Trang

20/04/2017

Nếu cấm “Dạ cổ Hoài lang” là giết chết linh hồn của cư dân Nam bộ



 Thiện Tùng



Việt Nam có 3 miền Bắc - Trung – Nam. Mỗi miền có thể loại Dân ca riêng biệt, người ta thường nói vắn tắt cho dễ nhớ Bắc Chèo, Trung Chòi, Nam Vọng cổ.



Bài viết nầy, người viết không đá động đến Chèo, Chòi mà chỉ nói Vọng cổ, vì dòng họ nó đang có nguy cơ bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn bức tử do sự ra đời bị xem là không chính danh và thay đổi ca từ .



Nhứt là thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, chán nản và bất bình về việc giành quyền, giành ăn giữa Cung Vua và Phủ Chúa, từng bộ phận dân xuôi Nam theo đường biển ghé Đồng Nai, Gò Công; xuôi sông Mékong ghé kinh Mang thít (Cái Thia). Ba cụm cư dân nầy bung ra trên diện rộng, đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, khai phá mở mang vùng đất Phương Nam (Nam bộ).





Trong số di dân ấy, có gia đình ông Cao văn Lầu (Sáu Lầu) định cư ở tỉnh Bạc Liêu. Ông Lầu kết hôn hơn 3 năm mà vợ không sanh được con, tập tục Phong kiến quả là khắc nghiệt, cha mẹ ông áp dụng “Tam niên vô tự bất thành thê”,  buộc ông trả vợ về cho cha mẹ vợ. Vì thương vợ, ông tìm một gia đình xa nhà mình gởi vợ. Chồng một nơi, vợ một nẻo, vì quá nhớ vợ, đêm vắng canh buồn ông mò mẫm sáng tác nhạc và lời bài “Dạ cổ Hoài lang”. Không ngờ, bản nhạc buồn của một gã nhớ vợ lại đồng cảm với nỗi buồn của khối người tha hương cầu thực.

Đêm buồn vì nhớ vợ, sáng tác nhạc - Ảnh minh họa


  



Dạ cổ hoài” lang là bản tình ca nổi tiếng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) có thể bị cấm vĩnh viễn trên toàn quốc. Theo Cục Nghệ thuật Biểu Diễn nói, đại ý: Bất kỳ ai muốn hát lại, phổ biến tác phẩm nầy phải tìm cho được bản gốc của tác phẩm, với chữ ký của người quá cố.

  Chỉ là chữ ký đánh máy, không phải chữ ký của cố nhạc sĩ Cao văn Lầu

   

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn trả lời với báo chí, truyền thông: “Không chỉ Dạ cổ hoài lang, nhiều tác phẩm khác cũng có thể sẽ bị cấm vĩnh viễn trên toàn quốc cho đến khi tìm được bản gốc”.



Như chúng ta đã biết, “Dạ cổ Hoài lang” là thân sinh, là xuất phát điểm, là cơ sở cho sự ra đời “Dân ca Nhạc cổ Nam bộ” – còn gọi là “Cổ nhạc Nam phần”, nó phong phú lắm, có rất nhiều thể loại, bao gồm cả nhạc và lời bài ca Vọng cổ.



“Cổ nhạc Nam phần” nói chung, nó bắt nguồn từ “Dạ cổ Hoài lang”, nhưng không dừng ở đó, nó phát triển không ngừng về thể loại và nhạc cụ. Trong bài viết nầy, người viết chỉ nói đôi điều về tính đặc thù của “Cổ nhạc Nam phần” nhằm phản biện ý định bức tử “Dạ cổ Hoài lang” của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. 



Có người cho rằng Cổ nhạc Nam phần là ca Vọng cổ. Không chỉ thế, Vọng cổ chỉ là vua trong tổng thể ấy. Cũng như thể thao, bóng đá là vua của những môn thể thao khác. Nhạc điệu Cổ nhạc Nam phần nói chung, Vọng cổ nói riêng biểu cảm lên xuống, thăng giảm theo bình, trắc . Ký âm không gọi Đồ, La, Rê, Mi, Sol… như Tân nhạc mà gọi Hò, Xang, Xê, Cống… như nhạc Dạ cổ Hoài lang (xem ảnh minh họa).



Để cho Soạn giả, Nhạc sĩ, Ca sĩ đủ không gian sử dụng ca từ và diễn đạt nghệ thuật lột tả chủ đề bài ca. Nhạc Vọng cổ gồm 20 câu, qua năm tháng thăng trầm của miền sông nước nổi trôi, nhạc Vọng cổ từng bước nhân đôi nhịp (nhịp trường canh): từ nhịp 4 lên 8, từ 8 lên 16, từ 16 lên 32, từ 32 lên 64 và, vào cuối thập niên 60, tăng từ 64 lên 128 nhịp – Nhạc sĩ, Ca sĩ lấy tít tắc đồng hồ canh nhịp, để “dù có đi đâu, bay nhảy thế nào cũng phải nhớ về gặp nhau đúng điểm hẹn” – họp tan, tan họp nhịp nhàn thì còn lý thú nào hơn? Bởi vậy, đờn ca Vọng cổ mới thủ vai Vua (ách chủ bài) của Cổ nhạc Nam phần.



Về nhạc cụ, không như nhạc Giao Hưởng - cả dàn nhạc có thể cùng một loại đờn, nhạc cụ Cổ nhạc Nam phần có nhiều chủng loại, khi hòa tấu phối âm phối khí du dương, trầm bỗng làm lay động lòng người. Gì thì gì, chơi đúng điệu, trong dàn đờn phải có xen lẫn tiếng “tơ đồng”- tơ là loại đờn dây làm bằng sợi tơ se săn như đờn kìm ( đờn nguyệt), đồng là loại đờn dây làm bằng kim loại như đờn Guitaire chẳng hạn.  



Nhạc cổ Nam phần khởi đầu chơi với dạng “ Đờn ca Tài tử”, người đờn, người ca mặc thường phục ngồi thể hiện, không cần ra bộ, miễn phí cho người nghe; dần dần thương mại hóa, chuyển nó thành tuồng Cải lương - khi ca hay nói có bộ tịch, trang phục theo nhân vật mình thủ vai, diễn ở rạp, bán vé thu phí. 



Có người còn chưa phân biệt ca với hát - Gọi ca Vọng cổ chớ không ai gọi hát Vọng cổ - Tân nhạc mới gọi hát. Khi soạn giả Viễn Châu sáng tạo, sáng tác “Tân Cổ giao duyên” – có Tân và Cổ pha lẫn trong một bài. Gặp trường hợp nầy, gọi ca hay hát gì cũng có thể chấp nhận, bởi đàng nào cũng đúng dù chỉ 50%?



Như đã nói, “Dạ cổ Hoài lang” là thân sinh của Cổ nhạc Nam phần. Không như Tân nhạc, Cổ nhạc Nam phần có nhiều thể loại, mỗi loại có nhạc điệu riêng, được ấn định bất di bất dịch. Lời cho từng loại phải dựa vào nhạc mà viết ca từ. Bởi vậy, viết lời dầu tài ba như Viễn Châu (Bảy Bá) chẳng hạn, ông đã sáng tác trình làng hơn 2.000 lời bài ca Vọng cổ, cũng chỉ được gọi là “Soạn giả”, vì ông chỉ viết lời chớ nhạc của người ta – Bất cứ thể loại nào, tất cả đều là của mình mới được gọi là “Tác giả”.



Về Nhạc cổ Nam phần đến nay đã chào đời hàng trăm thể loại nhạc, đó là chưa kể 40 bài nhạc của Mộng Dân (Vân?) đã ra đời, được thông dụng, rất ăn khách thời Việt Nam Cộng hòa. Cố nhạc sĩ Trần Hữu Trang yêu cầu ghép 40 thể loại nhạc nầy vào Cổ nhạc Nam phần. Về lời, nhiều Soạn giả, dựa vào từng thể loại nhạc viết lời, đến nay đã có hàng ngàn, hàng triệu lời khác nhau cho các thể loại Cổ nhạc Nam phần. Vì vậy, nếu lấy lý do lời thay đổi (không cố định) phải dẹp bỏ thì đồng nghĩa với xóa tất Cổ nhạc Nam phần, bao gồm cả Vọng cổ?!  

 Ai duyệt cho Bạc Liêu dựng nhà hát nầy? - Ảnh minh họa






Những dòng người đi về phương Nam mở cõi, họ chịu lắm khổ nhục đắng cay, làm được 2 việc đáng ghi nhận: Một là khai phá, tạo dựng được vùng đất rộng lớn, trù phú đủ đảm bảo cho họ cuộc sống về vật chất. Hai là tao dựng,vung đắp nên nền tàng Cổ nhạc Nam phần, đảm bảo cho họ cuộc sống về tinh thần – văn hóa.



“Dạ cổ Hoài Lang” là thân sinh của “Dân ca Nhạc cổ Nam phần”, nếu xóa Dạ cổ Hoài lang cũng có nghĩa là xóa Dân ca Nhạc cổ Nam phần – coi như giết chết linh hồn của cư dân Nam bộ. Đã gọi nó là “Dân ca” thì nó phải trường tồn song hành cùng dân tộc, không ai có quyền, có thể xóa chúng. Hơn nữa, tháng 12/2013, UNESCO cũng đã công nhận và liệt “Đờn ca Tài tử Nam bộ” vào danh mục “Di sản Văn hóa phi vật thể Nhân loại” (Thế giới).



Thấy cần nhắc để nhớ, để cảnh báo, Dân Nam bộ cừ khôi lắm, đừng hòng đồng hóa họ, ngược lại thì có, chẳng hạn:



Họ chế biến, sử dụng nhiều nhạc cụ nước ngoài bổ sung ngày càng phong phú cho nhạc cụ Dân ca Nam bộ; Mỹ đưa máy Koler vào để gắn trên xuồng ghe, theo sông rạch, chở nông sản ra thành, người nông dân Nam bộ lật ngược chân vịt lại làm máy bơm nước, binh sĩ Mỹ thấy vậy, chẳng những không phá bỏ, còn thích thú, khâm phục, cười nghã nghiêng. 



Họ xem Vùng đất và nếp sống Văn hóa là lẽ/mạng sống của mình, thề tử chiến để giữ 2 vốn qúi ấy: Ngoài Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, Khi Pháp tái chiếm Nam bộ năm 1945, thất thủ ở Sài Gòn, không đợi lịnh TW, họ rút ra bưng biền tiến hành ngay cuộc Kháng chiến. Sau những trận ác chiến với Tây, họ ngân nga bài hát “Mùa Thu rồi ngày 23 ta ra đi theo tiêng kêu sơn hà nguy biến…”).



 Họ nổi dậy làm cuộc Đồng khởi long trời lở đất năm 1960 chống Đệ nhứt “Việt Nam Cộng hòa”. Bởi vì chế độ nầy Độc tài Gia đình trị, lệ thuộc ngoại bang; Sát phạt những lực lượng bị xem là “đối lập; Phân biệt đạo giáo, lương giáo; Dồn dân nông thôn vào các “Khu Dinh điền”, “Ấp Chiến lược”; Đôn quân, bắt lính, chuẩn bị Bắc tiến..v.v…      



Họ chống Quốc sách “Cải tạo XHCN”, ép buộc Đảng CSVN phải trở lại kinh tế thị trường gọi là “Đổi mới”; họ đã và đang nằm dầm ở Hà Nội khiếu kiện đất đai do công lao của tổ tiên khai phá; Bất chấp lịnh dọa ngăn cấm, họ tiếp tục tổ chức Festival “Đờn ca Tài tử” với qui mô lớn, lần I ở Bạc Liêu, lần II từ 8 đến 12/04/2017 ở Bình Dương và lần III dự kiến ở Cần Thơ. “Đờn ca Tài tử” được xem là “Báu vật Phương Nam” . 



   Festival lần II ở Bình Dương từ ngày 8 đến 12/04/2017




Họ chán lối cai trị theo kiểu Phong kiến, Độc tài, bè phái…, bất hợp tác với nhà cầm quyền thúi nát, rời bỏ phương Bắc, xuôi về phương Nam - nơi tận cùng của dải đất chữ S khai cơ lập nghiệp. Nếu vượt quá khả năng tử thủ, bức bách hóa, họ đành phải thí mạng cùi bung ra biển đi tìm vùng đất hứa khác, nếu người ta không cho nhập tịch thì, thà ăn nhờ ở đậu còn hơn.



Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nói: “Không chỉ Dạ cổ Hoài lang, nhiều tác phẩm khác cũng có thể sẽ bị cấm vĩnh viễn trên toàn quốc cho đến khi tìm được bản gốc”. Người viết xin hỏi ông Chương có trừ bài Quốc Ca (Tiến quân ca) ra không?, vì bài nầy cũng đã thay lời. Nhắc để ông nhớ: “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao ra đời năm 1944. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, nó được chọn làm “Quốc Ca”. Một đoạn lời ban đầu của Văn Cao “…Thề phân thây uống máu quân thù”, mãi sau nầy đã sửa lại “… Vì nhân dân chiến đấu không ngừng”. Vậy thì bài Quốc ca cũng đâu còn nguyên tác? 

  

 Dự định cấm chớ chưa cấm, những gì người viết vừa kể lễ trên chỉ mang tính chất cảnh báo với nhà cầm quyền hãy “liệu cơm gấp mắm”. -/-



13/04/2017

   T.T

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire