Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 9
Tương Lai
Việt Nam được mùa bội thu trên
các cuộc thi Olympic Quốc tế về các bộ môn toán, lý, hóa. Kể lại thành tích của
họ thì đã có nhiều bài báo đã viết, ở đây chỉ xin được nói đôi điều suy tư.
Trước hết là niềm vui. Sao không vui được vì những cháu học sinh đoạt huy chương vàng tại một đấu trường quốc tế chẳng
phải là sự ươm mầm của hiền tài, mà “hiền
tài là nguyên khí quốc gia” như ông cha ta răn dạy đó sao? Vui và tự
hào về trí tuệ của tuổi trẻ nước nhà, cho dù biết rằng “coi học sinh đoạt
giải quốc tế chứng tỏ “ngành khoa học đó của Việt Nam đang lên cũng là ảo tưởng
trầm trọng. Đồng nhất việc thi thố với thành tích của khoa học chuyên môn là
sai lầm, vì nó không dính dáng gì đến nhau cả” như Gs Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học phát biều trên báo Tuổi Trẻ ngày 26.7.2017.
Chính vì thế, với sự hiểu biết có phần hạn hẹp, tôi vẫn
cứ cho là những huy chương
vàng mà các học sinh của ta vừa giành được tại một đấu trường quốc tế danh giá
vừa rồi chí ít cũng “dính dáng” đến “thành tích khoa học chuyên môn” ở chỗ đã gieo một niềm hy vọng cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản. Còn nói đến
“ảo tưởng trầm trọng” thì quả là như vậy nếu “coi học sinh đoạt giải quốc tế chứng
tỏ “ngành khoa học đó của Việt Nam đang lên!
Đúng là “đừng bốc đồng và ảo tưởng quá mức về kết quả này, cũng
đừng tạo thành áp lực vô lý lên các em”. Tuy nhiên, không ảo tưởng và đừng tạo áp lực vô lý, song phải
truyền thêm cảm hứng cho tuổi trẻ để họ thêm tin vào sức trẻ của trí tuệ Việt
Nam lại là điều tuyệt đối cần thiết. Vì vậy, phải khai thác tối đa và tinh tế cơ hội vàng này. Làm sao để những
tấm huy chương vàng trên ngực các em cũng lấp lánh trên ngực của đất nước thân
yêu của chúng ta đang rất cần những tin vui đích thực. Để làm gì? Để xua đi những giả tạo và bịp bợm nhằm đánh lừa tuổi trẻ. Phải đánh thức
và làm mới thêm khát vọng của xã hội tôn trọng hiền tài nhằm hun đúc và nuôi dưỡng nguyên khí quốc gia. Gần gũi và thiết thực hơn là kính trọng
đội ngũ trí thức đích thực, bộ phận tinh hoa của đất nước.
Từ tấm huy chương vàng đầu tiên của Hoàng Lê Minh năm 1974 khơi dậy một khát vọng cho tuổi
trẻ Việt Nam để rồi đến ngày 30 tháng Tư năm 1975 lịch sử, biến khát vọng thống
nhất đất nước của cả dân tộc thành hiện thực, tạo tiền đề ho việc nhận thức sâu
sắc và quyết tâm thực hiện khuyến dụ của ông cha “nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh
và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có
đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên
khí ”.
Thịnh suy
thế nào thì những bài học của thực tiễn đã rõ mồn một.
Tổng thư ký Hội Trí thức Sài Gòn Huỳnh Kim Báu vẫn còn xúc động
kể lại những mẩu chuyện xé lòng khi anh thực hiện chỉ thị của Bí thư Thành Ủy Võ Văn Kiệt tìm cách bảo lãnh để đưa
bằng được những trí thức tên tuổi của Sài Gòn vượt biên đã bị
bắt giữ trở về. Anh bồi hồi nhớ lại lời căn dặn của Tổng bí thư Lê Duẩn khi nói
về việc khai thác và phát huy những nguồn lực quý báu còn hầu như nguyên vẹn của Sài Gòn để tái thiết đất nước vừa ra khỏi
chiến tranh. “Còn một cái quý báu nhất mà chưa thấy ai nói đến, đó là lực lượng trí thức của Sài Gòn trước giải phóng, nhất là những chuyên gia giỏi của chế
độ cũ”, ông dằn giọng nói với mọi người trong cuộc họp. Báu
trầm tư kể lại với chúng tôi “đó là ấn tượng sâu đậm về ông ấy trong tôi”
không chỉ một lần khi quanh chén trà bàn về thời cuộc.
Đáng tiếc
là những ứng xử, những tầm nhìn cỡ ấy không nhiều.
Ông Sáu
Dân có lần tỏ ra băn khoăn khi nghe tôi trình bày về cách nhìn nhận những sai lầm
về đường lối đã để lại những hệ lụy quá lớn mà nếu chỉ nói về sai lầm trong cải
cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức ở Miền Bắc những năm 50 nhưng lại
không đề cập đến sai lầm trong vụ “Nhân văn-Giai phẩm” là chưa thấy hết cái tác hại của việc làm thui chột và suy
sụp đời sống tinh thần của xã hội. Đó là hệ lụy khủng khiếp và dài lâu mà càng
ngày càng thấm thía của việc đánh vào đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ, cái
phong vũ biểu của thời đại. “Hồi ấy, anh ở chiến trường, không cảm nhận được
như chúng tôi, những người trong cuộc”, tôi thẳng thắn thưa với ông. Trầm
ngâm không trả lời, và rồi, ông yêu cầu tôi cung cấp cho ông những tư liệu về “Nhân văn -Giai phẩm” để ông
trực tiếp tìm
hiểu.
Biết quỹ
thời gian của ông, tôi chỉ chọn đưa ông bài phát biểu của luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại Hội nghị của Mặt trận ngày 30.10.1956
có ông Trường Chinh ngồi nghe và bài phê phán “Những tư tưởng lệch lạc của
Nguyễn Mạnh Tường” của Hà Xuân Trường.
Trong bài
phát biểu của Nguyễn Mạnh Tường vẫn còn nguyên đoạn
tôi tô đỏ: “người trí thức…họ chỉ thiết tha mong muốn được bảo toàn danh
dự trí thức của họ và cái tự do tư tưởng mà họ quan niệm là cần thiết cho nhân phẩm của người trí thức mà
thôi. Họ đã từng
nghe thấy Đảng tuyên bố: Người trí thức
là vốn quý của
dân tộc. Nhưng họ cảm thấy
cái vốn ấy quý giá đến nỗi phải cất nó đi thật kỹ, giữ gìn nó trong
một bán ảnh, một hoàng hôn trường cửu. Nếu có ai cho rằng tôi nói không đúng, tôi cứ đề nghị người ấy
quay mặt nhìn
chung quanh, ở các cương vị công
tác trong chính thể của ta. Có một chỗ nào mà người trí thức ngoài Đảng nắm được
thực quyền không? Tác dụng “hiếu hỉ” hay “cười gật” thì có, mà lại có
nhiều. Nhưng ngay ở các cương vị ấy, ngoài
vai trò
hiếu hỉ, cười gật, người
trí thức có một trách nhiệm gì không, có quyền nói gì, làm gì
không, quần chúng đã biết và miễn tôi giả nhời”. Tôi chỉ nói
thêm vài điều là sau đó luật sư Nguyễn Mạnh Tường đả bị “rút phép thông
công” mà vị luật sư chua chát nói, như thế nào theo yêu cầu của
ông Sáu Dân.
Chừng hai
tuần sau, ông Sáu trách tôi “khi luật sư Nguyễn Mạnh Tường còn ở phố Tăng Bạt
Hổ Hà Nội thì tôi đang làm Thủ tướng, anh đã ở trong Tổ Tư vấn, sao anh không nói cho tôi biết, để tôi tìm cách đến thăm
ông ấy, chí ít cũng biểu tỏ một lời xin lỗi”. Tôi sẽ không
nói ra đây câu trả lời, chỉ xin kể lại một mẩu chuyện nhỏ: Chừng một tháng sau
đó, vào dịp 20 tháng 11, vui chuyện trong buổi gặp học sinh cũ, tôi có kể lại
câu chuyện trên. Nhắc đến với các học sinh của tôi, trong đó có nhiều người
đang là những trí thức mà mẹ của giáo sư Ngô Bảo
Châu là một ví dụ, quên mất rằng trong số học sinh cũ những năm sau tiếp quản
Thủ đô tại cuộc gặp này có con gái của luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Cuối buổi, cô
rớm nước mắt cầm tay tôi “Thầy ơi, giá thầy ra Hà Nội trước một tuần để kể
câu chuyện này với mẹ em thì cũng làm cho mẹ em khuây khỏa
đôi chút trước khi ra đi”.
Chao ôi,
những trớ trêu đau đớn và oái oăm của cuộc đời thì chẳng biết đâu mà lần!
Phải chăng
vì thế mà “người trong cuộc”, những người chịu trách nhiệm đào tạo
vun đắp hiền tài, hun đúc “nguyên khí quốc gia” nói thẳng ra rằng “đồng nhất việc thi thố với
thành tích của khoa học chuyên môn là sai lầm”, chẳng những thế, “là ảo
tưởng trầm trọng” nếu “coi học sinh đoạt giải quốc tế chứng tỏ
“ngành khoa học đó của Việt Nam đang lên”. Ho có lý do mà chưa muốn nói ra? Là tôi nghĩ thế.
Và vì nghĩ thế nên tôi muốn được góp thêm một ý.
Với cái tuổi ngoài tám mươi của một người làm nghiên cứu khoa học, lại là
khoa học xã hội như người đang viết những dòng này, thì nhiều ảo tưởng còn trầm trọng gấp nhiều lần, thậm chí cần nâng lên ở cấp số nhân trong toán
học cũng chưa diễn đạt được đủ cái “ảo tưởng”
của chúng tôi. Nhưng dù có nói như vậy thì vẫn là không ổn!
Vì, nếu là cấp số nhân trong toán học thì đó là một dãy số thoả mãn điều kiện tỷ
số của hai phần tử liên tiếp là hằng số. Tỷ số này được gọi
là công bội của cấp số nhân. Còn trong khoa học xã hội của chúng tôi
thì sự trầm trọng của ảo tưởng đã “thăng hoa”
thành một sự lừa bịp được đóng dấu quyền lực!
Chính cái
này cầm tù đầu óc của nhà khoa học, nhốt kín rồi khóa chặt tư duy của họ trong cái công thức giáo điều chết cứng
mà những đầu óc được tự do suy nghĩ và nghiên cứu đã vứt vào sọt rác
lịch sử từ lâu rồi. Thì chẳng phải là chính F. Engels chứ không ai khác đã nói
rõ từ gần hai trăm năm trước về cái xã hội mới mà K. Marx và ông mơ ước, xã hội ấy “sẽ được quyết định khi một thế hệ mới sẽ lớn
lên...Khi những con người như thế xuất hiện, họ sẽ vứt bỏ tất cả
những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm: họ sẽ tự biết cần phải làm như
thế nào” *. Phải vứt bỏ vì như Hégel, nhà triết hoc Đức vĩ đại
mà Marx từng chịu ảnh hưởng rất lớn đã chỉ ra cực kỳ
sâu sắc: “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng
liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập
quán thần thánh hoá”.
Chính “cái thế hệ mới sẽ lớn lên” ở Việt
Nam hiện nay đang phải đương đầu với cái “trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng
được tập quán thần thánh hoá” ấy. Dưới sự thống trị bằng bạo lực và lừa mị của “trạng
thái cũ, đang suy đồi” ấy, họ chỉ được phép nhai lại cái món giáo điều
của gần hai thế kỷ trước mà những người sáng lập ra nó đã vứt bỏ. Tệ hại hơn nữa là cái thứ giáo điều đã bị khúc xạ qua lăng kính Maoít được nhào nặn bởi những giáo trình đã ôi
thiu được nhồi nhét vào đầu óc họ. Đặc biệt là nhồi nhét vào não trạng những người được xem là cốt cán đã đang và sẽ là người cầm
cân nẩy mực của guồng máy quản lý trong một thể
chế toàn trị phản dân chủ.
Chẳng những họ không được “vứt
bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm” như Engel đã khuyến cáo, mà người ta còn buộc họ phải
trung thành với cái cần vứt bỏ ấy để biến thành một đàn cừu ngoan ngoãn
cho dễ chăn dắt! Điều này không có gì khó hiểu vì “một xã hội của loài cừu
cuối cùng sẽ phải sinh ra một nhà nước của loài sói” **. Thì chẳng phải là “Freedom House” xếp Việt
Nam vào nhóm các nước không tự do (not free)! Còn theo báo cáo của “Freedom in the World” năm 2017, ở nước ta thì chỉ số tự do là 20/100 điểm và
xếp thứ 181 trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ đó sao?
Trong một bối cảnh như thế thì làm sao “hiền
tài” có thể nảy sinh, làm sao mà “nguyên khí quốc gia” được hun đúc, nuôi dưỡng
và phát triển? Xin đôi câu nhắc lại sự răn dạy của cha ông : theo cái nguyên lý
về “hiền tài” và “nguyên khí quốc gia”được khắc vào tấm
bia dựng vào năm Hồng Đức thứ 15 (1484) thì ba năm sau đó,
cũng Thân Nhân Trung, tác giả của văn bia ấy
đã nói rõ thêm rằng “Nhân
tài phồn thịnh vốn có quan hệ đến khí hóa của trời đất và cốt ở cái gốc giáo
hóa của thánh nhân” trên
tấm bia dựng năm 1487 để ca ngợi công đức của Lê Thánh Tông “Thánh triều văn minh, nhân tài nườm nượp thật là cuộc
gặp gỡ chân chính thời thịnh vậy”.
Tôi hiểu cái “khí hóa của trời đất”
mà vị danh sĩ triều Lê nói chính là cái môi trường xã hội,
trong đó những giá trị tinh thần cao cả được nuôi dưỡng, phát huy
khiến cho hiền tài được ươm mầm, sinh sôi nảy nở. Đến lượt nó, hiền
tài sẽ góp phần quyết định thúc đấy sự phát triển của đất nước. Vì rằng, “kẻ
sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước”
(Văn bia 1487). Đây là mối quan hệ nhân quả đã được lịch sử chứng minh.
Cũng chính vì thế, những tin vui từ các cháu học sinh
của chúng ta vừa giành được những huy chương danh giá tại các cuộc thi Olympic
quốc tế vừa rồi là một ngọn gió lành xua bớt đi những u ám trên bầu trời ảm đạm.
Nó làm quang quẻ bớt đi sự u tối và tàn nhẫn đang đầu độc môi trường xã hội từ
các bản án phi luân được dàn dựng có bài bản để ngăn chặn cơn sóng trào của
lòng phẫn nộ trước hành động xâm lấn chủ quyền đất
nước của bọn bành trướng nhân danh “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” bị ràng buộc bởi “mật ước Thành Đô”! Sự ràng buộc của những cam kết
nhân danh cùng chung ý thức hệ XHCN giữa hai đảng, mà cả hai đều đặt quyền
lợi đảng lên trên tổ quốc, đặt ý thức hệ
lên trên dân tộc.
Đó chính là bi kịch lớn nhất mà nhân dân ta đang phải
gánh chịu, trước hết là thế hệ trẻ của đất nước phải đương đầu. Bi kịch về cái
nghịch lý được tạo nên bởi một bộ phận những kẻ đang nắm quyền lực cam tâm cúi
đầu vâng chịu thân phận chư hầu để được bảo kê cái ghế quyền lực mà sự sụp đổ
chỉ còn là “vấn đề thời gian” như sự thú nhận của một quan chức từng
nắm giữ một cơ quan có “sứ mệnh” tuyên truyền và giáo huấn cho toàn dân mà bài
viết trước đã dẫn ra. Có lẽ cũng nên nhắc lại nguyên văn câu nói có liên hệ đến “cái gốc giáo hóa”
mà danh sĩ thế kỷ XV đã đề cập của nhà “giáo huấn” đương đại vừa rời khỏi vũ
đài song vẫn còn vương vấn nhiều duyên nợ ấy: “Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp
đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể khác, chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự sụp đổ ấy chính
là tự đổ, không phải do ai phá và cũng không ai cản nổi”.
Trong chiều hướng đó lại cần phải tin vào sức
trẻ, trước hết là những sức trẻ giàu trí tuệ như các học sinh vừa đoạt huy
chương vàng từ các đấu trường Olympic quốc tế sẽ tạo ra được động lực mới đẩy tới
những chuyển động có tính đột phá vực dậy thế nước. Phải dám nuôi hy vọng về họ,
“…những người có năng khiếu, đam mê, phần lớn học sinh sau khi đoạt giải
trong các kỳ thi quôc tế đều tiếp tục phát triển, theo đuổi các ngành nghiên cứu
khoa học cơ bản và có nhiều bạn thành công” như giáo sư Ngô Bảo Châu nhận
định. Nhưng muốn hy vọng thì lại cần phải nhận rõ thực
trang và chỉ ra do đâu mà “mươi mười lăm năm gần đây khoa học cơ bản của chúng
ta không có sự thay đổi” cũng theo nhận định của giáo sư Châu. Ông cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân, nhưng e chưa phải là nguyên nhân chính mang tính quyết định
Theo sự kiến giải thô thiển của
tôi thì nguyên nhân quyết định nhất mà những nhà trí thức “trong cuộc” vẫn còn
thận trọng chưa tiện nói ra chăng? Họ, những
người có trách nhiệm trực tiếp nhất đến việc “ươm mầm và phát triển hiền
tài” như ở Viện Toán học của giáo sư Lê Tuấn Hoa hay như Viện Toán cao
cấp với nhiều hoạt động ý nghĩa thúc đẩy việc nghiên cứu toán học do giáo sư Ngô Bảo Châu phụ trách hiểu quá
rõ điều kiện tiên quyết để ươm mầm và sinh sôi nảy
nở hiền tài mà hơn năm thế kỷ trước đây danh sĩ Thân Nhân Trung đã chỉ ra “vốn có quan hệ đến khí hóa của
trời đất và cốt ở cái gốc giáo hóa”
vừa dẫn ra ở trên. Cái gốc đó nay ra sao? Họ quá hiểu, nhưng lại phải thận trọng
khi chỉ đúng tên, nói đúng bản chất của nó. Mà thận trọng là phải!
Trong một môi trường xã hội ngột ngạt mà luật pháp phải tuân theo cây gậy chỉ
huy của người cầm quyền trong
một thể chế toàn trị phản dân chủ thì
nói lên sự thật thật không dễ dàng. Diễn đạt một cách tế nhị và khôn khéo hơn thì pháp luật ở Việt Nam hiện nay “không giống các đất nước văn minh, có nhà nước pháp quyền" như cách ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Luật
pháp và Phát triển nói trong cuộc tọa đàm “Bàn tròn thứ
Năm tuần này của BBC Tiếng Việt, 27.7.2017”.
Trong bối cảnh đó, “không thể lấy sự cẩu
thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ” như lời cảnh
báo của giáo sư Ngô Bảo Châu bị xem là chống đối chế độ là cái logic tất yếu và
cũng rất giản đơn! Với một
nhân cách trí thức đích thực thì việc đưa ra một ý tưởng
“có vẻ trái chiều” với cái nhà nước đang muốn biến “thần dân” của họ phải ngoan ngoãn tuân theo cây gậy chỉ huy, với lời nhắc nhở rằng “đi theo lề là việc của những con cừu” là chuyện cần khẳng định chẳng có gì khó hiểu. Nhưng cũng không có gì khó hiểu khi người có ý tưởng đúng đắn thấm đẫm tính nhân bản ấy lại trở thành
nạn nhân của cả một kịch bản được dàn dựng để bôi nhọ một biểu tượng của khát vọng
tự do. Phải chăng ai đó đang lo sợ sự lan tỏa ảnh hưởng của Ngô Bảo Châu nên phải
tung ra luận điệu “không nên để
hình
ảnh Ngô Bảo Châu, một tấm gương xấu, phản
cảm trong mắt người dân Việt nữa, những gì liên quan đến kẻ
vô ơn bạc nghĩa, kẻ phản trắc này cần phải thu hồi và dẹp bỏ, đó là ý nguyện của
người dân lúc này”. [Nên nhớ rằng, kẻ gào lên điều tệ hại này trên facebook có nhãn “Học viện An ninh nhân dân (C500)”]*** .
Cùng với những ngôn từ hạ cấp của những dư luận viên cao cấp và thấp cấp được tung lên mạng,
có cả tờ báo chính thống từng là công cụ đắc lực của một bộ phận quyền lực ở một
thành phố lớn nhất nước đang tung ra những vu cáo kệch cỡm“Ngô Bảo Châu trên con đường trở thành ngụy dân chủ phản bội
Dân tộc mình”. Đừng quên rằng cũng tờ báo này đã từng có bài phê
phán cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về một ý tưởng sâu sắc của ông khi ông vừa nằm xuống. Cũng có thể
họ chưa hiểu nổi tầm vóc của luận điểm có ý nghĩa đột phá thấm đẫm tính nhân
văn, thúc đẩy tư tưởng hòa hợp, hòa giải dân tộc của Võ Văn Kiệt. Song đằng sau
sự thiếu hiểu biết ấy là cái gì thì e chẳng cần phải dài dòng nói ra! Sẽ hiểu hơn cái logic của cái “chiến dịch”
tệ hại đáng xấu hổ này nếu biết thêm rằng, “giới luật sư cũng đang trở
thành bị can, bị cáo trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia do có những
quan điểm trái chiều với nhà nước là không ít” như luật
sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở TP Hồ
Chí Minh vừa trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 26.7.2017!
Điều này chẳng có gì đáng ngạc
nhiên! “Quyền lực luôn luôn thu hút những kẻ không có đạo đức”, Einstein, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1921 đã chỉ ra điều đó từ lâu rồi! Vì vậy mà bộ
óc khổng lồ của nhân loại thế kỷ XX ấy đã từng cảnh báo “Kẻ ngu xuẩn nào cũng
có thể khiến mọi thứ trở nên to hơn, phức tạp hơn và bạo lực hơn.
Chỉ bàn tay của thiên tài - và thật nhiều dũng khí - để biến chuyển ngược lại”. Cho nên một người
trí thức từng quan niệm rằng “Người biết phẫn
nộ, biết trăn trở chính là người tạo ra động lực thay đổi trong xã hội, làm giảm bớt
sự đau khổ của con người, giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn" như Ngô Bảo
Châu sẽ có đủ bản lĩnh để bỏ ngoài tai những những vu cáo tồi tệ đáng xấu hổ
kia.
Song, để tạo ra “biến chuyển ngược lại” như khuyến cáo của
Einsteins thì công luận phải lên án sự cố tình làm ngơ trước những hiện tượng đáng xấu hổ đó của những người
có chức trách điều hành bộ máy quản lý khiến cho môi trường xã hội đang bị ô nhiễm nặng nề lại càng bị đầu độc nặng
nề hơn. Họ cần biết rằng, tấm Huy chương Fields có giá trị như một giải Nobel
toán học mà Ngô Bảo Châu đem về cho đất nước là một vinh quang chói lọi mà nước láng giềng khổng lồ với dân số gần một tỷ tư người
vẫn đang khao khát mà chưa có được.
Thôi thì miễn nói về cái nơi từng bỏ tù Lưu Hiểu Ba của giải Nobel Hòa bình vì người trí thức ấy dám đưa những ý tưởng dân chủ và tự do trái chiều với nhà nước
toàn trị phản dân chủ của các triều đại từ Mao, Đặng, Giang, Hồ, Tập, những ý tưởng mà Ngô Bảo Châu hé lộ trong vài ba câu nói trong
câu chuyện với bạn bè. Hãy
nói đến một quốc gia khổng lồ khác đang tiến gần đến con số một tỷ dân, một đất
nước vốn là cái nôi của nền văn minh cổ đại như Ấn Độ, nơi 7 năm trước đây
trong lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới,
bà Tổng thống Pratibha Pati đã trao huy chương Fields - giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học cho Ngô Bảo Châu, nơi ấy vẫn chưa có được một vinh quang như nhà toán học dưới
40 tuổi ấy của chúng ta đem về cho tổ quốc mình. Rồi ngay với nước Đức, quê hương của hàng chục nhà toán học vĩ đại,
trong đó có Carl Friedrich
Gauss, người được mệnh danh là "hoàng tử của các nhà toán học"vì ảnh hưởng của ông được xếp ngang hàng với Leonhard Euler, IsaacNewton và
Archimedes, những nhà toán học vĩ đại nhất của lịch
sử, vậy mà cũng chỉ mới có một người lọt vào danh sách những nhà toán học dưới 40 tuổi như Ngô Bảo Châu, tính từ 1936 khi có
giải Fields.
Nói dài dòng như vậy không phải để tôn Ngô Bảo
Châu lên hàng những vị thánh, mà là để nói thật rõ tầm vóc
của vinh quang mà nhà toán học trẻ ấy mang về cho đất nước hôm nay.
Hãy thêm một lần nữa cần nhắc
lại câu chuyện về tấm bia tiến sĩ được khắc năm trăm trước đây.
Người lĩnh sứ mệnh của vua Lê Thánh Tông đảm trách việc có ý nghĩa cao đẹp đó
cho biết: ngoài việc đãi ngộ đầy đủ về vật chất
và tinh thần theo như lệ cũ, nhà vua còn cho rằng việc lớn lao đẹp đẽ tuy lừng lẫy vang dội
một thời nhưng lời khen tiếng thơm chưa đủ để truyền lại vạn đời. Nhà vua truyền
lệnh dựng bia đá khắc tên những người thi đỗ và đặt ở cửa Quốc Tử
giám. Để làm gì? Để “làm sáng tỏ những điều đã
qua, mở rộng dạy bảo cho hậu thế, một là để dài mãi tư chất danh tiết
cho kẻ sĩ, hai là củng cố sự bền vững của quốc gia”.
Thân Nhân Trung
lưu ý việc “lấy trung nghĩa mà rèn luyện cho danh thực
hợp nhau, thực hành điều sở học, làm nên sự nghiệp vĩ đại sáng ngời, khiến cho
mọi người đời sau kính trọng thanh danh, mến mộ khí tiết của kẻ sĩ đã thành danh nhằm nêu gương cho đời sau! Đấy là cách ứng
xử với hiền tài, cũng là cách hun đúc, lan tỏa nguyên khí quốc gia. Không có một
tầm nhìn của đấng minh quân như Lê Thánh Tông,
không có tầm vóc trí thức một danh sĩ đích thực, như trung thần Thân Nhân
Trung, thì làm sao có được “nhân tài nườm nượp”, biểu tượng sống
động của “cuộc gặp gỡ chân chính thời thịnh trị” mà sử sách đã ghi chép!
Đấy là cách ông
cha ta trân trọng kẻ sĩ nhằm tính kế dài lâu cho sự phát triển vững bền của đất
nước chứ không phải là những lời bẻm mép mị dân để mong giữ được cái ghế quyền
lực vừa giành giật được trong cuộc đấu đá thanh toán lẫn nhau đang làm băng hoại
lòng tin của dân, ruỗng nát đời sống tinh thần, tàn phá môi trường xã hội.
Vậy thì, liệu
bài học của ông cha có đủ sức đánh thức lương tri của những ai còn chút vấn vương đến vận mệnh đất
nước đang đối diện với những thách đố gay gắt, đòi hỏi phải có sức mạnh nội lực của dân tộc được nâng cao lên mới có thể vượt qua những áp lực
nặng nề của những biến động thời cuộc chưa có tiền lệ. Nội lực ấy chỉ có được
khi có sự cố kết của cả cộng đồng dân tộc vốn giàu truyền thống yêu nước, ý chí quật cường trước kẻ xâm lược dù chúng hung dữ thâm hiểm đến
đâu. Trong sự cố kết đó, vai trò của trí thức có một ý nghĩa rất lớn. Càng lớn hơn nữa trong thời đạị của nền văn minh trí tuệ với
những bước đột phá chưa lường hết được sức công phá kỳ diệu của nó trước thành
trì của bảo thủ, trì trệ và ngoan cố. Thì
chẳng phải là Albert Einsteins đã nói rõ rằng chỉ bàn tay của thiên tài và thật nhiều dũng khí mới có thể làm biến chuyển ngược lại cái thực trạng do sự
ngu xuẩn và bạo lực tạo ra đó sao?
Chính vì thế,
chào mừng những tấm huy chương vàng danh giá mà học sinh của chúng ta vừa giành
được tại đấu trường Olympic quốc tế là chào mừng sức trẻ Việt Nam, chào mừng
trí tuệ Việt Nam. Ở đó đang tiềm ẩn và ươm mầm hiền tài, và dũng
khí, hun đúc và phục hưng nguyên khí quốc gia, nhân tố quyết định thúc
đẩy nội lực dân tộc để vực dậy thế nước đang nghiêng ngả, tạo bước đột phá để
đưa tổ quốc thân yêu của chúng ta vượt qua hiểm nghèo, quật cường đi tới.
Ngày 1.8.2017
___________________
*C. Mác & Ph.Angghen Toàn Tập , Tập XXI. NXBCTQG. Hà Nội, 1995 tr..128
** Bertrand
de Jouvenel (1903 – 1987)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire