Trang

13/10/2017

Đôi điều khi đọc: QUẢNG NGÃI-CÂU THƠ NẶNG TÌNH CỐ THỔ của LÊ NGỌC TRÁC



Núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc

*


tác giả Lê Ngọc Trác
Tập sách QUẢNG NGÃI - Câu thơ nặng tình cố thổ của tác giả Lê Ngọc Trác được viết theo lối giới thiệu thân thế và sự nghiệp văn học của 31 “hồn thơ” xứ Quảng dưới dạng phê bình và cảm nhận văn học. Đây là tập sách thứ 7 của tác giả Lê Ngọc Trác (tác giả của nhiều tác phẩm, nhiều đề tài), là “khối trầm tích tình yêu” của những người con Quảng Ngãi luôn đau đáu về nơi “chôn nhau cắt rốn”, nơi luôn được thầm nhắc đến với lòng tự hào và thành kính: núi Ấn sông Trà.



Tuy là viết về thân thế và sự nghiệp của các chân dung văn học với mục đích phục vụ cho việc khảo cứu chân dung văn học nhưng tác giả Lê Ngọc Trác không viết theo lối phân mục tiểu sử (thân thế) và sự nghiệp như các tác giả khác từng làm mà ông làm mềm hóa đi, giảm bớt sự khô cứng của lối viết giáo khoa - khảo cứu bằng cách loại bỏ sự phân mục A, B, C... đồng thời chuyển các yếu tố nghiên cứu thành các yếu tố cảm nhận, biến các “thông điệp” về thân thế và sự nghiệp của các chân dung văn học khô khan thành những bài cảm nhận văn học dung dị, liền mạch, tạo tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái cho bạn đọc khi tiếp cận các chân dung văn học. Hiểu đơn giản và ngắn gọn là ông không dùng lối viết biên khảo truyền thống mà khéo léo lồng tiểu sử các chân dung văn học vào các bài viết phê bình và cảm nhận văn học, bằng tư duy và ngôn ngữ của người nghiên cứu khoa học. Đây là thành công của tác giả Lê Ngọc Trác khi mà biên khảo là một thể loại văn chương dễ viết nhưng lại rất khó thành công!


ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Bên cạnh một số bài viết khá sâu về thân thế và sự nghiệp của nhân vật lịch sử, như: Danh thần Trương Đăng Quế - Một tâm hồn thơ nặng lòng với quê hương, Nguyễn Vỹ - Nhân chứng của một thời,... thì đa phần là những bài viết, tác giả Lê Ngọc Trác hướng bạn đọc chú trọng vào những tìm tòi khám phá, những thành công của các chân dung văn học đã có đóng góp ít nhiều cho diện mạo văn học nước nhà, ông chỉ “đá đưa” chút ít về tiểu sử nhân vật để bạn đọc biết thêm hoặc lấy đó làm tài liệu khảo cứu với lượng thông tin vừa đủ về một chân dung văn học. Với cách viết như vậy, bạn đọc được cảm nhận đầy hơn, sâu hơn “sự nghiệp” văn học của các chân dung văn học mà tác giả Lê Ngọc Trác vẫn làm tròn được tiêu chí của tập sách: cung cấp những thông tin vừa đủ về thân thế và sự nghiệp của nhân vật như một công trình biên khảo. Thành công này của tác giả Lê Ngọc Trác là thành công mà ngay cả những người viết sách chuyên nghiệp cũng không dễ dàng có được, trong khi ông chỉ là “một tay chơi ngang”, viết sách bởi sự đam mê rất Lê Ngọc Trác: viết để được học.

Điều thú vị khi đọc QUẢNG NGÃI - Câu thơ nặng tình cố thổ là tác giả Lê Ngọc Trác đã rất khéo khái quát chân dung nhân vật qua việc đặt tên tiêu đề của bài viết, ví dụ: Nguyễn Vỹ - Nhân chứng của một thời, Thanh Thảo với những câu thơ mềm mại mà mãnh liệt, Nguyễn Thánh Ngã “gõ” vào cõi nhân gian, Trần Phố khúc tâm tình đậm tính nhân văn, Nguyễn Tấn On - Thấm đẫm hồn quê, Vũ Hồ với "Nỗi buồn trăm năm", Nguyễn Minh Phúc - "Nhắn quê xa lắc tiếng kêu thầm".... Chỉ mới đọc tiêu đề bài viết, bạn đọc cũng đã có thể hiểu được cốt cách của chân dung văn học hoặc phần nào thấy được diện mạo của nhân vật mà tác giả Lê Ngọc Trác sẽ khắc họa.

Với cách viết nhẹ nhàng, cô đọng và xúc tích nhưng theo góc nhìn và cách đánh giá công tâm của người nghiên cứu khoa học, tác giả Lê Ngọc Trác đã phác họa các chân dung văn học (xứ Quảng) trong QUẢNG NGÃI - Câu thơ nặng tình cố thổ bằng những nét vẽ chân thực, những cảm nhận tinh tế và những cảm kích khách quan, chân thành.

Mời đọc những trích dẫn:

- “Trong thơ Khắc Minh, âm tiết, giai điệu như những lời ru ngọt ngào, làm dịu đau thương lòng người trong bối cảnh chiến tranh. Có lẽ, đây là nét riêng trong thơ của Khắc Minh so với những người cùng thời. Phần lớn, thơ của Khắc Minh không mang nặng những dằn vặt khổ đau, cô đơn hoang lạnh, rên rỉ quằn quại. Thơ Khắc Minh nhẹ nhàng, tràn đầy tình yêu trong cuộc sống.”

“Khắc Minh không triết lý vụn trong thơ, không đánh đố người đọc bằng câu chữ bí hiểm. Thơ của ông âm hưởng ca dao mượt mà, như những câu hò ba lý của quê hương miền Ân Trà” (Khắc Minh - Ngọt ngào lời ru dưới chân Thiên Bút).

- “Đứng trước những câu thơ của Nguyễn Minh Phúc được viết ra từ nỗi nhớ quê hương tha thiết của anh, chúng ta không cần phải "bình giảng lý luận". Ai mà đi tìm lý lẽ của con tim. Chúng ta cứ đọc, thấm và đồng cảm với tác giả. Những người sống xa quê như thấy mình cùng cảnh ngộ, nỗi niềm...”. (NGUYỄN MINH PHÚC - "Nhắn quê xa lắc tiếng kêu thầm")

- “Đọc thi phẩm "Mưa hoang" của Hà Quảng, người đọc cảm nhận những cơn mưa ướt từng câu thơ, thấm đẫm cả những trang thơ... Nào những cơn "mưa thơm" trên cánh đồng lúa,đồng hoa chốn quê nhà yêu thương, mưa thơm ngát hương trên dòng sông Trà, sông Vệ, "mưa tháng Bảy, mưa tháng ba..." và "một trời mưa nhớ" đến quặn lòng ở những phương trời cách biệt. Chúng ta còn bắt gặp những cơn "mưa hoang" trong cuộc đời mình mà một thời "lời môi ngọt ngào", một thời đã xa "chạm vào nỗi nhớ". ("Mưa hoang" đầy nỗi nhớ trong thơ HÀ QUẢNG)

- “Sau khi đọc nhiều bài thơ của Vũ Hồ, tôi nhận ra một điều: Ông là một người tài hoa trong thơ, nhưng trong toàn bộ thơ của ông thể hiện một nỗi cô đơn - cô đơn đến tận cùng.” (VŨ HỒ với "Nỗi buồn trăm năm")

Tuy là viết QUẢNG NGÃI - Câu thơ nặng tình cố thổ bằng sự đam mê, không chịu áp lực bởi “chuyện cơm áo gạo tiền” làm ảnh hưởng tới độ sắc bén, mềm dẻo, linh hoạt của ngòi bút nhưng Lê Ngọc Trác không hoàn toàn phó mặc cho cảm xúc dẫn dắt ngòi bút mà ông đã “điều phối” những cảm xúc, “cầm cương” những thăng hoa cảm xúc để cái tôi của tác giả Lê Ngọc Trác đứng ở vai trò của người tổng kết, ở vị trí của một hướng dẫn viên luôn nhiệt tình đồng hành cùng bạn đọc. Đấy là sự khéo léo, cũng là thành công của ngòi bút Lê Ngọc Trác trong việc truyền tải “ý đồ” của tác giả Lê Ngọc Trác đến với bạn đọc qua từng bài viết, xuyên suốt “QUẢNG NGÃI - Câu thơ nặng tình cố thổ”.

Với tình yêu dành cho quê hương luôn lớn, tác giả Lê Ngọc Trác đã cố dồn ép để đẩy niềm tự hào về quê hương Quảng Ngãi cao hơn, xa hơn, qua số gương mặt được tập hợp trong tập sách lên con số 31, vô hình chung, những gương mặt được chúng tôi ví là “những trái chín ép”, “những trái tình cảm”, đã làm QUẢNG NGÃI - Câu thơ nặng tình cố thổ thành sự chọn lọc của tình cảm, dễ dãi, khiến cấu trúc tác phẩm bị xộc xệch, gương mặt các chân dung văn học trong tập sách trở nên mất cân đối. Theo thiển ý của người viết, tập sách chỉ nên dừng ở con số 23 gương mặt thì hợp lý hơn.

Đọc nhiều và viết nhiều là ưu điểm của ông. Viết bằng tấm lòng là điểm sáng của ông nhưng trong các bài viết của ông, đâu đó vẫn xuất hiện một vài hạn chế: chỉ nêu hiện tượng sự việc mà không dẫn giải bản chất của hiện tượng sự việc dù chỉ ở sự gợi mở, lưu ý bạn đọc, ví dụ như: “Thơ Nguyễn Thánh Ngã đọc xong ghim lại trong lòng người yêu thơ. Anh đã tạo được phong cách của mình trong thơ. Thơ Hai-ku của Nhật Bản có qui luật về số từ, nhưng khi làm thơ Haiku, Nguyễn Thánh Ngã đã có những cách tân đầy sáng tạo. Những bài thơ Haiku của Nguyễn Thánh Ngã có một nét rất riêng. Dường như Nguyễn Thánh Ngã muốn tạo ra một trường phái thơ riêng của mình. Chính vì vậy, có lúc các bạn yêu thơ gọi thơ Haiku của Nguyễn Thánh Ngã là thơ "Ô haii" (Ô hay!). Đọc cả bài viết, bạn đọc không tìm được câu trả lời: “cách tân đầy sáng tạo”, “nét rất riêng”, “trường phái thơ riêng” của Nguyễn Thánh Ngã là thế nào. Tuy không nhiều, không lớn nhưng những “hạt sạn” như thế không nên xuất hiện trong các bài viết của cây bút đã dày dạn bản lĩnh như tác gia Lê Ngọc Trác vì sự xuất hiện một vài hạn chế như thế đã vô tình làm giảm tính thuyết phục của cả bài viết.

Và đấy cũng là hạn chế mà tác gia Lê Ngọc Trác cần khắc phục để những tác phẩm của ông được tròn trĩnh hơn.

*.

Hà Nội, chiều 06 tháng 10 năm 2017

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

Mời đọc tham khảo trên trang blog:


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire