Trang

14/04/2017

Nực cười về lệnh cấm và cấm lầm các ‘ca khúc trước 1975’


An Nam/Người Việt

Một ca sĩ đang hát phục vụ cho các học viên trong trại cai nghiện ma túy ở Hà Nội. Tại Việt Nam, bài hát trong các chương trình văn nghệ lớn đều phải nằm trong danh sách được cơ quan quản lý văn hóa của nhà cầm quyền cấp phép. (Hình: Getty Images)

SÀI GÒN (NV) – Sắp đến ngày 30 Tháng Tư, dư luận tại Việt Nam liên tiếp dậy sóng sau những tiếng “tuýt còi” từ cơ quan quản lý văn hóa liên quan tới việc cấm các ca khúc ra đời ở đô thị miền Nam trước 1975.

Rộn ràng nhất là sự kiện 5 ca khúc: Cánh Thiệp Ðầu Xuân (Lê Dinh-Minh Kỳ), Rừng Xưa (Lam Phương), Chuyện Buồn Ngày Xuân (Lam Phương), Ðừng Gọi Anh Bằng Chú (Diên An), Con Ðường Xưa Em Ði (Châu Kỳ-Hồ Ðình Phương) đang lưu hành bị Cục Biểu Diễn, Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch cho rằng sai lời, sai tên tác giả, cần ngưng lưu hành vĩnh viễn.



Sự phi lý khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ tập trung vào hai lý do: đi kèm lệnh cấm, cơ quan này không đưa ra văn bản gốc của các ca khúc để chứng minh được thế nào là sự biến dạng của tác phẩm đang lưu hành; thứ hai, vấn đề làm biến dạng ca khúc thường thuộc về tác giả, bên sở hữu tác quyền, hoàn toàn không liên quan gì đến chức năng của nhà quản lý hành chính.

Thế nhưng sự sốt sắng trong việc cấm đoán cùng với sự “ăn có” của những “nhà phê bình tay chân” với chiêu trò quy chụp quan điểm tư tưởng quen thuộc đã tạo ra những trò hài hước, phơi bày sự bệnh hoạn trầm kha trong cỗ máy kiểm soát văn hóa của nhà cầm quyền Việt Nam. Trong khi trên thực tế, lệnh cấm luôn làm cho tác phẩm được chú ý nhiều hơn.

Hài hước nhất là sau việc siết chặt kiểm tra, cấm đoán những ca khúc miền Nam trước 1975 thực thi từ trung ương thì các cơ quan quản lý văn hóa địa phương cũng vào cuộc hăng hái thừa hành, hưởng ứng.

Từ đây xảy ra một sự cố dở khóc dở mếu: Sở Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch Tiền Giang vì quá sốt sắng vào cuộc nên đã buộc gỡ nhầm một ca khúc “nhạc đỏ” (bài Màu Hoa Ðỏ của Thuận Yến phổ thơ Nguyễn Ðức Mậu) trên hệ thống kinh doanh karaoke trong tỉnh này. Sau đó, chính cơ quan này đã công khai nhận lỗi sơ suất, lầm tưởng… nhạc đỏ là “nhạc vàng.”

Và gần nhất, đêm nhạc “Nối Vòng Tay Lớn” do trường Ðại Học Y Dược Huế và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức vào đêm 21 Tháng Tư bị tuýt còi vì trong chương trình có bốn ca khúc do ông Trịnh Công Sơn viết trước 1975: Ca Dao Mẹ, Nối Vòng Tay Lớn, Huế-Sài Gòn-Hà Nội, Ðêm Thấy Ta Là Thác Ðổ. Bốn ca khúc này bị liệt vào danh sách chưa được Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn cấp phép.

Sự đời trớ trêu, ca khúc này do chính Trịnh Công Sơn hát trên đài phát thanh Sài Gòn lúc 11 giờ 45 trưa 30 Tháng Tư 1975. Trong giờ phút miền Nam đang trải qua biến động, xáo trộn lớn thì sau lời phát biểu được nhiều trí thức Sài Gòn thời bấy giờ cho là khó hiểu và khó chấp nhận được, Trịnh Công Sơn đã hát “Nối Vòng Tay Lớn” không phải với cây guitar thùng như đã từng hát ca khúc Da Vàng đầy tình tự dân tộc hay những tình ca đầy nhân bản trước đó.

Nối vòng tay lớn có thể xem là một dấu mốc cho thấy sự xoay chiều đột ngột trong sự nghiệp sáng tác của Trịnh Công Sơn. Công chúng nghe nhạc và quan tâm đến thái độ chính trị của ông từ đây cũng bắt đầu phân hóa quan điểm mạnh mẽ khi nhìn về Trịnh Công Sơn theo hai hướng cơ bản: với người này sự thay đổi đó là xoay chiều hợp lý, nhưng với người kia là sự suy thoái của phẩm chất trí thức lẫn thẩm mỹ.

Vì tính cổ động reo vui hân hoan, ca khúc này vẫn được hát một cách rất đỗi bình thường trong các sinh hoạt hội, đoàn chính thống, nó cũng thường là ca khúc hát tập thể trước khi kết thúc các chương trình nhạc Trịnh tổ chức trong nước. Vậy mà một ngày nó được phát hiện nằm trong danh sách chưa được cấp phép. Sự chưng hửng với chính những cán bộ đoàn, hội trong hệ thống là nằm ở chỗ: hóa ra lâu nay họ đã hát vang một ca khúc còn ở trong “vùng cấm” nhưng lại lầm tưởng đó là một ca khúc an tâm nằm trong dòng nhạc đỏ rồi.

Ngày 12 Tháng Tư 2017, sau khi một số tờ báo chính thống lên tiếng “đòi công bằng” cho ca khúc này thì trên trang web của Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn, “Nối Vòng Tay Lớn” được chính thức cấp phép cùng với 2,586 ca khúc sáng tác trước 1975. Một sự “sửa sai” nhanh chóng. “Nối Vòng Tay Lớn” lập tức trở về đúng vị trí và màu sắc của nó: đỏ. Một ca khúc bị… cấm lầm!

Ðã đến lúc bộ lọc quản lý văn hóa của nhà cầm quyền Việt Nam bắt đầu phơi bày những lúng túng, bất lực, giới hạn trước sức sống thực tế mạnh mẽ tự nhiên của những tác phẩm trong lòng dân chúng.

Càng lúng túng, thiểu hiểu biết, duy ý chí cộng với tính hăng hái “hồng vệ binh’ đã gây ra tình trạng “gậy ông đập lưng ông” qua những lệnh cấm là điều mà công chúng đang thấy với cường độ ngày càng cao.

Ðã đến lúc cho thấy cơ chế kiểm soát trở nên hài hước hơn bao giờ hết, bởi sự cấm đoán của nhà cầm quyền đưa ra là một gợi ý để sản phẩm bị cấm trở nên có cơ hội phổ biến hơn trong thực tế. Dĩ nhiên, trừ ra những sản phẩm bị cấm nhầm!


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire