Trang

04/09/2017

QUY TRÌNH TỐ TỤNG TẠI TÒA TRỌNG TÀI QUỐC TẾ NHƯ THẾ NÀO ?


Ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa án trọng tài quốc tế và đã được Tòa xét xử vào ngày 21/8/2017 vừa qua . Nhân vụ kiện này , Đài Hoa Kỳ VOA ngày 01/9/2017 đã tóm tắt vụ kiện và giải thích Quy trình tố tụng trọng tài tại Tòa án trọng tài quốc tế . Xin giới thiệu lại để các bạn đọc chưa có dịp xem trên trang điện tử của VOA cùng tham khảo .





Tóm tắt vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình

Ngày xử tại Tòa trọng tài quốc tế : Từ 21-8-2017

Địa điểm : Trung tâm Trọng tài quốc tế , 112 Avenue Kleber 75016 Paris , nước Pháp .

Nguyên đơn : Trịnh Vĩnh Bình - Bị đơn : Chính phủ Việt Nam

Luật sư đại diện Trịnh Vĩnh Bình : King & Spalding LLP

Luật sư đại diện Chính phủ Việt Nam : Freshfields Bruckhaus Deringer



***



Phía nguyên đơn :

Trịnh Vĩnh Bình

Sinh năm 1947

Tại : Bạc Liêu , Sóc Trăng , Việt Nam

+ Trước 1975 : Chủ sạp vải ở Thương xá Châu Thành , Quận 6 , Saigon

+ Năm 1976 : Vượt biên đến Hà Lan . Sau 10 năm trở thành doanh nhân thành công

trong ngành thực phẩm ở Hà Lan , được mệnh danh là “ Vua Chả giò “.

Tháng 2-1990 :

Hưởng ứng Chính sách của Chính phủ Việt Nam khuyến khích Việt kiều về nước đầu tư ,

đã mang 2.328.250 USD và 96 Kg vàng về Việt Nam

Năm 1992 :

Thành lập Công ty Tín Thành tại Thành phố Hồ Chí Minh

nhờ người thân đứng tên ( khi đó Luật của Việt Nam chưa cho phép người Việt

quốc tịch nước ngoài đứng tên doanh nghiệp trong nước )

Tháng 3 – 1993 :

Mua Liên doanh Nuôi trồng Thủy sản ở Phước cơ , Vũng Tàu

Trong 2 năm , từ 1993 đến 1995 đã đưa năng xuất chế biến từ 80 -100 tấn/năm lên 1.495 tấn/năm

( trong khi tổng sản lượng chế biến hải sản của cả tỉnh Bà Ria - Vũng Tàu năm 1995 là 6.675 tấn )

Tháng 12 – 1993 :

Thành lập Công ty đầu tư xây dựng và phát triển công nghiệp Bình Châu Vũng Tàu

( vẫn nhờ người thân đứng tên )

Kinh doanh : Nuôi trồng , chế biến thủy hải sản , thực phẩm , rau quả đông lạnh ,

trồng rừng , mua đất đai mở rộng đầu tư , xây khách sạn .

Đến năm 1996 đã mua hơn 284 ha đất , 2 cơ sở sản xuất , 11 căn nhà ở Bà Rịa – Vũng Tàu ,

Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh , nâng tài sản lên khoảng 30 triệu USD , gần gấp 8 lần vốn .

Tháng 3 – 1996 :

Xảy ra sự việc : Công ty Bình Châu sa thải một nhóm điều hành

vì đã thao túng chi thu , tráo trở sổ sách lấy tiền của công ty .

Sự kiện được trình báo công an địa phương

và từ đó xảy ra các hệ lụy bất lợi cho Trịnh Vĩnh Bình

Tháng 11 – 1996 :

Sau khi Chính phủ Việt Nam ban hành Luật Khuyến khích đầu tư

Trịnh Vĩnh Bình đã chính thức có tên trong Công ty Bình Châu

Tháng 12 – 1996 :

Trịnh Vĩnh Bình bị bắt với cáo buộc : trốn thuế và hối lộ .

Công an Bà Rịa – Vũng Tàu khởi tố vụ án , khởi tố bị can

Năm 1998 :

TAND Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử sơ thẩm , tuyên án 13 năm tù .

Trịnh Vĩnh Bình kháng cáo . Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM giảm còn 11 năm tù ,

ông Bình bị tịch thu nhiều tài sản ( nhà và đất ) ,

Hai cơ sở sản xuất ( diện tích gần 40.000 m2 ) , 9 căn nhà bị UBND Bà Rịa – Vũng Tàu

giao cho Cục Thi hành án bán đấu giá .

Trước khi lệnh thi hành án được áp dụng , Trịnh Vĩnh Bình trốn khỏi Việt Nam trở về Hà Lan .

Năm 2003 :

Trịnh Vĩnh Bình nhờ Tổ hợp Luật sư Mỹ Covington Burlinh đại diện , kiện Chính phủ Việt Nam

ra Tòa Trọng tài quốc tế đòi bồi thường 100 triệu USD .

Chính phủ Việt Nam thuê Hãng Luật của Pháp đại diện trong vụ kiện này .

Năm 2006 :

Trịnh Vĩnh Bình và Chính phủ Việt Nam thỏa thuận ngoài Tòa , ký tại Singapore .

Nội dung chính : Chính phủ Việt Nam miễn án ông Bình ,

bồi thường ông Bình 15 triệu USD , trả lại tài sản .

Đổi lại , ông Bình rút đơn kiện khỏi Tòa Quốc tế và không tiết lộ nội dung thỏa thuận .

Một số nhân viên Việt Nam có liên quan vụ án cũng bị truy tố .

Tháng 01 – 2015 :

Trịnh Vĩnh Bình nộp đơn kiện Chính phủ Việt Nam lần thứ hai ra Tòa Trọng tài quốc tế .

Lý do : Chính phủ Việt Nam không thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận 2006 .

Phiên Tòa diễn ra từ 21-8-2017 tại Trung tâm Trọng tài quốc tế ở Paris .

Ông Trịnh Vĩnh Bình đòi Chính phủ Việt Nam bồi thường ít nhất 1,25 tỉ USD .



_______________________________________



1,25 tỉ USD lớn cỡ nào ?

VOA cung cấp số liệu để bạn đọc so sánh , ước lượng :

- Lượng đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam năm 2016 là 15,8 tỉ USD ,

- Số tiền của công ty Formosa bồi thường cho thảm họa môi trường ở Việt Nam là 500 triệu USD ( bằng

0,500 tỉ USD ) .

- Số tiền ông Trịnh Vĩnh Bình đòi Chính phủ Việt Nam bồi thường là 1,25 tỉ USD , bằng 28.456 tỉ VND hoặc bằng 28.456.000.000,00 đồng Viêt Nam ( do quy đổi 1 USD = 22.765 đồng VN theo tỉ giá của Ngân hàng ngoại thương Việt Nam công bố ngày 30/8/2017 )



_______________________________________



Kinh doanh tại Việt Nam , ông Trịnh Vĩnh Bình có ý thức tôn trọng Luật pháp Việt Nam không ?

VOA đã phỏng vấn Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng , nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Hà Lan 1998 – 2001 và đã được trả lời như sau :

VOA : Ông Trịnh Vĩnh Bình có đặt vấn đề xin tư vấn về pháp lý trước và trong giai đoạn đầu đầu tư vào Việt Nam không ?

Cựu Đại sứ Đinh Hoàng Thắng : Trước và trong giai đoạn đầu , ông Bình không chỉ có xin tư vấn pháp lý ,

theo chỗ tôi nắm được , ông ấy đã từng xây dựng các quan hệ rất chặt chẽ với các địa phương nơi ông ấy cư trú và hoạt động kinh doanh . Cụ thể các cơ quan chức năng nơi ông tạm trú đã tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình ông đứng tên thuê đất và một số bất động sản . Hồi bấy giờ nhà đầu tư nước ngoài chưa có quyền đứng tên . Ông Bình còn mời một số cán bộ địa phương sang tham quan các cơ sở sản xuất của ông ấy ở Hà Lan .



__________________________________________



Quy trình tố tụng tại Tòa Trọng tài quốc tế như thế nào ?

Tòa Trọng tài quốc tế ( gọi tắt là Tòa ICC ) được xem là “ Tổ chức trọng tài hàng đầu thế giới “ , đã có thời gian hoạt động gần 100 năm , với sự tham gia của 137 quốc gia . Riêng năm 2016 đã thụ lý 966 vụ .

Nhân vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình , ngày 01/9/2017 , Đài Hoa Kỳ VOA cung cấp tư liệu cho bạn đọc cùng biết về Quy trình tố tụng tại Tòa này :

Tòa Trọng tài ICC không chính thức đưa ra phán quyết trong các vụ tranh chấp , nhưng có trách nhiệm chuẩn thuận và chỉ định một Hội đồng trọng tài để làm việc này .

Nhiệm vụ chính của Tòa ICC là thực hiện chức năng giám sát pháp lý đối với những thủ tục trọng tài và chuẩn thuận tất cả các phán quyết trọng tài .

Quy trình tố tụng tại Tòa ICC bao gồm những bước chính sau đây :

Yêu cầu tố tụng trọng tài :

Một bên muốn nhờ đến trọng tài theo Quy tắc Trọng tài ICC , sẽ nộp Đơn Yêu cầu Trọng tài cho Ban Thư ký Tòa ICC . Ban Thư ký sẽ thông báo cho Nguyên đơn và Bị đơn về việc nhận được đơn yêu cầu và ngày nhận được đơn yêu cầu . Ngày mà Ban Thư ký nhận được đơn yêu cầu sẽ được coi là ngày bắt đầu tố tụng trọng tài .

Đơn yêu cầu phải bao gồm những thông tin cần thiết của các bên và đại diện của mình , mô tả bản chất và hoàn cảnh làm nảy sinh tranh chấp , yêu cầu đòi bồi thường , thỏa thuận trọng tài , điều khoản chỉ định trọng tài viên và những thông tin khác như nơi xét xử trọng tài , luật áp dụng và ngôn ngữ trọng tài .

Một khi Ban Thư ký nhận đủ số bản Đơn Yêu cầu và phí nộp đơn bắt buộc thì Ban Thư ký sẽ gửi một bản Đơn Yêu cầu và các tài liệu khác đính kèm cho Bị đơn để hồi đáp .

Hồi đáp yêu cầu tố tụng trọng tài :

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ban Thư ký nhận được Đơn yêu cầu , Bị đơn phải nộp Bản hồi đáp và cũng có thể nộp cả đơn kiện ngược lại . Ban Thư ký có thể gia hạn thời gian nộp Bản hồi đáp cho Nguyên đơn .

Chỉ định Trọng tài viên :

Mỗi một trọng tài viên phải duy trì tính vô tư và độc lập đối với các bên trong quá trình tố tụng trọng tài . Họ phải tiết lộ bằng văn bản cho Ban Thư ký bất cứ sự việc hay tính huống nào gây nên sự hoài nghi về tính độc lập và vô tư của họ trong mắt các bên .

Trong việc xác nhận hoặc chỉ định các trọng tài viên , Tòa sẽ cứu xét quốc tịch của trọng tài viên tiềm năng , nơi cư trú và các mối quan hệ khác với các nước mà các bên và các trọng tài viên tiềm năng là công dân và khả năng trọng tài viên tiềm năng thực hiện quá trình trọng tài theo Quy tắc ICC .

Điều khoản Tham chiếu ( TOR ) :

Sau khi nhận được hồ sơ từ Ban Thư ký , Hội đồng Trọng tài sẽ soạn thảo một văn bản gọi là “ Bản Điều khoản Tham chiếu “ trên cơ sở các tài liệu hoặc dưới sự trình bày của các bên bằng các văn bản giải trình của họ . Nó bao gồm một thỏa thuận được ký giữa các bên và các trọng tài viên về những vấn đề liên quan đến thông tin chi tiết về các bên , các thông báo , tóm tắt luận cứ và yêu cầu đòi bồi thường của các bên , một danh sách vấn đề phải được xác định nếu phù hợp , địa điểm trọng tài và các vấn đề tố tụng khác .

Sau khi các bên ký Điều khoản tham chiếu , không bên nào được đưa ra những khiếu kiện mới nằm ngoài giới hạn của Điều khoản tham chiếu , trừ phi được Hội đồng trọng tài cho phép sau khi cứu xét bản chất của khiếu kiện mới , giai đoạn trọng tài và các vấn đề khác liên quan .

Xác lập dữ kiện và họp xét xử :

Hội đồng trọng tài sẽ xúc tiến trong thời gian ngắn nhất để xác lập các dữ kiện của vụ việc . Hội đồng trọng tài có thể quyết định nghe các nhân chứng , chuyên gia được các bên đưa ra hoặc bất cứ người nào .

Hội đồng trọng tài có thể quyết định vụ kiện chỉ dựa trên các văn bản mà các bên đệ nạp , trừ phi bất cứ bên nào yêu cầu một phiên họp xét xử . Khi một phiên họp được tổ chức , Tòa án Trọng tài sẽ triệu tập các bên xuất hiện trước tòa vào một ngày và địa điểm ấn định .

Kết thúc tố tụng và Ra phán quyết :

Trong thời gian sớm nhất có thể , sau phiên họp cuối cùng liên quan đến những vấn đề được quyết định trong phán quyết , Hội đồng trọng tài sẽ tuyên bố kết thúc quy trình tố tụng . Sau đó không văn bản hay luận cứ nào được phép trưng ra , trừ phi Hội đồng trọng tài yêu cầu hoặc cho phép .

Thời hạn mà Hội đồng trọng tài phải đưa ra phán quyết chung thẩm là sáu tháng . Phán quyết chung thẩm được đưa ra dựa trên quyết định của đa số trong trường hợp Hội đồng trọng tài có nhiều hơn một trọng tài viên . Nếu không có đa số , phán quyết sẽ chỉ do chủ tịch hội đồng trọng tài đưa ra mà thôi .

Trước khi ký bất kỳ phán quyết nào , Hội đồng trọng tài phải đệ nạp bản thảo lên Tòa án . Tòa án có thể quyết định sửa đổi về hình thức của phán quyết mà không làm ảnh hưởng tới quyền tự do quyết định của Hội đồng trọng tài . Hội đồng trọng tài sẽ không được công bố phán quyết cho tới khi được Tòa án phê chuẩn hình thức của phán quyết .

Một khi phán quyết được đưa ra , Ban Thư ký sẽ thông báo cho các bên bản phán quyết được ký bởi Hội đồng trọng tài , với điều kiện là mọi phí tổn của quá trình trọng tài được các bên hoặc một trong các bên thanh toán đầy đủ .

Mọi phán quyết đều sẽ mang tính ràng buộc đối với các bên . Bằng việc đưa tranh chấp ra trọng tài theo Quy tắc của ICC , các bên nhất trí thi hành bất kỳ phán quyết nào mà không có sự chậm trễ ./.


Nguyễn Bảo Tâm .

Nguồn : VOA 01/9/2017

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire