Trang

17/08/2017

Xin hỏi Bộ trưởng, chúng ta cần “bình tĩnh” đến khi nào?


Xuân Dương
 

Xuân Dương : "Hạn hán, lũ lụt, bão lốc có thể gây nên thiệt hại cục bộ về sinh mạng và tài sản, sự dốt nát trong giáo dục, đào tạo sẽ làm đất nước tụt hậu về kinh tế, trí tuệ các thế hệ tương lai bị thui chột, điều này không chỉ ảnh hưởng trong một phạm vi hẹp mà là toàn quốc.

Yếu kém về văn hóa, giáo dục dẫn tới yếu kém kinh tế, quốc phòng, hậu quả tất yếu là sẽ bị lệ thuộc vào nước ngoài, khi đó chủ quyền quốc gia liệu có còn nguyên vẹn?

Vậy nên xin hỏi Bộ trưởng, chúng ta cần “bình tĩnh” đến khi nào?"




Tìm hiểu trong mục Thống kê/Số liệu tổng quan trên Trang thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo mới thấy số liệu thống kê năm 2013, số liệu các năm gần đây hình như chưa công bố. Theo số liệu năm 2013 thì cả nước có 15.361 trường tiểu học; 274.700 lớp; 7.202.764 học sinh; 381.432 giáo viên. [1]

Năm học 2016-2017, cả nước có 22,5 triệu học sinh, sinh viên, trong đó khoảng 20,5 triệu học sinh phổ thông, như vậy số học sinh tiểu học chiếm khoảng gần 1/3 tổng số người học cả nước.

Vậy hơn bảy triệu học trò tiểu học đang học gì và gần 400 nghìn thày cô đang dạy gì?

Theo thông lệ, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm sẽ dạy tiểu học, trung học cơ sở, một số ít giáo viên tiểu học tốt nghiệp ngành Giáo dục tiểu học (mã ngành: 904) tại Đại học Sư phạm Hà Nội.



Đại học Sư phạm Hà Nội thông báo tuyển sinh trên toàn quốc “Ngành Giáo tiểu học”




Tuyển sinh ngành “Giáo tiểu học” được công bố tại địa chỉ [1], đại học Sư phạm viết văn như thế thì thấp hơn đại học viết thế nào? Có lẽ câu trả lời sẽ là “lỗi đánh máy” chứ không phải lỗi của lãnh đạo trường hoặc khoa!

Trong gần chục năm trở lại đây, thày cô và học sinh tiểu học Việt Nam đã được tiếp cận với ít nhất là bốn kiểu dạy và học khác nhau: phương pháp dạy học truyền thống, phương pháp “Bàn tay nặn bột”, phương pháp VNEN, học theo sách “công nghệ giáo dục” và gần đây là dạy và học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, năm 2016 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.

Học theo sách “công nghệ giáo dục” không phải là “phương pháp” dạy và học mới mà là theo sách giáo khoa khác với sách “truyền thống”, tuy nhiên vì sách này được phổ biến ở mấy chục địa phương nên ảnh hưởng của nó không thể nói là nhỏ.

Bài viết trên báo Plo.vn ngày 8/11/2016 có đoạn “bài quả bứa, trang 87, sách Tiếng Việt 1, tập 2 kể câu chuyện hai cháu Năm và Sáu đi qua vườn quả. Năm thấy quả liền la (hô) to và Sáu nhặt quả bứa. Hai cháu giành qua giành lại, cậu Cả đi qua và phân xử.

Cậu Cả bổ quả bứa và phán: Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao. Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi”. 


Lời lẽ trong câu chuyện rất phản cảm và giáo dục các cháu cách sống tiểu xảo”. [2] 


Với bài viết như thế, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục đã được “thực nghiệm” tại hơn 40 tỉnh thành phố trong khoảng mấy chục năm, nghĩa là hàng nghìn trẻ nhỏ được học cách “quan tòa phân xử” theo kiểu rất vô giáo dục.

Nếu có cháu nào sau đó trở thành “quan tòa” liệu vị “quan tòa” ấy có vận dụng bài học vỡ lòng từ sách “công nghệ giáo dục” vào cuộc sống?

Cho đến nay chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các báo cáo tổng kết những gì được và chưa được của loại sách công nghệ này.

Phương pháp dạy “truyền thống” được xem là phương pháp thày cô đọc, học trò ghi, tất cả nội dung bó gọn trong sách giáo khoa, thậm chí vở làm bài tập cũng được in sẵn.

Cũng xin nói thêm là đơn vị sản xuất những vở cho học sinh tiểu học đã rất “hào phóng” khi in cách quãng rất rộng, mỗi dòng chỉ vài chữ cái, nếu viết nhanh chỉ vài phút là hết trang giấy.

Có một sự đối nghịch không khó nhận thấy giữa phương pháp “Bàn tay nặn bột” và phương pháp VNEN.

“Bàn tay nặn bột” là phương pháp dạy học dựa trên các thí nghiệm tìm tòi - nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên, còn thì VNEN lại thiên về cách tổ chức lớp học chứ không phải nội dung học.

Số liệu thống kê cho thấy năm học 2017-2018 riêng cấp tiểu học có 58 tỉnh/thành tham gia dạy theo VNEN với 4.800 trường và 18% học sinh, như vậy chỉ còn 5 tỉnh/thành nói không với VNEN.

Tuy nhiên so về số lượng thì số trường dạy theo VNEN chiếm 31,25% tổng số trường cấp tiểu học. 31,25% số trường và 18% số học sinh theo VNEN nói nên điều gì? 


Nghĩa là ngay trong những trường dạy và học theo VNEN thì cũng không có nghĩa là tất cả các lớp đều theo VNEN.  


Với mấy cách tiếp cận dạy và học đã nêu, sẽ không quá đáng nếu cho rằng học sinh tiểu học đang bị đối xử như “chuột bạch”, nói một cách nghiêm túc, cấp tiểu học đang bị coi là cấp thử nghiệm các “sáng kiến cải tiến” của đội ngũ nghiên cứu, quản lý giáo dục đủ mọi cấp, đủ mọi thành phần.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới ban hành quy định cấp tiểu học có một số môn được xem là “tích hợp” như Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và địa lý, Tin học và công nghệ, cấp trung học cơ sở có Khoa học tự nhiên, Lịch sử và địa lý, (Tin học và Công nghệ tách thành 2 môn riêng).

Cấp trung học phổ thông thì môn Khoa học Tự nhiên lại tách thành  Lý, Hóa, Sinh?

Vậy “tích hợp” có còn ý nghĩa gì ngoài việc muốn minh chứng, rằng chúng ta đang tích cực đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo?

Theo một vị có trách nhiệm, do chưa có “giáo viên tích hợp” nên các môn Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và địa lý, Tin học và công nghệ phần nào riêng thì giáo viên chuyên ngành đó dạy, phần nào chung thì chọn người “giỏi hơn” dạy?

Vậy là giáo dục Việt Nam sẽ chứng kiến một câu chuyện không biết nên vui hay buồn, sách giáo khoa “tích hợp” nhiều khả năng sẽ có trước, thày/cô “tích hợp” còn phải chờ Bộ lên kế hoạch đào tạo?

Từ cách lý giải đó liệu có thể kết luận: “Sách giáo khoa quan trọng hơn thày dạy?”. Cứ có sách cái đã, thày dạy từ từ sẽ tính? Trước mắt, thày nào đủ “trình” thì dạy phần “tích hợp”, không thì dạy học phần riêng!

Với cách tuyển chọn đầu vào cho các trường cao đẳng sư phạm như hiện nay, cộng với chủ trương Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người viết cho rằng giải thể hệ thống trường cao đẳng sư phạm sớm ngày nào, tốt ngày ấy.

Đã là thày/cô giáo (có thể tạm chưa bao gồm mẫu giáo, nhà trẻ) trình độ chuẩn phải tốt nghiệp đại học. Tất cả các trường sư phạm phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Nghĩa là các trường địa phương, các trường do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hiện đang quản lý cần chuyển về bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sẽ có vấn đề về “tự chủ đại học” với các trường sư phạm, về vấn đề cơ quan chủ quản mà rất nhiều chuyên gia phê phán.

Một khi đã coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì hệ thống trường sư phạm cần được “bao cấp” hoàn toàn, từ kinh phí hoạt động đến học phí của sinh viên. 



Các trường đào tạo theo kế hoạch, có địa chỉ tiếp nhận khi giáo sinh ra trường.

Nếu không làm được việc đó thì “quốc sách hàng đầu” mãi mài vẫn chỉ là khẩu hiệu.Cần phải khẳng định “thị trường” giáo viên không có biến động mạnh như các thị trường khác, nhà nước hoàn toàn nắm được thông tin về tỷ lệ tăng trưởng dân số, mật độ và phân bổ dân cư theo vùng miền từ đó nắm được lượng học sinh các cấp.

Với số liệu tổng điều tra dân số đã có, không có bất cứ lý do chính đáng nào có thể biện minh cho việc đào tạo giáo viên tràn lan, lúc thiếu, lúc thừa như hiện nay, càng không thể xem số lượng khá đông giáo viên không có việc làm là hiện tượng bình thường trong cơ chế thị trường có định hướng.

Dư luận bức xúc không sai chuyện giáo viên ra trường muốn làm việc phải tốn khá nhiều tiền “chạy” (như một lãnh đạo Hà Nội từng nói là hàng trăm triệu) nhưng lại được hưởng mức lương mà dân gian gọi là “bèo bọt”.

Quân nhân chuyên nghiệp trình độ sơ cấp hoặc hạ sĩ trong lực lượng vũ trang hệ số lương bậc 1 là 3,2 còn giảng viên đại học trình độ thạc sĩ hệ số lương bậc 1 là 2,54.

Mấy năm trước Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng bài viết: “Nghề dạy học quý như không khí và … nước lã”. [3]

Loài người thiếu không khí và nước lã chắc chắn sẽ bị diệt vong, không riêng Việt Nam, thế nhưng có bao nhiêu người thực sự biết trân quý không khí và nước lã?    

Trước đây, ông Nguyễn Thiện Nhân khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói đại ý “đào tạo tại chức là nồi cơm của các trường đại học”.

Ngày nay có ý kiến cho rằng: “Người ta cố tuyển bằng được thí sinh (vào trường sư phạm) để các thầy khỏi thất nghiệp”. [4]

Nếu các nhận định trên là đúng thì hóa ra nền giáo dục nước nhà lo cho “nồi cơm” của mình hơn là quốc gia đại sự?

Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ trấn an dư luận, rằng “cần có cách nhìn bình tĩnh để những vấn đề đặt ra sẽ được khắc phục tốt hơn…”. 

Người viết cho rằng với các ngành khác (tạm thời) có thể “bình tĩnh”, với ngành Sư phạm thì không.

Người dân và dư luận đã “bình tĩnh” mấy chục năm nay rồi, từ cái thời “chuột chạy cùng sào” vào những năm 60 của thế kỷ trước.

Đến hôm nay, hàng trăm bài báo được đăng tải trên tất cả báo giấy, báo hình, báo điện tử cho thấy lời khuyên “bình tĩnh” của Bộ trưởng thật khó giúp người dân và truyền thông “bình tĩnh” thêm được nữa, ngược lại lời khuyên của Bộ trưởng hình như đang đổ thêm dầu vào lửa. 



Tuy nhiên người viết đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng về quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, đó không phải là chuyện riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. 

Chính vì liên quan như thế nên đất nước mới có Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo. 

Nếu cả hai cơ quan được quy định là “quốc gia” đó không giúp được Bộ trưởng thì ai sẽ giúp? Nếu các cơ quan đó đủ sức mạnh quyết định ở tầm vĩ mô nhưng Bộ trưởng chưa “nhờ” thì lỗi là của ai?

Hạn hán, lũ lụt, bão lốc có thể gây nên thiệt hại cục bộ về sinh mạng và tài sản, sự dốt nát trong giáo dục, đào tạo sẽ làm đất nước tụt hậu về kinh tế, trí tuệ các thế hệ tương lai bị thui chột, điều này không chỉ ảnh hưởng trong một phạm vi hẹp mà là toàn quốc.

Yếu kém về văn hóa, giáo dục dẫn tới yếu kém kinh tế, quốc phòng, hậu quả tất yếu là sẽ bị lệ thuộc vào nước ngoài, khi đó chủ quyền quốc gia liệu có còn nguyên vẹn?

Vậy nên xin hỏi Bộ trưởng, chúng ta cần “bình tĩnh” đến khi nào?  



Tài liệu tham khảo:






Xuân Dương



Nguồn: Theo GDVN


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire