Ông Lê Duẫn có vai trò quan trọng không thể chối cãi trong Lịch sử Việt Nam cận đại.
Đến nay, nhiều người đã viết về ông nhưng khó mà biết sự trung thực của những gì đã viết.
Chúng tôi giới thiệu bài viết của Thiếu tướng Lê Kiên Trung, hiện là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an và là con của ông Lê Duẫn để có một số chi tiết khác về nhân vật này.
Đặc biệt Thiếu tướng Lê Kiên Trung nhấn mạnh đến nhận định của cha ông về Trung Quốc. Nhận định này trái ngược với hành động của Nguyễn Phú Trọng trong cương vị TBT của đảng Cộng sản hiện nay.
Người đọc có thể đặt câu hỏi về thời điểm hiện nay khi mà thái độ của ông Nguyễn Phú Trọng ngả về Trung Quốc, gây bức xúc trong quần chúng, trong đảng viên, thì sự lên tiếng của Thiếu tướng Lê Kiên Trung có gợi ý được gì về tình hình trong đảng CS, nhất là với vị trí hiện nay của ông ở Bộ Công an, nơi dường như đang có sự giằng co giữa Nguyễn Phú Trọng và Trần Đại Quang.
Dân Quyền
Cha tôi
quyết đoán, nhưng không bất chấp
- Nhà
báo Tô Lan Hương: Thưa Thiếu tướng Lê Kiên Trung, khác với nhiều người thân trong gia đình
mình, anh hầu như chưa từng xuất hiện trên báo chí và chia sẻ những câu chuyện
về Tổng bí thư (TBT) Lê Duẩn?
- Thiếu
tướng Lê Kiên Trung: Thực ra tôi
đã từng viết một bài trên Báo An ninh thế giới nhiều năm trước với những câu
chuyện của tôi về cha. Nhưng đặc thù công việc khiến tôi không phải lúc nào
cũng thấy mình nên xuất hiện trên mặt báo để chia sẻ những suy nghĩ trong lòng.
- Thế thì,
khi nhận lời trò chuyện với Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng chúng tôi,
với cương vị mà anh đang nắm giữ, anh có ngại ngần nếu tôi hỏi anh những câu
hỏi mà bao năm qua, nhiều người vẫn cho là nhạy cảm, về TBT Lê Duẩn?
- Bạn hãy
cho tôi một lý do để một người con phải ngại ngần, né tránh khi nói về cha
mình?! Đặc biệt, một con người của dân tộc, của nhân dân, hết đời cống hiến hy
sinh vì sự nghiệp của đất nước.
- Vậy thì,
tôi muốn bắt đầu với một điều giản dị. Có phải khi còn bé, anh là người con
được gần gũi với TBT Lê Duẩn và được ông thương yêu, cưng chiều nhiều nhất? Ký
ức của anh về người cha chính khách có gì khác với ký ức của những đứa con bình
thường?
- Ký ức bao
trùm trong tôi về ba có lẽ là ký ức về tình thương. Nói là ba thương tôi hơn
những anh chị em khác cũng không hẳn là đúng. Tôi không dám nói ba tôi dành cho
tôi nhiều tình thương nhất, nhưng tôi may mắn là đứa con được gần ba nhiều nhất
so với các anh chị trong nhà.
Thật ra ba
tôi đi hoạt động cách mạng từ sớm, thời gian ông gần gũi gia đình, con cái gần
như không có. Các anh chị tôi, từ lúc đẻ ra cho đến khi trưởng thành, hầu hết
đều chỉ được gặp ba khi ông ghé thăm nhà. Tôi may mắn sinh ra khi ba tôi
đã ra Hà Nội, trong bối cảnh miền Bắc đã được hưởng hoà bình.
Mẹ tôi khi
đó đang học ở Trung Quốc, tôi lại là con út trong nhà, nên ba tôi, với tâm
trạng của một người cha “gà trống nuôi con”, thương tôi phải xa mẹ, đã luôn
dành cho tôi tình yêu thương đặc biệt.
Dù là TBT và
phải đảm đương trách nhiệm lớn lao với việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất
nước, nhưng ông đã luôn để tôi là “cái đuôi” của ông trong suốt nhiều năm trời.
Tôi ăn cùng ba, quanh quẩn bên ông khi ông làm việc và tôi ngủ cùng giường với
ông cho đến tận khi học lớp 7, lớp 8.
- Điều đặc
biệt nhất mà anh cảm nhận ở ba mình?
- Cũng là
tình thương! Nhiều người nghĩ với vị trí người lãnh đạo đất nước, ba tôi là
người lạnh lùng, cứng rắn, nhưng thực ra, ông vô cùng tình cảm với người xung
quanh.
Không chỉ là
tình cảm của người cha dành cho con, tình cảm của người chồng dành cho vợ, mà
còn là tình cảm giữa người với người. Ba tôi coi những người giúp việc cho ông
như người thân trong nhà. Ông cũng là người mà nếu đi ra đường, gặp một người
nghèo, sẽ dễ dàng rơi nước mắt. Nhiều người đi làm cách mạng bắt đầu từ lý
tưởng, từ lý trí, nhưng ba tôi đi làm cách mạng bắt đầu từ tình thương.
Khi còn nhỏ,
có lần bà nội tôi nói với ba tôi: “Đến bao giờ nhà mình mới có một nồi khoai
như nồi khoai nhà bên cạnh?”.
Ông kể ông
đã khóc khi nghe câu nói ấy, dù khi đó ông chỉ là một đứa trẻ nhỏ đang ngồi
trong lòng mẹ. Ông thương xót cái ao ước nhỏ bé đến tội nghiệp của bà nội tôi
bao nhiêu thì ông thấy căm giận chế độ đã tạo ra cả một dân tộc nghèo khổ, với
một lớp người mà ước mơ của họ chỉ là một nồi khoai để ăn bấy nhiêu. Và vì muốn
thay đổi điều đó, ông đã đi làm cách mạng.
- Anh nói,
TBT Lê Duẩn đi làm cách mạng từ tình thương, nhưng trong một giai đoạn lịch sử
dài sau này, khi nhắc về TBT Lê Duẩn, người ta vẫn cho rằng ông rất độc đoán
trên cương vị của mình khi ông còn nắm quyền?
- Tôi vẫn
luôn biết có những người nhìn ba tôi theo cách đó. Nhưng, như những gì tôi đã
được chứng kiến về cha mình, thì cảm nhận của tôi hoàn toàn khác. Năm 1954, sau
Hiệp định Geneve, ba tôi đưa mẹ tôi lên tàu ra miền Bắc, còn ông thì bí mật ở
lại miền Nam.
Trước lúc
chia tay, ông nói với bà: “Anh thương vợ con anh như thế nào, thì anh cũng
thương đồng bào, đồng chí của mình như thế, cho nên anh phải ở lại, cùng với
đồng bào đồng chí miền Nam chiến đấu để giành độc lập thực sự”.
Và nếu không
phải vì Bác Hồ đã kiên quyết yêu cầu ba tôi ra miền Bắc năm 1957 để nhận nhiệm
vụ mới, có lẽ ba tôi sẽ vẫn ở lại miền Nam, dù có lẽ ông hiểu, khi Trung ương
gọi ông ra miền Bắc, có nghĩa là ông sẽ được tin cậy giao những vai trò quan
trọng hơn trong bộ máy lãnh đạo đất nước. Một con người độc đoán, sẽ khó có
tình cảm như thế với đồng bào, đồng chí.
Một điều
nữa, trong cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 20 năm mà mỗi gia đình ở cả phía
bên này và phía bên kia đều phải gánh chịu nỗi đau mất mát, cộng thêm với sự
khác biệt về ý thức hệ, thì sự thù hận là khó tránh khỏi.
Trong nhiều
cuộc chiến tranh, phe thắng cuộc đã có sự trả thù với những kẻ thất bại. Nhưng
sau khi giải phóng xong, Đảng ta mà người đứng đầu là ba tôi đã đưa ra mệnh
lệnh: Bằng bất cứ giá nào cũng không được động chạm đến những người thuộc chính
quyền cũ. Và, thay vì một cuộc tắm máu như báo chí nước ngoài đã dự đoán trước
giải phóng, những người thuộc chính quyền cũ chỉ bị đưa đi cải tạo, giáo dục…
Tôi nghĩ ba
tôi là người quyết đoán. Nhưng sự quyết đoán của ông nằm trong chừng mực của
một người làm chính trị có cân nhắc trước sau, chứ không phải bất chấp.
Ông vẫn nói,
làm chính trị là phải biết chờ đợi. Vì có những việc dù mình nghĩ đúng, nhưng
mình vẫn phải chờ đợi sự đồng lòng từ những người xung quanh. Chính từ những
việc đó, mà sau này, đã có những người hiểu không đúng hoặc đánh giá không
chính xác về phương pháp và cách làm của ông.
Nhiều người
phê phán cha tôi vì việc duy trì nền kinh tế bao cấp quá lâu. Nhưng ngay sau
khi giải phóng xong, khi mà nhiều người trong chúng ta vẫn còn coi Mỹ là kẻ
thù, ba tôi đã giao cho Bộ trưởng Ngoại giao khi đó là ông Nguyễn Cơ Thạch sang
thăm Mỹ, bằng mọi giá thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Ba tôi đã
muốn giữ nguyên nền kinh tế thị trường ở miền Nam, song song với nền kinh tế
bao cấp ở miền Bắc, vì chính ông cũng muốn so sánh ưu điểm và nhược điểm của
hai nền kinh tế đó. Vì ba tôi và các đồng chí của mình khi đó đều được giáo dục
và trưởng thành trong hệ thống lý luận về XHCN theo mô hình Xôviết của Stalin.
Nhưng ông
cảm nhận được, nền kinh tế thị trường có những ưu điểm của nó, và ông muốn có
cơ hội để so sánh giữa hai mô hình đó, để tìm được con đường tốt nhất cho đất
nước.
Dù chuyện
này chưa bao giờ được ông công khai trong các nghị quyết của Bộ Chính trị,
nhưng trong chỉ đạo của ba tôi và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng với
ông Nguyễn Cơ Thạch trước chuyến thăm Mỹ sau giải phóng, tôi biết rằng đã có
nội dung đó. Tiếc là cuộc đàm phán đó đã không thành công. Vì khi đó, nhiều
người bên phía chúng ta vẫn còn coi Mỹ là kẻ thù, và bản thân người Mỹ cũng có
suy nghĩ ngược lại.
Với họ, việc
một nước lớn như Mỹ thất bại trong cuộc chiến với một dân tộc nhỏ bé như Việt
Nam đã làm tổn thương nặng nề lòng tự tôn của họ. Không thể dễ dàng để hai nước
có thể ngay lập tức nối lại quan hệ ngoại giao, bình thường hoá quan hệ. Thậm
chí, sau đó Mỹ còn cấm vận Việt Nam nhiều năm liền. Nên cuối cùng, chuyến đi
của ông Nguyễn Cơ Thạch đã thất bại.
- Cứ cho là
chuyến đi đó thất bại, thì tôi nghĩ, vẫn có nhiều cách để duy trì và phát triển
mô hình kinh tế thị trường ở miền Nam song song với mô hình bao cấp ở miền Bắc,
nhưng như chúng ta đã biết, ngày đó, nền kinh tế bao cấp đã được nhân rộng ở cả
hai miền. Tại sao ba ông không làm điều đó?
- Bối cảnh
lịch sử lúc đó có lẽ đã khiến ba tôi không dễ thực hiện khát vọng và mục đích
của mình. Khi mà Mỹ từ chối quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và bản thân những
nhà lãnh đạo trong nước thời đó đều tin theo hệ thống xã hội chủ nghĩa mô hình
Xôviết của Stalin, thì việc đưa ra một ý tưởng như thế là trái với lý tưởng của
nhiều người.
Tôi vẫn nhớ
hồi đó, khi Nam Tư đưa ra khái niệm kinh tế thị trường, họ đã bị khai trừ ra
khỏi hệ thống các nước XHCN và bị xem như một nước xét lại. Cho nên, không thể
dễ dàng bày tỏ quan điểm của mình và thuyết phục những người khác cùng đồng
lòng với quan điểm đó, nhất là trong một giai đoạn nhạy cảm như đất nước ta khi
đó.
Mà anh chỉ
có thể thực hiện nó âm thầm ở chỗ này, chỗ kia, cho đến lúc lý thuyết của anh
chứng minh được là nó có sức sống, là nó thuyết phục, là thành công, thì đến
lúc đó, anh mới có thể quay lại thuyết phục những người khác. Vì ba tôi hiểu
nếu ngay lập tức thay đổi có thể sẽ khiến sự chia rẽ trong Đảng. Và hơn lúc nào
hết, trong điều kiện đất nước lúc đó Đảng ta càng cần phải coi trọng sự đồng
lòng, thống nhất.
- Bây giờ là
thời điểm TBT Lê Duẩn đã mất được 30 năm. Vài ngày trước, trong ngày giỗ lần
thứ 30 của TBT, tôi có đến gia đình ông và nhìn thấy có những lẵng hoa gửi đến
từ các Ủy viên Bộ Chính trị và một số đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước đã đến
dâng hương tại số 6 Hoàng Diệu, ngôi nhà TBT Lê Duẩn sống lúc sinh thời.
Vài năm trở lại đây, báo chí đã nhắc lại về vai trò của ông Lê Duẩn trong giai
đoạn ông làm lãnh đạo. Nhưng có một thời kỳ dài, người ta ít nhắc đến TBT Lê
Duẩn. Anh có biết tại sao?
- Bạn hỏi
không đúng chỗ rồi. Và cũng không hẳn như vậy! Nhưng tôi nghĩ thế này, chúng ta
không thể không thừa nhận, trong Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn tồn tại những
sự khác biệt về tư tưởng. Ví dụ như quan điểm cải cách ruộng đất, quan điểm về
chiến tranh cách mạng miền Nam, quan điểm về thống nhất đất nước, quan điểm về
việc áp dụng mô hình kinh tế bao cấp hay thị trường, quan điểm về đường lối
ngoại giao…
Cho nên việc
có người này hay người khác ủng hộ hay không ủng hộ, đồng tình hay không đồng
tình với đường lối của cha tôi khi ông còn nắm quyền có lẽ cũng là chuyện bình
thường.
Ba tôi kể,
ngay thời kỳ chiến tranh giải phóng miền Nam, có những người trong chúng ta sợ
Mỹ, có những người thân với Liên Xô, có những người thân với Trung Quốc. Thế
nên có nhiều chuyện, Bộ Chính trị vừa họp xong, nước này nước kia đã tìm cách
can thiệp. Nhiều người không muốn chúng ta giải phóng miền Nam đâu. Nhưng Đảng
ta và ba tôi quyết tâm làm việc đó đến cùng.
Một trong
những điều buồn nhất của ba tôi trong cuộc đời làm cách mạng của ông chính là
Hiệp định Geneve. Ông từng kể ông đã khóc rất nhiều khi đồng bào miền Nam đổ ra
đường, chia tay con em mình ra miền Bắc, họ giơ hai ngón tay, hẹn hai năm sau
Tổng tuyển cử, hẹn hai năm sau gặp lại.
Nhưng ba tôi
hiểu, sẽ không bao giờ là hai năm, sẽ không bao giờ có Tổng Tuyển cử… Và việc
rút toàn bộ lực lượng vũ trang ra miền Bắc sẽ tạo điều kiện cho chính quyền Ngô
Đình Diệm củng cố sức mạnh ở miền Nam, điều đó đồng nghĩa với việc rồi đây miền
Nam sẽ còn đổ máu. Mà điều ba tôi đau xót chính là, chúng ta có khả năng giải
phóng miền Nam, nhưng đã phải chấp nhận ký vào Hiệp định Geneve một cách đầy
thiệt thòi vì sự tính toán của các nước lớn.
Cho nên khi
cử ông Lê Đức Thọ đi đàm phán ở Paris, Bộ Chính trị và ba tôi giao cho ông Lê
Đức Thọ toàn quyền quyết định, nhưng với điều kiện: “Anh đàm phán cái gì thì
đàm phán, nhưng có hai vấn đề không bao giờ phải bàn: quân đội miền Bắc ở lại
miền Nam và Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam”. Nghĩa là ba tôi và Đảng ta cho ông
Lê Đức Thọ được quyền chủ động trên bàn đàm phán, nhưng có những điều ông không
bao giờ nhân nhượng.
Chúng ta
không được phép sợ Trung Quốc
- Tôi từng
nghe kể TBT Lê Duẩn đã báo cáo với Bác Hồ: “Chúng ta muốn thắng Mỹ thì nhất
định không được sợ Mỹ, nhất định không sợ Trung Quốc, nhất định không được sợ
Liên Xô…”? Anh có nghĩ ba mình là người cứng rắn, khi ông không bao giờ sợ các
nước lớn?
- Ba tôi
không sợ Mỹ, vì ông hiểu Việt Nam có thể thắng Mỹ. Còn chuyện không sợ Trung
Quốc là một câu chuyện dài.
Ba tôi là
người yêu thích lịch sử. Ông đọc đi đọc lại những câu chuyện về lịch sử chống
ngoại xâm của dân tộc. Và vì thế, ông biết, trong những cuộc chiến tranh kéo
dài suốt mấy nghìn năm đất nước tồn tại, ngoài hai lần chống Pháp và Mỹ, lịch
sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam là lịch sử chống quân xâm lược từ
phương Bắc kéo xuống.
Và dù trong
thời gian ngắn hay dài, thì cuối cùng, chúng ta cũng đều đánh đuổi được giặc
ngoại xâm phương Bắc. Dân tộc này trong lịch sử chưa từng sợ phương Bắc, và tôi
nghĩ ba tôi thấm nhuần truyền thống ấy.
Từ khi còn
rất sớm, ba tôi đã nhận ra, dù họ viện trợ cho chúng ta rất nhiều, dù tiếng là
hai nước Cộng sản anh em, thì họ vẫn mang những ý đồ không khác gì những triều
đại trước đây.
Ngay cả
trong các cuộc gặp với ba tôi, một lãnh đạo của bạn đã nói: “Các đồng chí, tôi
muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Các đồng chí không cần làm cách mạng,
tôi là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo
quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á”.
Khi nghe câu
nói đó ba tôi đã cảm nhận ra ngay ý đồ của họ và dặn lòng mình luôn phải cảnh
giác với dã tâm ấy. Ba tôi từng viết về một cuộc đối thoại giữa ông và một lãnh
đạo của họ (xin phép không nói rõ tên của nhà lãnh đạo đó - xin đổi là ông ta -
PV) như thế này:
“Ông ta hỏi
tôi: Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất?
Tôi (Lê
Duẩn) trả lời: Khoảng 200.000 cây số vuông.
Ông ta hỏi: Dân
số của họ bao nhiêu?
Tôi trả lời:
Khoảng 3 triệu!
Ông ta
nói: Như vậy là không nhiều! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà!
Ông ta
hỏi: Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan?
Tôi trả lời:
Khoảng 500.000 cây số vuông.
Ông ta hỏi:
Có bao nhiêu người?
Tôi trả lời:
Khoảng 40 triệu!
Ông ta nói:
Một tỉnh của nước tôi có 500.000 cây số vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi
cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan!
Đối với Việt
Nam, họ không dám nói về việc đưa người tới theo cách này. Tuy nhiên, ông ta
nói với tôi: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh
bại quân Nguyên?”. Tôi nói: “Đúng”. Ông ta hỏi: “Có phải cũng chính người của
đồng chí đã đánh bại quân Thanh?”. Tôi nói: “Đúng”. Ông ta nói: “Và quân Minh
nữa, phải không?”. Tôi nói: “Đúng, và cả các ông nữa. Nếu các ông tìm cách xâm
lược đất nước tôi. Các ông có biết điều đó không?...”.
Vì nhận thức
được ý đồ của họ, cũng như các tiền nhân, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng
ta và ba tôi cũng giữ tinh thần cảnh giác, ngay cả khi họ là nước viện trợ rất
lớn cho chúng ta trong kháng chiến chống Mỹ.
Có lần, họ
đề nghị viện trợ cho chúng ta 500 xe tải chi viện cho tuyến đường Trường Sơn,
với điều kiện họ sẽ cử lái xe đi kèm. 500 xe hồi đó là vô cùng quý giá với Việt
Nam. Nhưng chúng ta đã kiên quyết từ chối.
Khi đó có
đồng chí lãnh đạo đề nghị ba tôi “nhận vài chiếc cho người ta vui”, nhưng ba
tôi và lãnh đạo không đồng ý. Ba tôi cũng báo cáo với Bác Hồ: “Chúng ta muốn
thắng Mỹ, thì không được sợ Mỹ, nhưng nhất định cũng không được sợ Trung Quốc”.
Câu nói ấy của ông hẳn đã đến tai người Trung Quốc…
Ảnh trong bài: Alannguyen Đức. |
- Hầu hết
những nhà nghiên cứu lịch sử đều nhận định, TBT Lê Duẩn là nhà lãnh đạo Việt
Nam có đường lối cứng rắn nhất với phương Bắc. Anh có đồng ý với ý kiến của
nhiều người, khi họ cho rằng sự cứng rắn của ông Lê Duẩn là một trong những
nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới phía bắc?
- Ba tôi
cứng rắn với họ thì đúng. Nhưng những người nói ông là một trong những nguyên
nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 có lẽ là không hiểu lịch sử.
Suốt thời phong kiến của chúng ta, họ đã vì ghét ông vua nào mà đem quân xâm
lược mảnh đất này? Không vì cha tôi, họ vẫn tìm cách chiếm Hoàng Sa, Trường Sa,
rồi bây giờ là âm mưu chiếm toàn bộ biển Đông. Họ chẳng ghét ai cả.
Chỉ có một
lý do duy nhất, ý đồ xâm lược của họ là không bao giờ thay đổi. Ba tôi, mang
trong mình bản năng của người Việt suốt chiều dài lịch sử: không cần biết họ
mạnh thế nào, nhưng anh cứ xâm phạm biên giới chúng tôi là chúng tôi
đánh.
Còn nói về
sự cứng rắn với họ, ba tôi có lẽ không thể so với cụ Lý Thường Kiệt. Bậc tiền
nhân ấy đã chủ động đánh phương Bắc ngay khi họ lộ ý đồ sang xâm chiếm nước
Việt. Trừ những kẻ bán nước, còn thì, đã là người Việt Nam, nếu thực sự yêu dân
tộc này, nếu thực sự yêu đất nước này, sẽ đều hành động như thế, bất kể kẻ thù
có mạnh và dã tâm đến đâu.
Ba tôi, như
bao người Việt yêu nước bằng cả trái tim mình, đã luôn hiểu rằng, họ là mối đe
dọa truyền kiếp, là dân tộc mà trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, bất cứ triều
đại nào, chế độ nào, cũng không từ bỏ ý đồ xâm chiếm Việt Nam. Lịch sử xâm lược
của họ là lịch sử mở rộng lãnh thổ về phương Nam.
Và, cho đến
tận ngày hôm nay, với những yêu sách về chủ quyền ở biển Đông, về đường lưỡi
bò, vẫn có thể chứng minh một điều, những nhận định của chúng ta về dã tâm của
họ chưa bao giờ sai lầm. Khi còn nắm quyền, ba tôi vẫn cố gắng giữ một mối quan
hệ ngoại giao mềm mỏng với họ.
Năm 1961,
khi Bác Hồ cử ba tôi đi dự Hội nghị Quốc tế Cộng sản vào thời điểm quan hệ giữa
Trung Quốc và Liên Xô đang căng thẳng. Khi đó, Trung Quốc rất đơn độc, vì các
nước khác đều ủng hộ Liên Xô. Chỉ có duy nhất đoàn Việt Nam do ba tôi dẫn đầu
là có ý kiến ủng hộ Trung Quốc. Nhưng Đảng ta do ông đứng đầu không bao giờ cho
phép ai có hành động xâm phạm chủ quyền đất nước này.
- Đến nay đã
30 năm rồi sau ngày mất của TBT Lê Duẩn, anh có nghĩ, sự cứng rắn của cha anh
là một trong những lý do mà sau này ông ít được nhắc đến?
- Tôi nghĩ
ba tôi là nhà lãnh đạo đất nước trong một giai đoạn lịch sử phức tạp và cam go
của đất nước. Với nhiều ý kiến xung đột lẫn nhau. Thế nên, như tôi đã nói ban
đầu, việc chấp nhận ông hay một bộ phận không chấp nhận quan điểm của ông, ủng
hộ ông hay không ủng hộ ông cũng là điều tất yếu. Ba tôi không chịu nói, chịu
kể về mình giống như một số người khác.
Có những
người có cả chục cuốn hồi ký, nhưng ông thì khác, ông không hề viết một cuốn
sách nào kể về mình. Ông không bao giờ chịu giải thích để người ta hiểu hơn về
những việc ông làm. Vì thế đến giờ, nhiều người chưa thực sự hiểu ba tôi như
ông vốn có.
Nhưng tôi
tin, cuối cùng thì những sự thật lịch sử sẽ được sáng tỏ đến tận cùng, và người
ta sẽ hiểu hơn về ông và những việc ông làm. Tôi vẫn nghĩ ba tôi là người thiệt
thòi. Tất nhiên làm cách mạng thì phải chịu thiệt thòi.
Chúng ta ghi
nhớ công ơn của các liệt sĩ, của các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hi sinh hạnh
phúc riêng của mình vì đất nước. Nhưng ba tôi, người lãnh đạo có vai trò rất
quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của cuộc chiến ấy, đã ít được
nhắc đến suốt một thời gian. Đó là điều mà lịch sử đã không công bằng với ông.
Song tôi tin điều đó đang và sẽ được nhìn nhận công bằng hơn.
- Và cảm
giác của anh - một người con, như thế nào trong suốt giai đoạn ấy, giai đoạn mà
tên tuổi ông ít được nhắc đến như thế?
- Dĩ nhiên
là tôi buồn. Không chỉ buồn cho cá nhân tôi, gia đình tôi. Vì tôi cho rằng đã
có những việc, câu chuyện của ba tôi đã không được đề cập chính xác, đầy đủ,
khoa học. Tôi cũng rất buồn và mãi trăn trở một điều, tại sao có những sự thật
mà sau bao nhiêu năm chúng ta vẫn nhất định phải giấu kín? Và tôi cho rằng, đó
không phải là cách hành xử khách quan, minh bạch và khoa học.
- Nói thế
thì hẳn là anh khao khát đến một ngày, tất cả tư liệu về cuộc đời của TBT Lê
Duẩn, về những quan điểm cũng như quyết định của ông trong những thời điểm lịch
sử và cả những đánh giá về vai trò của ông trong giai đoạn ông nắm quyền sẽ
được công bố?
- Đó chính
xác là mong ước lớn nhất của tôi và những người thân trong gia đình suốt nhiều
năm qua. Cha tôi và nhiều nhà lãnh đạo đất nước thời kỳ đó đã mất mấy chục năm
trời. Và tôi không hiểu lý do vì sao, có những điều đến giờ này chúng ta vẫn
cần giữ bí mật.
Nhưng tôi
nghĩ, những người làm công tác nghiên cứu, những người làm báo như chị, phải
được tiếp xúc với những sự thật đó, để có cái nhìn chính xác và đầy đủ nhất về
lịch sử. Và nhân dân cũng có quyền được biết, những nhà lãnh đạo của họ đã làm
gì, đã ứng xử thế nào, trong những thời khắc lịch sử của đất nước.
- Cảm ơn anh
về cuộc trò chuyện này!
Tô Lan Hương
(thực hiện)
Sau này phe thắng cuộc ở Vn, hy vọng lần này sẽ là nhân dân và sẽ không có "tắm máu", bên thua cuộc cũng "chỉ bị đi cải tạo, giáo dục...".
RépondreSupprimer