Trang

23/01/2017

Ông Rex Tillerson đề xuất chặn Trung Quốc ra đảo nhân tạo không phải nói chơi?


Hồng Thủy

 

(GDVN) - The Manila Times ngày 22/7 có bài phân tích, Trung Quốc sẽ thua nếu để nổ ra chiến tranh với Mỹ ở đảo nhân tạo ngoài Biển Đông. 

Ông Rex Tillerson, ảnh: IBTIMES.






Những bình luận về xu hướng chính sách của Mỹ ở Biển Đông dưới thời ông Donald Trump 


Bàn về những gì tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ làm sau ngày nhậm chức, Business Insider ngày 22/1 cho rằng, Biển Đông sẽ là một trong những lựa chọn của chủ nhân mới Nhà Trắng.


Quân đội Mỹ đã thường xuyên thất vọng với sự cẩn trọng của ông Barack Obama với các hoạt động tuần tra hải quân bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. 


Chính quyền cũ lo sợ gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh trong các vấn đề khác, như thỏa thuận chống biến đổi khí hậu.

Nhưng chuyện này sẽ thay đổi khi ông Donald Trump lên nắm quyền. Ông bước vào Nhà Trắng sau khi đã điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và tuyên bố một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.


Các sĩ quan quân đội và chuyên gia về châu Á cho biết, họ mong đợi Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ có quyền tự do nhiều hơn trong việc tiến hành các cuộc tập trận chung và tuần tra tự do hàng hải gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp.


Đó là cách tiếp cận cứng rắn hơn, có thể tăng nguy cơ va chạm bất ngờ với các lực lượng Trung Quốc trong khu vực. Đồng thời gần như chắc chắn điều này sẽ dẫn đến một phản ứng ngoại giao gay gắt từ Bắc Kinh.


Ứng viên ông Donald Trump đề cử làm Ngoại trưởng tiếp theo, Rex Tillerson đã cảnh báo nghiêm khắc với Bắc Kinh trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tuần trước, vượt qua ngưỡng chính sách của Mỹ trong vấn đề Biển Đông nhiều năm qua. [1]


The Straits Times ngày 22/1 dẫn lời một nhà phân tích Singapore cho rằng, trong bài phát biểu đầu tiên tại lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Donald Trump nói rằng mình sẽ theo đuổi một chính sách bảo hộ thương mại. Nhà Trắng tuyên bố rút khỏi TPP.


Bài phát biểu của tân Tổng thống Hoa Kỳ không nhắc đích danh đến Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh có thể phải chuẩn bị đón nhận áp lực từ Mỹ trong lĩnh vực thương mại và địa chính trị.


Phó Giáo sư Li Mingjiang từ Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Singapore cho rằng: 


Một Hoa Kỳ bảo hộ kinh tế trong nước và bị phân tâm mởi cuộc chiến chống khủng bố và các vấn đề an ninh khác trên thế giới sẽ tạo ấn tượng cho lãnh đạo các nước Đông Nam Á rằng, Mỹ không đáng tin cậy.


"Sau đó bạn có thể thấy sự phát triển ảnh hưởng của Trung Quốc. Một số quốc gia sẽ quyết định tham gia với Trung Quốc. Bạn có thể nhìn thấy sự thay đổi dần dần cấu trúc an ninh khu vực theo hướng nghiêng về Trung Quốc.

Điều này có thể nhìn thấy ở Biển Đông. Những năm qua, Trung Quốc có thể ngăn chặn một ASEAN thống nhất vì tầm quan trọng của quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN", ông Li Mingjiang bình luận.


Tuy nhiên Giáo sư Jia Qingguo, Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Bắc Kinh nói, ông không nghĩ rằng sẽ có nhiều không gian cho Trung Quốc cơ động sau khi ông Trump lên cầm quyền.


Bởi vì Đông Á quá quan trọng về kinh tế đối với Hoa Kỳ và không thể bỏ qua. Do đó theo ông, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, sử dụng các cuộc đàm phán song phương để tìm kiếm sự nhượng bộ nhiều hơn từ đối phương. [2]


Tương quan lực lượng quân sự Hoa Kỳ - Trung Quốc nếu nổ ra xung đột ở Biển Đông


The Manila Times ngày 22/7 có bài phân tích, Trung Quốc sẽ thua nếu để nổ ra chiến tranh với Mỹ ở đảo nhân tạo ngoài Biển Đông.


Các chuyên gia quân sự và địa chính trị bác bỏ đe dọa của Thời báo Hoàn Cầu, China Daily về một cuộc chiến tranh "không tránh khỏi" nếu Mỹ ngăn chặn Trung Quốc truy cập đảo nhân tạo như đề xuất của ông Rex Tillerson.


Antonio Santos, cựu phụ tá các vấn đề quốc phòng Philippines cho biết, Trung Quốc chỉ có 1 tàu sân bay trong biên chế và họ còn mất một thời gian nữa để hoàn thành việc chế tạo chiếc thứ 2.


Trên thực tế, tàu sân bay Liêu Ninh chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền là chính. Trung Quốc vẫn chưa biết vận hành một tàu sân bay như thế nào. Trong khi Mỹ có 10 tàu sân bay hoạt động thiện chiến.


"Là một sĩ quan tình báo, bạn không thể đưa ra kết luận dựa trên mục đích. Chúng tôi nhìn thẳng vào khả năng", ông Santos nói.


Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cho biết, Trung Quốc không phải đối thủ của Hoa Kỳ. Nhà nghiên cứu này nhận định:


"Nếu bạn đang nói về 20 sức mạnh hàng đầu của thế giới, thực tế loại trừ một ở Ấn Độ Dương, tất cả số còn lại là bạn của Hoa Kỳ. Bạn bè thực sự của Trung Quốc chỉ có 2, một nước ở Ấn Độ Dương (Pakistan?), nước kia là CHDCND Triều Tiên.

Từ quan điểm kinh tế, sáu nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh và Ấn Độ, thì Trung Quốc đứng một mình trong nhóm 6 nước này. Số còn lại đứng với Hoa Kỳ".

Antonio Santos cho rằng: "Khả năng duy trì một cuộc chiến tranh là điều quan trọng. Bạn có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh, nhưng có duy trì được nó hay không là chuyện khác.

Duy trì một cuộc chiến tranh phải dựa vào nền kinh tế. Nếu Trung Quốc mất khả năng xuất khẩu, họ sẽ chết". [3]



Tài liệu tham khảo:





Hồng Thủy





Nguồn: Theo GDVN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire