Trang

03/06/2017

'Cán bộ gương mẫu có khi trở thành lập dị'


 
TS. Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: Q.H

 "Vừa qua chúng ta chưa quan tâm xây dựng môi trường văn hóa đạo đức, cán bộ gương mẫu có khi trở thành lập dị, bất thường bởi không giống số đông" - TS Nguyễn Việt Hùng - Học viện Cán bộ TP.HCM nói.


TS Nguyễn Việt Hùng là Trưởng khoa xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.HCM. Nhận định trên được ông nêu tại tọa đàm khoa học “Nâng cao trách nhiệm thực hiện chuẩn mức đạo đức công vụ của cán bộ công chức, viên chức tại TP.HCM” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 2-6.

Ông Hùng nhấn mạnh phải xây dựng một môi trường văn hóa nơi cái tốt được tôn vinh, "một việc tốt dù nhỏ cũng phải được biểu dương".

Trên như thế nào ở dưới sẽ như vậy


TS Nguyễn Việt Hùng với hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, nhận định rằng thời gian qua, giáo dục bồi dưỡng nhận thức được coi trọng hơn hành vi.

Ông kể, ở nhiều lớp cán bộ chủ chốt, học viên vẫn đến lớp trễ, có người trễ hơn nửa tiếng, ngồi tùy tiện tứ tán trong hội trường. Giảng viên mất hàng chục phút "trân trọng mời" họ lên phía trên mà họ "án binh bất động".

“Bản thân các đồng chí đó đã học tập rất nhiều, được tín nhiệm vào vị trí chủ chốt ở cơ quan. Nhưng hành vi như vậy là chưa chuẩn”, TS Hùng nói.

Do đó, ông Hùng đề nghị tăng cường kiểm tra cấp ủy, người đứng đầu và sự nêu gương của họ trong việc có những hành vi hợp chuẩn, tránh những biểu hiện yếu kém, phản cảm.

"Bởi người dân hiện nay đánh giá qua hành vi là chủ yếu”, TS Hùng lưu ý.

Ông chia sẻ những câu chuyện trong chiến tranh như con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm lính công binh, con Phó thủ tướng Hoàng Anh là phi công tiêm kích, em trai Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh hi sinh trong chiến dịch Khe Sanh... để nhấn mạnh: “Chính sự gương mẫu đó quyết định đạo đức công vụ của chúng ta".

"Trên như thế nào ở dưới sẽ như vậy”, ông Hùng nói. "Bác Hồ làm chủ tịch nước bao nhiêu năm, Bác không đưa người bà con nào từ Nghệ An ra làm cán bộ ở trung ương".


Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: Q.H


Nhiều cán bộ tưởng mình là chủ


Nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Phạm Chánh Trực thì đề xuất mạnh dạn thải hồi những cán bộ yếu kém về đạo đức, xây dựng tổ trung kiên nòng cốt tại từng đơn vị.

"Việc rèn luyện cán bộ phải liên tục, họ phải có thời gian đọc tài liệu, đọc sách, nghiên cứu, tĩnh tâm suy nghĩ, cập nhật kiến thức và nhất thiết tránh xa rượu chè, ăn chơi hoang phí", ông Trực nói.

Dẫn ra các vụ việc gây bức xúc dư luận do cán bộ thiếu trách nhiệm, đạo đức công vụ, ông Phạm Chánh Trực cho rằng nguyên nhân trước hết là kém nhận thức, kém hiểu biết về vai trò của nhà nước trong quản lý.

“Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nhiều trường hợp khi đặt bút duyệt thu hồi đất, cán bộ chính quyền tự xem mình là chủ chứ không phải người quản lý, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, dư luận bất bình”, ông nói.

Một nguyên nhân khác là tầm nhìn hạn chế, thiên về chiều rộng, phô trương hình thức mà thiếu quan tâm chất lượng, chiều sâu, phát triển bền vững. Đi sâu hơn nữa là ý thức, tư tưởng và tình cảm, nhiều cán bộ thiếu tấm lòng vì nước, vì dân.


Để cán bộ không phải ra ngoài làm kiếm sống


Ông Phạm Chánh Trực đề xuất một số giải pháp, trong đó có cải cách tiền lương. Theo ông, chế độ lương và thu nhập hợp lý là cán bộ có thể sống và nuôi 1-2 người trong gia đình.

"Người cán bộ công chức tận tụy, toàn tâm toàn ý vì công việc thì không thể có thời gian, công sức làm ngoài kiếm sống", ông Trực nói.

Nguyên Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo chia sẻ ý kiến này: “Thành phố nên chủ động đề xuất bộ máy với hướng tinh gọn để tăng tiền lương cho cán bộ”.

Bà Thảo cũng mong công tác cán bộ lắng nghe đề xuất từ cơ sở để tạo cơ hội cho người trẻ, thực tài: “Hiện nay chúng ta hay áp từ trên xuống, toàn là đưa cán bộ từ trên về, chứ nói quy hoạch là hình thức thôi”.





MAI HOA
 


Nguồn : Theo Tuổi Trẻ


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire