Tư Hoàng
Nếu Việt Nam muốn vươn lên trong 20-30 năm tới, việc lựa chọn phương thức phát triển khác đi sẽ quyết định. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
(TBKTSG) - Năm qua tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,21%. Chính phủ biết chắc
không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% nhưng không điều chỉnh mục tiêu
này. Vậy đây có phải là cách nghĩ mới, cách tiếp cận mới, không theo chủ
nghĩa thành tích ngắn hạn?
Lâu nay, Việt Nam phát triển mà
cứ nhìn xuống chân mình chứ không ngẩng đầu lên, nhìn xa ra. Mục tiêu tăng
trưởng GDP thì cố ăn đong từng năm một, thậm chí sáu tháng một. Chính phủ
thấy không hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng vì những khó khăn này khác
là xin điều chỉnh, vì thế, lúc nào Chính phủ cũng hoàn thành nhiệm vụ. Vì
thế, những yếu kém cơ cấu dài hạn, nền tảng chẳng mấy khi được bàn bạc,
thảo luận để triển khai nghiêm túc. Tôi muốn nói, Việt Nam cần phải có cách
nghĩ khác đi về cách thức phát triển.
Chính phủ cứ lo chuyện tăng
trưởng 6,2% hay 6,5% thì có nghĩa lý gì? Chính phủ cần phải lo tái cơ cấu
nền kinh tế, chứ tái cơ cấu năm năm rồi mà vẫn chẳng làm được bao nhiêu.
Chúng ta cần phải làm cho nội lực tăng lên bền vững mới đứng vững khi hội
nhập sâu rộng như hiện nay.
Năm năm vừa qua, theo tôi, là
khó khăn nhất trong 30 năm đổi mới, song năm năm tới thậm chí còn khó khăn
hơn. Tôi không có ý bi quan hay lạc quan gì ở đây cả. Tôi chỉ muốn đánh giá
khách quan, và trước tình hình đó chúng ta lựa chọn ứng xử như thế nào.
Chương trình tái cơ cấu nền kinh
tế hiện nay không phải là tháo gỡ khó khăn nữa. Những từ như “tháo gỡ”
không giải quyết được vấn đề. Đổi mới mô hình tăng trưởng mà chỉ là tháo gỡ
khó khăn thì chẳng được việc gì, tháo gỡ khó khăn thì bao giờ mới xong? Vậy
mà báo cáo nào cũng dùng từ tháo gỡ. Theo tôi, phải dùng từ thay đổi, phải
đổi mới, chứ không phải tháo gỡ.
Hiện nay có hai vấn đề rất đáng
lưu tâm.
Thứ nhất, biến đổi khí hậu ở
đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây không phải là thiên tai đơn thuần,
kiểu như hạn hán thì bơm nước cứu là xong. Câu chuyện này nguy hiểm hơn
nhiều. Nước ngọt xuống ít, nước biển dâng lên, phù sa cũng ít đi. Nước mặn
dâng mỗi lần một chút và không rút đi, đe dọa phá vỡ toàn bộ cấu trúc ở
ĐBSCL. Đây là vấn đề cực kỳ lớn, không phải là câu chuyện cho từng năm một.
Nó tác động xã hội rất lớn. Ở miền Bắc hay miền Trung, người dân khổ đến
mấy cũng chịu được để bám trụ, nhưng ở Nam bộ khổ là có thể cả làng kéo
nhau đi. Họ đi đâu mới được chứ? Tức là chúng ta phải đối diện ngay với
điều kiện, cách thức phát triển của cả một vùng đất lâu nay trù phú, và
chúng ta chưa lường được.
Thứ hai, lực lượng doanh nghiệp
đang nhỏ li ti và quá yếu. Năm ngoái, chúng ta có hơn 110.000 doanh nghiệp
đăng ký thành lập, thì lại có 64.000 doanh nghiệp phá sản. Có tới 70% doanh
nghiệp từ hộ gia đình đi lên, vẫn làm ăn theo kiểu để kiếm sống là chính,
chứ không phải làm giàu. Quy mô doanh nghiệp vẫn nhỏ li ti như cám. Các
doanh nghiệp lại không liên kết với nhau theo chuỗi. Doanh nghiệp càng nhỏ
thì càng phải liên kết xoắn xuýt lại với nhau mới mạnh lên được. Vậy mà doanh
nghiệp chúng ta thì không.
Nhìn lại 30 năm đổi mới, và nhìn
tới hai thập kỷ trước mắt, nếu Việt Nam không có những yếu tố đột phá vượt
trội thì cục diện tụt hậu vẫn không có gì thay đổi. Nếu Việt Nam muốn vươn
lên trong 20-30 năm tới, việc lựa chọn phương thức phát triển khác đi sẽ
quyết định.
Nguồn: Theo Thời Báo Saigon
Nguồn: Theo Thời Báo Saigon
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire