Trang

11/01/2017

Nợ công tăng nhanh, Thủ tướng cảnh báo “sụp đổ tài khóa quốc gia”



Nợ công nếu tính đủ theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vượt trần chứ không chỉ sát trần. Cho rằng đây là vấn đề cần suy nghĩ, người đứng đầu Chính phủ cũng dẫn lời chuyên gia nhận định nếu không chấm dứt tình trạng này thì sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi.  Đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ nêu lên trong hội nghị tổng kết ngành tài chính vừa được tổ chức chiều 6/1.



 
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)





Nợ công nếu tính đủ theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vượt trần chứ không chỉ sát trần. Cho rằng đây là vấn đề cần suy nghĩ, người đứng đầu Chính phủ cũng dẫn lời chuyên gia nhận định nếu không chấm dứt tình trạng này thì sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi.

Đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ nêu lên trong hội nghị tổng kết ngành tài chính vừa được tổ chức chiều 6/1.

Bộ Tài chính: Nợ công khoảng 64,73%

Đưa ra con số thống kê, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho hay, ước tính đến cuối năm 2016, dư nợ công khoảng 64,73%, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62%GDP. Nợ công theo ông “được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép.”

Lắng nghe những ý kiến này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dành không ít thời gian để nhấn mạnh về vấn đề theo Thủ tướng là cần suy nghĩ.

Khẳng định tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh, Thủ tướng cho hay, nợ công trong 5 năm qua tăng trung bình gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng. Trong khi ấy, Thủ tướng nhận định, tốc độ tăng chi thường xuyên cao, dư địa chính sách tài khoá hạn hẹp, thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ.

Hệ quả của những vấn đề trên theo Thủ tướng là để đầu tư phát triển, Chính phủ buộc phải đi vay và điều này tác động tới nợ công và thâm hụt ngân sách.

“Nợ công theo báo cáo sát trần nhưng nếu tính đầy đủ thì vượt trần cho phép,” Thủ tướng Chính phủ nói.

Những yếu tố được người đứng đầu Chính phủ nhắc tới là nợ xây dựng cơ bản, bảo hiểm xã hội, lãi suất hỗ trợ,…

“Tôi nghe chuyên gia báo cáo, cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi,” Thủ tướng Chính phủ nhận xét.

Nói về năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan chức năng phải có cải cách đột phá trong tư duy ngân sách, kiểm soát nợ công và đảm bảo khả năng trả nợ.



Tiếp thu những ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, một trong những giải pháp trong thời gian tới của Bộ là không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định sẽ thực hiện đầy đủ các yếu tố tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới.

Khoán kinh phí xe công: Có giảm được đầu xe không?

Một vấn đề khác được Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính là đột phá trong cải cách, quản lý tài sản công để tăng thu, hạn chế thất thoát.

Đánh giá cao quy định khoán kinh phí xe công mới đây của Bộ Tài chính nhưng Thủ tướng cũng đề nghị bộ này tổng kết những mặt được, không được và đặc biệt thống kê xem có giảm đầu xe, biên chế không.

Theo Thủ tướng, Chính phủ chưa kết luận phương án nào với xe công là tốt nhất nhưng Bộ Tài chính nên tổng kết, đề xuất cụ thể. Vấn đề quan trọng được Thủ tướng nhắc lại là giảm số lượng xe công rồi đấu giá công khai những xe thừa, thu nộp lại ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, xe công chỉ là một phần trong khối tài sản khổng lồ hiện tại. Nguồn lực công lớn nhất theo Thủ tướng là trụ sở, đất đai vốn có quy mô lớn nhưng vẫn chưa được định giá chính xác. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, đây là tâm điểm của tham nhũng, lợi ích nhóm.

Chính thức giao lại cho Bộ Tài chính nghiên cứu vấn đề này, Thủ tướng gợi ý cơ quan chức năng có thể mời chuyên gia, tổ chức quốc tế, nghiên cứu mô hình các nước để chọn mô hình quản lý tài sản công tốt nhất với Việt Nam./.

Nguồn: Theo VNP

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire