Trang

02/02/2017

Tranh cử tổng thống Pháp : Liên tiếp những bất ngờ !



 
Ứng cử viên Emmanuel Macron trong một cuộc vận động tranh cử tại Paris, ngày 5/11/2016.REUTERS/Jacky Naegelen

Có lẽ chưa bao giờ chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp có nhiều bất ngờ và khó dự đoán như lần này với những diễn biến dồn dập đến chóng mặt.
Chỉ mới cách đây vài tháng, dân Pháp vẫn còn nghĩ rằng bầu cử tổng thống năm 2017 sẽ là cuộc đối đầu giống như năm 2012, tức là giữa cựu tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy với tổng thống Xã Hội mãn nhiệm François Hollande. Nhưng không ai ngờ là trong cuộc bầu cử sơ bộ bên cánh hữu, cựu thủ tướng François Fillon không chỉ đánh bại ông Sarkozy, mà còn hạ luôn cả thị trưởng Bordeaux Alain Juppé, nhân vật mà các cuộc thăm dò trước đó đều dự báo sẽ giành chiến thắng. Còn bên đảng Xã Hội, tổng thống Hollande cũng bất ngờ quyết định không tái tranh cử.


Do cánh tả vừa suy yếu vừa bị chia rẽ, khó mà vượt qua được vòng đầu, nên cho tới gần đây, theo nhiều dự báo, lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống năm nay sẽ là ứng cử viên Fillon và đại diện của phe cực hữu Marine Le Pen.
Nhưng bây giờ, cơ may đắc cử của cựu thủ tướng Fillon đang bị đe dọa nghiêm trọng sau những tiết lộ của báo chí Pháp về vụ nay được mệnh danh là « Penelopegate », tức là vụ ông Fillon bị nghi đã tạo việc làm giả cho vợ con để lãnh tổng cộng gần một triệu euro. Đây chủ yếu là tiền mà mỗi nghị sĩ được cấp để mướn trợ lý, và như vậy là tiền của Nhà nước. Nếu lãnh tiền của Nhà nước mà không làm gì thì chẳng khác gì biển thủ công quỹ.
Trong thời gian tranh cử, ông Fillon đã xem sự liêm khiết là tiêu chuẩn hàng đầu của vị nguyên thủ quốc gia và cách đây vài ngày ông đã hứa sẽ không ứng cử tổng thống nữa nếu bị truy tố, một khả năng khó có thể xảy ra trong vài tháng tới. Nhưng ngay trong chính đảng Những Người Cộng Hòa (LR), ngày càng có nhiều người yêu cầu phải thay thế ông Fillon ngay lập tức, cho dù cuộc điều tra kết thúc ra sao.

Tình hình này liệu sẽ có lợi cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, giúp cho bà giành được chiếc ghế tổng thống ? Đó là một câu hỏi lớn và điều đó tùy thuộc vào khả năng huy động cử tri của bà. Nhưng hiện giờ, bản thân bà Le Pen cũng đang bị cáo buộc về việc làm giả ở Nghị Viện Châu Âu, nơi bà là nghị sĩ. Nghị viện này đã yêu cầu lãnh đạo Mặt trận Quốc gia trả lại số tiền hơn 300 ngàn euro mà bà được cấp và bà sử dụng để trả lương hai trợ lý, nhưng hai người này không làm việc cho Nghị Viện Châu Âu, mà là cho đảng của bà.
Bên phía đảng Xã Hội, cũng đã có bất ngờ với việc cựu bộ trưởng Giáo Dục Benoît Hamon, một nhân vật thiên tả, giành quyền đại diện ra tranh cử tổng thống, đánh bại cựu thủ tướng Manuel Valls, nhân vật được xem là có triển vọng nhất. Nhưng cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua đã khoét sâu thêm sự chia rẽ trong đảng Xã Hội, biểu hiện qua việc một số dân biểu đảng này từ chối ủng hộ ông Hamon, một số khác thì ngả theo phe của cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron, 39 tuổi, nhân vật đã tự ra ứng cử và nay thu hút ngày càng nhiều cử tri không chỉ bên cánh tả, mà cả bên cánh trung và cánh hữu.
Vào lúc ông Fillon gặp rắc rối với pháp luật, cơ may của ông Macron càng gia tăng, thậm chí theo kết quả một cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu vừa được công bố hôm nay, ông Macron nay qua mặt ông Fillon để lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống cùng với ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen. Cũng theo thăm dò này, thì ở vòng hai, dù gặp đối thủ Macron hay Fillon, bà Le Pen đều bị đánh bại.
Tóm lại, bầu cử năm nay rất có thể sẽ gây bất ngờ lớn, với khả năng lần đầu tiên nước Pháp sẽ có một vị tổng thống trẻ, chỉ mới 39 tuổi, đó là Emmanuel Macron.
Nguồn: Theo RFI

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire