Trang

08/07/2017

Thế nào là cán bộ cầm chừng, công tư lẫn lộn?


Xuân Dương 


Hình ảnh minh họa cho tình trạng công viên chức ở nước ta hiện nay (Ảnh: vietnamnet.vn)


Xuân Dương: "Nghị quyết Trung ương nói về: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” còn phát biểu của Thủ tướng mở rộng hơn: “Một bộ phận cán bộ công chức, địa phương”, sự mở rộng ở đây bao hàm trong từ ngữ: “cán bộ, công chức”.


Theo cảm nhận của người viết, Thủ tướng hoàn toàn chính xác khi thêm từ “địa phương” và bớt từ “không nhỏ” trong diễn đạt của mình."

Kết thúc kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 12 (từ ngày 27 đến 30/6/2017), theo thông tin được công bố hai cán bộ lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý là: bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật cảnh cáo và bà Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương được xác định có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.
Sau khi kết thúc phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ngày 3/7/2017 đã diễn ra cuộc họp tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 của Chính phủ với các địa phương cả nước.

Tường thuật phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo các địa phương, báo điện tử Thanhtra.com.vn viết:

“Ngày 3/7, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ với sự tham dự của lãnh đạo các địa phương trên cả nước theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra một bộ phận cán bộ công chức, địa phương làm việc còn cầm chừng, không kiên quyết, không hiệu quả. Đáng lưu ý, có một bộ phận cán bộ chính quyền còn để xảy ra tai tiếng khi tham nhũng, lợi ích nhóm...”.

Được biết, tham gia phiên họp cùng Thủ tướng còn có Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình…



Có thể thấy: kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với sai phạm của một số cá nhân thời gian vừa qua và phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cụ thể hóa nhận định đăng trong bài viết “Uy tín của cán bộ, đảng viên” trên Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 23/3/2013. Đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã chỉ rõ:

“Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

Đây là sự xuống cấp nghiêm trọng về phẩm chất, năng lực, làm giảm sút uy tín của người cán bộ, đảng viên.

Kể từ khi bế mạc đại hội Đảng khóa 11 (19/1/2011) cụm từ “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên…suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” nêu trong Nghị quyết xuất hiện với tần suất cao trong các văn bản chính thức cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Tuy nhiên, nếu chú ý sẽ thấy có một sự thay đổi tinh tế rất đáng chú ý trong phát biểu của Thủ tướng: “một bộ phận cán bộ công chức, địa phương làm việc còn cầm chừng, không kiên quyết, không hiệu quả”.

Minh họa cho nhận định của Thủ tướng, xin trích một đoạn trong bài báo đăng trên báo điện tử Dantri.com.vn ngày 24/5/2017 đối với chính quyền thành phố Đà Nẵng - nơi được mệnh danh là “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”:

“Đà Nẵng cũng chưa xử lý xong việc kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật Giám đốc các Sở: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Giám đốc Công ty quản lý và khai thác đất thành phố, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình đường Bạch Đằng và các cá nhân có liên quan để xảy ra các sai phạm nêu trong kết luận thanh tra năm 2012”.

Nghị quyết Trung ương nói về: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” còn phát biểu của Thủ tướng mở rộng hơn: “Một bộ phận cán bộ công chức, địa phương”, sự mở rộng ở đây bao hàm trong từ ngữ: “cán bộ, công chức”.



Nghĩa là gồm cả những người không phải đảng viên đang là công chức nhà nước, Thủ tướng cũng mở rộng thêm “địa phương” tức là “người và chính quyền cơ sở”. Theo cảm nhận của người viết, Thủ tướng hoàn toàn chính xác khi thêm từ “địa phương” và bớt từ “không nhỏ” trong diễn đạt của mình.

Có thể thấy sau hơn 7 năm kể từ khi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI ra đời, nhiều vấn đề mới đã xuất hiện.

Đối với một số cán bộ, đảng viên, tuy bị kiểm tra gắt gao, nhiều người kể cả cán bộ cao cấp đã và đang bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật hoặc đề nghị xem xét kỷ luật song tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn là mối quan tâm hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân.

Ngày 21/9/2016, báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết: “tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi”. 

Có thể thấy một số cán bộ trung ương cao cấp dường như không quan tâm đến Nghị quyết của Đảng cũng như ý kiến mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh về chống tham nhũng, lãng phí. 

Có người công khai thể hiện sự giàu có của bản thân và gia đình tại địa phương, trong khi đó, lại cố tình che giấu khối tài sản lớn thông qua việc kê khai tài sản không trung thực.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về bà Hồ Thị Kim Thoa cho thấy: “bà Thoa trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”.

Tương tự bà Thoa, Giám đốc sở tài nguyên môi trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý trong bản kê khai tài sản (nhiều báo đã đưa công khai) viết như sau:

“Mục thông tin tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm: tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên” và “các khoản nợ phải trả có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên (nếu có)”, ông Phạm Sỹ Quý kê khai: “Không có”. Tuy nhiên sau đó ông lại “tiết lộ” với báo chí rằng ông vay ngân hàng tới 20 tỷ đồng để mua đất và xây biệt thự?

Từ vụ việc bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Phạm Sỹ Quý, có thể thấy báo chí đã góp phần tích cực trong việc hiện thực hóa chủ trương chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước, nhờ những phát hiện của báo chí, một số cán bộ thoái hóa, biến chất, không thực hiện đúng đường lối của Đảng, trong đó có cả cán bộ cao cấp đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, kỷ luật.

Trong quá trình đó, một số phóng viên đã không giữ được mình, chạy theo cám dỗ của tiền bạc, làm ảnh hưởng đến uy tín cơ quan và đội ngũ những người làm báo. 

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo: “Một bộ phận cán bộ trong các cấp chính quyền còn để tai tiếng do tham nhũng, lợi ích nhóm”,  việc một số phóng viên “để tai tiếng” do tham lam, do tư cách đạo đức có vấn đề không phải là hiện tượng cá biệt, cũng không phải mới xuất hiện lần đầu.

Vấn đề là những người làm báo chân chính không thể không lấy đó làm gương để răn mình, để tránh rơi vào cạm bẫy do chính mình giăng ra hoặc do khách quan mang lại.




Có thể khẳng định: chưa bao giờ Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành nhiều quyết định kỷ luật với cán bộ trung cao cấp như thời gian hiện nay, vậy là vui hay buồn?

Nói là vui thì không đúng vì chẳng ai muốn chứng kiến một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo thoái hóa biến chất, gian dối trong kê khai tài sản bị phát hiện, bị xem xét kỷ luật Đảng và tương lai sẽ là các hình thức xử lý về phía chính quyền, có thể cả về mặt hình sự.

Nói là buồn cũng chưa hoàn toàn chính xác bởi, việc kỷ luật cán bộ mắc sai phạm mang lại niềm tin cho dân chúng về một sự chuyển biến không chỉ trong nhận thức mà còn trong hành động của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Nhìn nhận một cách khách quan, xã hội luôn tồn tại hai loại người: xấu và tốt. Không quốc gia nào, không thời đại nào chỉ có người tốt và ngược lại không quốc gia - thời đại nào không có kẻ xấu.

Nếu kẻ xấu chỉ là một vài cá thể, gây tác hại nhỏ, không ảnh hưởng đến quốc gia, dân tộc thì có thể xem đó là mặt trái mà bất kỳ xã hội nào cũng có. Nếu chúng kết bè kéo cánh, đe dọa cuộc sống bình an của nhân dân thì phải ngăn chặn, đặc biệt nếu chúng làm tổn hại an ninh quốc gia, sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ thì phải nghiêm trị.

Với cách nhìn nhận như vậy, việc Thủ tướng giao Bộ công an điều tra làm rõ việc một vài doanh nghiệp đóng tàu cho ngư dân làm ăn gian dối là hết sức cần thiết mặc dù cho đến nay dư luận mới chỉ biết danh tính của hai doanh nghiệp.

Hai trong số hàng vạn doanh nghiệp đang hoạt động, kinh doanh trên cả nước là con số rất nhỏ song hậu quả mà họ để lại không chỉ đối với ngư dân mà còn là an ninh quốc gia, là chủ quyền biển đảo mà những ngư dân đang tham gia bảo vệ.

Cán bộ hay đảng viên, nhà báo hay doanh nghiệp, luật sư hay công an, bất kể ai làm trái pháp luật  đều phải chịu hình thức xử lý thích đáng, đó là sự thượng tôn pháp luật, đó là biểu hiện cần có của một nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Tài liệu tham khảo:









Xuân Dương



Nguồn : Theo GDVN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire