Trang

03/02/2017

Trần Huỳnh Duy Thức vẫn không chịu đổi lưu vong lấy tự do


Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong phiên tòa mà ông bị tuyên án 16 năm tù giam. (Hình: Getty Images)

NGHỆ AN (NV) – Ðó là tin mới nhất liên quan đến ông Trần Huỳnh Duy Thức, 51 tuổi, bị kết án 16 năm tù với cáo buộc “Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân.” Ông Thức đã ở tù gần tám năm.
Cha, vợ con, chị em ông Thức vừa từ Sài Gòn ra trại giam số 6 của Bộ Công An Việt Nam ở Nghệ An gặp ông hôm 29 Tháng Giêng, 2017.
Trong cuộc gặp mặt kéo dài một giờ, thân nhân của ông Thức tiếp tục đề cập đến trường hợp ông Ðặng Xuân Diệu, 37 tuổi (từng bị kết án 13 năm tù, cũng với cáo buộc “Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” đã được phóng thích sau 5 năm rưỡi bị giam để sang Pháp chữa bệnh) như một trường hợp để ông Thức tham khảo nhưng ông Thức cự tuyệt.


Theo lời em trai ông Thức, thì ông không muốn gia đình đề cập đến chuyện “đổi lưu vong lấy tự do” vì Việt Nam sẽ sớm thay đổi và không gì có thể cản được điều đó.
Năm ngoái, ông Thức từng từ chối sang Hoa Kỳ tỵ nạn.
Ông Thức là một kỹ sư về công nghệ thông tin. Năm 1993 là người sáng lập thương hiệu máy tính EIS. Nhờ phẩm chất tốt, giá rẻ, máy tính EIS trở thành một thương hiệu được người tiêu dùng ở Việt Nam tín nhiệm.
Năm 1994, ông Thức cùng ông Lê Thăng Long thành lập công ty tin học Duy Việt. Khi Internet bắt đầu phổ biến tại Việt Nam, công ty này giới thiệu công nghệ truy cập digital thay cho công nghệ truy cập analog qua đường dây diện thoại nên thắng nhiều gói thầu mở rộng hạ tầng Internet tại Việt Nam.
Năm 2000, công ty tin học Duy Việt đổi tên thành công ty EIS, chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông trên môi trường Internet toàn cầu với dịch vụ mang tên One Connection, gồm ba chi nhánh, một ở Việt Nam, một ở San Jose (Hoa Kỳ), một ở Singapore và đặc biệt thành công tại Singapore.
Tuy là một trong những công ty công nghệ thông tin hiếm hoi của Việt Nam đầu tư ra ngoại quốc và rất thành công nhưng tại Việt Nam, EIS liên tục bị chính quyền Việt Nam gây khó dễ. Tháng Ba năm 2009, Sở Thông Tin-Truyền Thông của thành phố Sài Gòn ra lệnh cho EIS ngưng cung cấp dịch vụ One Connection. EIS loan báo sẽ kiện cơ quan này ra tòa hành chính ở Sài Gòn và tại Singapore.
Ngày 24 Tháng Năm năm 2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc “Trộm cắp cước viễn thông.” Sau đó, các ông Lê Thăng Long, Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung lần lượt bị bắt.
Sau khi ông Thức bị bắt, người ta mới biết ông là blogger Trần Ðông Chấn với blog mang tên “Change we need.”
Xuất hiện trên Internet vào khoảng cuối năm 2008, chỉ trong vòng một vài tháng, blog “Change we need” của blogger Trần Ðông Chấn gây rúng động dư luận Việt Nam vì những phân tích sắc sảo về hiện tình chính trị, những cảnh báo được nhiều người đồng tình về việc phải nhanh chóng thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam, những dự báo về các nguy cơ đủ mặt từ chính trị đến kinh tế, xã hội và đặc biệt là hiểm họa tiềm ẩn trong quan hệ Việt-Trung.
Không chỉ dân chúng, trí thức mà ngay cả cán bộ, đảng viên, viên chức trong chính quyền cũng bày tỏ sự tán thành những phân tích, nhận định và dự báo này của blogger Trần Ðông Chấn trên blog “Change we need.”
Ðó cũng là lý do ông Thức chính thức bị truy tố và bị phạt tù vì “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”!
Cuối Tháng Giêng năm 2010, tại phiên xử sơ thẩm ông Thức và ba người bạn, Tòa án Tối cao của Việt Nam phạt ông Thức 16 năm tù. Ông Nguyễn Tiến Trung bị phạt 7 năm tù, ông Lê Công Ðịnh và ông Lê Thăng Long cùng bị phạt mỗi người 5 năm tù. Ðến Tháng Năm năm 2010, khi xử phúc thẩm, Tòa án Tối cao của Việt Nam chỉ giảm án cho ông Lê Thăng Long từ 5 năm tù xuống còn 3 năm 6 tháng tù.
Hồi đầu Tháng Sáu năm 2012, ông Lê Thăng Long được trả tự do sớm 6 tháng so với án tù. Ðến Tháng Hai năm 2013, ông Lê Công Ðịnh được phóng thích sớm 1 năm 4 tháng so với án tù. Tháng Tư năm 2014, tới lượt ông Nguyễn Tiến Trung được trả tự do sớm 2 năm 3 tháng tù so với bản án.
Trong vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” vừa kể, chỉ còn ông Thức vẫn bị giam giữ và dứt khoát không chịu đổi lưu vong lấy tự do.
Chính quyền Việt Nam đã quyết định chuyển ông từ trại giam Xuyên Mộc tại tỉnh Ðồng Nai tới một nhà tù ở tỉnh Nghệ An. Những cựu tù chính trị tại Việt Nam nhận định đây là một hành động bẩn thỉu mà chính quyền Việt Nam thường sử dụng để khủng bố tinh thần của người tù: Gây khó khăn, tốn kém cho thân nhân tù nhân, khiến tù nhân cảm thấy bất an vì… “mình cũng có lỗi.”
Ðã có nhiều thỉnh nguyện thư đề nghị cộng đồng quốc tế gây áp lực để chính quyền Việt Nam phóng thích ông Thức vô điều kiện. (G.Ð)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire