Trang

08/12/2016

Khai mào cho một cuộc đấu tố như thời Nhân Văn – Giai Phẩm chăng?


 Nguyễn Phú Yên

Văn đoàn Độc Lập
 
Kỳ này xin mạo muội lạm bàn một chút chuyện văn chương chữ nghĩa. Đúng ra chuyện này là của các nhà văn, tôi chỉ là người đọc ngoại đạo với làng văn chương, nhưng thấy chẳng đặng đừng nên có vài dòng, mong các bạn văn bỏ lỗi. Sở dĩ vậy là vì đọc được bài “Văn đoàn Độc Lập còn vận động đến bao giờ?” của Thiên Văn trên tuần báo Văn Nghệ TP.HCM số 428 ngày 17-11. Đọc xong bài tôi giật mình, đúng là giọng văn nghe quen của một ông tên tuổi hẳn hoi nhưng lại bịa cái tên ấm ớ để ném đá giấu tay. Sao ông không dùng thì giờ lo cho sự nghiệp mà nhảy vào chửi bới với cái tên giả, sao không lấy luôn tên Thiên Lôi cho đáng mặt anh hào đi chứ? Ông đã từng phụ họa với ba ông nhạc sĩ nổi tiếng nhào vô “đấm đá”, xỉ vả thậm tệ nhạc sĩ Phạm Duy mấy năm trước, khi nhạc sĩ chân ướt chân ráo về định cư ở Việt Nam. Theo thời gian mấy ông ngậm miệng hết rồi vì thấy trật quá xá! Đâu có ai xô ngã được tên tuổi Phạm Duy nên các ông đành dùng luận điệu chính trị để bắt bẻ chuyện xảy ra từ hơn 60 năm trước?
 
 


Trở lại bài báo có mục đích “đánh” nhà văn lão thành Nguyên Ngọc (NN) và Ban Vận động Văn đoàn độc lập (xin viết tắt BVĐ), ông thiên lôi này xuất chiêu “tiền hô hậu ủng”. Trước hết ông dẫn chuyện xảy ra tại hội nghị chuyên ngành chuẩn bị đại hội Hội Nhà văn Hà Nội, ở đó ông nhà thơ Bằng Việt (BV) trả lời trường hợp nhà văn Phạm Xuân Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội) có tên trong BVĐ, rồi dắt dây sang chuyện BVĐ khiến nhà văn NN và tập thể này nổi giận. Nói về BVĐ, ông cho rằng đây là “một tổ chức dị biệt về quan điểm chính trị lẫn nghề nghiệp”! Sao ông lại áp đặt cái nhìn như thế trong khi BVĐ không phải là tổ chức chính trị và chuyên môn cũng chỉ là làm văn chương? Chỉ dị biệt với cá nhân ông về quan điểm văn chương thôi chứ?

Nhà văn NN đã phản đối xuyên tạc của BV và yêu cầu cải chính. Nghĩ sao đó mà BV chơi luôn một cái thư ngỏ. Chuyện bé xé ra to rồi! Như được mở cờ trong bụng, BV xem thư ngỏ như một tuyên bố để đối đầu với BVĐ. Ông nêu ra ba điểm trong Tuyên bố của BVĐ để công kích văn bản này, cho rằng BVĐ phủ nhận giá trị của nền văn học cách mạng kể từ 1945, trong khi Tuyên bố chỉ đề cập từ 1975 trở về sau. Tuyên bố BVĐ nhận xét hiện trạng văn hóa như thế này: “Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay, công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại, văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc”. Có gì mà ông BV cho rằng BVĐ “phủ định sạch trơn”? Lại còn nhắc khéo tác phẩm Đất nước đứng lên của NN với dụng ý gì? BV phản pháo ba điểm chính của Tuyên bố BVĐ mà ông cho là “chém gió”, là “kiểu tuyên ngôn thùng rỗng, những kiểu hiệu triệu mị dân”. Với cách dùng từ như thế này, BV đã bày tỏ quan điểm của mình và xác nhận đã đứng về “chiến tuyến” nào rồi. Thế là rõ nhé!

Đó là đoạn mở đầu “tiền hô” để ông Thiên Văn (tui đọc là Thiên Lôi) tiếp tục “hậu ủng”. Ông cũng dùng từ đao to búa lớn để kết tội BVĐ, nào là “tác oai, tác quái”, “ghê gớm”, “dư luận phản ứng gay gắt”? Xin hỏi ông dư luận nào ngoài mấy ông xếp hàng chung với mấy dư luận viên ăn theo nói leo? Còn chuyện có nhà văn nào đó ra khỏi BVĐ cũng là chuyện bình thường, tương tự như ra vào Hội Nhà văn Việt Nam vậy thôi! Có gì mà ầm ĩ khi ra khỏi một tổ chức để ông khen là “khôn ngoan”? Vậy những người còn lại là “dại dột” sao? Khôn ngoan của nhà văn là phải viết với tất cả sự trung thực, viết với lương tâm trong sáng của mình. TS Hà Sĩ Phu đã chỉ rõ, “đi dưới tấm bảng chỉ đường của trí tuệ”, không phải của cây gậy!

Ông thiên lôi đồng tình với BV khi ông này xúc phạm một số nhà văn tên tuổi có tên trong BVĐ bằng cách gọi họ là “những gương mặt hùng hổ nhiều tuổi đời nhưng ít tác phẩm”, rồi ông kêu gọi “nên tự giải tán”! Ông là nhà văn sao không hiểu được giá trị văn chương đâu phải ở chỗ có nhiều tác phẩm? Quan trọng là ở phẩm chất, tài năng, tư tưởng của tác phẩm của nhà văn chứ đâu cần phải căn cứ vào số lượng? Ông có biết “nhà thơ của một bài thơ” Pháp Felix Arvers chỉ với một bài thơ “Sonnet” (Khái Hưng đã dịch thành bài Tình tuyệt vọng) nhưng nổi tiếng từ đầu thế kỷ 19 đến nay không? Đó là chưa kể Boris Pasternak với tiểu thuyết Doctor Zhivago (Nobel 1958), Aleksandr Solzhenitsyn với tác phẩm Một ngày trong đời của Ivan Denisovich (Nobel 1970) viết ngay trong thời kỳ có chính quyền xô viết mà vẫn có giá trị rất xứng đáng.

Ông còn nhắc chuyện xưa “Tự Lực văn đoàn làm gì có cái gọi là BVĐ?”. Ông có biết Tự Lực văn đoàn với tư tưởng khai phóng, lãng mạn, Âu hóa… hình thành từ năm 1932, trong khi Đề cương văn hóa Việt Nam của Đảng đến năm 1943 mới có kia mà! Bấy giờ vẫn là thời Pháp thuộc nhưng tư nhân vẫn được ra báo, in sách, lập hội. Nó khác xa bây giờ chứ? Ông hỏi câu này thật ngớ ngẩn vì hiện Nhà nước đã cho phép lập hội chưa? Quốc hội vẫn còn treo Luật về Hội đó mà, vậy sao tự nhận là văn đoàn được! Ông xúi bậy để người ta bị còng đầu hả? Ông có biết dù chỉ mới là BVĐ, nghe đâu tác phẩm của 61 nhà văn xem như khó xuất hiện vì cái lệnh miệng này: tất cả báo chí lề phải tuyệt đối không được phỏng vấn, đăng bài của thành viên BVĐ trên bất kỳ báo nào! Có lẽ ông cũng đã biết!

Khi BVĐ có một trang web, ông lại bắt bẻ: “Nếu đã là BVĐ thì không có tư cách để có diễn đàn đăng tải sáng tác… Nếu BVĐ không phải một thứ ngớ ngẩn, thì chính là biểu hiện vô pháp vô thiên”. Bó tay với ông này! Nhà văn Nguyễn Minh Châu (NMC) đã từng than thở: “… những anh em bạn bè cầm bút một cách suôn sẻ bình thản, được trời đất ban cho một cái tạng nhà văn luôn luôn sẵn sàng thích nghi với mọi thứ lý luận và luật lệ văn học, họ thật sướng, viết ra trang giấy mà trong bụng chẳng bao giờ có điều gì phải sợ sệt, lo lắng, như một người bao giờ cũng sống đĩnh đạc, cứ thẳng đường chính rộng lớn mà đi; còn mình thì y như một kẻ gian phi lúc nào cũng như đang lén lút thu giấu cái gì quốc cấm trong cạp quần hay dưới áo. Nghĩ mà buồn quá, nghề giấy bút nó chẳng nuôi gì được mình mà chỉ thấy nó hành mình”. Khi nghe nhà văn NMC nói đến loại người cầm bút như ông mô tả trên, tôi liên tưởng đến nhà phê bình văn học Đặng Thai Mai từ năm 1944 đã dùng từ “văn sĩ bò sát” để ám chỉ loại người cầm bút này, chỉ biết bò theo cây gậy chỉ đường mà không dám ngửa mặt để thấy bầu trời sáng tạo tươi đẹp và rực rỡ như thế nào. Nhà văn NMC cũng nhắc lại câu chuyện “nhà thơ lớn như Xuân Diệu làm một công việc rất công phu là bình giá và giải thích những giá trị văn học cổ điển của nước nhà, mà sao Xuân Diệu phải rào đón, dựng lên bao nhiêu là lớp phên giậu để tự che chắn? Sao mà khổ vậy?”. Trong một trả lời phỏng vấn, nhà văn NN cũng nói: “Nếu xã hội cần văn học, ấy là cần tiếng nói riêng, khác biệt, độc đáo của từng nhà văn, góc nhìn, cách nhìn riêng của họ, từng người, từng nhân cách và từng tài năng, bằng cách chỉ có văn học làm được, không ai giống ai. Dồn hết họ vào một hội, để chỉ đạo thống nhất, buộc họ nghĩ giống nhau, tức triệt tiêu mất cái riêng họ có, riêng nhà văn mới có, để đóng góp, khiến họ chỉ có thể là công cụ tầm thường, vô dụng, còn tai hại nữa, vì khi đó họ chỉ có thể nói theo, nói dối…”. Chắc ông thiên lôi biết Hội Nhà văn Việt Nam đã vùi dập tập thơ Chân dung nhà văn của Xuân Sách như thế nào rồi?

Từ 50 năm trước, nhà văn – nhà báo Pháp Bernard Frank đã viết: “Không có bất cứ một nhà chính trị nào trên thế giới đáng cho một nhà văn bẻ gãy ngòi bút của mình vì ông ta”. Đọc những câu này, ông có thấy buồn cho thân phận nhà văn Việt Nam không, thưa ông? Cho nên dựa vào quyền lực của ai đó để hăm họa người khác là việc làm đê tiện, không xứng đáng là người, huống nữa là nhà văn! Chính vì những lập luận áp đặt trong bài viết trên, tôi ngờ rằng hai ông BV và TV muốn khai mào cho một cuộc đấu tố như thời Nhân Văn – Giai Phẩm chăng? Nếu vậy thì, thay vì một nền văn học rực sáng, văn học sẽ đi vào thảm họa. Trong viễn tượng đó, câu nói của F. Dostoievsky “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” sẽ không còn vang vọng trên đất nước này nữa, thưa các ông!

(03-12-2016)

Nguồn: Văn Việt

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire