Mênh mông thế sự để gió cuốn đi. Số 6
Tương Lai
Đôi lời thưa trước
Vừa qua, ông Vũ
Ngọc Hoàng bàn về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất chi là chấn động dư
luận về những ý mạnh mẽ cứ y như cây bút “lề trái” vậy. Những ý tưởng mạnh dạn
búa bổ nghe thật sướng vì nó phang rất mạnh vào những cái lâu nay giới tuyên
giáo ra sức tụng ca. Phần lớn đều trúng và đúng. Tuy nhiên cũng có những ý cần
bàn, trong đó có những ý nói về đạo đức. Ví như: “Đạo đức là giá
trị lõi của văn hóa. Đạo đức hỏng tức là nền tảng văn hóa hỏng. Mặt khác, đạo đức
của cán bộ hỏng thì dẫn đến chất lượng của hệ thống chính trị giảm và niềm tin
của mọi người đối với Đảng và Nhà nước không còn. Khi chất lượng của hệ thống
chính trị suy giảm nghiêm trọng và niềm tin của nhân dân không còn tức là nền tảng
chính trị đổ vỡ và do đó, chế độ chính trị không còn chỗ dựa để tồn tại. Có lẽ nên đảo ngược lại mệnh đề
này thì đúng hơn. Chính cái thể chế chính trị hư hỏng và đổ nát đã làm băng hoại
đạo đức. Người từng hết lòng vun vén tuyên truyền giáo huấn cho cái thể chế
chính trị hư hỏng đó, oái oăm thay, chính là người vô đạo đức. Nhưng nếu nói vậy
thì tự phủ định một thời vàng son của mình. Có lẽ phải thông cảm cho tâm trạng
“Còn
chi nữa cánh hoa tàn. Tơ lòng đã dứt dây đàn Tiểu Lân”!
Ông
Nguyễn Đức Chung lại cũng đề cập đến những câu, những từ, những mệnh đề thuộc về
những phạm trù cốt lõi của đạo đức, ví
như: “tôi mong muốn từ
lương tri từ tấm lòng của những người
đảng viên ở thôn Mít, thôn Hoành và đặc biệt có những cụ lão thành ở đây……. Như
tôi hứa sẽ không bao giờ nói ra, còn tự các bên lương tâm sẽ tự định nghĩa với nhau, còn câu chuyện tôi hứa với bà
con những gì chúng ta còn thời gian…. mong muốn mọi người đã có lòng tốt rồi thì hãy nhân nó lên… sự thật thì nó vẫn là sự thật… phải thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật làm
trọng… bảo vệ những điều
gì đem lạigiá trị cuộc sống.
Nghe
cứ y như thật! Chỉ có điều “đạo đức học là triết học thực tiễn”[Kant]., còn anh bạn
tôi, tiến sĩ Hồ Ngọc Đại thì diễn đạt một cách ngạo ngược, nhưng mà đúng: “đạo đức
là một đồng xu có hai mặt đang lăn lóc ngoài đời chứ không nằm chết dí trong đầu
óc”. Thế nên cụ Angghen nói rõ rằng “khát vọng hạnh phúc có tính chất
bẩm sinh… cho nên nó phải là cơ sở cho đạo đức”. Vì thế ba hoa khoác
lác mà không đếm xỉa đến khát vọng thiết tha nhất của người dân chính là kẻ vô
lương tâm. Bới thế mà Khổng tử nói “xảo ngôn loạn đức”[lời
nói khéo làm bại hoại đạo đức”], đặc biệt cụ Khổng rất khinh người bất tín “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả
dã”, [người
mà không có chữ tín là đồ bỏ đi]. Chẳng vậy mà Mạnh tử chua chát mà rằng: “Nhân hữu kê, khuyến phóng, tắc tri cầu chi,
hữu phóng tâm nhi bất tri cầu” [con gà con chó mà chạy lạc thì ai cũng
biết đi tìm, vậy mà có kẻ để lương tâm thất lạc lại không để ý đi tìm! Mạnh tử
nghiêm khắc cho rằng xem cái lương tâm của mình không bằng con gà, con chó chỉ
có thể là người ngu xuẩn vì “thao tắc
tồn, xả tất vong”[giữ thì còn, bỏ thì mất]. Việc đáng hổ thẹn mà không hổ thẹn là đồ vô sỉ”[Tận tâm thượng, bài 6]!
Vậy
là, có khá nhiều vấn đề rất cơ bản để được hầu chuyện với hai quan chức, một đã
lui về song đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh tuyên truyền giáo huấn như trước
đây từng làm, một đang còn tại vị với sứ mệnh chăn dắt thần dân của mình tại thủ
đô. Một số điều đã được nêu lên trong bài “Khạc
chẳng ra cho, nuốt chẳng vào” mênh
mông thế sự số 5” ngày 5.7.2017. Nay tiếp tục trao đổi về chủ đề đạo đức của bài viết cách nay đúng
5 năm đã nói đến đúng vào những vấn đề mà hai quan chức nói trên đang nói đến: đạo đức và thượng tôn luật pháp để rồi sẽ tiếp tục hầu chuyện hai vị trong những
bài sắp tới.Và đây là bài viết:
“Đạo đức là sự bất lực đưa ra hành động”
Đây là lời của C. Mác
phê phán L. Foiơbach (*), nhà triết học cổ điển Đức vừa được Tổng Bí thư trích
dẫn trong bài nói tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết TƯ4: “người sống trong
lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh”. Tuy nhiên L. Foiơbach lại cổ vũ
cho một quan điểm đạo đức đậm mùi tôn giáo, vì thế, C. Mác đã phê phán kiểu đạo
đức ấy. Một kiểu đạo đức mà những người chủ trương “đức trị, nhân trị” ở
phương Đông đề cao.
Chính vì đề cao “nhân
trị, đức trị” nên Khổng Tử bác bỏ tư tưởng của Hàn Phi và Quản Trọng về việc
cai trị dân bằng luật pháp. Bởi lẽ, theo Hàn Phi “Pháp luật không hùa
theo người sang. Sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành
pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng
trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu.
Cho nên điều sửa chữa được sự sai lầm của người trên, trị được cái gian của kẻ
dưới, trừ được loạn, sửa được điều sai, thống nhất đường lối của dân không gì
bằng pháp luật” [Hàn
Phi Tử. Quyển 2. Thiên VI]. Còn Quản Trọng, người đã làm cho nước Tề thành “bá” từ
sáu thế kỷ trước Công Nguyên đã từng khẳng định: “Pháp (luật) là cái
quy tắc của thiên hạ... Quan sai khiến dân mà có pháp (luật) thì dân theo,
không có pháp (luật) thì dân dừng lại. Dân lấy pháp (luật) chống nhau với quan.
Người dưới lấy pháp (luật) phục vụ người trên, cho nên bọn dối trá không thể
lừa chủ, bọn ghen ghét không thể có cái bụng kẻ giặc, bọn xu nịnh không thể
khoe cái khéo, ngoài ngàn dặm không dám làm điều trái” [Quản tử. Quyển 21].
Khổng Tử không tán
thành, vì theo ông, “Sở dĩ dân có thể tôn quý kẻ sang, người sang nhờ
thế giữ gìn được cơ nghiệp của mình. Người sang, người hèn không lẫn lộn, cái
đó gọi là pháp độ... Nay bỏ pháp độ này mà làm cái vạc ghi pháp luật, thì dân
chỉ biết cái vạc, lấy gì để tôn quý (người sang)? Người sang còn có cơ nghiệp
nào để giữ? Người sang, kẻ hèn không có trên dưới lấy gì để làm thành nước?” [Tả truyện. Quyển 26].
Thì ra, ẩn đằng sau
những lập luận của ngôn từ là cái lợi ích cụ thể, là “cái ghế” của người đang
nắm quyền lực! “Nhân trị”, “đức trị” hay “pháp độ” thực
chất là công cụ của kẻ đang nắm được quyền lực muốn duy trì hiện trạng của sự
bất công, phân biệt kẻ sang, người hèn, bắt “người hèn” sợ uy lực và khuất phục
“kẻ sang”. Mạnh Tử đã từng cảnh báo vua: “Vua coi dân như cỏ rác thì dân coi
vua như cừu thù” và lên án việc đẩy dân đến chỗ là “cừu thù” rồi dùng hình
phạt hà khắc để trừng trị họ “khác nào đặt lưới bẫy dân”. Vì thế dùng
cái “nhân”, cái “đức” của người cầm quyền để giáo hóa và trị dân xem ra cũng có
cái lý của nó. Thế nhưng, chìm sâu vào bên trong cái nhân cái đức ấy là sự áp
đặt ý chí của kẻ có quyền buộc thần dân phải tuân theo, không dám dùng pháp
luật vì sợ dân có thể dùng ngay pháp luật để chống lại mình.
Xem ra, “nhân trị”, “đức trị” chẳng qua là sự tùy tiện của người có quyền. May mắn mà
người cầm quyền có “đức” có “nhân” thì dân được nhờ. Vô phúc vớ phải
hôn quân, bạo chúa hay kẻ làm ra vẻ mắt
đạo đức giả thì dân đành chịu vậy. Mà trò đời, đã nắm được quyền thì muốn giữ
triệt lấy quyền ấy, mấy ai chịu “nhường ngôi”, “từ chức” nếu không có sự ràng
buộc của cơ chế pháp luật đã định hình và áp lực của “sức dân như nước, đẩy
thuyền là dân mà lật thuyền của dân”. (Ở đây ta chỉ bàn về chuyển “đẩy
thuyền”, chỉ nói đến công luận phản ảnh ý chí của dân).
Ấy vậy mà, nhìn lại
lịch sử của đất nước từng là quê hương của “pháp gia” hay “nho gia” ấy, người
ta nghiệm ra rằng, trong các cuộc “tranh bá, đồ vương”, những nước cố giữ lấy “pháp
độ” thực hành “đức trị” và “nhân trị” thì sớm suy vong còn
những nước chịu theo “pháp trị” thì hùng cường lên để có thể thôn
tính các nước khác! Người ta càng hiểu ra rằng, chỉ hô hào đạo đức suông mà
không tạo ra một cơ chế vận hành
xã hội trên cơ sở pháp lý nhằm loại bỏ những hành vi phản đạo đức
thì giống như điều mà C. Mác đã từng phê phán đạo đức do L. Foiơbach đề xướng:
“Đạo đức là sự bất lực đưa ra hành
động”!
Thế nhưng, để tạo ra
một cơ chế vận hành xã hội trên cơ sở pháp lý, “pháp trị” thì phải thực hiện
một cuộc “cách mạng về quyền lực”
nhằm giành lấy quyền lập pháp khỏi các lực lượng chuyên chế để trao lại cho
nhân dân và cho những người đại diện được nhân dân bầu lên. Cùng với việc đó,
phải đặt quyền lực ấy trong vòng kiểm soát. Đó là tư tưởng của Montesquieu, nhà
“Khai sáng” thuộc thế hệ thứ nhất.
Theo ông, và rồi sau
ông, Locke cũng như Rousseau đều nhận ra rằng “dân chúng có quyền lực tối cao, họ rất giỏi khi chọn người để giao
cho một phần quyền lực của mình” vì có những điều mà họ “học được nơi quảng trường một cách sâu
sắc hơn mà ông vua không thể học được trong cung điện”.
Thế nhưng, không phải
ai cũng đủ trình độ để tự mình quản lý công việc quốc gia, cho nên Montesquieu
chủ trương hợp lý hoá, tinh lọc
hoá thành phần trực tiếp sử dụng quyền lực nhà nước trong tổng thể
chủ thể quyền lực nói chung. Giải pháp tối ưu là xây dựng một nền dân chủ kết
hợp được cả những yếu tố dân chủ
trực tiếp và dân
chủ đại diện. Dân chúng có được sự lựa chọn chính xác
và tối cao, nhưng việc quản lý thì phải ở những người có đủ
trình độ; dân chủ trực tiếp từ
sự quyết định của toàn dân, nhưngdân
chủ đại diện lại có thể tạo cho công việc tiến triển một cách
thích đáng trong vòng trật tự. Đó
chính là nền dân chủ pháp quyền, kết tinh toàn bộ tư tưởng về bình đẳng, tự do,
dân chủ của Montesquieu.
Trong lịch sử tư tưởng
triết học chính trị, lần đầu tiên điều này được nâng lên thành các quyền chính trị-xã hội của con người với tư cách công dân, tức là quyền tồn tại về mặt chínhtrị trong một xã hội hiện thực. Khi định
hình một nền dân chủ mới, bản thân việc kiểm soát quyền lực trước khi trở
thành một biện pháp ước chế sự lạm quyền của một nền dân chủ, trong lý luận và
mục đích của Montesquieu, nó tồn tại như một phương thức nhằm giành lấy quyền
lập pháp khỏi các lực lượng chuyên chế để trao lại cho nhân dân và cho những
người đại diện được nhân dân bầu lên. Cùng với việc đó, đặt quyền lực ấy trong
vòng kiểm soát, đó chính là một cuộc
cách mạng về quyền lực, dù chỉ là trên phương diện lý luận,
mà hơn hai ngàn năm qua, kể từ nền dân chủ cổ đại, không một nhà triết học nào
trước ông thực hiện được.
Triết lý chính trị của
Montesquieu đã đặt nền móng cho việc xây
dựng nhà nước pháp quyền, thay thế cho sự chuyên chế độc quyền. Đây
là một cột mốc quan trọng trên con đường xây dựng một chế độ dân chủ đích thực.
Thậm chí, nhà Khai sáng này còn ao ước “có
cách gì làm cho người cầm quyền tăng thêm được tri thức về những việc họ phải
quản lý và làm cho người thừa hành thêm hứng thú khi họ tuân lệnh”. Và
rồi, cùng với thời gian, người ta hiểu ra rằng mong ước cao đẹp đó đã nhuốm màu
ảo tưởng. Bởi lẽ, quyền lực, đặc biệt là quyền lực chính trị thực hiện sự tham
nhũng trong chính nó, đang cổ vũ những người sở hữu quyền lực đó nô dịch và đàn
áp những người không có quyền. Điều này thì G. Bourdeau trong Đại Bách khoa
Toàn thư Pháp (xuất
bản năm 1900) đã
từng phân tích: “Như những gì C.Mác đã chứng minh, tự do chính trị chỉ là tự do hình thức, nhằm tạo ra bằng chứng ngoại
phạm cho những người thực sự nắm giữ sức mạnh kinh tế và là những người duy
nhất có thể sử dụng quyền tự do chính
trị của họ”.
Đinh Học Lương, một học
giả Trung Quốc, từ những dẫn giải trong cuốn sách “Sự hưng vọng của một quốc
gia” của Mancur Olson Đại học Maryland, khi đưa ra luận điểm về “những
tập đoàn kinh tế lớn bắt làm con tin chính sách phát triển và chiến lược quốc
gia”đã có sự phân tích khá sòng phẳng: “Bất kỳ một quốc gia nào chỉ cần có thời gian ổn định chính trị đủ dài
là sẽ xuất hiện những tập đoàn lợi ích đặc biệt, hơn nữa chúng sẽ trở nên ngày
càng thành thục, có kỹ sảo… Vì kỹ xảo của chúng ngày càng thành thạo, nên lợi
ích thu được ngày càng nhiều. Cuối cùng dần dần dẫn đến thể chế, chính sách tổ
chức về các mặt như kinh tế, xã hội, hành chính, pháp luật… của quốc gia đó
biến thành sự sắp xếp phù hợp nhất với tập đoàn lợi ích đặc biệt. Vì vậy, động
lực mới của sự phát triển ngày càng bị kiềm chế, các ngành ngày càng xơ cứng,
điều này tất dẫn đến sự suy vong của quốc gia” [Tạp chí “Quan sát” tháng
10.2008]
Tác giả của luận điểm
trên cũng giải thích rằng, ở các nước Âu Mỹ, chuyện thao túng các tập đoàn kinh
tế lớn cũng diễn ra, song khác với Trung Quốc là chúng bị sự ràng buộc của môi
trường pháp lý và thể chế pháp quyền. Chính cái đó kiềm chế cho các tập đoàn
lợi ích đặc biệt không thể bắt làm con tin chính sách phát triển và chiến lược
phát triển quốc gia lâu dài, mặc dù nó có thể ảnh hưởng một thời gian hoặc ở
một nơi nào đó.
Soi vào thực tế của
nước ta, những vấn đề người ta phân tích ở trên xem ra cũng có điểm tương đồng!
Thì chẳng thế sao. Hãy đọc lại những lời dưới đây trong bài phát biểu của ông
Trọng tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết TƯ 4: “thẳng thắn vạch ra những hạn
chế, yếu kém, khuyết điểm trên cả 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, chỉ ra
tính chất, phạm vi, xu thế và hậu quả của những yếu kém, khuyết điểm đó.
… Những khuyết điểm đó nếu không
được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong
của chế độ ta.”*
Vậy là, về tính
chất nghiêm trọng, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ trong phạm vi, xu
hướng, và hậu quả đều dẫn đến sự thách thức sự tồn
vong của chế độ. Trước tình hình đó, Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 đã đưa
ra “4 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu
cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên. Nhóm giải pháp về tổ chức,
cán bộ và sinh hoạt Đảng. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. Nhóm giải pháp
về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Đồng thời chỉ rõ: “Các
giải pháp bảo đảm tính đồng bộ, nhưng cũng rất tập trung, có lộ trình”, đặc
biệt “nêu cao và rất nhấn mạnh sự tự phê bình và phê bình, sự gương mẫu của
cấp trên…”.
Những giải pháp đó được
đưa ra khi mà “thực trạng đã nặng lắm rồi, như căn bệnh ung thư… thực trạng
này Đảng đã thường xuyên ngăn chặn nhưng làm không đến nơi đến chốn khiến căn
bệnh ngày càng trở nên trầm trọng”** Bởi vậy, “vai trò tiên phong
"uống thuốc giải bệnh” phải là Bộ Chính trị, cần sinh hoạt dân chủ, thẳng
thắn tự phê bình và phê bình những yếu kém, tồn tại để làm gương cho cấp dưới. Đã tắm phải biết gội đầu”!**
Vậy là mọi sự sắp đặt
đã tươm tất, chỉ lạ một điều là các nhóm giải pháp không đề cập đến dân, không huy động sức dân góp phần quyết
định vào việc xây dựng chỉnh đốn Đảng. Nếu việc phê bình, tự phê bình chỉ là
việc riêng của Đảng theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” thì e khó mà thành công. Thế
mà toàn Đảng, toàn dân lại đang trong cuộc vận động học tập tư tưởng Hồ Chí
Minh, mà điểm cốt lõi của tư tưởng ấy là lấy dân làm gốc, “quyền hành và lực lượng đều nơi dân”.
Hình như điều cần nhất trong việc chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh chưa
được đặc biệt lưu ý, nhưng chính cái đó mới là chìa khóa của thành công…
Không có dân tiếp sức
thì việc chỉnh Đảng không thể thành công. Bởi lẽ, căn bệnh trầm kha của người
nắm quyền là xu hướng mở rộng
quyền lực vô hạn độ. Mà quyền
lực lại có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt
đối. Không thiếu những minh chứng sống động từ Đông sang Tây, từ
cổ đến kim về cái quy luật phũ phàng và nghiệt ngã đó của sự gắn kết giữa lợi ích với quyền lực.
Cho nên, thức tỉnh
lương tâm, kêu gọi đạo đức là điều cần thiết, nhưng chỉ thế thì chưa đủ. Bởi vì
đạo đức nào cũng gắn với lợi ích, lợi ích của cá nhân người cầm quyền, lợi ích
phe nhóm quyền lực… thậm chí lợi ích của “những tập đoàn kinh tế lớn bắt làm con tin chính sách phát triển và
chiến lược quốc gia” như vừa dẫn ra ở trên! Bởi vậy, nếu tách khỏi lợi
ích chỉ kêu gọi đạo đức suông mà không kèm theo những chế tài, những quy phạm
pháp luật buộc cá nhân công dân, bất cứ đang giữ trách nhiệm gì cũng phải tuân
theo, không có sự giám sát và phản biện của dân thì khó thành công mà lại “rơi
vào tình trạng "không đạt yêu cầu" như nhiều lần trước.”* Thế là
vẫn không sao khắc phục được “cái làm
cho quần chúng oán thán nhất, gây mất lòng tin nhất, làm xói mòn bản chất Đảng
đó chính là sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một
bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; cái này thật là nghiêm trọng”!* Và
như đã dẫn ra ở trên: ung thư mà “đã
nặng lắm rồi” thì di căn là điều khó tránh, không có những giải pháp
quyết liệt có tính đột phá thì e khó mà đạt được hiệu quả mong muốn!
Lúc này mà chỉ kêu gọi
sự thức tỉnh đạo đức và lương tâm của người nắm quyền lực thì xem ra cũng chỉ
là “sự bất lực đưa ra hành động”
mà C. Mác đã khuyến cáo!
Đương nhiên, nói thế
không phải là phủ nhận sự kêu gọi đạo đức và thức tỉnh lương tâm. Chỉ có điều,
đừng quên rằng lương tâmgắn
liền với ý thức về nhân phẩm là phạm trù cốt lõi của đạo đức chính là sự cưỡng chế bên trong đối
với hành vi của con người. Và sự cưỡng chế bên trong ấy cần tiếp sức của sự cưỡng chế bên ngoài, đó là
luật pháp và công luận.
Vì thế, việc thức dậy lương tâm bị ngủ quên, khiến cho sự cưỡng chế bên trong bị
tê liệt đòi hỏi phải có sự cưỡng
chế bên ngoài. Luật pháp, đúng như chức năng đích thực của nó, là thể
hiện ý chí và sức mạnh của nhân dân trong một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa,
sẽ thực hiện sự cưỡng chế bên ngoài đó và cùng với tinh thần thượng tôn pháp
luật là sự khơi dậy sức mạnh của công luận. Sức mạnh ấy sẽ là một áp lực mạnh
mẽ tạo ra sự cưỡng chế bên ngoài nói ở trên. Chuyện này chẳng có gì mới mẻ. Louis XIV, nhà độc tài từng ngạo nghễ tuyên bố “Nhà nước là ta” cũng buộc
phải thừa nhận rằng: “Nhà nước là gì? Không là gì cả nếu không có dư luận”!.
Vả chăng, lương tâm là yếu tố
cốt yếu của lý trí thực hành như định nghĩa của Kant, nhà triết
học Đức vĩ đại. Chưa phải lúc để bàn về khái niệm “lý trí thực hành” của
Kant, ở đây từ triết lý của Kant mà nói đến chuyện đánh thức lương tâm bằng
hành động thực tiễn trong bối cảnh thực trạng đã nặng lắm rồi, như căn
bệnh ung thư… ngày càng trở nên trầm trọng”. **
Bởi vậy, lúc này đây,
để chữa trọng bệnh, “phải đưa chính
trị vào giữa dân gian”*** khuyến cáo của Hồ Chí Minh. Tức
là phải “tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm
cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân
chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa
chữa”***
Dựa vào dân. Không sợ
dân. Huy động sức dân tiếp sức cho Đảng thì việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng
mới mong có được kết quả khi mà sự chẩn đoán bệnh đã chỉ ra là “đã nặng lắm
rồi”!**
________________
*
Bài phát biểu của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết TƯ 4.
**Lê
Khả Phiêu, Vietnamnet ngày 27.2.2012
***Hồ
Chí Minh Toàn tập, tập 5. NXBCTQG Hà Nội 1995, tr, 298, tr.297
Sài gòn ngày 19.03.2012
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire