Thế giới
hiện nay đang phẳng hóa rất nhanh khi những cách biệt về địa lý, vốn, máy móc…
đang tiến tới bị xóa nhòa thì sự cạnh tranh để phát triển tất yếu phải dựa vào
nguồn lực tri thức và sáng tạo. Đào tạo những con người sáng tạo phải là mục
tiêu của nền giáo dục quốc gia.
Do đó, “triết lý giáo dục cần phải chuyển sang
hướng đào tạo con người tự do, để họ có thể tư duy độc lập, tư duy sáng tạo,
thay vì đào tạo con người công cụ như mục đích của hệ thống hiện thời” (Giáp
Văn Dương, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 8.5.2017).
Triết lý đó phản ánh nhu cầu phát triển đặt ra
với nền giáo dục, và nếu không đáp ứng được, khoảng cách tụt hậu của nước ta so
với trung bình thế giới chắc chắn sẽ ngày càng nhanh chóng xa hơn!
Có nhiều biểu hiện cho thấy nền giáo dục nước
nhà, buồn thay, đang quay lưng hay chống lại các đòi hỏi từ nhu cầu mới của đất
nước.
Cách đây không lâu, một học sinh lớp 12, vì viết
trên Facebook của mình những dòng chê thái độ phục vụ của Bệnh viện đa khoa khu
vực Đồng Tháp Mười, đã bị Ban giám hiệu trường THPT Kiến Tường mời lên làm việc
về nội dung trên. Cũng trong ngày 6.3, T. đã xóa nội dung này trên trang
Facebook cá nhân. Tiếp đó, ngày 16.3, Ban giám hiệu nhà trường ra quyết định kỷ
luật T. với hình thức khiển trách, lý do là vi phạm điều 41 Thông tư số
12/2011/TT-BGD&ĐT ngày 28.3.2011 của Bộ GD&ĐT về ban hành Điều lệ
trường THPT (Tuổi Trẻ Online, ngày 1.6.2017).
Cách đây một năm, cô giáo Trần Thị Mỹ Hà - Tổ
trưởng tổ Văn trường THPT Trần Nhân Tông, vì đăng một status trên trang
Facebook của cô không đồng tình với một đề nghị của thành phố Hà Nội, bị chi bộ
trường Trần Nhân Tông phạt cảnh cáo.
Trong cả hai sự kiện, nhiều người không hiểu tại
sao lại có sự can thiệp của nhà trường. Bài viết trên Facebook, dù có phổ biến
trên mạng, được coi là bài viết riêng trên trang nhà cá nhân. Bài viết lại nêu
quan điểm rất rõ ràng, trình bày công khai và minh bạch trước công chúng, không
vi phạm thuần phong mỹ tục, tại sao trường lại chen vô? Không thích thì không
xem, không đồng ý thì tranh luận công khai. Nếu bài viết xúc phạm hay vu khồng
cá nhân hay tổ chức nào đó, thì cá nhân hay tổ chức đó kiện người viết. Trường
lấy tư cách gì mà chen vào?
Một câu hỏi khác nữa là: BGH trường THPT Trần
Nhân Tông có quyền “mời cô Hà lên làm việc” vì status của cô không? Ban giám
hiệu trường THPT Kiến Tường có quyền mời học sinh T. lên làm việc về nội dung
status của em và sau đó ra quyết định kỷ luật hay không? Ở một xứ như Pháp hay
Mỹ chẳng hạn, cô giáo có quyền không đi dự buổi làm việc đó vì “chuyện của cá
nhân tôi, không ăn thua gì các ông”. Hoặc giả, cô đi dự và khi nhận quyết định
cảnh cáo, cô có quyền kiện nhà trường về quyết định đó. (Học sinh T. cũng có
quyền như vậy).
Câu hỏi thứ ba, theo tôi, quan trọng hơn nhiều:
Hai sự việc xảy ra cách nhau một năm, tại hai đầu đất nước, nói lên điều gì?
Giữa hai sự việc đó là một chuỗi các sự việc, độc lập nhau nhưng hòa cùng tiết
tấu, cho thấy hình như có một sợi dây xuyên suốt các sự việc. Ở một môi trường
khai phóng và tôn trọng con người, cách hành xử như vậy không được chấp nhận và
gây một làn sóng phản ứng mạnh mẽ. Tại sao ở Việt Nam những sự việc đó
được lặp đi lặp lại? Phải chăng cách tổ chức xã hội của Việt Nam nếu không ủng
hộ thì cũng dung dưỡng cách hành xử như thế?
Các sự việc cho thấy trong môi trường giáo dục
Việt Nam, thầy cô và học sinh rất nhỏ bé trước cơ quan, tổ chức, ban giám hiệu.
Cô giáo và bạn học sinh lớp 12 kia đều quá tuổi làm chứng minh nhân dân, quá tuổi
đi bầu. Cô giáo là một người trưởng thành, có nghề nghiệp đàng hoàng, có vai
trò truyền thụ kiến thức và tác phong sống cho học sinh, mà cứ bị xem như, và
bị “xử” như một đứa con nít, mỗi lời nói, hành vi là bị nạt nộ, trừng mắt, hăm
he hay vuốt đầu khen thưởng! Làm sao cô giáo thành người lớn cho nổi? Làm sao
cô giáo thành một người tự do như Giáp Văn Dương mong muốn được?
Trở lại câu nói của Giáp Văn Dương được trích
bên trên, tôi không biết mục đích của hệ thống giáo dục hiện thời có phải
là “đào tạo con người công cụ” hay không, nhưng với cách hành xử như thế thì
nhiều sản phẩm của nền giáo dục sẽ là con người công cụ. Khi trong trường học,
thầy cô và học sinh có nhiều tính cách công cụ và tuân phục thì xã hội có ít
tính sáng tạo và độc lập, quốc gia thiếu năng lực phát triển.
Có phải các sự việc như trên chỉ xảy ra trong
lãnh vực giáo dục? Không, bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch (Bộ VHTTDL) qua
cách đối xử gần đây với các ca khúc, cách hành xử trước các tiếng nói phản biện
trong vụ bán đảo Sơn Trà… cho thấy bộ này có cùng lối tư duy và cung cách hành
xử.
Có phải tất cả các sự việc đó cho người ta cảm
giác rằng trong hệ thống này thì các cơ quan chức năng có nhiều tính công cụ và
lệ thuộc mà kém tính sáng tạo và đột phá? Khi cơ quan là cơ quan công cụ thì hệ
thống không thể là hệ thống “kiến tạo” và tôi e rằng các quan chức quản lý cấp
cao còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu chính phủ kiến
tạo.
Muốn có kiến tạo, phải chăng một trong các việc
căn bản đầu tiên cần làm là xác định tinh thần độc lập, tự do tư duy và sáng
tạo như là một trong các giá trị cốt lõi?
Lê Học Lãnh Vân
Nguồn: Theo MTG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire