Trang

01/05/2017

Bí thư Đinh La Thăng 'bị đề nghị kỷ luật'





Mai Anh
 
(GDVN) - Trong số nhiều nội dung được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề cập, vụ góp vốn vào OceanBank bị đánh giá là trái quy định, gây thiệt hại rất nghiêm trọng.
Ngày 26/4/2017 Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát đi thông tin về một số vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 – 2015, trong đó đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng hiện đang giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. 
Trong báo cáo của Ủy ban Kiểm tra đã nhắc đến những dự án đầu tư thua lỗ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011 khi ông Đinh La Thăng giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên; thậm chí có những vấn đề bị đánh giá là "rất nghiêm trọng". 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng. ảnh: NQ.



PVC thời Trịnh Xuân Thanh


Theo Ủy ban kiểm tra, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2009 - 2015 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; Chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong việc kiểm điểm trách nhiệm để Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng.
Tính đến hết tháng 6/2013, dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh (Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam năm 2009), tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của công ty này cực kỳ khó khăn. 
Tổng doanh thu của riêng công ty mẹ chỉ vỏn vẹn hơn 510 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31/6/2013 lên tới hơn 4.212 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế hợp nhất của toàn công ty lên tới 3.274 tỷ đồng.
Tính đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 12 đối tượng về hành vi Cố ý làm trái quy định... và tham ô tài sản, liên quan đến vụ thua lỗ và thất thoát gần 3.300 tỷ đồng xảy ra tại Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam. Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn đi nước ngoài và bị truy nã quốc tế.

Trịnh Xuân Thanh thời còn làm việc tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) - ảnh nguồn PVC


Liên quan đến thua lỗ xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam và đặc biệt những vi phạm của Trịnh Xuân Thanh, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV cho rằng, Trịnh Xuân Thanh có liên quan tới nhiều sai phạm tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng mà vẫn được luân chuyển qua nhiều chức vụ, làm đến Phó Chủ tịch một tỉnh là không thể chấp nhận được.
Tướng Thước nêu quan điểm: “Một mình Trịnh Xuân Thanh không thể nào gây ra những sai phạm dẫn tới thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Tôi đề nghị, tất cả những ai có trách nhiệm trong việc dung túng cho ông Thanh đều phải được làm rõ.
Kể cả những ai đã nghỉ hưu mà có liên quan, ở mức độ nào thì cũng phải làm rõ để công bố chính thức cho toàn dân biết”.
Tại cuộc họp mới đây của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ý kiến chỉ đạo yêu cầu phải tiếp tục tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam; truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án.

Dự án xơ sợi Đình Vũ "đắp chiếu"

Dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng là minh chứng rõ nhất cho những sai lầm trong điều hành, chỉ đạo, phê duyệt dự án đầu tư của ông Đinh La Thăng thời còn làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí.  
Trong kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương không dưới 2 lần nêu vi phạm của ông Đinh La Thăng và Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015.

Một góc Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng) - nguồn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Ủy ban kiểm tra khẳng định, ông Đinh La Thăng có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp;
Một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học).
Dự án xơ sợi Đình Vũ là một trong 5 dự án thua lỗ đứng đầu của ngành Công Thương. Dự án có vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, dự định dùng nguyên liệu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi, mục đích giúp Việt Nam tự chủ một phần nguyên liệu dệt may.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhà máy này phải liên tục “đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỷ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.  
Việc thua lỗ tại dự án này có phần trách nhiệm của Vũ Đình Duy – người tự ý đi nước ngoài vào cuối năm ngoái, đến nay vẫn mất hút. Vũ Đình Duy được giao trọng trách là Tổng giám đốc từ tháng 7/2009. Đến tháng 2/2014, Vũ Đình Duy rời chức vụ này và được bổ nhiệm ở nhiều chức vụ khác.
Nói về nguyên nhân thua lỗ tại Dự án xơ sợi Đình Vũ, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định: “Nguyên nhân dẫn đến quản lý yếu tại Dự án xơ sợi Đình Vũ do quy định pháp luật, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập, nhiều kẽ hở.
Bên cạnh đó năng lực quản lý của cán bộ công chức, viên chức trong doanh nghiệp nhà nước chưa theo kịp với yêu cầu của kinh tế thị trường, vẫn còn dáng dấp của kinh tế bao cấp”.
Chung nhận định, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ (nguyên Trưởng khoa Chính sách công, Học viên Chính sách và phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, sai phạm, thua lỗ ở dự án xơ sợi Đình Vũ rất rõ, dù xử lý cá nhân nhưng gánh nặng để lại cho Chính phủ trong việc tái cơ cấu nhà máy này đang rất lớn.

Loạt dự án nhiên liệu sinh học dang dở

Trong kết luận Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngoài dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng, 3 dự án nhiên liệu sinh học đang gặp khó khăn là ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án Ethanol Phú Thọ, Ethanol Bình Phước được Tập đoàn Dầu khí phê duyệt đầu tư cũng được nhắc đến.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Đinh La Thăng cùng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015 đã thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư.

Một góc dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong 3 dự án nhiêu liệu sinh học Bio-Ethanol không hiệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) - Ảnh Báo Đầu tư.
Trước đó từ tháng 10/2007 đến tháng 3/2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thành lập 2 công ty cổ phần và 1 công ty liên danh để thực hiện đầu tư 3 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu tại 3 miền gồm: Nhà máy nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ, Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi và tại Bình Phước.
Mỗi nhà máy có công suất 100 triệu lít/năm, nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30% và 70% phải đi vay ngân hàng.
Tuy nhiên, qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhận định: Cả 3 dự án này tính đến nay, đều không đạt hiệu quả về đầu tư. Vác nhà máy đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại.
"Toàn bộ vốn đầu tư vào 3 dự án với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11.2014 là 5.401 tỷ đồng chưa có hiệu quả", Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Thị sát, nắm bắt tình hình tại một số Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Phải xử lý kiên quyết, khẩn trương, nhà nước không bỏ thêm tiền cho các dự án này”.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Ban Quản lý dự án Ethanol Quảng Ngãi… khẩn trương tính toán sự cần thiết, chi phí bỏ ra so với lợi ích thu về… để tái khởi động nhà máy do đã ngừng hoạt động trong thời gian dài.

Mất 800 tỷ vào OceanBank

Trong báo cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng và dàn lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí giai đoạn 2009 – 2015 trong việc góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của luật Các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam.
Năm 2008, với mục tiêu xây dựng một tập đoàn đa lĩnh vực, Tập đoàn Dầu khí bắt đầu đầu tư vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank). 
Theo đó tập đoàn này tham gia với vai trò cổ đông chiến lược đóng góp 20% cổ phần tại Oceanbank. Nhưng với sự sụp đổ của Oceanbank cùng vụ án Hà Văn Thắm, việc góp vốn vào OceanBank đã khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mất trắng 800 tỷ đồng. 
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, trong việc góp vốn tại Oceanbank, ông Đinh La Thăng đã vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18/09/2008 giữa đồng chí Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi Hội đồng Quản trị Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.
Ngày 8/3, Tòa án Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank. Một trong những lý do được nêu ra trong quyết định trả hồ sơ là liên quan đến số tiền thất thoát 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Mai Anh
Nguồn: Theo GDVN


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire