Quân đội Pháp chiếm Lạng Sơn tháng 02/1885, dưới sự chỉ huy của tướng Oscar de Négrier, trong cuộc chiến biên giới Việt-Trung. CC/Musee de l'Armée |
Nghiên cứu về Việt Nam được người Pháp chú ý ngay từ
thế kỷ XVII, bắt đầu từ các nhà truyền giáo dòng tên để phục vụ công việc đến
các nhà thực dân trong công cuộc xâm chiếm Việt Nam. Kể từ đầu thế kỷ XX, ngành
Việt Nam học phát triển cùng với sự thành lập của trường Viễn Đông Bác Cổ
(Ecole française d’Extrême-Orient, EFEO) nhằm mục đích nghiên cứu các nền văn
minh phương Đông với các chủ đề chính là nghiên cứu văn khắc, khảo cổ học và
ngôn ngữ. Ít nhiều đi theo hướng này còn phải kể đến Viện Quốc gia Ngôn ngữ và
Văn minh Phương Đông (Inalco, trước là Langues’O).
Sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, một xu hướng mới
được hình thành tại Pháp, thiên về nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời kỳ cận đại,
với một số tác phẩm tiêu biểu như Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952 (L’histoire du Vietnam de 1940 à 1952, 1952) của Philippe Devillers, Đóng góp vào sự hiểu biết về quốc gia
Việt Nam (Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne, 1955) của Jean Chesneaux và Việt Nam, lịch sử và văn minh (Le Vietnam, histoire et civilisation, 1955) của giáo sư Lê Thành Khôi sống tại Pháp.
Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Trịnh Văn Thảo, từng
giảng dạy tại đại học Provence, nhận xét giai đoạn này đánh dấu thời kỳ phát
triển mạnh của ngành Việt Nam học tại Pháp, với những tên tuổi như Jean
Chesneaux, Pierre Brocheux, Daniel Hémery hay Georges Boudarel.
« Ba người này là học trò của một ông
giáo sư sử học, chuyên về Đông Phương học, ở trường Sorbonne, đó là giáo sư
Jean Chesneaux. Ông là người đóng vai trò trung gian giữa hai thế hệ. Thời
trước đó, hàng ngũ những người viết lịch sử cận đại Việt Nam là rất ít. Những
người viết với mục đích hoan nghênh chủ nghĩa thực dân lại còn ít hơn nữa. Chỉ
bắt đầu từ Paul Mus với Chesneaux là chớm manh nở hai nhân tài viết để chống
lại chủ nghĩa thực dân.
Ông Paul Mus là một trong những giám đốc
đầu tiên của trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO). Ông có một quá trình đào tạo căn
bản ghê lắm, ông nghiêm khắc nhưng những gì ông phân tích về Việt Nam trong
cuốn Vietnam : Sociologie d’une guerre (tạm dịch : Việt Nam : Xã hội học của một cuộc chiến, 1952), cho thấy rõ ông là người có cái
nhìn về bề sâu chứ không đứng trên phương diện biến cố, sự kiện lịch sử. Ông
phân tích những lý do văn hóa, lịch sử tại sao có cuộc cách mạng ở Việt Nam,
bắt đầu từ năm 1952.
Sau khi Paul Mus dẫn đường khai lối, ông
Chesneaux là người thứ hai, bắt đầu công việc đó. Ông Chesneaux có lợi khí
chuyên về sử Trung Quốc cận đại và Việt Nam cận đại, thì Chesneaux viết cuốn
sách mà tôi cho là quan trọng lắm trong giai đoạn đó, tên là Đóng góp vào sự hiểu biết lịch sử Việt Nam ».
Vẫn theo giáo sư Trịnh Văn Thảo, chính Chesneaux là
người đào tạo ba «
đệ tử » xuất sắc, được cho là đánh dấu
thời kỳ vàng son của ngành Việt học tại Pháp, theo thứ tự tuổi tác là Georges
Boudarel, Daniel Hémery và Pierre Brocheux. Sau này, cả ba nhà sử học đứng đầu
nhóm nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận đại tại trường đại học Paris 7 - Diderot,
lúc đó mới vừa thành lập.
« Boudarel, hồi xưa, đi cộng tác trong
khuôn khổ một chương trình huấn luyện. Ông đi Việt Nam khi vừa đỗ bằng cử nhân
về Việt Nam và dạy học ở trường Chasseloup-Laubat. Ông dạy được vài tháng thì
đi theo kháng chiến từ nam ra bắc nên biết rõ những nhân vật lịch sử của Việt
Nam. Về bên Pháp, nhờ Boudarel mà nhiều sử gia sau này rút được kinh nghiệm và
biết rõ hơn những nhân vật lịch sử của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Người thứ hai là Hémery, ông chuyên về
những nhân vật thuộc đệ Tứ. Ông theo dõi, phân tích một cách rất tỉ mỉ và chính
xác phong trào La Lutte (Tranh Đấu) ở Việt Nam, khởi sự từ 1933 đến 1937-1938
thì rã ra. Đó là thời lịch sử giao thời, với kinh nghiệm gần như duy nhất về sự
hợp tác giữa những người Cộng sản đệ Tam và đệ Tứ. Người cha tinh thần của
tờ Tranh Đấu là ông Nguyễn An Ninh, một nhà
lãnh tụ cấp tiến.
Đó là lần đầu tiên có một sử gia hiện
đại nghiên cứu về một hiện tượng hiện đại với những tài liệu đầy đủ. Vì thế,
ông đã viết cuốn sách về phong trào La Lutte xuất sắc.
Brocheux nhiều tuổi hơn Hémery một chút.
Ông Brocheux dạy sử tại trường trung học Pháp Chasseloup-Laubat. Trong ba
người, tôi cho rằng Daniel Hémery là người xuất sắc nhất, đứng về mặt học vị là
đỗ thạc sĩ, và có cái nhìn rất sâu, tương đương với Paul Mus ».
Sau khi nhà sử học Jean Chesneaux rút lui, ba học trò
tiếp tục kết hợp nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam với kết quả « ngoạn mục » của cặp bài trùng Brocheux và Hémery là
cuốn Indochine
: Une colonisation ambigue (tạm dịch
: Đông
Dương, nền thuộc địa mơ hồ), được đánh giá là
đánh dấu cho cả một thế hệ các nhà nghiên cứu. Ngoài ra, còn phải kể đến hai
giáo sư Nguyễn Thế Anh và Charles Fourniau trong môi trường nghiên cứu khoa học
bên Pháp.
« Giáo sư Nguyễn Thế Anh rất có nhiều uy
tín, mặc dầu ông là một công chức cao cấp của chế độ miền nam, nhưng ông có bảo
đảm đứng về mặt khoa học. Nguyễn Thế Anh là người ăn học rất xuất sắc, đỗ thạc
sĩ, rồi làm một luận án rất xuất sắc về thư mục Việt Nam. Bây giờ người ta vẫn
xem ông là người đáng tin cậy nhất. Một người khác thiên về đảng Cộng Sản Pháp
hoàn toàn là ông Charles Fourniau.
Có năm người tất cả, trong môi trường
khoa học bên Pháp, những người đó có ảnh hưởng lớn. Vì lúc đó, những chuyên
viên về Việt Nam rất ít mà thanh niên, trí thức bên đây « châu » vào Việt Nam
thôi. Kinh nghiệm chính trị của họ là Việt Nam, thành ra, những gì các ông này
viết về Việt Nam có ảnh hưởng đến họ ghê lắm. Việt Nam là xứ duy nhất đương đầu
với đế quốc Mỹ, đánh bại Pháp mà không bị đè bẹp, nên họ phục ghê lắm ».
Pháp có 70 luận án tiến sĩ về Việt Nam
trong vòng 20 năm
Trong gần hai thập kỷ (1991-2008), có ít nhất 70 luận
văn tiến sĩ chuyên về Việt Nam (hoặc về xứ Đông Dương thuộc địa) được bảo vệ
tại Pháp, trong đó có 16 luận văn được bảo vệ tại trường Paris 7 - Diderot
(theo tạp chí khoa học Mousson, số 13-14 (2009) dành riêng về Việt Nam : Lịch sử và triển vọng đương
đại (Vietnam : Histoire et perspectives contemporaines).
Nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam tiếp tục được
triển khai tại một số trường đại học Paris 1 Sorbonne-Panthéon, ở miền Nam phải
kể đến đại học Provence (Aix-Marseille I), đại học Lyon 2, cũng như ở nhiều
vùng trên khắp nước Pháp : đại học Montpellier III, Nantes, Reims, Toulouse II,
Perpignan, Littoral…
Theo đánh giá của giáo sư Trịnh Văn Thảo, các nhà
nghiên cứu về Việt Nam tại Pháp hiện nay rất xuất sắc, nhưng họ vẫn thiếu kinh
nghiệm về những biến cố lịch sử mà thế hệ trước đã trải qua.
« Bởi vì, những nhà sử học trên có kinh
nghiệm. Họ hiểu sự việc từ trong hiểu ra. Còn những người thuộc lớp trẻ về sau
như David Mas hay Philippes Papin, họ cũng hiểu sự kiện nhưng hiểu từ ngoài vào
trong. Vì vậy, họ vừa đóng vai trò sử gia, vừa đóng vai trò diễn viên.
Chỉ có mấy người trẻ bên Pháp, như
Andrew Hardy, như tôi đã nói, lại không có kinh nghiệm bản thân. Họ nghiên cứu
Việt Nam như một đối tượng khoa học. Còn lớp Hémery, Brocheux, họ đóng vai trò
tiền phong để tố cáo những xứ đã đè bẹp Việt Nam bằng bom đạn ».
Về nghiên cứu sinh Việt Nam tại Pháp, giáo sư Trịnh
Văn Thảo nhận xét :
« Cái khổ là thế hệ sau này kém. Kém là
vì, thật ra, mình cứ chờ đợi những cán bộ, sử gia của Việt Nam gởi qua, họ còn
có ý chí để đi xa hơn nữa. Nhưng cái khổ là sử gia mình kém quá, nhất là dưới
chế độ cộng sản miền bắc. Sử Việt Nam chỉ khởi sự từ năm 1925 khi Bác Hồ lập ra
Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. Chứ về trước đó, họ không biết gì cả : thời
nhà Nguyễn không biết, thời Pháp thuộc không biết, không cần biết, chỉ biết
giai đoạn sau thôi. Thành thử, sinh viên qua bên đây, người nào giỏi về ngôn ngữ
thì lại « thất » về phần sử học. Còn người có kiến thức sử học thì sử học lại
bị méo mó ».
Vẫn theo giáo sư Trịnh Văn Thảo, cần hình thành được
một đội ngũ cán bộ trẻ có nhiệt huyết, tin vào sử học và tin vào khoa học để
ngành Việt Nam học có thể phát triển. Thế hệ sử gia tương lai của Việt
Nam «
cần phải được đào tạo lại hoặc phải cho họ ra xứ ngoài, chạm trán với những
trường phái, nhờ thế họ mới tiến được ».
Một lưu ý khác là cần phải lựa chọn kỹ giáo sư Pháp
hướng dẫn làm luận văn tiến sĩ vì có một số người thiếu kiến thức lịch sử Việt
Nam : «
Họ tử tế lắm, dễ thương lắm, họ sẵn sàng giúp đỡ học sinh Việt Nam để ngành sử
học Việt Nam tiến bộ nhưng mình phải có sự phối hợp nhiều tiêu chuẩn mà căn bản
nhất là tiêu chuẩn khoa học sử ».
Điểm cuối cùng mà nghiên cứu sinh Việt Nam tại Pháp
chưa thực hiện được là nắm chắc ngôn ngữ để có thể đào sâu vấn đề, đọc được
sách và truy cứu tư liệu một cách cẩn thận.
Nguồn: Theo RFI
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire