Trang

20/01/2017

Bang giao Mỹ-Trung dưới thời Trump

- Ngụy Kinh Sinh
 Lê Minh Nguyên dịch



 Ngụy Kinh Sinh: "Từ sự phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng sự lựa chọn chiến tranh của Tập Cận Bình sẽ cho ra kết quả là hoặc bị đánh bại hoặc bị bế tắc. Vì vậy lựa chọn tốt nhất cho ông là đạt một hiệp định thương mại công bằng với HK, và bắt đầu công cuộc cải cách (reform) chính trị và tư pháp. Bởi vì việc bóp nghẹt chế độ CS không phải là mục tiêu của Donald Trump, cũng không phải là lợi ích của HK. Cái mà Trump muốn là thương mại công bằng với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới."





Đến bây giờ chúng ta biết chắc được một số điều về chính quyền của tổng thống Donald Trump:



1) Ông Donald Trump sẽ là tổng thống kế tiếp của Mỹ, do đó chính sách đối ngoại yếu đuối của chính quyền Obama sẽ kết thúc. 



2) Chính sách chủ yếu của ông Trump là điều chỉnh những mối quan hệ thương mại bất hợp lý; trọng tâm của chính sách này là điều chỉnh cái gọi là "thương mại tự do" qua quan hệ "thương mại công bằng".



3) Cái mục tiêu được nhắm tới là quốc gia có thương mại không công bằng lớn nhất - Trung Quốc. 



4) Donald Trump sẵn sàng ngưng lại các phương tiện đàm phán đã được sử dụng trong quá khứ, thay vào đó là việc sử dụng sự phong tỏa thị trường, tức một cuộc chiến tranh thương mại, để buộc Trung Quốc và các quốc gia giao thương khác chấp nhận những quy luật của thương mại công bằng.



5) Trong chiến lược quốc tế (của Trump), xu hướng là giảm bớt căng thẳng với Nga, bận tâm vào việc bành truớng của Trung Quốc. 



6) Liên minh chặc chẽ với các nước ở châu Á và Ấn Độ để đè bẹp sự bành trướng chiến lược của Trung Quốc, và để đẩy tới hay khích lệ các nước Đông Nam Á đi vào vòng tay của Hoa kỳ.



Trên đây là những gì đang xảy ra ngay cả trước khi ông Donald Trump bước vào Toà Bạch Ốc. Để tóm lược các sự kiện này, chúng ta có thể thấy rằng điểm nhắm chính là chế độ cộng sản tại Trung Quốc. Có hai mục tiêu chính: một là quan hệ mậu dịch Mỹ-Trung, mục tiêu thứ hai là sự kiểm soát biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông Trump có cơ hội để chiến thắng cả hai mặt trận này hay không? Hay ông Tập có cơ hội để chiến thắng một cái nào hay không? Chúng ta hãy làm một phân tích sơ khởi.



Về các mối quan hệ mậu dịch Mỹ-Trung, Trump phải điều chỉnh lại. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy rằng các cuộc đàm phán với chính quyền Trung Quốc không thể thay đổi được tính lưu manh của họ. Như nhà tranh đấu ôn hoà Mohandas Gandhi có nói, khi một băng cướp có vũ trang đến làng, không có cách nào để thương lượng ngoài việc dùng sức mạnh để đá nó văng ra. Đó là lý do nguời ta cần cảnh sát. Hoa kỳ vì vậy mà làm cảnh sát thế giới.



Vũ khí của Hoa Kỳ là gì? Đó là thị trường Mỹ. Trong quá khứ, Trung Quốc ngăn chặn thị trường của mình, trong khi bán phá giá hàng hóa sang Hoa kỳ, điều này giúp các nhà tư bản trong cả hai nuớc Trung Quốc và Hoa kỳ kiếm được lợi nhuận vuợt bực trong khi Hoa kỳ bị mất rất nhiều công ăn việc làm. Mục tiêu cuối cùng của Trump là sự cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa kỳ, và mở rộng công ăn việc làm ở Mỹ.



Sự tấn công của Trump là gì? Dưới cái tiền đề rằng Trung Quốc lợi dụng thương mại nhưng không có kế hoạch mở cửa thị trường của họ, Trump đang sẵn sàng dẫn đầu để tung ra một cuộc chiến tranh thương mại, đóng cửa thị trường Mỹ và không cho hàng hóa rẻ của Trung Quốc vào Hoa kỳ. Dù TQ có phản ứng bất cứ cách gì thì biện pháp này cũng chiến thắng, mà hậu quả cho Mỹ là sản xuất công nghiệp được hồi phục và công ăn việc làm gia tăng. 



Tập Cận Bình sẽ phản ứng ra sao? Qua truyền thông phía Cộng Sản cho thấy quan điểm thông thuờng là chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thương mại với Hoa kỳ. Họ hy vọng rằng Trump sẽ giống như các tổng thống Hoa Kỳ khác trong quá khứ, tỏ ra cứng rắn trước khi nhậm chức và tuơng nhuợng với các nhà tư bản sau đó. Do đó chiến tranh thương mại chỉ là một sự hù dọa (bluff) và tất cả mọi thứ vẫn sẽ như thường lệ. Không chỉ Đảng CSTQ, mà còn có cả những nhà tư bản Mỹ huởng lợi nhuận khủng, chẳng hạn công ty Boeing cũng nghĩ một cách mơ mộng (fantasy) như vậy.



Thật không may, điều này thực ra là một ảo ảnh (illusion). Chính ông Trump không thiếu gì tiền và nội các của ông ta bị châm biếm như là một sự kết hợp của những nguời giàu và quân nhân, điều này làm cho kế hoạch mua chuộc và kiểm soát lâu nay của Đảng CSTQ và các doanh nghiệp lớn khó mà thực hiện. Vì vậy Tập Cận Bình chỉ có thể chọn chiến tranh thương mại.



Như chúng ta đều biết, trong chiến tranh thương mại ai kiểm soát được thị trường thì người đó sẽ chiến thắng. Giống như một cuộc đấu của những cao thủ cờ tướng (chess masters), kết quả có thể đã được tính toán trước. Như những chiến lược gia cổ thời có nói, để tính được sự chiến thắng, đầu tiên phải bảo đảm chắc rằng mình sẽ chiến thắng sau khi bước vào một cuộc chiến tranh. Trump chỉ bị rắc rối bên trong chứ không phải bên ngoài - để thuyết phục các chính trị gia và các doanh nghiệp đang hỗ trợ ông hiểu được tình hình thì không dễ dàng.



Việc Tập Cận Bình chấp nhận một cuộc chiến thương mại sẽ không kéo dài được lâu, và ông ta chắc chắn sẽ bị đánh bại. Tình trạng thất nghiệp bên trong TQ đang gia tăng, do đó, tình hình chắc chắn là không ổn định. Tại thời điểm này, Tập Cận Bình có thể có hai phản ứng: một là khởi động một cuộc chiến tranh để giảm bớt các xung đột nội bộ; hai là tìm cách để đạt được một thỏa hiệp với Mỹ - tức chấp nhận các nguyên tắc công bằng thương mại và bảo vệ các cơ hội thương mại. Tôi (ông Nguỵ) ước tính rằng Tập Cận Bình sẽ chấp nhận các ý kiến của những diều hâu quân đội TQ để khởi động một cuộc chiến tranh.



Vấn đề ở đây là ông Trump cũng đã dự kiến khả năng này và du nhập một nhóm lớn diều hâu quân sự HK vào nội các ông. Ngoài ra, sau khi nới lỏng căng thẳng trong các các mối quan hệ với Nga, ông sẽ triển khai một số lượng lớn sức mạnh quân sự về khu vực Đông Á. Vậy thì Tập Cận Bình nhắm vào nơi nào để tấn công? Nhật Bản và Nam Hàn là đồng Minh của Mỹ, với các đơn vị đồn trú của Mỹ ở đó, cho nên quân đội Mỹ có bổn phận can thiệp, và Tập Cận Bình sẽ thất bại nếu ông ta bắt đầu chiến tranh ở đó. 



Việt Nam và Đài Loan cũng là những khúc xương khó nuốt. Với những lý cớ gượng ép (improper excuses) để khởi động các cuộc tấn công chống họ (VN và ĐL), kèm theo là sự tố cáo của cộng đồng quốc tế và cả đến sự tiếp tay hỗ trợ các nước này, thì sự kéo dài chiến tranh sẽ dẫn đến hỗn loạn ở Trung Quốc. Để ngăn chận Biển Đông với Nhật bản, Nam Hàn và Đài Loan cũng sẽ không được. Vài hòn đảo nhỏ cộng với sức mạnh hải quân và không quân của chế độ CSTQ có thể đủ để đối phó với hải quân và không quân của các nước nhỏ Đông Nam Á, nhưng nó thực sự không có khả năng để chống lại các lực lượng chiến đấu của Mỹ với các tàu sân bay, vì thế các hành động này có thể coi như lấy đá ném vào chân mình.



Duy nhất chỉ có một đối thủ mà TQ có được lý cớ tốt để tấn công và đánh bại là Bắc Triều Tiên. Duới danh nghĩa giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn, cuộc chiến này sẽ được chấp nhận và thậm chí được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Không có lý do gì cho Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn lại ngăn chặn TQ hay ra tay giúp Bắc Hàn. Điều đó sẽ đi ngược lại ý chí của cộng đồng quốc tế và không phải là sự lựa chọn của Hoa Kỳ.



Chỉ có một nước không hài lòng là Nga. Bắc Hàn đã luôn luôn được Nga coi là nơi có thể mở rộng ảnh hưởng. Nhưng về phía Tây của Nga, có vấn nạn NATO, cũng như sự dòm ngó của các nước Đông Âu. Nga không thể giúp Bắc Hàn để tạo ra sự gây hấn với TQ, vì vậy Tập Cận Bình sử dụng sức mạnh quân sự của ông với Bắc Hàn là một lựa chọn có thể xảy ra.



Nhưng Bắc Hàn cũng không phải là dễ nuốt. Có nhiều người chống đối triều đại của gia đình Kim. Nhưng dưới ảnh hưởng của các chính sách ngu dân của Đảng CS, sự chống xâm lăng duới lá cờ ái quốc vẫn là tuyệt vời. Nếu chiến tranh không kết thúc một cách nhanh chóng, nó vẫn có thể gây ra sự bất ổn trong nước và dẫn đến sự sụp đổ của chế độ ở TQ.



Từ sự phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng sự lựa chọn chiến tranh của Tập Cận Bình sẽ cho ra kết quả là hoặc bị đánh bại hoặc bị bế tắc. Vì vậy lựa chọn tốt nhất cho ông là đạt một hiệp định thương mại công bằng với HK, và bắt đầu công cuộc cải cách (reform) chính trị và tư pháp. Bởi vì việc bóp nghẹt chế độ CS không phải là mục tiêu của Donald Trump, cũng không phải là lợi ích của HK. Cái mà Trump muốn là thương mại công bằng với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.



Cải cách chính trị và tư pháp là lợi ích của TQ. Nếu không có sự bảo vệ quyền con người thì sẽ không có sự gia tăng thu nhập của các tầng lớp lao động, do đó không có sự mở rộng thị trường trong nước ở TQ. Không có cải cách chính trị và tư pháp, sẽ không có sự cải thiện môi trường kinh doanh, do đó đại đa số các doanh nghiệp sẽ tiếp tục chạy trốn khỏi TQ. Không mở cửa thị trường, các doanh nghiệp TQ không thể nhanh chóng du nhập công nghệ và quản trị tân tiến, và sẽ không có khả năng để thích ứng được với sự cạnh tranh trong môi trường thương mại công bằng.



Vì vậy, cho dù ai nắm quyền ở HK, việc nhanh chóng tiến đến một hiệp định thương mại công bằng với HK là lối thoát duy nhất cho TQ.






Lê Minh Nguyên dịch

17/1/2017


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire