Trang

13/12/2016

"Đùa trí tuệ”



Xuân Dương: "Rõ ràng là ông Cường đang đùa với nhân dân và chính lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ông không đùa kiểu “ất ơ” mà là rất “khoa học”, rất “pháp luật” vì ông đã vận dụng “tiêu chí kẹt xe” phải là xe “không nhúc nhích”, rồi ông còn đề nghị giải pháp là phải xây dựng “tiêu chí kẹt xe mới”…

Cứ như ông Giám đốc Cường, nếu xe còn nhúc nhích thì chỉ được phép nói là “ùn ứ”, nói “ùn tắc” có thể chưa phải là “náo” nhưng cũng là… “non” trách nhiệm."
 
“Tiêu chí kẹt xe” phải là xe “không nhúc nhích”, như vậy chỉ được phép nói "ùn ứ" chứ không được nói là "ùn tắc"? (Ảnh minh họa trên nld.com.vn)
 
 


(GDVN) - Chắc chắn nếu sống lại, ông người Thổ Azit Nexin sẽ phải sang bên mình xin nhận thày hướng dẫn luận án… tiến sĩ!

Tập truyện ngắn nổi tiếng thế giới “Những người thích đùa” là do ông người Thổ (Nhĩ Kỳ) Azit Nexin viết.

Người Thổ thích đùa thì khỏi phải bàn, nhưng đó chỉ là đùa cho vui, đùa kiểu dân dã, còn kiểu đùa “trí tuệ” thì chắc người Thổ còn lâu lắm mới đạt đẳng cấp của người Việt mình.

Nói người Việt đùa “trí tuệ” hơn người Thổ là “ăn theo” cuộc ầm ĩ mấy hôm rồi. Chẳng là có người đăng đàn nói rằng “nghệ sĩ hài phía Bắc diễn như cái máy, cả rạp diễn, người xem chưa kín ba hàng ghế”,…

Người khác thì cho rằng “hài phía Nam nhạt phèo, xem xong là quên, không “trí tuệ” như hài phía Bắc”,…

Bàn thêm chuyện này chẳng khác nào “dạy” Trạng Quỳnh vẽ 10 con giun nên xin học theo cách trẻ con tham gia chương trình giải trí trên tivi là…“chuyển”.



Chuyện người Việt mình “đùa trí tuệ” chắc nhiều người biết, nhưng cũng xin cứ “múa rìu” một tí với hy vọng bạn đọc không có điều kiện xem diễn hài cũng có lúc có thể cười vui vẻ và nhất là để những bạn đọc có thiện cảm với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có thêm thời gian thư giãn, không tốn tiền mua vé mà lại có thể đưa ra những nhận xét vừa “quê choa” vừa tinh tế giúp làm giảm hội chứng “bực mình”.

Gần đây truyền thông râm ran câu chuyện liên quan đến ông
Vũ Huy Hoàng, chẳng hạn chuyên trang một tờ báo điện tử viết: “Đề xuất nhiều phương án cách chức nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng”.

Tìm hiểu kỹ Luật Công chức và hàng loạt văn bản khác cũng không thấy chỗ nào quy định bộ máy công quyền Việt Nam có chức vụ “nguyên Bộ trưởng”!

Trong tiếng Việt, chữ “nguyên” hay chữ “cựu” được gắn với chức vụ mà ai đó từng giữ và vẫn còn sống, chữ “cố” dành cho những người đã khuất.

Đương nhiên “nguyên Bộ trưởng” không phải là Bộ trưởng, đó chỉ là cách gọi một vị từng là Bộ trưởng.

Một khi không tồn tại trong hệ thống hành chính quốc gia chức “nguyên Bộ trưởng” mà nói cách chức “nguyên Bộ trưởng” thì “cách” cái gì? Chẳng lẽ lại “cách” cái chức “Bộ trưởng” khi mà người ta đã về hưu không còn liên quan gì nữa?

Chuyện này tưởng như ai đó chỉ “đùa” cho vui nhưng mà nghĩ kỹ thì thấy lại rất chi là có lý.

Một là tung hỏa mù khiến cơ quan chức năng “bối rối”, buộc phải tìm phương án tối ưu, hai là dương đông kích tây nhằm “đục nước béo… đồng chí chưa bị lộ”, ba là “để lâu” biết đâu lại… thành bùn?

“Đùa” thế mới gọi là đùa, ẩn ý hàm chứa trong câu “đùa” được khoác đủ các loại “áo pháp luật”, người hơi “trí tuệ” có đến “mùng thất” cũng không thể “đùa” như vậy.

Chuyện thứ hai là ngày 4/6/2014 một thanh niên tên là Vũ Minh Hoàng được tuyển dụng làm việc nhân viên tập sự tại Ban chỉ đạo Tây Nam bộ trong khi còn đang du học.



Đầu năm 2016 có quyết định bổ nhiệm người này giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, hơn tháng sau chuyển công tác về UBND TP. Cần Thơ giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm.

Một số báo kết luận: “chưa làm việc một ngày nào vẫn lên chức vụ phó” [1] hoặc “ông Vũ Minh Hoàng chưa hề công tác tại Vụ Kinh tế, cũng không sinh hoạt Đảng ở Chi bộ của Vụ Kinh tế. Khi ông Hoàng được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng, những người công tác ở Vụ này không hề hay biết, cũng chưa từng biết ông Hoàng là ai”. [2]

Nghe đâu Vũ Minh Hoàng có hai bằng thạc sĩ, thông thạo mấy ngoại ngữ, lại sắp có bằng
tiến sĩ, vậy nên câu chuyện “chẳng làm việc ngày nào vẫn lên chức Vụ phó” chỉ liên quan đến “trí tuệ” chứ không liên quan đến “làm việc”. 

Xưa nay ở mình, bằng cấp mà có thêm chữ “sĩ” bất kể  do “tây” hay "ta" cấp đều là ưu tú, là xuất sắc, cần gì phải làm thực tế mới biết.

Chả thế mà hàng lô thạc sĩ, tiến sĩ chẳng “nghiên” cái gì, chẳng “cứu” được ai vẫn xúng xính trong các lễ vinh danh, cần gì phải “báo”, phải “cáo”!

Nghe nói một số người liên quan đã đăng đàn giải thích, hóa ra là người ta đã thực hiện chủ trương “tìm người tài, không tìm người nhà” từ mấy năm trước, không phải đợi đến hôm nay.

Vũ Minh Hoàng chẳng phải là “con đồng chí” nào hết, chỉ là cháu một đồng chí cho nên không thể gắn Hoàng với câu“đồng chí này là con đồng chí nào?”.

Với quy trình bổ nhiệm cán bộ, công chức kiểu “hỏa tiễn 1 giờ” trong việc ông Vũ Minh Hoàng thế này liệu có nên nói rằng người Việt không biết đùa và liệu nói người Việt đùa “trí tuệ” hơn người Thổ có cần bàn luận thêm nữa?

Sau khi vụ việc liên quan đến
Trịnh Xuân Thanh và Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) vỡ lở, bà Trần Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương vẫn khẳng định với báo chí, rằng việc khen thưởng cho PVC (huân chương lao động, danh hiệu anh hùng) là “rất thoả đáng và đầy đủ".

Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn và bị truy nã quốc tế, PVC thua lỗ trên 3.000 tỷ đồng vậy sự “thỏa đáng” mà bà Trần Thị Hà nói có phải là “đùa” với dư luận? Nếu đúng là “đùa” thì bà Thứ trưởng Trần Thị Hà đùa “trí tuệ” hơn hay kém người Thổ?

Đầu tháng 12 này Viện Công nghệ và Xây dựng (IET) Anh và Tạp chí chuyên ngành xây dựng E&T mới công bố kết quả nghiên cứu cho thấy Thủ đô Hà Nội đứng thứ ba thế giới về “mạng nhện”.

Người Anh chỉ mới nói về “mạng nhện” hệ thống dây dẫn điện và dây thông tin liên lạc của Hà Nội mà chưa biết đến “mạng nhện” ống dẫn nước sinh hoạt tại các khu dân cư và chung cư cũ.

Chuyện “mạng nhện” Hà Nội thì dân Kẻ Chợ và các vị lãnh đạo cũ mới ai chả biết.

Có điều Hà Nội bây giờ kẹt xe liên tục, khó đi kiểm tra thực địa, hơn nữa hệ thống mạng nhện ấy chẳng kém cạnh gì so vởi tủ lạnh Electrolux của người Anh “60 năm vẫn chạy tốt” nên việc gì phải vội. Mà “thánh nhân đãi khù khờ”, cứ nhẩn nha không vội, biết đâu đến“nhiệm kỳ sau” vẫn “chạy tốt”.

Nhận định như vậy là nói tầm phào, không biết đùa hay là đùa “trí tuệ” hơn cả người Thổ?

Có cán bộ nhìn hình ảnh một người đấm vào mặt người khác, tung chân đá người ta mà bảo rằng người ấy chỉ “vung tay chạm má, đá chưa trúng người” thì chắc chắn là “đùa cho vui”.

Nhưng mà để nghĩ ra được câu “vung tay chạm má” thì chắc phải nghiền ngẫm kỹ lắm, tâm huyết lắm mới tìm được ngôn ngữ “phòng thủ” hy hữu như vậy.

Không thể không nói rằng đây là sự kết hợp hài hòa giữa “đùa cho vui” và “đùa trí tuệ”. Chắc chắn nếu sống lại, ông người Thổ Azit Nexin sẽ phải sang bên mình xin nhận thày hướng dẫn luận án… tiến sĩ!

Chuyện kẹt xe, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh vốn đã được người dân “quen” đến nỗi không có ùn tắc được xem là chuyện lạ có thật.

Đối với cơ quan quản lý và cá nhân một số lãnh đạo liên quan thì không hề có chuyện ùn tắc quá 30 phút.

Biện luận cho cách nhìn nhận định này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho rằng: “
Ùn tắc trên 30 phút được tính dựa trên tiêu chí xe không di chuyển trong thời gian đó. Do đó, có thể hiểu rằng các vụ kẹt xe kéo dài thời gian qua chỉ là ùn ứ, vì xe vẫn có thể di chuyển nhúc nhích được
”? [3]

Ông Cường còn lập luận rằng: “
Tiêu chí đánh giá hiện nay về kẹt xe có thể chưa đúng, chưa phù hợp. Do đó, trong thời gian tới sẽ áp dụng tiêu chí mới để đánh giá thống kê ùn tắc cho phù hợp với tình hình hiện nay”?

“Tiêu chí kẹt xe” phải là xe “không nhúc nhích”, như vậy chỉ được phép nói "ùn ứ" chứ không được nói là "ùn tắc"? (Ảnh minh họa trên nld.com.vn)
Rõ ràng là ông Cường đang đùa với nhân dân và chính lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ông không đùa kiểu “ất ơ” mà là rất “khoa học”, rất “pháp luật” vì ông đã vận dụng “tiêu chí kẹt xe” phải là xe “không nhúc nhích”, rồi ông còn đề nghị giải pháp là phải xây dựng “tiêu chí kẹt xe mới”…


Cứ như ông Giám đốc Cường, nếu xe còn nhúc nhích thì chỉ được phép nói là “ùn ứ”, nói “ùn tắc” có thể chưa phải là “náo” nhưng cũng là… “non” trách nhiệm.

Vậy nên chúng ta - người viết và bạn đọc - có nên thừa nhận, rằng ông Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đùa “trí tuệ” hơn cả người Thổ?!

Người viết xin tạm dừng việc tìm thêm ví dụ cho chủ đề “đùa trí tuệ”, nếu bạn đọc có ví dụ nào hay hay thì xin cho cái “còm mèn” (comment) để mọi người cùng thưởng thức.

Tuy nhiên, những chuyện “đùa trí tuệ” nêu trên chỉ là hiện tượng vụn vặt, cần phải tìm ra “quy luật đùa” thì ý kiến mới có tí chất lượng.

Người viết chưa biết đặt tên cho “quy luật đùa” này là gì, xin tạm gọi là “đùa A Còng” giống như Lỗ Tấn đặt tên cho cuốn sách của ông là “A Q” vậy.

Xin cam đoan nếu bạn đọc nào đặt cho “quy luật đùa” này cái tên mà có được hơn 99 like thì người viết sẽ sửa lại bài theo ý các bạn.

Hai biểu hiện mang tính đặc trưng của “Đùa A Còng” là “đúng quy trình” và “rút kinh nghiệm”.

Về chuyện “rút kinh nghiệm”, cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng nói: “
Có một sợi dây dài nhất là “dây kinh nghiệm” vì cứ rút mãi mà nó không hết. Khi có khuyết điểm, thiếu sót, tiêu cực, nếu bị phát giác, phê bình kiểm điểm thì trước hết là người ta… rút kinh nghiệm.

Cái “sợi dây” này cứ rút mãi năm này qua năm khác mà nó vẫn còn. Nên nó được xem là cái “dây” dài nhất…”. [4]

Ý kiến của ông Nguyễn Bá Thanh cũng đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc tới nên xin không nêu thêm ví dụ nữa.

Về chuyện “đúng quy trình” đương nhiên cũng phải có vài ví dụ:

Nld.com.vn ngày 14/6/2016 viết: “Hàng loạt vụ việc có dấu hiệu tiêu cực bị phanh phui thời gian qua đều được người có trách nhiệm ở các cơ quan hữu trách giải thích là “đúng quy trình” ”.

Dantri.com.vn 9/12/2016 viết: “
Thủy điện xả lũ: Xả trước thông báo sau nhưng vẫn “đúng quy trình” ”?...

Sự giống nhau giữa “đúng quy trình” và “rút kinh nghiệm” là ở chỗ đều dựa vào các văn bản, quy định đang có hiệu lực thi hành, việc vận dụng đòi hỏi phải có kiến thức và sự “sáng tạo” rất “trí tuệ”, trên cả mức sáng kiến.

Nhưng vì các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Quốc hội đã sớm nhận ra và phê phán quyết liệt nếu có ai đó xem “quy trình” và “kinh nghiệm” là lá bùa hộ mệnh. Nếu có ai đó làm như vậy thì hẳn nhiên họ cũng chính là người thích “đùa” với luật pháp, “đùa” với đạo đức và “đùa” với dư luận.

Tài liệu tham khảo:




[4] http://www.danang.gov.vn/portal/page/portal/danang/chinhquyen/tin_tuc?p_pers_id=42058&p_folder_id=&p_main_news_id=32782280

Xuân Dương

Nguồn: Theo GDVN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire