Trang

18/05/2017

Pháp : Từ MACRON đến PHILIPPE, từ HOLD-UP đến BIG BANG


Thủ tướng Philippe
Tổng thống Macron
 Từ Thức


Macron  vừa bổ nhiệm thủ tướng: Edouard Philippe đến từ bên hữu, và một nội các vừa tả, vừa hữu. Sau khi làm ‘’ holp-up ‘’, chiếm cái ghế cao nhất, Macron vừa thực hiện một “big bang “ : xóa bỏ ranh giới tả, hữu đã làm bế tắc xã hội , chia rẽ chính trường và , đôi khi, những gia đình Pháp.

Quả thực “ the kid’’ không làm gì như mọi người.

Bình thường, Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng một người thân cận nhất, đáng tin cậy nhất, có kinh nghiệm nhất. Macron, tả phái , khuynh hướng tự do kinh tế ( gauche libérale ) lựa Édouard Philippe, phe hữu nhân bản ( droite humaniste ), 46 tuổi, chưa hề tham dự chính quyền, phát ngôn viên một ứng cử viên tổng thống đối lập, đã từng chỉ trích Macron gay gắt. 



Philippe, cũng như mọi người, không tưởng tượng chuyện Macron gõ cửa, trao cho ông ta chức thủ tướng. Và bất cứ một chính khách hữu phái nào cũng ngần ngại, nếu không từ chối, sợ sẽ bị kết án là phản bội hay làm tan đảng của mình, Philippe đã nhận. Hai anh táo bạo gặp nhau. Cả hai nói : nước Pháp quan trọng hơn là chuyện cá nhân.

Tân Thủ tướng Philippe


Báo chí Pháp không ngần ngại dùng những chữ rất kêu: refondement historique ( một cuộc đặt lại nền móng chính trị lịch sử ), gouvernement baroque ( chính phủ kỳ lạ ),  l’effrondement  d’un mur ( một bức tường vừa đổ ).

Sự kiện một nội các quy tụ nhiều khuynh hướng là chuyện thường ở nhiều nước dân chủ, từ Đức, Hòa Lan, các nước Bắc Âu tới Do Thái.., ở Pháp, nơi chủ nghĩa chính trị là một tôn giáo, đó là một trận động đất. Nhiều chính trị gia nặng ký ( Giscard, Barre, Bayrou …) đã mơ nhưng đều thất bại. 

TỪ PHỤ NỮ TỚI XÃ HỘI DÂN SỰ

Sau ba ngày mang nặng đẻ đau, Edouard Philippe vừa công bố danh sách nội các: 18 bộ trưởng, 4 thứ trưởng, bằng nửa số bộ trưởng trong các chính phủ khác. 

Phe hữu của thủ tướng nắm hai bộ tài chánh và kinh tế ( Le Maire, bộ trưởng dưới thời Sarkozy và Darmanin, ngôi sao mới nổi của LR ), cho thấy Macron ngả hẳn về phiá kinh tế tự do, coi nặng lời hứa vớí liên hiệp Âu Châu sẽ tìm cách giảm bớt thâm thủng ngân sách

 Một số ghế quan trọng dành  cho những chính khách Xã Hội đã ủng hộ Macron , như Gérard Collombe, bộ trưởng nội vụ, người đã canh tân thành phố Lyon, Le Drian, cưụ bộ trưởng quốc phòng và là bộ trưởng uy tín nhất thời Hollande. Nhóm đứng giữa Modem của Bayrou chiếm ba ghế bộ trưởng và gần một trăm ứng cử viên dân biểu, là phần thưởng lớn để trả ơn cho Bayrou đã ủng hộ Macron, mặc dầu trên thực tế, Bayrou là một chính tri gia có uy tín, nhưng là tướng không quân.

Nội các Philippe thi hành đúng nguyên tắc một nửa đàn ông, một nửa phụ nữ. Đó là một tiến bộ, vì thường thường phụ nữ rất yếu thế trong chính trường Pháp . Trong nội các Philippe, đàn bà nắm những bộ quan trọng, thí dụ Sylvie Goulard, bộ trưởng quốc phòng trong một giai đoạn dầu sôi lửa bỏng.

Đặc điểm khác : một nửa nội các là những chính trị gia chuyên nghiệp, một nửa tới từ xã hội nhân sự , thí dụ nữ vô địch đấu kiếm, da đen, Laura Fleschel, bộ trưởng thể thao. Françoise Nyssen, bộ trưởng văn hóa , là người sáng lập và giám đốc nhà xuất bản Acte Sud, trong khi trong những nội các trước đó, bộ trưởng Văn hóa nhiều khi chỉ khám phá văn hóa ngày được bổ nhiệm, trừ trường hợp Malraux, Duhamel, Lang.

Từ thành phần nội các tới cách hành động, Macron muốn đi theo Bắc Âu, những nước dân chủ kiểu mẫu. Với tinh thần thực tiễn, Macron nói tại sao không thử những phương pháp đã thành công ở những nơi khác.

Con cá lớn nhất mà Macron bắt được là Nicolas Hulot, bộ trưởng môi trường. Hulot là một cựu ký giả truyền hình, chuyên về môi trường, một trong những nhân vật được ưa chuông nhất nước Pháp. Hulot là người hoạt động không ngừng cho môi trường, có khả năng, nắm vững vấn đề, có cái nhìn xa và thành thực về môi sinh, khác hẳn các chính trị gia chỉ coi môi sinh như một con bài để lấy phiếu. Từ 20 năm nay, mỗi lần thành lập nội các, các thủ tướng, tả hay hữu đều tìm cách dụ Hulot tham chánh, nhưng ông ta từ chối, mặc dù vẫn cố vấn về môi sinh cho các tổng thống , với lý do chính phủ không có chính sách quy mô, đứng đắn và phương tiện cần thiết để hành động. Hulot là người hiếm hoi tham chánh không phải vì cái ghế bộ trưởng, mà vì muốn thay đổi xã hội.


THẾ HỆ TRẺ


Macron và Philippe là khuôn mặt mới của nước Pháp, trẻ, hướng về tương lai, cởi mở, sống với thời đại hơn là hối tiếc quá khứ . Người ta không khỏi nghĩ tới Trudeau của Canada, Renzi của Ý. Cả hai nói về nước Pháp với nét lạc quan, trong khi các chính khách khác dùng những hình ảnh đen thẫm, trong khi dân Pháp là những người bi quan nhất thế giới ( rất xa sau… người Việt ), theo những cuộc thăm dò.

Nước Pháp tụt hậu thực, so với Đức hay Bắc Âu, so với khả năng và tài nguyên của Pháp, nhưng dân Pháp không có đời sống cùng khổ như  lãnh tụ cực tả Mélenchon than vãn để  kiếm phiếu. Ít có nơi nào trên thế giới bạn vào nhà thương, người ta tận tình chữa chạy, đôi khi cực kỳ tốn kém, không hỏi han gì chuyện tiền bạc. Khi ra nhà thương, người ta mới nói bạn ghé qua phòng kế toán, nếu không xu nào cũng hòa cả làng. Và người ta chữa trị, không căn cứ theo chức tước hay túi tiền của bệnh nhân, chỉ theo một tiêu chuẩn : bệnh nặng hay nhẹ. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế những năm trước, ở Pháp không có cảnh những người, một sớm một chiều, mất việc, mất nhà , ngủ và sống trong xe hay ngoài đường như ở Mỹ. Chế độ an sinh của Pháp, ngày nay gặp khó khăn, dù có nhiều khuyết điểm, đã là một cái dù che cho dân Pháp.

Édouard Philippe, dân biểu, thị trưởng thành phố hải cảng Le Havre, một trong sáng lập viên đảng UMP, tiền thân của đảng Cộng Hòa LR, là cánh tay mặt của cựu thủ tướng Alain Juppé, một trong những chức sắc uy tín nhất của phe hữu.

Macron, Philippe có nhiều điểm tương đồng. Cùng xuất thân từ Scieces Po ( Khoa Học Chính Trị ), ENA ( Quốc gia hành chánh ), hai đại học uy tín đào tạo giới lãnh đạo Pháp, cả hai đều có kinh nghiệm nghề nghiệp trước khi làm chính trị, trái với đa số chính khách Pháp, làm chính trị từ nhỏ cho tới khi về hưu, ( hay tắt thở, vì ít chính trị gia nào về hưu ), rất lơ mơ về đời sống thực.

Cả hai đều có thực tập quyền Anh ( boxe ), rất cần trong những ngày tới. Cả hai cùng có máu văn nghệ: Macron là pianiste , Philippe mơ làm nhạc trưởng. Cả hai đều có máu văn chương : Macron  đóng kịch, viết tiểu thuyết ( hai cuốn chưa in.  Brigitte Macron nói: tôi nghĩ kết hôn với một nhà văn tương lai, mở mắt thấy mình là vợ tổng thống ), Philippe là tác giả hai cuốn tiểu thuyết về mặt trái , đen tối, của chính trường, với nhiều đoạn tình dục ướt át có thể làm các nhà đạo đức đỏ mặt: L’Heure de VéritéDans L’ombre.

Macron nói tiếng Anh, với accent, nhưng thông thạo và đúng văn phạm hơn…Donald Trump, Philippe tiếng Đức (đậu tú tài ở Bonn ), khác với các chính khách cũ, chê ngoại ngữ, nói tiếng Anh bằng tay. Philippe nói thuộc phe hữu và định nghĩa hữu phái :  autorité et liberté ( kỷ luật và tự do), Macron có khuynh hướng tả, nhưng đặt tiêu chuẩn hành động : pragmatism et volontarisme ( thực tiễn và cương quyết ). Cả hai coi chuyện hữu hiệu quan trọng hơn ý thức hệ. Macron và Philippe, với khuôn mặt và thái độ của họ, làm các chính khách Pháp già đi vài chục năm.

Giữa Macron và Philippe có những điểm bất đồng. Philippe muốn giảm số công chức 250.000 người, Macron nhẹ tay hơn, đòi một nửa. Nhưng Macron nói sẽ xét lại hồ sơ của tất cả các công chức cao cấp , 250 người đầu sỏ, nếu cần sẽ thay đổi. Ông ta có kinh nghiệm những ngày ở bộ kinh tế : công chức cao cấp có thể cấu kết với nhau, không thi hành lệnh bộ trưởng. Philippe muốn tăng tuổi về hưu lên 65, Macron giữ 62 như hiện nay. Philippe muốn dẹp bỏ tuần lễ 35 giờ, Macron dành chuyện đó cho nhân viên, nghiệp đoàn, chủ nhân thoả thuận với nhau. Cố nhiên, người quyết định là tổng thống.


VÁN CỜ BẦU CỬ


Mục tiêu số 1 của Macron, khi lựa một thủ tướng hữu phái là để thắng trong cuộc bấu cử hạ viện tháng tới. Nếu chiếm đa số tuyệt đối ( 288 ghế trên 577 ), ông ta sẽ có toàn quyền hành động, nếu không, ông ta sẽ bị bó tay. 

 Bài toán khá đơn giản :

Cử tri cực hữu sẽ bầu cho các ứng cử viên của Le Pen, cử tri cực tả sẽ dồn phiếu cho người của Mélenchon. Các dân biểu của hai đảng này sẽ chống Macron tới cùng, sẽ bác bỏ tất cả các dự luật Macron, với những lý do trái ngược, hay, đúng hơn, bất cần lý do.

Macron trông chờ vào những cử tri không đảng phái, một phần cử tri của đảng Xã Hội và một phần cử tri của đảng Cộng Hòa ( LR ),  những người hoặc thất vọng với đảng của mình, đã chán trò chơi tả hữu,  muốn cho Macron một cơ hội để hành động .

 Macron muốn là một Tổng Thống không đảng phái, không tả không hữu, hay vừa tả vừa hữu. Nói cách khác, ông ta nhắm lá phiếu của cả hai phe. Macron nói không úp mở là ông ta muốn dẹp các chính đảng đã lỗi thời, với thái độ phe phái cứng nhắc, đã làm bế tắc xã hội Pháp.

Số phận của đảng Xã Hội ( PS ) kể như đã xong. Đảng này đã chết hay đang hấp hối. Một số bỏ đảng đầu quân với Macron, ra ứng cử dưới danh nghĩa En Marche, ngày nay trở thành République En Marche, REM. Một số giã từ võ khí, không ra ứng cử nữa, một số thành lập những nhóm,  phong trào mới, với hy vọng nắm cái xác PS còn thoi thóp. Số chính khách PS về đầu quân quá đông, đến độ REM phải từ chối rất nhiều, kể cả ông cựu thủ tướng PS Manuel Valls. Bị chỉ trích là người nối dõi Hollande, Macron không muốn phong trào mới lập của ông ta có quá nhiều những khuôn mặt PS kỳ cựu, người ta quen gọi là ‘’les éléphants’’,  vì sống lâu và kềnh càng như những con voi.

Muốn quân bình tả, hữu, Macron quay về phía Cộng Hoà LR . Đảng này, mặc dầu bị loại từ vòng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống, nhưng chưa tan rã như PS . LR thua vì những vụ lem nhem của ứng cử viên Fillon, nhưng cử tri hữu phái vẫn đáng kể.

Macron nghĩ cách hữu hiệu nhất để làm lung lay phe hữu là bổ nhiệm một thủ tướng đến từ LR . Với dụng ý ông này sẽ kéo theo một số chính khách hàng đầu của LR tham gia chính quyền Macron, ra ứng cử quốc hội , kéo theo một số cử tri LR đáng kể.

LR có hai khuynh hướng : khuynh hướng ôn hòa, đứng đầu là cựu thủ tướng Alain Juppé , và khuynh hướng cứng rắn hơn, trước đây Fillon đứng đầu. Thất cử, Fillon lùi vào bóng tối, cuộc tranh chấp để nắm bộ máy đảng vẫn chưa ngã ngũ, mặc dầu LR đã thoả thuận để François Baroin tổ chức việc tranh cử lập pháp của LR. Baroin sẽ là thủ tướng nếu LR nắm đa số ở quốc hội.

 Phe cứng rắn trong LR chắc chắn sẽ không có ai theo Macron, vì kết án Macron là sản phẩm của Hollande, quá ôn hòa về vấn đề di dân, vấn đề hồi giáo, vấn đề an ninh, và những giải pháp kinh tế. Nhóm này chủ trương phải dùng biện pháp mạnh. Macron nghĩ căng quá sẽ đứt, chủ trương đối thoại trước khi cải cách, nhưng hứa sẽ không nhượng bộ, sẽ thực hiện những điều đã hứa. Macron nhắm phe ôn hòa của Juppé, vì lập trường trên nhiều phương diện gần với En Marche hơn là với những người đồng đảng nhưng có lập trường cứng rắn hơn. 



PS HẤP HỐI, LR LUNG LAY


Chọn Edouard Philippe làm thủ tướng, Macron đã đánh  LR một cú nặng. Philippe là một thị trưởng hữu hiệu ( đã thực hiện nhiều dự án ở Le Havre và đã tái thắng cử thị trưởng  ngay vòng đầu) có khả năng, nhưng không phải là chính khách chủ chốt trong môi trường chính trị Pháp. Bổ nhiệm Phillipe , Macron nhắm cử tri của Juppé, nghĩa là một nửa cử tri của LR. LR choáng váng , chống chế , tuyên bố thái độ của Philippe chỉ là một lựa chọn cá nhân, không đáng kể. Nhưng ngay sau khi Philippe xé rào, gần 200 đảng viên LR ký một bản kêu gọi cộng tác với Macron, trong đó có những leaders hàng đầu : Borloo, Kosciuski-Moricet, Apparu, Darmanin, Solère vv .. Juppé tuyên bố vẫn tiếp tục ủng hộ các ứng cử viên LR, nhưng nếu LR thua, phải nghĩ đến chuyện cộng tác.

REM ( La République En Marche ) chuẩn bị cuộc tranh cử lập pháp theo phương pháp Macron. Ngoạn mục và khác hẳn những chính đảng cổ truyền.

Thường thường các chính đảng đưa những chính khách kỳ cựu ra tranh cử. Hậu quả là quốc hội Pháp không phản ảnh xã hội Pháp. Dân biểu Pháp điển hình là một người đàn ông, da trắng,  66 tuổi, làm nghề tự do ( bác sĩ, luật sư ), trong khi ở các nước Bắc Âu, dân biểu trẻ hơn, đủ mọi nguồn gốc, đủ mọi nghề nghiệp, một nửa là phụ nữ.

Luật lệ Pháp phạt các chính đảng không áp dụng nguyên tắc một nửa đàn ông, một nửa phụ nữ trong danh sách các ứng cử viên. Các chính đảng sẵn sàng nộp tiền phạt để tiếp tục dành ghế cho các ông, vì các ông vẫn là chức sắc vai vế trong đảng.


MỘT ĐỘI QUÂN TÀI TỬ


En Marche sẽ đưa 577 ứng cử viên ra tranh cử trên 577 đơn vị,  50% đàn ông, 50% phụ nữ, ít nhất một nửa xuất thân từ xã hội dân sự và đa số chưa bao giờ tranh cử, chưa bao giờ làm chính trị, 95% chưa hề là dân biểu, tuổi trung bình 46. Trong số ứng cử viên, hầu hết vô danh, có những người nổi danh trong nhiều nghề khác nhau, lần đầu tham gia chính trị, từ toán học gia Cedric Villani ( giải Fields), thẩm phán chống tham nhũng Halphen, ngôi sao đấu bò ( toréador) Marie Sara… Trong số ứng cử viên, một thiếu nữ gốc Việt khả ái , Stéphanie Đỗ ( kỳ này, người Việt  chịu khó tham gia chính trị , LR cũng có ứng cử viên gốc Việt, và cố vấn về kinh tế của Mélenchon tên là Hoàng Ngọc Liêm) .

REM tuyển mộ ứng cử viên qua Internet. Trong vài ngày, 16.000 người chợt thấy mình sẵn sàng nắm vận mệnh nước Pháp trong tay, nộp đơn xin được cầm cờ REM ứng cử. Một ủy ban En Marche lựa 577 ứng cử viên, theo tiêu chuẩn Macron đã đề ra, trừ một số đơn vị dành cho LR về đầu quân. Đội quân đó, tài tử nhưng nhiệt thành, có nhiệm vụ mang về cho En Marche, một phong trào mới mở mắt chào đờì từ một năm nay, đa số ở Hạ Viện. Đó là một cuộc đánh cá táo bạo. Nhưng Macron quen đánh cá táo bạo, và cho tới nay, ‘’the kid’’ đều thắng.


HỆ THỐNG LẬP PHÁP


 Quốc hội Pháp có hai viện : Hạ Viện ( Assemblée Nationale ), Thượng Viện ( Sénat ). Khác với Hoa Kỳ , Thượng Viện Pháp chỉ có vai trò cố vấn. Hạ viện do dân trực tiếp bầu, Thượng Viện do 150.000 dân cử cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh vv.. bầu. Một dự luật, biểu quyết xong ở Hạ Viện, được chuyển lên Thượng Viện, Thượng Viện đề nghị những tu chỉnh (amendements ), dự luật trở lại Hạ Viện. Hạ Viện có thể chấp nhận hay không những tu chỉnh đó, biểu quyết  lần cuối, dự luật trở thành luật.

Tóm lại, Hạ Viện đóng vai trò quyết định trong việc lập pháp.

Điều đó không có nghĩa là quốc hội đóng vai trò quan trọng. Quốc Hội Pháp, kể cả hạ viện, khác với Quốc Hội Hoa kỳ, hay nhiều nước dân chủ khác, không có ảnh hưởng lớn tới đời sống chính trị, trừ việc có quyền tín nhiệm hay bất tín nhiệm thủ tướng. De Gaulle ( Tổng thống Pháp 1959-69, ) sợ một quốc hội quá mạnh, tạo bất ổn chính trị, đã soạn thảo một hiến pháp trong đó vai trò quốc hội lu mờ, Tổng Thống có quyền lớn nhất trong các nước dân chủ. Với điều kiện phải nắm đa số ở quốc hội, để bổ nhiệm Thủ tướng và nội các để thi hành chính sách của mình. 


4 KỊCH BẢN


 Người ta nói bầu cử Tây là bầu cử 4 vòng, 2 vòng đầu lựa Tổng Thống, hai vòng sau , bầu quốc hội, một cách trưng cầu dân xem có nên… cho phép ông Tổng thống làm việc hay không. Đó là một trong những cái kỳ cục của Hiến pháp đệ ngũ Cộng hoà, khiến nhiều chính khách nghĩ phải dẹp hiến pháp hiện tại, soạn thảo một hiến pháp khác, gần với thể chế của các nước dân chủ láng giềng. Nghĩ vậy, nhưng khi cầm quyền, ông Tổng thống nào cũng thấy có nhiều quyền hành, ít bị chế tài, có vẻ thoải mái hơn, nên để dành cái vụ thay đổi hiến pháp cho các ông tới sau.

Tùy theo kết quả bầu cử dân biểu, một trong 4 kịch bản sẽ xẩy ra :

1 . Macron nắm đa số tuyệt đối ở quốc hội  ( ít nhất 289 ghế/ 577 ), Thủ tướng là người của Tổng thống, lập nội các theo chỉ thị của Tổng Thống, thi hành chính sách của Tổng thống

2. Đảng Cộng Hoà LR  chiếm đa số ( bởi vì khó tưởng tượng một đảng khác, cực tả hay cực hữu chiếm đa số ghế ), thủ tướng sẽ rơi vào tay LR, thi hành chính sách LR. Tổng thống trở thành tổng thống giấy . Kịch bản này nhiều người trong LR hy vọng, ngày nay trở thành chuyện xa vời từ khi Édouard Philìppe nhận làm thủ tướng , chẻ LR ra làm hai.

3. Không đảng nào nắm đa số tuyệt đối, khối nhiều phiếu nhất sẽ thương thuyết với các nhóm khác, hay các cá nhân khác, để lập nội các. Chuyện này là một sinh hoạt rất bình thường ở các nước láng giềng, nhưng người Pháp, vì hệ thống bầu cử, vì sinh hoạt lưỡng đảng, vì văn hóa tả hữu sâu đậm, chưa có thói quen đó.

4. Các nhóm không đi tới một thỏa hiệp, nước Pháp sẽ lâm vào tình trạng bất ổn chính trị, như đã xẩy ra ở Hy lạp, Y Pha Nho ( Espagne ), Bỉ ( Belgique ) trong những năm gần đây.

Trong những trường hợp 2,3,4 , tổng thống có thể giải tán quốc hội, cho bầu lại, với hy vọng cử tri …biết điều hơn, cho Tổng thống đa số . Nhưng điều này không có gì bảo đảm,  tổng thống có thể thua nặng hơn, chuyện đã đến với Jacques Chirac . Tới giờ này, người ta nghĩ tới kịch bản 3 : REM chiếm đa số, nhưng không đủ đa số tuyệt đối để có thể cai trị một mình. Macron đã chứng tỏ ông ta đủ khôn khéo để làm chuyện chưa ai làm : thương lượng để có một đa số làm hậu thuẫn.

Nếu nước Pháp có hàng ngũ công chức đông nhất thế giới, tính trên đầu người, con số dân biểu  cũng hùng hậu không kém : 577 dân biểu, 348 thượng nghị sĩ, tổng cộng 925 vị dân cử, gần gấp đôi tổng số dân cử của Hoa Kỳ ( 535 = 100 thượng nghị sĩ+ 435 dân biểu ) với dân số gần 67 triệu, nghĩa là bằng 1/5 dân số Hoa Kỳ.

Trong quá khứ, Tổng Thống nào cũng hứa sẽ sửa đổi hiến pháp, để giảm bớt hàng ngũ dân cử đông đảo, nhưng những lời hứa vẫn nằm yên trong ngăn kéo, vì không có vị dân cử nào muốn hạn giảm bớt túc số, khiến việc tái cử của mình sẽ khó khăn hơn. Và không có ông Tổng Thống nào chơi dại, đụng chạm, gây hấn với quốc hội. Macron cũng hứa sẽ giảm số dân cử, chờ xem ông ta có thực hiện không, có thực hiện nổi không.
 

ĐỤNG Ổ KIẾN LỬA


Những thử thách trước mắt Macron và Philippe không phải nhỏ, và không phải chờ đợi lâu. Ngoài chuyện bầu bán, Macron hứa hai chuyện đầu tiên sẽ làm là đạo luật trong sạch hóa chính trường Pháp và sửa đổi luật lao động, sau đó tới luật cải tổ thể chế hưu bổng. Nếu luật đầu, nhằm trong sạch hóa chính trường, gặp nhiều chống đối của các chính khách kỳ cựu, nhưng được dân chúng ủng hộ. Trái lại, đụng tới luật lao động và thể chế hưu bổng châm thuốc nổ, là đẩy các nghiệp đoàn và hàng triệu người xuống đường. Với những màn đốt phá bạo động của những nhóm cực tả, cực hữu, hay những nhóm đốt phá để đốt phá. Macron tuyên bố sẽ không có gì ngăn cản nổi ông ta , các nghiệp đoàn cũng sẵn sàng ăn thua đủ.  ‘’ça passe ou ça casse ‘’, như người Pháp nói, hoặc qua khỏi, hoặc gẫy cánh.

Quyết định của Macron đặt ngay những vấn đề nóng bỏng trên bàn là một thái độ can đảm, chứng tỏ ông ta muốn hành động. Macron nói muốn làm một ‘’président qui préside ‘’,  ( một ông tổng thống ra tổng thống ), không phải một  ‘’ président empêché ‘’ ( tổng thống bị bó tay ) như Hollande, ‘’ président assis ‘’ ( tổng thống ngồi chơi xơi nước ) như Chirac.

Cựu thủ tướng Michel Rocard nói đụng tới hồ sơ hưu bổng có thể làm nổ tung ba chính phủ. Nước Pháp có hàng chục thể chế hưu bổng khác nhau, nhóm nào cũng muốn duy trì đặc quyền đặc lợi. Các chính phủ liên tiếp hoặc không dám đụng tới, hoặc chỉ cải cách qua loa, trong khi có lửa trong nhà : quỹ hưu bổng thâm thủng nặng, nạn thất nghiệp gia tăng khiến số người đóng góp giảm, trong khi người về hưu càng ngày càng…sống lâu hơn ( tuổi về hưu ở Pháp : 62, trong khi các nước láng giềng 65 hay 67 ). Macron hứa sẽ dẹp bỏ các chế độ hưu bổng đặc biệt, để đi tới một chế độ duy nhất. Tiền hưu bổng sẽ tính theo số tiền đã đóng góp trong suốt đời làm việc.

Sửa đổi luật lao động còn gay go hơn nữa . Nước Pháp có luật lệ lao động cực kỳ phức tạp , Macron muốn giảm thuế cho các xí nghiệp, cởi trói hành chánh , hạn chế số tiền bồi thương khi sa thải, để khuyến khích các xí nghiệp tuyển mộ. Hiện nay, các xí nghiệp không dám tuyển mộ vì không thể , hay rất tốn kém, nếu sa thải . Các nghiệp đoàn sẽ đổ xuống đường, làm tê liệt nước Pháp. Các nghiệp đoàn làm nhiệm vụ của họ, bênh vực công nhân, nhưng bảo vệ người có việc làm một cách quá đáng là một cách đóng cửa không cho những người khác len chân vào.

Một quốc gia dân chủ cần những nghiệp đoàn mạnh, nhưng có tinh thần trách nhiệm. Nước Pháp chưa có tinh thần đó. Ở Bắc Âu, nghiệp đoàn là cái gạch nối giữa thợ thuyền và nhà nước, ở Pháp, nghiệp đoàn là đối thủ của chính quyền, nhất là những nghiệp đoàn có quá khứ mác xít như CGT 

. Macron nói sẽ thảo luận với quốc hội, với các nghiệp đoàn nhưng nếu không đi tới thỏa thuận, sẽ ban hành những sắc lệnh ( ordonnances ) không cần  biểu quyết ở quốc hội, như hiến pháp cho phép. Bởi vì một dự luật bình thường , từ lúc thảo luận đến lúc trở thành luật cũng mất ít nhất 2 năm. Một luật bị nghiệp đoàn chống đối còn phức tạp hơn nữa. Ngoài biểu tình, đình công, bãi thị, các dân biểu chống đối còn chơi một trò quen thuộc : đề nghị tối đa, hàng ngàn, hàng chục ngàn  tu chính ( amendements ) để làm quốc hội tê liệt.

Các nghiệp đoàn sẽ chống tới cùng việc cải cách bằng ordonnances, cho là thiếu dân chủ. Macron muốn cải cách thật nhanh thật rộng, vì nghĩ phải thay đổi luật lao động, phải cởi trói các xí nghiệp nếu muốn giải quyết vấn đề thất nghiệp, căn bệnh trầm kha, kinh niên của nước Pháp. Trong năm vừa qua , hầu hết các quốc gia Âu Châu đều giảm tỷ số thất nghiệp, trừ nước Pháp. Macron biết rằng năm năm sau, người ta sẽ đánh giá ông ta qua con số người thất nghiệp . 


TƯƠNG LAI CỦA ĐẢNG PHÁI


Sau ba ngày cầm quyền, Macron đã chứng tỏ ông ta, tuy thiếu kinh nghiệm, biết mình muốn gì, muốn đi tới đâu.

Những người bi quan nghĩ rằng việc đánh tan hay làm yếu các chính đảng sẽ có hậu quả tai hại trong tương lai. Bởi vì một nước dân chủ không thể không có đảng phái. Các chính đảng là những cơ cấu không thể thiếu, là nơi đào tạo cán bộ, là nơi thực tập dân chủ. Bởi vì nếu các chính đảng tan rã , đối lập sẽ rơi vào tay những phần tử cực đoan, nhất là ở nước Pháp, nơi cực tả và cực hữu lớn mạnh, tới một tỷ số bất bình thường.

Những người lạc quan nghĩ rằng các đảng phái Pháp, có cơ sở ít nhất từ đệ nhị thế chiến, sẽ không tan rã, nhưng sẽ tổ chức lại, sẽ sinh hoạt một cách thích ứng hơn với một thế giới đã và đang thay đổi. Người ta sẽ không còn được xếp vào một trong hai ô  tả hay hữu, như trong lý lịch phải khai đàn ông hay đàn bà. Ngày nay, ở Âu Châu có những phong trào đòi công nhận cái giống thứ ba, ngoài đàn ông, đàn bà, còn có những người vừa đàn ông vừa đàn bà, những người đàn ông trở thành đàn bà, hay ngược lại.

Cũng vậy, ngoài hai ô tả và hữu, sẽ có thêm những ô khác : nhìn về tương lai hay hối tiếc dĩ vãng, mở rộng tay hay đóng cửa, thích ứng với thời đại hay đi ngược dòng lịch sử. Không thể làm chính trị kiểu cũ trong thời đại mới. Các đảng phái không biến mất, nó biến dạng. 


Từ Thức ( Paris 17/05 /2017 )
https:// www.facebook.com/tu-thuc

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire