Trang

08/03/2017

Bảo kê lấn chiếm vỉa hè: Tiền vào túi ai?


Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng : "Bảo kê của chính quyền là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Vấn đề là số tiền này chui vào túi ai?"

Sáng 4/3, tại hội nghị "Quán triệt, triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị", ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, khẳng định: "Tôi thống kê hơn 180 quán bia trên vỉa hè thì có hơn 150 quán có công an đứng đằng sau". Ảnh: Hiền Đức.



 Phát ngôn ấn tượng của ông Nguyễn Đức Chung về trật tự đô thị Phát triển theo hướng bền vững, dựa vào ý thức tự giác của người dân là mục tiêu mà Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung hướng tới trong việc sắp xếp lại trật tự đô thị.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ với Zing.vn quanh phát ngôn mạnh mẽ của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung về hiện tượng bảo kê, chống lưng của chính quyền, công an để vỉa hè bị lấn chiếm.

Ở đây muôn sự của chung/Ai khéo vẫy vùng thì được của riêng”, tôi xin mượn câu ca dao trên để ví tình trạng sử dụng vỉa hè của nước ta hiện nay.

Hà Nội, TP.HCM và nhiều thành phố khác, vỉa hè là của chung, nhưng sự “khéo vẫy vùng” đang biến nó gần như trở thành của riêng hoặc đang làm cho nó mang lại những lợi ích rất riêng.

Lực lượng “khéo vẫy vùng” đầu tiên là chủ nhân của các căn nhà nhìn ra vỉa hè. Đây là những người thực thi “quá đà” quyền chủ sở hữu của mình. Những người này có quyền chủ sở hữu đối với căn nhà và thường “tiện tay” thực thi luôn rất nhiều quyền của chủ sở hữu đối với vỉa hè ở phía trước.

Họ ngang nhiên kê bày tủ kính, bàn trà, xe máy… ra trước vỉa hè. Nhiều người thậm chí còn cho thuê vỉa hè để có thêm thu nhập.
 
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung rất thẳng thắn khi chỉ ra thực trạng lấn chiếm vỉa hè tại thủ đô. Đồ họa: Phượng Nguyễn.


Lực lượng “khéo vẫy vùng” thứ hai là người bán hàng rong. Đây là những người chiếm dụng vỉa hè vì nhu cầu dân sinh. Hiện tượng này có một bản chất kinh tế sâu xa của nó.

Trước hết, bán hàng rong là công ăn, việc làm của một lực lượng đông đảo dân nghèo thành thị và người di cư từ nông thôn ra thành phố. Những người này thường có rất ít vốn (thông thường chỉ từ dăm trăm nghìn đến một triệu đồng). 
Hàng ngày họ phải dậy từ 3-4h sáng để ra các chợ đầu mối mua rau củ, hoa quả, hàng tiêu dùng…

Sau đó, cả ngày họ sẽ phải đi bán rong trên vỉa hè số hàng hóa vừa mua được sao cho đủ sống, đồng thời bảo tồn được vốn. Sáng hôm sau, họ lại bắt đầu vòng quay tương tự của cuộc đời và lại phải chiếm dụng hè phố.

Hai nữa, bán hàng rong là nhu cầu khách quan của các hộ gia đình có đất nông nghiệp quá nhỏ bé ở xung quanh các thành phố lớn, đặc biệt là xung quanh Hà Nội. Do lịch sử của chính sách đất đai, mỗi gia đình làm nghề nông ở ngoại thành thường chỉ có mấy sào ruộng.

Với một diện tích đất đai nhỏ bé như vậy, người nông dân chỉ có thể kiếm sống được, nếu như họ tự sản xuất và tự tiêu thụ sản phẩm của mình. Vào thành phố bán rong trên vỉa hè vì vậy là sự lựa chọn bắt buộc đối với những nông dân này.

Lực lượng “khéo vẫy vùng” thứ ba là những người chủ động khai thác lợi thế kinh tế to lớn của vỉa hè. Với thói quen ăn uống, sinh hoạt của rất nhiều “con rồng, cháu tiên”, vỉa hè đã trở thành vị trí có một lợi thế kinh tế hết sức to lớn. Những quán bia, nhà hàng… mọc lên như nấm là để khai thác lợi thế kinh tế này.

Những lực lượng “khéo vẫy vùng khác” là người tham gia giao thông, thậm chỉ một số cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, động lực khai thác vỉa hè của nhóm này không lớn.

Với những lực lượng “khéo vẫy vùng” hùng mạnh như trên, thì hiện tượng lấn chiếm vỉa hè tràn lan hoàn toàn dễ hiểu. Vấn đề khó hiểu hơn là tại sao các chính quyền địa phương và lực lượng chức năng lại để điều này xảy ra dễ dàng như vậy?

Câu trả lời thẳng thắn nhất đã được Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra. Ông khẳng định: “Trong hơn 180 quán bia hơi vỉa hè thì trên 150 quán có công an đứng sau”. Nghĩa là 80% quán bia vỉa hè có công an chống lưng.

Như vậy, bảo kê của chính quyền là một trong những nguyên nhân hết sức cơ bản của tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Có vẻ như không chỉ bán bia, mà mọi hoạt động kinh tế, dân sinh khác trên vỉa hè đều phải đóng phí, đều bị thu tiền.

Vấn đề là số tiền này chui vào túi ai? Trước khi ra quân rầm rộ giành lại vỉa hè, chúng ta cần trả lời cho bằng được câu hỏi nêu trên.

Muốn hay không muốn, có chấm dứt được bảo kê, mới chấm dứt được việc lấn chiếm vỉa hè. Việc nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật là sự khởi đầu quan trọng để làm được điều đó.



Nguồn: Theo Soha

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire