Hồng Thủy
Ông Tập Cận Bình mặc quân phục dã chiến duyệt binh, ảnh: Sky News. |
(GDVN) - Điều đó có thể đặt các nước láng giềng có mâu thuẫn với Trung Quốc
trước những thách thức mới từ sức ép quân sự to lớn của Bắc Kinh.
South China Morning Post, Hồng Kông ngày 30/7 có bài viết của nhà báo Choi
Chi-yuk bình luận, cuộc duyệt binh khổng lồ của Trung Quốc hôm Chủ nhật mang
thông điệp rõ ràng đến quân đội, dân chúng Trung Quốc và thế giới rằng:
Quân đội Trung Quốc dưới quyền chỉ huy của ông Tập Cận Bình đang nhanh
chóng hiện đại hóa và cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Trung Quốc không tổ chức duyệt binh tại Thiên An Môn, Bắc Kinh như thường
lệ, mà tổ chức ở Chu Nhật Hòa, khu tự trị Nội Mông dịp kỷ niệm 90 năm thành lập
quân đội.
Tuy nhiên không có các màn nghi lễ, thay vào đó cuộc duyệt binh được thực
hiện dưới hình thức diễn tập, ông Tập Cận Bình mặc quân phục dã chiến, thay vì
bộ đại cán màu rêu kiểu Mao Trạch Đông quen thuộc.
Ông Tập Cận Bình nói với quân đội Trung Quốc rằng: phải sẵn sàng nghe lệnh,
có khả năng chiến đấu và chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào.
Cuộc duyệt binh biểu dương lực lượng này cho thấy những gì ông Tập Cận Bình
đã làm để cải thiện năng lực tác chiến của quân đội Trung Quốc kể từ khi lên
nắm quyền.
Đồng thời nó cũng cho thấy tầm nhìn của ông về vai trò của quân đội Trung
Quốc trong tương lai, khi ông cố gắng xây dựng nước mình thành cường quốc khu
vực và toàn cầu.
Từ Quang Dụ, một thiếu tướng Trung Quốc nghỉ hưu nói rằng, cuộc duyệt binh
hôm Chủ nhật là một trận chiến thực sự mà ông Tập Cận Bình có thể phải kiểm tra
khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
"Bạn không thể tạo ra một cuộc chiến tranh để kiểm tra khả năng của họ
trên chiến trường.
Nhưng bạn cần phải xem các phi công đang lái máy bay của họ như thế nào,
làm thế nào những người lính kiểm soát xe tăng của họ", ông Dụ nói.
Antony Wong Dong, nhà bình luận quân sự Ma Cao cho biết, vũ khí mà Trung
Quốc trưng ra ở Chu Nhật Hòa đã cho thấy quân đội Trung Quốc có sức mạnh
"ghê gớm". Theo ông:
"Sau năm năm cải cách to lớn và một chiến dịch chống tham nhũng đã làm
giảm hàng chục, nếu không phải là hàng trăm các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao,
giờ đây ông Tập Cận Bình có thể báo cáo công chúng Trung Quốc thành quả tốt đẹp
dưới sự lãnh đạo của ông ta.".
|
Quân đội Trung Quốc bị cản trở bởi lãnh đạo chia rẽ và tham nhũng tràn lan
khi ông Tập Cận Bình nắm quyền Chủ tịch Quân ủy Trung ương từ ông Hồ Cẩm Đào
cuối năm 2012.
Ông Hồ Cẩm Đào đã bị 2 viên tướng Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Quách Bá
Hùng và Từ Tài Hậu "qua mặt" và tách khỏi các vấn đề quân sự.
Năm 2010 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nêu ra một câu hỏi với ông Hồ
Cẩm Đào về việc Trung Quốc âm thầm phát triển máy bay chiến đấu J-20, ông Hồ
Cẩm Đào dường như không ý thức được sự phát triển này.
Tập Cận Bình thì khác, ông không lãng phí thời gian để củng cố quyền lực
của mình trong quân đội.
Cả Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng đều bị lật đổ dưới thời Tập Cận Bình vì tham
nhũng. Ông tái cấu trúc quân đội, đặc biệt là bộ máy chỉ huy gọn nhẹ và ông
chính là Tổng chỉ huy, Tổng tư lệnh.
Tập Cận Bình đã cắt giảm 300 ngàn quân mà ông không gặp phải lực cản nào
đáng kể, đồng thời tăng ngân sách phát triển vũ khí.
Zeng Zhiping, một chuyên gia Học viên
Công nghệ Nam Xương cho hay, ông Tập Cận Bình đã làm nhiều hơn những người
tiền nhiệm trong việc phát triển sức mạnh quân sự.
|
Cuộc duyệt binh hôm Chủ nhật rất khác so với những gì được thực hiện dưới
thời hai người tiền nhiệm, ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào.
Hai vị này chỉ tiến hành 1 cuộc duyệt binh duy nhất trong thời gian cầm
quyền tại Thiên An Môn, ông Giang Trạch Dân năm 1999 và ông Hồ Cẩm Đào năm
2009.
Cả hai mặc bộ đại cán màu rêu kiểu Mao Trạch Đông, duyệt binh trên chiếc
Limousine sang trọng. Còn Tập Cận Bình thì khác, ông mặc rằn ri dã chiến và
duyệt đội ngũ trên chiếc xe Jeep.
Đi đến khối đội hình nào, sĩ quan binh lính đều chào ông là Chủ tịch, thay
vì "chào thủ tưởng" như trước.
Thủ trưởng thì có nhiều, Chủ tịch chỉ có một. Điều này cho thấy Tập Cận
Bình là nhà lãnh đạo quân sự tối cao duy nhất hiện nay.
Những gì Tập Cận Bình kiểm tra khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc
cũng giống như Đặng Tiểu Bình làm năm 1981 khi ông ta cố gắng cải thiện khả
năng tác chiến cho quân đội cồng kềnh sau Cách mạng Văn hóa. [1]
Đa Chiều ngày 30/7 tường thuật lời ông Tập Cận Bình trong buổi duyệt binh
này:
"Quân đội anh hùng của chúng ta có đủ tự tin, có đủ năng lực đánh bại
bất kỳ kẻ địch nào đến xâm phạm.
Quân đội anh hùng của chúng ta có đủ tự tin, có đủ năng lực bảo vệ chủ
quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia.".
Tờ báo của người Hán tại hải ngoại này nhận định:
"Hiện tại môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc không mấy lạc quan.
Ngoài quan hệ Trung - Nga tương đối tốt và không có mối lo nào từ phía Bắc,
còn lại các phương nguy cơ đầy rẫy.
Phía Đông là bán đảo Triều Tiên với ông Kim Jong-un bất chấp tất cả phát
triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cho đến Hàn Quốc bố trí hệ thống
phòng thủ tên lửa THAAD.
Nhật Bản và Trung Quốc vẫn tiếp tục "cò cưa" ở Hoa Đông, với
tranh chấp chủ quyền Senkaku / Điếu Ngư.
Ở Đài Loan tiến sĩ Thái Anh Văn đang
cầm quyền, hai bờ eo biển đều có tính toán riêng.
|
Phương Nam thì sóng gió không ngừng trên Biển Đông khi Việt Nam không cam
chịu, Hoa Kỳ không rút lui, tương lai sẽ còn nhiều thứ khó có thể liệu trước.
Phía Tây hiện nay biên giới Trung - Ấn có thể bùng phát thành xung đột,
chiến tranh bất cứ lúc nào...
Thế nên phát biểu của ông Tập Cận Bình khi duyệt binh còn mang ẩn ý khác,
khi ông nói rằng dời núi thì dễ, lay động quân đội Trung Quốc thì khó.". [2]
Cá nhân người viết cho rằng, cuộc duyệt binh năm nay không chỉ là để thị uy
trước dân chúng trong nước hay các đối thủ tiềm tàng, mà còn thể hiện quyền lực
tuyệt đối của ông Tập Cận Bình.
Về mặt đối nội, Trung Quốc sắp tổ chức Đại hội 19 khi một Ủy viên Bộ chính
trị đương nhiệm - Bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài vừa bị bắt, một Ủy viên Bộ
chính trị khác - Bí thư Quảng Đông Hồ Xuân Hoa lập tức lên tiếng tuyên bố ủng
hộ "quyết định này của Trung ương".
Những tiếng nói nào đi ngược với quan điểm của ông Tập Cận Bình trong nội
bộ sẽ khó có cơ hội được thể hiện khi chứng kiến màn duyệt binh thể hiện sức
mạnh tuyệt đối này.
Về mặt đối ngoại, những quốc gia được Trung Quốc xem là "đối thủ tiềm
tàng" hay có tranh chấp (có thể bao gồm tranh chấp do chính Trung Quốc tạo
ra) cũng là đối tượng mà ông Tập Cận Bình nhắm tới qua cuộc duyệt binh này.
Như vậy, con đường phấn đấu trở thành siêu cường khu vực hoặc toàn cầu mà
nhà lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi, không chỉ bao gồm nguồn vốn giá rẻ và công
nghệ thải loại cho các nước đang phát triển - mục tiêu của Một vành đai, một
con đường.
Mà con đường ấy còn được bảo vệ bởi lực lượng quân sự hùng hậu và "sẵn
sàng chiến đấu" nếu nói theo ngôn ngữ nhà binh.
Mới đây thôi, Trung Quốc đã khánh thành một căn cứ quân sự đầu tiên ở hải
ngoại, tại Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi.
Những động thái mở rộng địa bàn cho quân đội nước này có lẽ sẽ còn tiếp
diễn trong thời gian tới.
Điều đó có thể đặt các nước láng giềng có mâu thuẫn với Trung Quốc trước
những thách thức mới từ sức ép quân sự to lớn của Bắc Kinh.
Nhưng đồng thời, Trung Quốc cũng mang đến bài học quý cho nhiều nước.
Đặc biệt là việc ông Tập Cận Bình không nương tay với nạn tham nhũng và lợi
ích nhóm từng thao túng quân đội nước này, một vấn đề quốc gia nào cũng có thể
gặp phải và không dễ gì giải quyết.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủy
Nguồn: TheoGDVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire