cho thấy ông Trump chỉ muốn thay đổi hiện trạng, thách thức thành trì quyền lực hiện nay, nhưng ông cũng chưa có hoạch định rõ ràng về những thay đổi này.
 
Điều chắc chắn là muốn thay đổi thành công, ông Trump và chính quyền ông lãnh đạo trong bốn năm tới, ngay cả khi lưỡng viện đều thuộc đảng Cộng Hoà, cũng không đủ để giúp ông đạt được những hứa hẹn sau khi lên nắm quyền. Ông thật sự cần sự ủng hộ của đại đa số dân Mỹ đối với các chính sách của ông trong những ngày tháng tới.
 
Cần dàn nhân sự giỏi Ông Trump tuyên bố một trong những điều đầu tiên ông sẽ làm ngày đầu nhậm chức tổng thống là rút ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì nó có thể là một thảm họa cho Mỹ. Chuyên gia về mậu dịch Daniel Ikenson, trên tạp chí Foreign Affairs, phân tích sự tai hại của quyết định này. Ông nhận định rằng khó có một “hộp công cụ” (toolbox) về địa chiến lược có thể áp dụng tốt hơn TPP để phóng chiếu các giá trị của Mỹ, bảo đảm quyền lợi của Mỹ, và bắt buộc Trung Quốc cũng như các quốc gia khác tuân theo các luật lệ sẽ chi phối thương mại quốc tế trong thế kỷ 21. Điều đáng nói là ông Trump không cần vội vã quyết định gì cả, bởi vì TPP chưa được Quốc hội Mỹ thông qua. Nếu quốc hội có thông qua đi nữa, ông cũng không cần gấp rút ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định mà nên chờ tìm hiểu thêm các ý nghĩa địa chiến lược kỹ càng, coi nó như là một giải pháp có thể dùng đến trong tương lai nếu xét thấy hiệu quả. Đàng này ông vội vã bác bỏ tất cả các giá trị của nó, một công cụ có thể giúp Mỹ sau này. Ông đã bỏ lỡ một cơ hội tốt trong khi Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này để giành lấy vai trò lãnh đạo Châu Á – Thái Bình Dương về thương mại trong thời gian tới. Hành động trên càng làm cho nhiều người lo lắng đến những quyết định tương lai của Trump khi ông thực sự nắm quyền hành trong tay. Vấn đề kế tiếp là bom nguyên tử. Điều mà Mỹ lo lắng nhất là các nhóm khủng bố một ngày nào đó có được hay chế được bom nguyên tử. Nhưng điều mà cả thế giới lo lắng là các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga cũng như các quốc gia đang sở hữu một số bom nguyên tử sẽ hành xử độc đoán và thiếu trách nhiệm. Họ sẽ nhấn nút hay đe dọa nhấn nút để rồi đưa đến tình trạng leo thang chiến tranh hạt nhân mà hậu quả sẽ không thể đo lường được. Michael Krepon, một chuyên gia về an ninh hạt nhân, nhận định rằng các tổng thống trước đã tìm cách giảm bớt nguy cơ hạt nhân. Krepon nhận thấy cung cách và thái độ của Trump cho đến nay không cho thấy ông có khả năng để tự đo lường và điều hướng như thế. Tuy nhiên nếu Trump biết chọn những cố vấn an ninh quốc gia giỏi, biết đâu ông sẽ làm cho những người đang quan ngại về ông ngạc nhiên, như trường hợp của tổng thống Ronald Reagan trước đây. Do thiếu hiểu biết và kinh nghiệm về an ninh quốc phòng, ngoại giao, và về chính trị nói chung, Trump thật sự cần một đội ngũ chuyên gia và cố vấn giỏi để giúp ông đi đến những quyết định khó khăn và nguy hiểm trong thời gian tới. Những nhân sự Trump chọn cùng đi với ông trong bốn năm tới sẽ quyết định sự thành bại của ông. Đối phó với những thay đổi Những thay đổi lớn lao, kèm theo yếu tố bất định, luôn mang đến những lo lắng, bất an và sợ hãi cho nhiều thành phần xã hội, trong lẫn ngoài Mỹ. Bên trong nước Mỹ, ngoài những cuộc biểu tình phản đối Trump khắp nơi, người ta còn nghĩ đến chuyện di dân sang Canada hoặc dời qua bang California sống và vận động để bang tách khỏi Hoa Kỳ. Có lẽ trong lịch sử Mỹ chưa có một tổng thống nào chưa thực thụ nắm quyền mà đã làm cho dân chúng Mỹ lo sợ đến thế. Viễn ảnh Trump lên làm tổng thống làm cho những người bi quan nghĩ đến ngày tận thế. Alison McQueen biện luận rằng suy nghĩ như thế rất tai hại, bởi nó đưa đến ba thái độ chính trị cực kỳ nguy hiểm. Thứ nhất, thái độ rút khỏi sân khấu chính trị, không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào vì sợ bị đồng lõa với tội ác. Thứ hai, thái độ chấp nhận và bỏ cuộc, và như thế thiếu đi khả năng đối phó với những thử thách trước mặt. Thứ ba, thái độ hoàn toàn chấp nhận quan điểm tận thế, chia thế giới thành hai phe chính và tà, phỉ báng đối thủ của mình, và đẩy cuộc chiến công lý cuối cùng đến kết liễu bằng bạo lực. Tất nhiên những thái độ bi quan và chủ bại như thế là không nên, nhưng lại hoàn toàn dễ hiểu. Theo tâm lý học, chủ yếu dựa trên công trình nghiên cứu của bác sĩ tâm thần Elisabeth Kübler-Ross người Thụy Sĩ, khi người ta trải qua những mất mát lớn hay những thay đổi làm họ quá sốc, phản ứng đầu tiên là phủ nhận, không tin. Trong đêm 8 tháng Mười Một, khi Trump dẫn điểm gần con số 270 phiếu cử tri đoàn để chiến thắng, hình ảnh những người há mồm bịt tai thể hiện khắp nơi. Khi nó trở thành sự thật, phản ứng tiếp theo là sự sợ hãi hay giận dữ. Những cuộc biểu tình phản đối Trump trong thời gian qua thể hiện tâm lý này. Nhiều người còn có ý định dời sang bang California hay qua Canada. Họ rõ ràng sợ ảnh hưởng của sự thay đổi này. Trạng thái tâm lý tiếp theo là sau một thời gian, người ta từ từ chấp nhận, không còn tập trung đến những gì người ta có thể mất hay đã mất. Người ta bắt đầu thử nghiệm và khám phá những thay đổi đó có ý nghĩa gì đối với họ, tìm ra những gì tốt hay không tốt cho họ, và làm cách nào để họ thích nghi với tình thế mới. Và cuối cùng, người ta không chỉ chấp nhận thay đổi mà còn bắt đầu ủng hộ thay đổi đó, và tái xây dựng cách làm việc mới. Tin tưởng và nghi ngờ Trong cuộc tiếp xúc đặc biệt dành cho tờ The New York Times ngày 22 tháng Mười Một, tính cực đoan trong các quan điểm của ông Trump trước đây có giảm bớt, và ông ra vẻ cân nhắc hơn. Ông tỏ vẻ quan tâm đến những người bất đồng ý kiến với ông và kể cả chống đối ông. Ông hiểu nước Mỹ đang chia rẽ rất sâu sắc qua cuộc bầu cử vừa qua. Ông đã rút lại cũng như thay đổi một số quan điểm cực đoan trước đây, điển hình như vấn đề điều tra và bỏ tù bà Hillary Clinton (hiển nhiên ông sẽ gặp sự phản đối của những người ủng hộ ông về các quan điểm này trước đây). Rõ ràng ông không muốn tiếp tục bị chống đối, bị chỉ trích nặng nề nữa, nhất là từ các cơ quan ngôn luận có nhiều ảnh hưởng như The New York Times. Về mặt biến đổi khí hậu, ông cho biết ông sẽ cân nhắc kỹ, và giữ đầu óc phóng khoáng về vấn đề này. Giới truyền thông ở đâu cũng lo ngại luật phỉ báng được nới lỏng để mở đường cho các vụ kiện tụng liên miên và tốn kém để rồi chính nó trở thành công cụ ảnh hưởng quyền tự do báo chí. Vì thế trước khi kết thúc cuộc tiếp xúc, câu hỏi cuối cùng và cũng là câu hỏi quan trọng nhất đến từ người quyền hành nhất trong tờ The New York Times, giám đốc Mark Thompson. Ông Thompson hỏi ông Trump rằng sau những trao đổi về vấn đề phỉ báng và luật phỉ báng, ông Trump có cam kết đối với Tu Chính Án thứ Nhất của Hiến pháp không? Ông Trump không trả lời sẽ hay không, mà chỉ trấn an ông Thompson rằng “Tôi nghĩ ông sẽ hài lòng… Tôi nghĩ đó cũng là ý kiến hay, làm mềm đi các luật này, nhưng cũng sẽ bị kiện nhiều hơn… Tôi nên bắt đầu suy nghĩ về vấn đề này… Tôi nghĩ ông sẽ không sao”. Suy nghĩ phê phán Ông Thompson đặt câu hỏi này với ông Trump vì ông nghi ngờ những người như Trump có thể có những ý định mà những vị tổng thống trước đây hiếm có ai có. Đại đa số người dân trưởng thành trong nền dân chủ bền vững thường có suy nghĩ phê phán và thái độ ngờ vực đối với mọi vấn đề, nhất là quyền lực. Họ hiểu rõ rằng “quyền lực làm hư hỏng; quyền lực tuyệt đối làm hư hỏng tuyệt đối”. Họ không dễ dàng tin cho đến khi có đủ bằng chứng để thuyết phục họ. Họ tôn thờ sự thật và bỏ công đi tìm cho đến khi nào thoả mãn đã đạt được hay đã đến gần được sự thật. Nhờ thế mà họ tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành cái gì cũng tới nơi tới chốn. Nhờ thế mà họ đạt đến đỉnh cao của khoa học, văn học, xã hội học hay mọi lãnh vực học thuật đúng theo ý nghĩa của nó. Một quốc gia càng có tỷ lệ dân chúng có óc phê phán như thế thì càng có khả năng kiểm soát quyền lực của tư pháp, hành pháp và lập pháp, cũng như góp phần xây dựng và phát triển ngành truyền thông và các tổ chức xã hội dân sự hiệu quả. Cũng vì tính khả nghi, tính ngờ vực quyền hạn quá lớn đối với chính quyền liên bang vào thời lập quốc Hoa Kỳ mà quốc hội khóa đầu tiên đã phải phê chuẩn các tu chính án thứ nhất đến thứ mười của Hiến pháp, ngày 15 tháng Mười Hai năm 1791, sau này được biết đến là Bộ luật về quyền (Bill of rights) hay còn gọi là Tuyên ngôn nhân quyền. Nếu không có những tu chính án đó thì nước Mỹ có như ngày hôm nay không, và lịch sử nước Mỹ sẽ khác ra sao? Đây là một câu hỏi không dễ có câu trả lời. Một nền dân chủ vững mạnh cần người dân thuộc mọi khuynh hướng tin tưởng vào chế độ và các định chế của nó, vì nếu không tin tưởng thì sự tôn trọng các luật ban hành sẽ không có. Tuy nhiên, để cho nền dân chủ tiếp tục vững mạnh và tiến bộ, người dân cũng phải luôn nghi ngờ và cảnh giác trước những tư tưởng hay hành động dẫn đến sự phá hoại hay làm hư hỏng những hệ thống và giá trị chung. Tin tưởng và nghi ngờ (trust and distrust), tưởng như trái ngược, nhưng thật ra là hai mặt của nền dân chủ, không thể thiếu một trong hai. Khả năng một nền chuyên chế Giáo sư chính trị học chuyên về bang giao quốc tế Stephen M. Walt nghĩ rằng những ai đang sống ở Mỹ nên quan tâm đến sự đe dọa của Trump đối với trật tự hiến pháp của Mỹ. Là người theo trường phái hiện thực (realist), nghĩa là nhận diện những khả năng xấu nhất có thể xảy ra, Walt trình bày 10 điều thiết thực để nhận diện một lãnh tụ/tổng thống là một nhà độc tài hay không trên tạp chí Foreign Policy. Walt đưa ra những dẫn chứng cụ thể và phân tích những điểm người dân cần chú tâm để nhận diện, nhưng chỉ xin tóm lược ở đây. Thứ nhất là những nỗ lực có hệ thống để uy hiếp giới truyền thông. Walt trích dẫn cuốn 1984 của nhà văn George Orwell, người nhấn mạnh rằng các nhà độc tài tồn tại nhờ kiểm soát và độc quyền thông tin. Nếu chính phủ Trump đưa ra những chính sách nhằm giới hạn quyền tự do báo chí, hay uy hiếp các cơ quan truyền thông bằng cách cho phép hay giới hạn một số tường trình truyền thông quan trọng, thì đó là dấu hiệu cảnh báo lớn. Thứ hai là xây dựng một mạng lưới truyền thông chính thức ủng hộ Trump. Nếu Trump có ý đồ giống như tổng thống Nga Vladimir Putin xây dựng cơ quan truyền thông như Russia Today, thì điều này rất khó được Quốc hội Mỹ thông qua, nhưng phải cảnh báo nếu nó xảy ra. Thứ ba là chính trị hóa các dịch vụ dân sự, quân sự, vệ binh quốc gia, hoặc các cơ quan an ninh nội địa. Mặc dầu các cơ quan hành chính của chính phủ hoàn toàn phi chính trị, tổng thống vẫn có quyền và ảnh hưởng để đưa các nhân sự trung thành nhưng thiếu khả năng của mình vào nắm đầu các cơ quan này để gây ảnh hưởng. Điều này tuy khó nhưng không phải bất khả, nhất là khi lưỡng viện thuộc đảng Cộng Hòa hiện nay, và nó đã từng xảy ra trong thời George W Bush. Thứ tư là sử dụng quyền kiểm sát của chính phủ đối với đối thủ chính trị trong nước. Mức độ theo dõi kiểm soát một số đối tượng chính trị thời nay không khó, tuy quyền lực này chưa được sử dụng đối với các đối thủ chính trị tại Mỹ, nhưng theo Walt thì nếu Bush và Rumsfeld có thể ra lệnh để nhân viên chính quyền Mỹ sử dụng biện pháp tra tấn đối với những người khác thì thủ thuật kiểm soát này sẽ dễ như trò chơi trẻ con. Thứ năm là sử dụng quyền lực nhà nước để tưởng thưởng những người lãnh đạo công ty và trừng phạt đối thủ. Đối với các quốc gia có nền dân chủ nửa vời, lãnh tụ sẵn sàng sử dụng quyền hành pháp của nhà nước để tưởng thưởng giới doanh nhân trung thành và trừng phạt những ai dám thách thức mình, điều mà Putin đã sử dụng để kiểm soát các đầu sỏ chính trị tại Nga. Thứ sáu là sự chọn lọc nhân sự vào Tòa án Tối cao. Ông Trump sẽ có cơ hội đề cử một vài thẩm phán vào Tòa án Tối cao, và sự chọn lựa của ông ở đây sẽ nói lên nhiều điều. Ông chọn người có quan điểm độc lập và tài năng vượt trội, hay người có vẻ trung thành và mang ơn ông và sẵn sàng làm ngơ nếu ông có những hành động đã được nêu trên? Thứ bảy là sự thi hành luật pháp đối với một bên. Các nền dân chủ phóng khoáng cần phải dựa vào nền pháp trị được thi hành một cách trung lập về chính trị. Ông Trump có truyền lệnh cho các viên chức trong chính quyền Mỹ áp dụng luật lệ công bằng cho những ai phạm luật, dù là họ ủng hộ hay chống đối ông? Hành động của ông trong thời gian tới sẽ cho thấy ông thi hành pháp luật một cách công bằng hay nghiên cán cân công lý hầu làm lợi cho ông. Thứ tám là gian lận hệ thống thực sự. Trước khi thắng cử, ông Trump khẳng định các hệ thống hiện nay bất lợi/gian lận đối với ông, cho nên nếu ông có thua thì ông sẽ không chấp nhận kết quả. Trong bốn năm tới, không ai nghi ngờ phía ông Trump sẽ dồn nỗ lực để củng cố các ghế hạ viện an toàn cho đảng Cộng Hòa và các nỗ lực ngăn cản phía đảng Dân Chủ vào hạ viện trong kỳ bầu cử năm 2018 và 2020. Phải tìm hiểu và phát giác các thủ thuật đó. Thứ chín là chủ trương gây sợ hãi. Những kẻ chuyên chế độc tài thường tìm cách làm cho dân chúng thêm lo sợ về an ninh và phúc lợi xã hội, qua đó trông chờ vào lãnh đạo để bảo vệ họ. Khi tình thế xã hội khó khăn hơn hay nhiều mối nguy và hiểm họa hơn, những người dân đang sợ hãi thường nghĩ đến an toàn của họ là trên hết, quên đi những quyền tự do căn bản. Và rồi họ có thể ngoảnh mặt làm ngơ khi tổng thống tìm cách huy động thêm quyền lực cho chính mình, giới hạn các quyền tự do ngôn luận hay báo chí, và lạm quyền đối với các định chế vốn có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ nền dân chủ. Thứ mười là lăng mạ phía đối lập. Đây là thủ thuật cũ rích, nhưng thường được kẻ chuyên quyền đem ra áp dụng. Họ thuyết phục dân chúng rằng các đối thủ chính trị của mình có những điểm tương đồng hay ngay cả liên minh với kẻ thù của quốc gia. Họ đặt vấn đề về lòng yêu nước của những người này. Ở Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, khi có những thành phần dân chúng, nhất là thành phần cực đoan của cả hai phía ủng hộ và chống đối các vấn đề xã hội, ông Ergogan và Putin đã lợi dụng tình thế đó để củng cố quyền lực của mình. Giáo sư Walt nhấn mạnh viễn ảnh nền dân chủ Mỹ bị lật đổ không dễ gì xảy ra, nhưng không phải là bất khả, nhất là đối với một tổng thống như Trump. Tất cả những gì về Trump mà người ta biết càng là lý do để người dân quan tâm hơn đến chính trị chứ không thể mặc kệ nó, bởi vì dù nước Mỹ đang là nền dân chủ hiện nay không có nghĩa là nó sẽ tiếp tục nguyên trạng như vậy. Walt kết luận giá trị của tự do là thái độ cảnh giác mãi mãi.
 

Tài liệu tham khảo:
 
 “Donald Trump’s New York Times Interview: Full Transcript”, do Liam Stack, Jonah Engel Bromwich, Karen Workman và Tim Herrera ghi chép, ngày 23 tháng Mười Một, 2016.

Daniel Ikenson, “TPP, R.I.P?”, Foreign Affairs, ngày 22 tháng Mười Một, 2016.

Michael Krepon, “Trump and the Bomb”, Foreign Affairs, ngày 20 tháng Mười Một, 2016.

Alison McQueen, “Apocalyptic Thought in the Age of Trump”, Foreign Affairs, ngày 20 tháng Mười Một, 2016.

Stephen M. Walt, “10 Ways to Tell if Your President Is a Dictator”, Foreign Policy, ngày 23 tháng Mười Một, 2016. –

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire