Trang

06/07/2017

Lại lùm xùm việc thu hồi đất


Chúng tôi nhận được đơn kêu cứu về việc thu hồi đất của Cựu đại tá LÊ TẤN CẨM, Tham mưu phó Quân đoàn 4, Đại diện cho 500 hộ nhận khoán tại TP-HCM
Xin gửi đến bạn đọc




CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc



ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIẢI QUYẾT

Về việc Công ty TNHH MTV cây trồng thành phố Hồ Chí Minh thu hồi đất
nhận khoán không đúng nội dung hợp đồng năm 1997,  Luật đất đai
năm 2013 và các văn bản pháp luật về đất đai.



Kính gửi :     -    Ủy Ban Nhân Dân TP-HCM
                         -    Bí thư TU-TPHCM
 -    Sở Nông Nghiệp TP-HCM
                      -   Sở Tài Nguyên Môi trường TP-HCM
                      -    Hội Đồng Nhân dân TP-HCM
                      -    Tổng Công ty Nông Nghiệp Sài gòn
                      -    Công ty Cây trồng TP-HCM
Đồng kính gởi :   -    Chủ  tịch Quốc Hội nước CHXHCNVN
-         Thủ Tướng Chính phủ nước CHXHCNVN
-         Chủ tịch nước CHXHCNVN
Chúng tôi đứng tên dưới đây là những hộ gia đình nhận khoán đất của nông trường Phạm Văn Hai trước đây (hiện là Công ty TNHH MTV cây trồng TPHCM) đã qua 20 năm gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh. Đến nay, chúng tôi đang đứng trước nguy cơ không còn đất sản xuất cũng như không còn nơi ở khi nhận được thông báo thu hồi đất từ phía Công ty TNHH MTV Cây trồng TPHCM (xin gọi tắt là Công ty Cây trồng) yêu cầu chúng tôi thu xếp cây trồng, thu dọn mặt bằng để trả lại đất nhận khoán cho Công ty.
Nay chúng tôi cùng nhau làm đơn này kính mong các cấp chính quyền, cơ quan ban ngành chức năng xem xét đến quyền, lợi ích chính đáng và nguyện vọng của nông dân chúng tôi như sau:
Trước đây, đã từ rất lâu nguyên vùng đất đồng bưng thuộc xã Phạm Văn Hai là đất rừng phòng hộ thuộc nông trường Phạm Văn Hai quản lý. Vùng đất này trước giải phóng là cánh đồng bưng đầm lầy, là vành đai lửa của chiến trường Tây Nam Sài Gòn mà quân đội ta đánh vào giải phóng thành phố. Vùng đất này là vùng đất trũng ngập nước, đất nhiễm mặn, nhiễm phèn, chỉ trồng được duy nhất loại cây cừ tràm.
Sau năm 1975, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh huy động lực lượng thanh niên xung phong tập trung thực hiện cải tạo vùng đất đầm lầy để biến đổi đất hoang hóa thành đất nông nghiệp với dự kiến ngay từ bước đầu là phải cải tạo đất hàng chục năm trời mới có thể trồng trọt được. Từ đó hình thành 3 nông trường Phạm Văn Hai, An Hạ và Lê Minh Xuân với lực lượng nòng cốt là thanh niên xung phong thành phố. Bước đầu, lực lượng này đã thực hiện đào mương thủy lợi, lên liếp để rửa phèn, hàng chục năm rồi mới tiến hành trồng trọt thử nghiệm nhiều loại cây. Tuy nhiên do vùng đất nhiễm phèn quá nặng nên nhiều năm liền thử nghiệm nhưng không loại cây trồng nào sinh trưởng nổi trên vùng đất này, nên một thời gian sau thì giải tán, hoạt động sản xuất nông nghiệp ngưng, đất hầu như toàn bộ bị bỏ hoang. Thanh niên xung phong rút đi, không còn ai canh tác, chỉ còn lại một số ít cán bộ hành chính giữ lại làm ban quản lý để quản lý đất của nông trường.
Đến năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định 01/CP ngày 04/01/1995 quy định về việc giao khoán đất nông nghiệp trong các doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương phát triển trồng cây ăn trái trên toàn thành phố và lấy quỹ đất tại nông trường Phạm Văn Hai để khoán trắng cho nông dân thực hiện trồng xoài cát Hòa Lộc. Theo phương thức khoán trắng này, người nông dân ký hợp đồng nhận khoán với Nông trường, sau đó tự đầu tư bỏ vốn và công lao động để sản xuất, Nông trường quy hoạch cây trồng, hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật cho nông dân và tiêu thụ sản phẩm sau khi thu hoạch được. Thực hiện kế hoạch này, Nông trường Phạm Văn Hai đã vận động chào mời những nông dân ký hợp đồng nhận khoán đất trồng xoài. Do vậy, chúng tôi là những cựu chiến binh, hưu trí, nông dân có vốn tích lũy từ quá trình công tác, làm kinh tế trước đó muốn gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp đã làm đơn xin nhận khoán và đã được ký hợp đồng nhận khoán với thời hạn khoán là 20 năm.
Sau khi ký hợp đồng, chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của để đầu tư cải tạo lại đất. Bởi vì, chúng tôi chỉ nhận được diện tích đất hoang hóa, phải tiến hành khai hoang, đào mương lên liếp lại (vì những liếp nông trường đã làm trước đây sau thời gian hoang hóa và không phù hợp trồng trọt phải làm lại gần như hoàn toàn) để phơi đất rửa phèn mất nhiều năm rồi mới bắt đầu thực hiện trồng trọt.
Mặc dù, trên hợp đồng khoán nông trường có cam kết hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, nguồn giống… nhưng thực tế hoàn toàn bỏ mặc nông dân chúng tôi tự xoay sở: không hỗ trợ về vốn, về kỹ thuật, nguồn giống, phân bón, tiêu thụ sản phẩm… nói chung là không có bất cứ hỗ trợ nào cho hoạt động nông nghiệp của chúng tôi. Ban đầu chúng tôi cũng tiến hành trồng xoài theo đúng quy hoạch của nông trường, nhưng sau vài năm trồng xoài thì chúng tôi nhận thấy cây xoài không thể phát triển tốt, cây tự chết phải liên tục trồng mới. Khi có thể thu hoạch thì năng suất không cao và chỉ sau một thời gian ngắn thì cây cũng tự lụi dần không phát triển được. Chúng tôi đã bỏ vốn đầu tư rất nhiều vào  trồng trọt nhưng chưa thu được kết quả, có người đã phải bán nhà cửa để lấy vốn liếng tiếp tục đầu tư mới, tìm phương pháp mới, giống cây mới để trồng. Bản thân nông trường chỉ có một số cán bộ quản lý, lập quy hoạch trồng xoài nhưng cũng không biết gì về kỹ thuật trồng xoài, không biết cây xoài có phù hợp trồng trên đất phèn hay không, đến khi phát hiện thổ nhưỡng không phù hợp với cây xoài thì cũng không có giải pháp gì giúp đỡ người nông dân chuyển đổi cây trồng mà chúng tôi lại phải tự tìm tòi các loại cây trồng khác như khoai mì, khóm, ổi, chuối… để mong đạt hiệu quả, thu hồi được nguồn vốn đã đầu tư vào đất. Nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả, thu không đủ bù chi, không thu hồi được vốn đã đầu tư.
Năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 hướng dẫn việc giao khoán thay thế cho Nghị định 01/CP, Nông trường Phạm Văn Hai lúc này đã xác nhập với Nông trường Lê Minh Xuân, nông trường An Hạ chuyển đổi thành Công ty cây trồng. Công ty yêu cầu chúng tôi ký hợp đồng giao khoán theo Nghị định 135 nhưng những nội dung điều khoản hoạt động thể hiện phía công ty muốn xóa bỏ công sức và vốn liếng đầu tư vào đất nhiều năm liền trước đó của chúng tôi theo cách hiểu là : Công ty cây trồng cho chúng tôi nhận khoán vườn cây ăn trái đã được hoàn thiện giai đoạn kiến thiết cơ bản, chỉ cần trồng cây, thu hoạch và chia lợi nhuận, hoa lợi, buộc chúng tôi phải nộp tất cả các loại thuế sử dụng đất cũng như định mức giá sản phẩm xoài, mía… để buộc chúng tôi phải nộp thành quả quy ra bằng tiền trong khi hiệu quả sản xuất thì không có lợi nhuận, doanh thu không đủ bù chi phí. Quá bất bình về việc này, chúng tôi không đồng ý ký lại hợp đồng mới, mà yêu cầu vẫn tiếp tục duy trì hợp đồng đã ký theo Nghị định 01/1995.
Sau hơn 10 năm cải tạo lại đất từ vùng đất phèn thành đất có thể trồng trọt, mất thêm nhiều năm xoay sở thử nghiệm với nhiều loại cây trồng, tìm phương án trồng cây có hiệu quả, một số hộ đã tìm được phương pháp trồng cây trên đất phèn hợp lý cũng như tìm được giống cây trồng có năng suất và giá trị cao như bưởi, ổi, mãng cầu. Có người thì chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt và đang dần chuyển sang thu được kết quả tốt, có lợi nhuận. Ví dụ như cây bưởi da xanh hiện đang được trồng thành công và cho chất lượng tốt, có giá trị kinh tế. Chúng tôi dùng nguồn thu từ các loại cây trồng có hiệu quả để đầu tư nhân rộng diện tích trồng các loại giống này, chỉ cho nhau các kỹ thuật để cây trồng cho hiệu quả tốt; chính công ty cũng đi theo sau chúng tôi để trồng giống cây bưởi da xanh trên phần đất của công ty quản lý. Thế nhưng, khi chúng tôi vừa lóe lên tia hy vọng trong tương lai sẽ thu hồi lại nguồn vốn đã bỏ ra đầu tư trước đây thì  Công ty Cây trồng phát hành thông báo yêu cầu thu dọn cây trồng, thu dọn tài sản và giao trả đất cho Công ty, thông báo thu hồi với lý do hợp đồng  khoán đã sắp hết hạn trong năm 2017.
Nhận được thông báo của Công ty, chúng tôi (các hộ đang nhận khoán) rất hoang mang, không biết phải như thế nào nếu công ty kiên quyết thu hồi đất, không tái ký hợp đồng như trong chính hợp đồng trước đây đã ký là “người nhận khoán được ưu tiên gia hạn, tái ký hợp đồng khi hết hạn hợp đồng, nếu chủ trương chung không thay đổi”. Đã có nhiều hộ hoang mang đến mức độ bỏ luôn việc chăm sóc cây trồng. Chúng tôi yêu cầu gặp Giám đốc chính là người đã ký văn bản thông báo nhưng hoàn toàn không gặp được. Sau đó, do áp lực của các hộ nhận khoán, công ty đã tổ chức một buổi họp vào ngày 12/4/2017 tại Hội trường công ty nhưng vẫn không có mặt giám đốc, đại diện của giám đốc không trả lời được ý kiến của những hộ nhận khoán chúng tôi.
Kính thưa quý cơ quan lãnh đạo, ban ngành chức năng.
Chúng tôi chỉ là những người làm nông nghiệp, như đã trình bày ở trên thì chúng tôi đã gắn bó rất lâu với mảnh đất này, đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, tốn biết bao nhiêu tiền của để cải tạo, vun đắp biến vùng đất hoang hóa “đất không trồng được cây, nước không nuôi nỗi cá” trở thành vùng đất có thể trồng cây ăn trái sinh lợi cao. Nếu thực sự đất bị công ty thu hồi như thông báo thì công sức và tiền của đầu tư của chúng tôi xem như mất hết, nhiều người đã bán nhà cửa, tài sản để vào sinh sống và làm nông nghiệp trên vùng đất này sẽ không còn nơi ở, không có kế mưu sinh nào khác. Trước bước đường cùng này, chúng tôi mới tìm hiểu lại các văn bản pháp luật thể hiện chính sách của nhà nước đối với người nông dân thì nhận thấy Công ty Cây trồng đã không thực hiện những chính sách ấy, hoặc có thực hiện nhưng cố tình thực hiện không đúng để tước đoạt hết những quyền lợi của nông dân chúng tôi mà lẽ ra nhà nước đã cho chúng tôi được hưởng.
Cụ thể như sau:
Theo Nghị định 01/CP ngày 04/01/1995 của chính phủ quy định thời hạn giao đất khoán nông nghiệp trồng cây lâu năm là 50 năm nhưng Nông trường Phạm Văn Hai khi ấy chỉ ký hợp đồng thời hạn có 20 năm.  Chúng tôi có thắc mắc vấn đề này nhưng được giải thích là hết thời hạn sẽ gia hạn tiếp thời hạn của hợp đồng. Vì tin tưởng  nông trường sẽ thực hiện theo chính sách của nhà nước nên chúng tôi an tâm đầu tư. Thực sự thời gian 20 năm này chỉ vừa vượt qua giai đoạn kiến thiết cơ bản, lẽ ra nông trường phải tái ký hợp đồng cho chúng tôi thêm thời hạn 30 năm còn lại theo Nghị định 01/CP nhưng lại  thông báo thu hồi đất thuê khoán mà hoàn toàn không nhắc đến chi phí, công sức 20 năm của chúng tôi đã bỏ vào vùng đất này.
Theo Nghị định 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Nghị định này được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 21/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 thì chúng tôi là những nông trường viên được nhà nước miễn hoàn toàn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhưng Công ty Cây trồng vẫn tiến hành thu tiền thuế sử dụng đất của chúng tôi. Vậy số tiền thu thuế của chúng tôi thì Công ty Cây trồng đã hạch toán vào đâu?
Theo Nghị quyết số 28-NQ/TWngày 16/6/2003 của Bộ chính trị, Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ quy định về sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty Nông lâm nghiệp kèm theo là thông tư hướng dẫn số 02/2015/TT-BNNPTNT của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 27/01/2015 thì Công ty cây trồng đã đủ điều kiện được xếp vào trường hợp phải giải thể theo điều 7 Nghị định 118 này.
Thật vậy, tiền thân của Công ty Cây trồng là sáp nhập 03 nông trường gồm nông trường Phạm Văn Hai, nông trường Lê Minh Xuân và nông trường An Hạ. Các nông trường này quản lý quỹ đất lớn nhưng hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm liền nên nhà nước có chủ trương giải thể nông trường, sáp nhập các nông trường để thành lập Công ty TNHH Một thành viên Cây trồng TPHCM trực thuộc Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn – trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tự hạch toán kinh doanh…
Mang danh nghĩa là Công ty nông nghiệp nhưng nhân sự chỉ có ít người làm việc hành chính, hầu hết quỹ đất được giao khoán cho những nông trường viên như chúng tôi tự sản xuất, tự đầu tư, còn những phần diện tích đất của Công ty quản lý thì để hoang phí, nếu có canh tác thì chỉ gây lỗ cho Nhà nước. Điều này có thể chứng minh bằng kiểm tra thực tế “Còn một diện tích đất rất lớn của Công ty đang bỏ hoang”. Nguồn thu chủ yếu của Công ty Cây trồng hiện nay là thu tiền sử dụng đất, tiền hoa lợi… từ các hộ nhận khoán, tiền cho thuê đất nông nghiệp dọc theo các quốc lộ, liên tỉnh lộ nhưng lại sử dụng vào hoạt động phi nông nghiệp.
Những phần đất hiện nay Công ty đang quản lý lại trở thành hoang hóa, càng đầu tư càng thua lỗ, Công ty không hướng dẫn kỹ thuật mà chỉ đi theo sau những kết quả thử nghiệm trồng trọt của nông dân để rồi thực hiện theo, nhưng cũng không thu được kết quả tốt, đầu tư không hiệu quả. Công ty thua lỗ liên tiếp nhiều năm như vậy và khoán trắng hầu hết đất nông nghiệp cho nông dân, không tự mình sản xuất, chỉ tìm cách  o ép nông dân như ép ký lại hợp đồng theo Nghị định 135 để chuyển từ khoán trắng sang khoán sản phẩm xoài, buộc nông dân nộp giá trị theo định mức sản phẩm mà công ty tự vẽ ra để làm nguồn thu cho công ty tồn tại. Vì vậy, theo nghị định 118/2014/NĐ-CP thì Công ty Cây trồng hội đủ điều kiện để xếp vào loại công ty nông nghiệp cần giải thể.
Theo điều 15 của Nghị định 118/2014/NĐ-CP thì đất đã giao cho các công ty nông nghiệp phải được thu hội và giao về địa phương quản lý. Các loại đất phải thu hồi là …có đất không sử dụng, “đất khoán trắng”. Trên cơ sở này, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, được tiếp tục sử dụng theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng hoặc thuê đất.
Tuy vậy, đến nay chúng tôi hoàn toàn không thấy công ty thực hiện theo chính sách này. Công ty thua lỗ nhiều năm nhưng không bị giải thể. Đất đã khoán trắng cho chúng tôi không được giao về cho chính quyền địa phương để nhà nước giao hoặc cho  thuê , tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Ngược lại, công ty chỉ gửi thông báo thu hồi đất dựa theo căn cứ duy nhất là “hết hạn hợp đồng”
Theo như hợp đồng giao khoán đã ký hết thì khi hết thời hạn thuê khoán, nếu chúng tôi có nguyện vọng tiếp tục sản xuất thì vẫn được ưu tiên gia hạn, tái ký hợp đồng.  Cũng như chúng tôi trình bày ở trên “thời hạn thuê khoán theo Nghị định 01/CP năm 1995 quy định là 50 năm” cho khoán đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Mới đây, Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ thay thế cho Nghị định 01/CP cũng có điều khoản quy định khi hết hạn hợp đồng khoán thì công ty phải tiếp tục ký hợp đồng nếu các hộ nông dân không vi phạm hợp đồng và có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp, nhưng công ty vẫn lờ đi để áp lực đòi thu hồi đất.
Trước tình hình quyền lợi của các hộ nông dân chúng tôi đang bị phía công ty Cây trồng cố tình vi phạm, nên vào ngày 21/4/2017 các hộ khoán chúng tôi đã làm đơn gửi đến Công ty TNHH Một thành viên Cây trồng thành phố yêu cầu giải thích rõ lý do tại sao không thực hiện đúng các nội dung  hợp đồng mà Nông trường Phạm Văn Hai (nay là Công ty TNHH Một thành viên Cây trồng thành phố) đã ký với các hộ nhận khoán. Công ty đã căn cứ vào chủ trương gì mới theo Luật đất đai để “Thu hồi đất trắng, không gia hạn hợp đồng, không đền bù”, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được sự phản hồi. Do vậy, nông dân chúng tôi đồng lòng làm đơn này xin thỉnh nguyện các cấp lãnh đạo, ban ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm toán hoạt động tài chính của Công ty Cây trồng trước những biểu hiện hoạt động kém hiệu quả nhiều năm gây tốn kém tiền của nhà nước, thậm chí có biểu hiện biển thủ tiền nhà nước ; thực hiện sai chính sách của nhà nước về đất đai… Đồng thời kính mong quý cấp lãnh đạo xem xét chính sách của nhà nước tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP và Thông tư  02/2015/BNNPTNT tiến hành thu hồi toàn bộ đất Công ty Cây trồng đang giao khoán và  giao đất cho nông dân chúng tôi tiếp tục sử dụng, sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài. Đây là nguyện vọng và mong muốn của các hộ nông dân chúng tôi trong nhiều năm nay nhưng bị phía  Công ty cây trồng chèn ép, tước đoạt các quyền lợi của chúng tôi. Nếu được như vậy, chúng tôi cam kết nỗ lực đầu tư để phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp, biến vùng đất này thành vùng đất trồng cây ăn trái có chất lượng cao, áp dụng công nghệ tiên tiến hoặc phát triển thành vùng du lịch sinh thái nhà vườn…
Trong khi chờ đợi phản hồi kết quả giải quyết của quý cấp lãnh đạo, quý Ban ngành chức năng, những người nông dân chúng tôi xin gửi đến quý cấp lòng biết ơn chân thành nhất. 

Bình Chánh, ngày 5 tháng7 .năm 2017 

Cựu đại tá LÊ TẤN CẨM
Tham mưu phó Quân đoàn 4
      Đại diện cho 500 hộ nhận khoán tại TP-HCM

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire