Trang

02/05/2017

30/4: KHÔNG THỂ CHỈ BUỒN HAY VUI,


CHÚNG TA PHẢI BẮT TAY DỰNG LẠI BỨC TRANH LỊCH SỬ



Trịnh Hữu Long


Đó phải là một bức tranh lịch sử vượt ra ngoài mọi định kiến chính trị, văn hoá, vùng miền, tôn giáo, sắc tộc. Ở đó chỉ có những giá trị khoa học tồn tại, với những dữ liệu thực tế và tinh thần phản biện lành mạnh.  

 
Chiến tranh Việt Nam là thứ chúng ta không muốn lặp lại trong tương lai. Chỉ có học thật kỹ và thật nghiêm túc về nó thì may ra chúng ta mới tránh cho các thế hệ mai sau, và biết đâu, tránh cho chính chúng ta một cuộc chiến tranh nữa.

Việt Nam Cộng hoà cũng là một hiện tượng lịch sử cần phải nghiên cứu cẩn thận. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 1946 thì Việt Nam Cộng hoà là thể nghiệm dân chủ thứ hai, và là thể nghiệm dân chủ dài nhất mà chúng ta có trong suốt mấy ngàn năm lịch sử. Phải học từ thể nghiệm dân chủ đó để xây dựng nền dân chủ trong tương lai.

Có nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố, và hầu hết đều do các học giả nước ngoài tiến hành. Điều tôi khá ngạc nhiên là chúng ta không có một tổ chức độc lập nào làm cái việc thu thập dữ liệu, tài liệu và bảo tồn các chứng cứ lịch sử về thời kỳ này.

Lấy ví dụ về sách báo xuất bản dưới thời Việt Nam Cộng hoà. Hiện nay có ba nguồn: các thư viện do nhà nước quản lý (vốn rất khó tiếp cận với công chúng), các thư viện nước ngoài (khó không kém với người trong nước), và những người sưu tập sách ở Việt Nam.

Cả ba nguồn này đều khó tiếp cận với phần lớn mọi người. Sách cũ hiện được bán với giá hàng triệu đồng một cuốn, nằm rải rác trong tay nhiều người sưu tập. Muốn nghiên cứu những tài liệu này cũng không dễ.

Tôi thấy khó hiểu không phải vì nhà nước hiện nay không làm việc đó, nhà nước đương nhiên không làm, mặc dù đáng lẽ họ phải làm. Tôi thấy khó hiểu vì ngay cả những người cổ xuý cho Việt Nam Cộng hoà cũng không làm việc đó, chính xác là có làm nhưng chưa thành hệ thống và chưa có nỗ lực lớn nào, hoặc có mà tôi chưa từng nghe thấy.

Gần đây, nhóm Luật Khoa tìm được rất nhiều tài liệu về giai đoạn này từ tàng thư của Thư viện Quốc hội Mỹ, các tạp chí khoa học nước ngoài và tổ chức Ân xá Quốc tế, có thể giúp cung cấp những góc nhìn mới. Tuy vậy, lực bất tòng tâm, năng lực của chúng tôi không đủ để xử lý được nhiều dữ liệu một lúc.

Tôi muốn kết nối với những ai có lòng muốn làm hai việc: (i) thu thập, bảo tồn và hệ thống hoá sách báo, tài liệu thành một cơ sở dữ liệu chung; và (ii) nghiên cứu về miền Nam giai đoạn 1954-1975, nhất là các khía cạnh thể chế, pháp luật và văn hoá chính trị.

Chỉ khi nào hiểu được rõ ràng về lịch sử chúng ta mới có thể nói đến hoà hợp hoà giải, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Bằng không, những mối thù hằn sẽ luôn còn đó mà cả hai bên đều mơ hồ về lịch sử của chính mình. Buồn hay vui, ủng hộ hay phản đối cũng cần dữ liệu lịch sử.

Vậy thì không có cách nào khác là phải kết nối và làm việc với nhau, cả người trong nước lẫn nước ngoài. Đã đến lúc cần một nỗ lực tập thể. Tôi sẽ rất vui nếu được là một phần của một nỗ lực như vậy.

Xin chia sẻ thông điệp này tới những người có chung mối quan tâm. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài này.

 
Trịnh Hữu Long
Nguồn: Theo Tểu Blog

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire