Trang

11/12/2016

Sóng gió ở chính trường Hàn quốc

Vương Thuyên

Hinh mặt nạ của bà TT Phác Cẩn Huệ (mặt) và bà Thôi Thuận Thực (trái) do dân chúng biểu tình mang chế nhạo. Ảnh Internet
Lời nói đầu

Nữ tổng thống Phác Cẩn Huệ (Park Geun-hye,朴槿蕙) sau nhiều tháng bị chỉ trích và bị dân chúng ồ ạt xuống đường phản đối có lúc lên đến hơn một triệu người vừa bị Quốc hội cách chức ngày 9-12-2016 dù nhiệm kỳ 5 năm tổng thống của bà chỉ hết hạn vào tháng 2-2018.
 


Bà bị buộc tội «vi phạm Hiến pháp, tham nhũng, lạm quyền, thất bại bảo vệ người dân .vv». Dù vậy, theo Hiến pháp bà vẫn còn tại chức nhưng quyền hành của tổng thống tạm thời chuyển giao cho thủ tướng Hoàng Giáo An (Hwang Kyo-an,黄教安) trong khi chờ đợi Toà Hiến pháp phê chuẩn (hoặc không phê chuẩn) trong thởi hạn sáu tháng. Giới thân gần tổng thống cho biết bà sẽ chính thức ra đi vào tháng 4-2017.

Việc TT Cẩn Huệ bị Quốc hội cách chức là điều vô cùng nghiêm trọng và vô tiền khoáng hậu. Thực vậy, muốn miễn nhiệm tổng thống, đối lập phải  tập hợp 2/3 đại biểu trên 300 nghĩa là 201 đại biểu, nhưng đối lập chỉ có 171 đại biểu. Bà TT Cẩn Huệ bị cách chức với tỷ số 234/56, nghĩa là có 63 đại biểu của đảng bà bó thăm với đối lập.

Cần nhắc lại, bà Cẩn Huệ là trưởng nữ của nguyên tổng thống Phác Chánh Hy (Park Chung-hee,朴正熙), người đã cai trị Hàn quốc như bàn tay sắt trong một thời gian dài gần 16 năm (từ 12-1963 đến 10-1979) sau khi lật đổ tổng thống Doãn Phổ Thiện (Yun Po-sun,尹潽善). Ông là một lãnh tụ độc tài nhưng cũng phải công nhận ông là người đã đưa Hàn quốc từ một xứ nghèo nàn bị chia cắt lên cương vị một nước có một nền công nghiệp tiên tiến không những ở Á châu mà còn trên thế giới. Những tập đoàn công nghiệp lớn nổi tiếng như Samsung, Huyndai, Dawoo, LG (Lucky Goldstar), KIA, Hanjin..vv là một chứng minh hùng hồn.

Ngày nay, thu nhập đầu người Hàn quốc vượt xa đại đa số nước trong vùng và hơn 22 lần thu nhập đầu người bắc Triều Tiên (28000 USD so với 1250 USD năm 2015).

Lý do buộc phải ra đi

Bà Phác Cẩn Huệ sinh năm 1952 kế nhiệm tổng thống Lý Minh Bác (Lee Myung-bak,李明博) từ tháng 2-2013. Bà là vị tổng thống thứ 11 từ khi Hàn quốc được thành lập ngày 14-8-1948 mà tổng thống đầu tiên là ông Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee,李承晚). Bà cũng là tổng thống đầu tiên thuộc phái nữ giới của Hàn quốc.

Bà bị đối lập cáo buộc «đóng vai trò đáng kể» để người nữ bạn tâm giao lũng đoạn chính trường bằng những vụ bê bối tham mhũng và bị «tà giáo» khống chế.

Muốn hiểu rõ đầu đuôi gốc ngọn, chúng ta phải trở về thời sự cách đây ngoài bốn thập niên.

Năm 1974, TT Phác Chánh Hy, cha bà Cẩn Huệ, bị cơ quan tình báo Bắc Hàn tổ chức ám sát hụt nhưng viên đạn dành cho ông lại giết vợ ông.

Sang năm 1975, ông Thôi Thái Mẫn (Choi Tae-min ,崔太敏), người sáng lập ra «giáo hội của sự sống trường cửu» nói rằng ông đà được linh hồn mẹ của bà Cẩn Huệ thâm nhập và chuyển quyền lực cho người con gái của ông tên là Thôi Thuận Thực (Choi Soon-sil,崔順实). Từ đó trở đi, bà Cẩn Huệ trở thành bạn tâm giao với bà Thuận Thực. Ông Thôi còn làm cố vấn cho bà Cẩn Huệ đến khi ông qua đời năm 1994. Theo công điện của Đại sứ quán Mỹ năm 2007 do Wikileaks tiết lộ, ông Thôi đã hoàn toàn kiểm soát thể xác và linh hồn của cô thiếu nữ Cẩn Huệ trong thời gian trưởng thành.

Khi TT Phác Chánh Hy bị người đứng đầu tình báo của mình ám sát trong toà «Thanh Ố́c» (dinh tổng thống) năm 1979, có nhiều giả thuyết cho rằng nguyên nhân của sự thanh toán là vì TT Phác Chánh Hy đã bị ông Thôi Thái Mẫn chi phối và khống chế.

Một cố vấn trong bóng tối lạm dụng quyền lực

Do quan hệ thân thiết trong nhiều thập niên, bà Thuận Thực trở thành cố vấn cho bà Cẩn Huệ sau khi bà này đắc cử tổng thống đầu năm 2013 dù bà không có chức vụ chính thức nào trong chính quyền. Dù vậy, quyền lực của bà Thuận Thực rất lớn đến đỗi các quan chức trong chính quyền bị ví như «chuột gặp mèo» khi gặp bà. Bà còn bị giới truyền thông Hàn quốc gọi là một nữ «Rasputin Hàn quốc». [1]

Theo giới truyền thông, vai trò của bà Thuận Thực vượt xa tình bằng hữu. Bà không những là một cố vấn chính trị mà còn là người lạm dụng quyền lực để tích luỹ tài sản bất hợp pháp. Những diễn văn của bà tổng thống Cẩn Huệ trước khi đọc phải qua bà kiểm duyệt thậm chí bị sửa đổi cũng như những tư liệu tối mật có liên hệ tới Bắc Triều Tiên. Lợi dụng quan hệ thân thiết với tổng thống, bà ép buộc các tập đoàn công nghiệp Hàn quốc như Samsung, LG Huyndai, Hanjin.. vv tài trợ các quỹ cá nhân do bà đứng đầu thậm chí còn tài trợ con gái bà đang sống ở nước ngoài.

Theo sự tiết lộ báo chí, bà Thuận Thực nhận tài trợ từ các tập đoàn Hàn quốc khoảng 70 triệu USD trong đó tập đoàn Huyndai tài trợ 20 tỷ wons (15,4 triệu euros), tập đoàn Samsung tài trợ 12,8 tỷ wons (9,8 triệu euros) cho các quỹ cá nhân của bà. Ngoài ra, Samsung bị nghi ngờ tài trợ 2,8 triệu euros để lập quỹ môn cưỡi ngựa của con gái bà ở Đức.

Bà cuối cùng bị bắt vào đầu tháng 11 về tội gian lận và lạm dụng quyền lực sau khi trốn ra nước ngoài trở về nước.

Ngoài ra, hai cố vấn chính thức của bà Cẩn Huệ, ông An Chính Phạm (An Chong-bum,安正范) và ông Trịnh Hạo Thừa (Jeong Ho-seong,郑浩承) cũng bị bắt. Ông An là cố vấn hợp tác chính sách bị kết tội đồng loã với bà Thuận Thực và ông Trịnh là bí thư riêng của tổng thống bị tình nghi đã chuyển hồ sơ mật của chính phủ. Để trấn an quần chúng, bà TT Cẩn Huệ thay thế, ngày 2-11, thủ tướng và hai bộ trưởng tài chính và an ninh làm vật tế thần nhưng không đảo ngược được tình thế.

Bà Cẩn Huệ mà tỷ lệ thăm dò dân chúng đã rớt xuống 5%, nhiều lần lên truyền hình xin lỗi quần chúng. Bà tuyên bố : «Tôi đã đặt quá nhiều niềm tin vào mối quan hệ cá nhân và không xem xẻt cẩn trọng về hậu quả».

Hàn quốc hậu «Thôi-gate» sẽ ra sao?

Song song với sự ra đi của tổng thống Hàn quốc trước kỳ hạn, bên kia bờ Thái Bình Dương một tổng thống «không thể dự kiến» sắp lên cầm quyền vào ngày 20-1-2017. Trong thời gian cầm quyền, tổng thống Mỹ Barack Obama đặt trọng tâm chiến lược xoay trục Châu Á để kiềm chế mộng bá quyền của Tập Cận Bình Trung quốc mà hai nước bạn tiền đồn gần nhất là Nhật Bản và Hàn quốc. Dù chưa chính thức lên cầm quyền, tân tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ «xét lại» sự hiện diện của 75.000 quân đội Hoa Kỳ đóng trên hai xứ này (47.000 ở Nhật Bản và 28.000 ở Hàn quốc) và đồng thời huỷ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định có mục tiêu cô lập Trung quốc về thương mại và kinh tế trong vùng của TT B.Obama trong đó có bảy nước trong vùng là Nhật Bản, Việt Nam, Xin-Ga-Po, Brunei, Mã Lai, Úc và Tân Tây Lan nhưng không có Trung quốc [2]. Đài Loan của bà Thái Anh Văn (Cai Yingwen,蔡英文) dự kiến xin gia nhập. Xin nhắc lại Hiệp định TPP bao gồm 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% tổng sản lượng thế giới. Lời tuyên bố «vô trách nhiệm» của ông Trump được giới lãnh đạo Bắc Kinh hoan nghinh cổ vũ. Họ thầm mong Hiệp định kinh tế toàn vùng (Regional Comprehensive Economic Partnership hay Recep) của họ sẽ đón nhận thêm nhiều thành viên mới trong đó có Ấn Độ nhưng không có Mỹ. Ngoài ra, cũng không nên quên rằng Bắc Kinh đã công khai phản đối Hàn quốc của bà Cẩn Huệ đã cho phép Mỹ đặt hệ thống chống tên lửa THAAD (Terminal Hight Altitude Area Defense) ở Seongju. Hệ thống chống tên lửa này có mục tiêu ngăn chặn sự phiêu lưu chiến tranh hạt nhân của Kim Chính Ân (Kim Jong-un,金正恩) bắc Triều Tiên nhưng đồng thởi cũng để cảnh giác Bắc Kinh. Người ta chưa biết thái độ của ông D.Trump về việc này ra sao? Nhưng nếu ông huỷ bỏ hệ thống chống tên lửa THAAD này cũng như ông đã tuyên bố sẽ «xét lại» sự hiện diện quân đội Mỹ ở Nhật Bản và Hàn quốc thì Hàn quốc sẽ rơi vào tình thế lâm nguy trước con hổ đói bắc Triều Tiên.

Đồng minh của Hàn quốc là Nhật Bản cũng bắt đầu đặt câu hỏi về các quan hệ an ninh với Hán Thành nếu bà TT Phác Cẩn Huệ phải ra đi.

Thay lời kết

Cũng như cha, bà TT Cẩn Huệ ra đi trước nhiệm kỳ dù hai trường hợp không giống nhau. Trong bốn năm cầm quyền, bà muốn làm gỉảm bớt hình ảnh độc tài của cha bà trong lòng người dân Hàn quốc. Nhưng không may cho bà, bà bị người bạn thân phản bội lạm dụng quyền lực mà bà đã quá đặt niếm tin và cuối cùng bị khống chế.

Một cuộc tổng tuyển cử tổng thống mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày như theo quy định của Hiến pháp. Tên Tồng thư ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki-moon (Phan Cơ Văn, 潘基文) mà nhiệm kỳ sắp chấm dứt vào cuối năm nay được nhắc tới.

Hàn quốc sẽ trải qua một cuộc khủng khoảng chính trị lớn kéo dài ít nhất sáu tháng mà hậu quả khó đo lường.

Ghi chú

[1] Grigori Rasputin (1869-1916) là người đã đưa triều đại Nga Hoàng đến sụp đổ.

[2] Năm nước khác là Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Mê Hi Cô, Chili, Peru.

 

V.T 10 tháng 12-2016.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire