Trang

14/10/2017

BÀI THƠ “TÔI NGHE”

(của Đặng Xuân Xuyến nói gì?)


*

Nhà thơ CHỬ VĂN LONG


Ở tuổi “Cổ lai hy” rồi, trái tim chẳng dễ gì xúc động, vậy mà đọc bài thơ “Tôi nghe” (/toi-nghe-tho-ang-xuan-xuyen_22.htmlcủa Đặng Xuân Xuyến thật khó cầm lòng. Chỉ với năm khổ thơ ngắn đưa lại những thông tin, sự kiện đã và đang xảy ra ngoài xã hội, gần như ai cũng biết, nhưng khi nó được dồn nén bằng những câu chữ thành dòng dài ngắn, thành một bài thơ, những sự kiện rời rạc kia bỗng gợi nên những tương phản buồn vui của đất nước không của riêng ai những tháng năm này. Chuyện vị quan đầu tỉnh xứ Thanh dùng bồ nhí thao túng cơ cấu chính trị tỉnh đâu còn là chuyện riêng của xứ Thanh. Cái chết một lúc ba nhân vật đứng đầu của tỉnh Yên Bái không được giải thích nguyên nhân, đâu chỉ là sự báo động của riêng Yên Bái? Chuyện tưởng không có gì ở Hà Giang:

Quan đầu tỉnh Hà Giang

Thiết lập vương triều nhà Triệu

Này thì vợ

Này em trai

Này thêm chồng em gái…

Đọc xong những câu thơ, liệu có ai nghĩ chuyện này chỉ riêng ở Hà Giang!



Còn bao chuyện tha hóa biến chất của các quan chức nhà nước cấp tỉnh, cấp trung ương, có việc đã lộ ra như nguyên thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền về hưu, mới biết ông đã can tội tham nhũng (chưa có án xét xử). Rồi ông Trịnh Xuân Thanh lãnh đạo ngành xây lắp dầu khí làm thất thoát hơn 3.000 tỷ, đơn vị vẫn được hai lần tặng thưởng huân chương, phong tước anh hùng, để điều chuyển về làm phó chủ tịch tỉnh nọ, lại đắc cử nghị viên quốc hội mới bị phát hiện. Đích danh tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ thị các cơ quan trách nhiệm phải làm rõ việc này đưa ra ánh sáng, xét xử. Dù ông Thanh đã cao chạy xa bay thì vẫn còn đó cái lệnh truy nã toàn cầu…

Mừng cho ngòi bút tác giả bài thơ “Tôi nghe” nếu không vững tay nghề sẽ đem kể hàng loạt những vụ tham nhũng biến chất như thế, bài thơ sẽ biến thành một “bản trường ca bất hảo” trường thiên… đọc sẽ nhàm chán bởi bản chất của xã hội, dù tha hóa đến đâu vẫn còn lại bao điều tốt đẹp, vị tha, cao cả.

Và đoạn thơ thứ tư bất ngờ xuất hiện:

Tôi nghe...

Đứa trẻ Gia Lai chết trong tức tưởi 

Ba năm tới trường bằng mượn áo rách của anh

Bà Lò Thị Phanh 

Bệnh viện trả về

Không tiền thuê xe

Xác cuốn chiếu

Gập ghềnh xe thồ hơn trăm cây số.


Một em bé ba năm tới trường với chiếc ao đi mượn, lại là chiếc áo rách và chiếc áo rách ấy theo em cả lúc xuống mồ. Hỏi còn gì tủi cực hơn cho một tâm hồn ngây thơ trong sáng, và một kiếp người! Bàng hoàng hơn, ở thế kỷ 21 này và ở ViệtNam mình mà có hình ảnh một người chết ở bệnh viện, không có tiền thuê xe, cuốn trong chiếc chiếu, chở xe thồ hơn trăm cây số!

Tám câu thơ gợi hình ảnh tương phản với ba đoạn thơ trên về màu sắc sáng tối làm nên bức tranh toàn cảnh sinh động mà lâu nay mỗi khi nghĩ đến thi ca người ta có cảm giác nó là thứ nghệ thuật đã tách ra, đứng bên lề cuộc sống thì nay nó lại nhập cuộc vào vui buồn thao thức lương tri.

Tám câu thơ ngắn liệm trọn số phận con người nghèo khó ở bất cứ nơi nào khi mà cuộc sống chưa có công bằng bác ái, ở bất cứ nơi nào mà bọn quan tham còn được che đậy bởi những lời nói ngoài môi “vì Đảng, vì dân”!

Bài thơ không cần đoạn thứ năm:

Tôi nghe...

Những mảnh đời khốn khó

Những anh Vươn sắp trơ lì hãi sợ

Có câu tức nước ắt vỡ bờ

Khi niềm tin rạn vỡ.


Bởi chỉ bốn đoạn trên nó đã gây được xung lực, nó đã gợi lên cho người đọc, dù vô tâm đến đâu cũng phải khơi dòng không thể để “tức nước vỡ bờ”. Nhìn lại những trận đại hồng thủy từng qua, cuối cùng vẫn lại dân đen chìm nổi cùng với đau thương gánh chịu.

*

Hà Nội, ngày 06 tháng 10.2016

Nhà thơ CHỬ VĂN LONG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire