Donald Trump đang “viết lại” chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ? |
Hai tuần lễ trước khi nước Mỹ thay đổi
chính quyền, một loạt các câu hỏi được đặt ra trong quan hệ giữa Washington với
phần còn lại của thế giới. Donald Trump và Vladimir Putin liệu có mở ra một
chương sử mới trong trong bối cảnh Hoa Kỳ và Nga không còn độc quyền làm chủ
cuộc chơi trên bàn cờ quốc tế ?
Theo phân tích của giáo sư đại học,
giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris, Sciences Po Paris Bertrand Badie
và tướng Dominique Trinquand, nguyên cố vấn quân sự Pháp bên cạnh Liên Hiệp
Quốc, mô hình thế giới lưỡng cực đã thực sự lỗi thời và sẽ là một sai lầm
nghiêm trọng nếu phương Tây cứ giữ nguyên lô-gíc đối đầu với Nga.
Trả lời trên đài phát thanh RFI Pháp
ngữ, giáo sư Bertrand Badie, trường Sciences Po Paris giải thích vì sao 2017 là
một năm đầy bất trắc trên sân khấu chính trị quốc tế :
Bertrand Badie : Khó khăn bắt nguồn từ chỗ, tại Hoa Kỳ hiện đang có ba
khuynh hướng khác nhau về hiện tượng toàn cầu hóa. Quan điểm thứ nhất, cho
rằng, trong một thế giới mở rộng và những đường biên giới đang được xóa bỏ,
nước Mỹ cần nắm bắt thời cơ để khẳng định vai trò lãnh đạo, để Washington áp
đặt quan điểm với phần còn lại của thế giới. Đây là lập trường của phe tân bảo
thủ ở Mỹ mà đã từng được ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, bà Hillary
Clinton tán đồng và ủng hộ.
Bên cạnh đó tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama cho rằng, chúng ta đang
sống trong một thế giới đa cực, và nước Mỹ cần tôn trọng tính đa cực đó thay vì
áp đặt cái « Leadership » của mình.
Khuynh hướng thứ ba bao gồm những thành phần chống toàn cầu hóa. Phe này
coi hiện tượng mở rộng ra thế giới bên ngoài là mối đe dọa đối với sức mạnh
siêu cường của Hoa Kỳ. Đây là lập trường của Donald Trump và ông chủ trương là
đã đến lúc để nước Mỹ tìm lại vị trí hàng đầu trong thế giới toàn cầu hóa đó.
Thực ra ông Trump có cái nhìn rất thực tiễn, tức là chấp nhận toàn cầu hóa,
với điều kiện phải có lợi cho Hoa Kỳ. Do vậy chính quyền ở Washington sắp tới
sẵn sàng gạt bỏ bớt những gánh nặng cho nước Mỹ để chỉ giữ lại những gì hữu ích
và nhất là cho phép Hoa Kỳ trở lại là siêu cường số 1 thế giới mà thôi.
Vấn đề đặt ra là ba luồng tư tưởng nói trên đã dẫn tới nhiều xung khắc
trong số các lãnh đạo Hoa Kỳ và điều đó đẩy chính sách đối ngoại của Washington
vào tình huống bất ổn. Chắc chắn là tổng thống tương lai, Donald Trump, sẽ có
những quyết định mạnh mẽ để khẳng định vị trí, khẳng định quan điểm của ông
trên hồ sơ này.
Câu hỏi đặt ra là liệu ông Donald Trump sẽ thay đổi chính sách ngoại giao
của Hoa Kỳ tới mức độ nào.
Chính vì chúng ta chưa biết rõ ý đồ của chủ nhân Nhà Trắng sắp tới, nên
toàn cảnh thế giới trong năm 2017 có vẻ bấp bênh hơn. Chỉ cần ông Trump lấy một
vài quyết định mang tính tượng trưng, cũng đủ để quan hệ quốc tế giữa Hoa Kỳ
với phần còn lại của thế giới thêm căng thẳng.
RFI : Washington và Matxcơva có xích lại gần nhau với chính quyền của tổng
thống Trump hay không ?
Bertrand Badie : Điều thú vị ở đây là giữa hai ông Trump và Putin có nhiều
điểm tương đồng. Họ có chung quan điểm về một thế giới toàn cầu hóa, nhưng điều
đó không có nghĩa là quan hệ Nga -Mỹ bớt sóng gió và cũng không có yếu tố nào
tránh để Washington và Matxcơva trong tương lai tiếp tục xung khắc với nhau.
Chúng ta đều biết, hai nhân vật này có cá tính rất mạnh và cả hai cùng có cách
hành xử rất thẳng thắn, nếu không muốn nói là thô bạo, kém ngoại giao.
Thêm vào đó, tới nay ông Trump lại chẳng biết gì về quan hệ quốc tế và ông
ta là người nóng tính thường xuyên phản ứng một cách không thích hợp. Khác với
thời tổng thống Ronald Reagan xưa kia. Ông Reagan từng có những cộng tác viên
và cả một dàn cố vấn rất chuyên nghiệp, như nhà ngoại giao kỳ cựu, Henry
Kissinger … Ngày nay, những cố vấn thân cận nhất của Donald Trump gây nhiều lo
ngại trong hàng ngũ các nhà quan sát.
RFI : Tướng Dominique Trinquand, ông có nghĩ là còn quá sớm để hy vọng Mỹ
-Nga sưới ấm quan hệ ?
Dominique Trinquand : Điểm thứ nhất cần nói : thắng lợi của Donald Trump
trước hết là một chiến thắng của cá nhân nhà tỷ phú này, chứ không phải là
thắng lợi của một đảng phái chính trị. Thứ hai là như vừa nói, cá tính của bản
thân hai ông Donald Trump và Vladimir Putin là yếu tố then chốt. Cả hai cùng
quen dùng sức mạnh, nhưng họ cũng là những người biết thương lượng. Họ có đầu
óc thực tiễn và có khả năng là các ông Trump và Putin tìm được một sân chơi
chung. Biết đâu, đây lại là một cơ hộ.
Điều khiến chúng ta lo ngại là chẳng biết hai nhà lãnh đạo này tính toán
những gì. Nhưng chắc một điều là nếu như chúng ta cứ suy nghĩ theo một lô-gic
cũ xưa, có từ thời chiến tranh lạnh, về một mô hình quan hệ quốc tế mà ở đó hai
khối « đông và tây » đối đầu với nhau, thì đó hoàn toàn là một sai lầm.
Donald Trump đã hiểu được điều này khi tuyên bố rằng, NATO – Liên Minh Bắc
Đại Tây Dương không còn đóng một vai trò như trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Đã
tới lúc Châu Âu phải tự lực về mặt quân sự, chứ không thể tiếp tục trông cậy
vào Mỹ. Tuy vậy, không có nghĩa là Trump sẽ đứng về phía Putin.
RFI : Liệu quan hệ quốc tế có đang quay lại với mô hình của một thế giới
lưỡng cực đặt dưới trướng của hai siêu cường là Mỹ và Nga ?
Bertrand Badie : Có nhiều yếu tố cho thấy là chúng ta như đang muốn quay
trở lại với mô hình ấy, nhưng kịch bản này không thể xảy ra. Vì sao ?
Thứ nhất, ngoài Nga và Mỹ ra thì còn có vai trò của Trung Quốc. Thứ hai
nước Nga ngày nay của ông Putin, không phải là Liên Bang Xô Viết xưa kia. Thứ
ba là đã có thêm nhiều yếu tố mới nhập cuộc. Những cuộc xung đột trên thế giới
không còn tập trung ở một vùng mà đã tản mát ra trên khắp thế giới. Trong thời
kỳ chiến tranh lạnh thì Châu Âu là sân chơi để Washington và Matxcơva đọ sức
qua trung gian một bên là Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và bên kia Hiệp Ước
Vacxava. Khi đó thì Liên Xô và Hoa Kỳ hoàn toàn làm chủ tình hình.
Ngày nay thì khác.
Xung đột nổ ra rải rác khắp nơi, với những « yếu tố » vuột khỏi tầm kiểm
soát của cả Nga lẫn Mỹ. Tôi muốn nói tới các tổ chức khủng bố thánh chiến. Từ
đầu những năm 2000 tới nay, hai nhân vật được nhắc tới nhiều là trùm Al Qaeda,
Ben Laden và kẻ tự xưng là thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo Abou Bakr
al-Baghdadi. Đây là một thách thức cho cả Nga lẫn Mỹ.
Thêm một ấn số khác đặt ra cho thế giới là như vừa nói, hai ông Donald
Trump và Vladimir Putin cùng có cá tính rất mạnh, và một trong hai người này
lại có tính khí thất thường, dễ đẩy cộng đồng quốc tế vào tình huống thêm nguy
hiểm.
Sau cùng, ngoài Nga và Mỹ thì còn phải kể đến Trung Quốc. Bắc Kinh đã đảo
lộn trật tự kinh tế, tài chính, ngoại giao và cả quân sự của thế giới. Hiện
nay, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ, là quốc gia đóng góp tài chính
quan trọng thứ nhì cho các chương trình gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc,
chỉ thua có Mỹ.
*********
Nguồn: Theo RFI
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire