Bản tự kiểm của bác sĩ Hoàng Công Truyện |
Lê Học Lãnh Vân: "Xét cho cùng, bác sĩ Truyện và bộ Y Tế của bà Kim Tiến cùng
có nỗi sợ. Là người không có quyền lực, nỗi sợ hãi khiến bác sĩ Truyện có bài
kiểm điểm “nhũn”, có lẽ chịu xấu mặt để “tránh voi”. Nắm quyền lực trong tay,
nỗi sợ hãi khiến bộ Y Tế dùng quyền lực gây sợ hãi nơi người khác ý kiến.
Một vị bộ trưởng phải có trách nhiệm huy động
nguồn lực của bộ tạo môi trường làm việc thoải mái, nâng đỡ nhân viên sao cho
không ai áp chế ai, không ai phải khúm núm sợ hãi, người nào cũng có tư thế vững
vàng, đúng đắn phù hợp với các giá trị văn minh!
SỰ KIỆN HOÀNG CÔNG TRUYỆN
Sự kiện Bác sĩ Hoàng Công Truyện khiến dư luận dậy sóng những
ngày cuối tuần này. Sự kiện này có liên quan tới nhiều cấp độ làm việc trong Bộ
Y Tế.
Cấp cá nhân: Bác sĩ Hoàng Công Truyện, làm việc tại Trung Tâm Y tế
huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, viết trên trang Facebook của mình, chê
trách bà bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến không sâu sát với cơ sở, không có
giải pháp cho an ninh bệnh viện, và do đó "Mụ ni về nghỉ là vừa” (theo bài Xử phạt bác sĩ
chê bộ trưởng: Quá đáng! - Người
Lao Động Online, 21.10.2017)
Cấp Bộ Y tế: “Chánh Văn
phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường thừa lệnh Bộ trưởng Y tế vào ngày 15.7 đã ký
một văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế. Văn bản nêu ngày 14.7, tài khoản
Facebook "Hoàng Công Truyện" đã lan truyền thông tin bôi nhọ, gây mất
uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành y tế”
(Trích). Và Bộ “Đề nghị Sở Y tế
có biện pháp
kiểm điểm và xử lý
theo quy định...” (Trích)
Cấp Sở Thông tin - Truyền thông Thừa Thiên - Huế, nơi xử phạt bác sĩ Hoàng Công Truyện 5 triệu
đồng: Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế “cho biết việc xử phạt thực hiện theo đề
nghị của Bộ Y tế” (Trích).
Cấp Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế: Trước khi ra quyết định, Trung tâm Y
tế huyện Phong Điền đã báo cáo xin ý kiến và được Sở Y tế Thừa Thiên - Huế
đồng ý với mức kỷ luật khiển trách. Sau đó, Sở báo cáo lại kết quả xử phạt với
Bộ.
Tóm tắt lại, trên trang mạng của chính mình, nhận xét của bác
sĩ Hoàng Công Truyện về hiện trạng an ninh bệnh viện và trách nhiệm của bộ
trưởng Y Tế đã kích hoạt một chuỗi các phản ứng như trên. Kết quả của chuỗi
phản ứng là bác sĩ Truyện, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, 53 tuổi, viết kiểm điểm
gởi bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và cấp trên của mình với lời lẽ như sau:
“Bản thân em
đã nhận ra khuyết điểm...
Cũng vì những ly rượu mà dẫn đến những cơn say, nên hành động
mất kiểm soát, không phân biệt phải trái mà có lời lẽ xúc phạm tới Bộ trưởng.
Bản thân rất cầu mong Bộ trưởng và quý lãnh đạo “Giơ cao đánh khẽ”, hạ bớt
giận vì sai phạm của bản thân em.
Từ đây em xin hứa...
Qua sự việc này, em nhận ra khuyết điểm của mình và cũng là
bài học nhớ đời, em xin chịu hình thức kỷ luật mà quý Cấp Lãnh đạo và
Hội đồng kỷ luật phán xét”
SẼ RA SAO KHI NGƯỜI KHÔNG CÓ QUYỀN SỢ HÃI
VÀ NGƯỜI CÓ QUYỀN THÌ GÂY SỢ HÃI?
Cảm nhận của tôi khi đọc những dòng tự kiểm điểm của bác sĩ
Truyện là xót xa. Tôi không bàn về việc ông có thực sự “nhận ra khuyết điểm” hay không
vì việc đó chỉ mình ông biết, và cũng là quan điểm của riêng ông mà người ngoài
cần tôn trọng! Tôi muốn nói về phong cách của tờ kiểm điểm, vì ngay cả khi, giả
dụ, ông thực sự thấy mình đã sai, thì cách nhận sai như thế cũng không ổn. Ai
không từng sai? Mình sai thì cũng cứng cáp ngẩng đầu mà nhận khuyết điểm và cả
kỷ luật, nếu cần. Nhận, xin lỗi, và rút bài học để suy nghĩ, hành động, tác
phong của mình chín hơn trong tương lai. Bác sĩ Truyện thân mến, tôi cảm nhận
sự khúm núm trong bài kiểm điểm, và trong tình công dân với nhau, tôi xin bắt
tay anh để nói rằng anh không có gì phải khúm núm cả! Không một công dân nào
trong xã hội phải khúm núm, nếu xã hội ta chưa được vậy thì chúng ta cần giúp
đỡ nhau, hợp sức với nhau tiến về hướng đó! Thực trạng của cuộc sống hiện nay
là có nhiều áp lực khiến nhiều thành viên xã hội phải khúm núm, đó là điều
khiến tôi xót xa.
Do đó tôi thông cảm và không chê trách bác sĩ Truyện, mà
trách cả cái guồng máy kia. Chỉ từ việc bác sĩ Truyện đăng ý kiến về bà bộ
trưởng, cái việc mà theo lý thuyết bất kỳ công dân nào cũng có quyền làm, là cả
bộ máy của bộ Y Tế vào cuộc: Bộ, Sở, Trung Tâm Y tế... toàn bộ sức nặng quyền
lực đè lên một thân phận! Thân phận cấp dưới có sợ hãi thì cũng đáng được thông
cảm! Tôi chắc rằng thế giới văn minh không cho ai quyền hành xử áp chế người
khác như thế. Hơn nữa, một người tử tế không để ai phải khúm núm trước
mình. Khi thấy ai khúm núm, người tử tế phải giải thích, phải an ủi, phải
giúp đỡ cho người đó mạnh dạn hơn trong tư cách công dân của thế giới văn minh!
Việc xử phạt bác sĩ Hoàng Công Truyện được tiến hành dưới áp
lực của Bộ Y tế, được sự đồng ý của Sở Y Tế tỉnh, được báo cáo với Bộ. Bác sĩ
Truyện cũng làm tờ kiểm điểm gởi cho bà bộ trưởng bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Không biết bà bộ trưởng cảm nhận thế nào khi thấy một bác sĩ đồng nghiệp của
bà, phó khoa trong bộ máy mà bà chịu trách nhiệm, có lời lẽ “nhũn” như thế với
bà, với cấp dưới của bà? Tôi thì tôi nghĩ rằng một người tử tế tất phải áy náy,
không thể yên tâm được. Một vị bộ trưởng phải có trách nhiệm huy động nguồn lực
của bộ tạo môi trường làm việc thoải mái, nâng đỡ nhân viên sao cho không ai áp
chế ai, không ai phải khúm núm, người nào cũng có tư thế vững vàng, đúng đắn
phù hợp với các giá trị văn minh!
Các tin tức tôi nhận được tới giờ cho thấy “Bộ Y tế nói rằng văn bản của bộ không đề
nghị địa phương xử phạt bác sĩ Truyện. Hiện bộ chưa nhận được thông tin
chính thức về việc bác sĩ này bị xử phạt 5 triệu đồng vì bôi nhọ bộ trưởng”
(Trích). Với bằng chứng về những văn bản, công văn qua lại giữa Bộ, Sở, Trung
Tâm Y tế huyện Phong Điền, mà Bộ có thể công nhiên “phủi trách nhiệm” (trích) như vậy, thì thiên hạ
khó mà tưởng tượng được. Phản ứng “phủi
trách nhiệm” này càng củng cố nhận xét rằng “Dân chúng không còn nhận ra nhà lãnh đạo
đầy uy tín đang chỉ đường, họ chỉ thấy một người vụng về, lúng túng bào chữa
cho chính mình một cách khuất lấp mà không đưa được giải pháp căn cơ nào”
(TBKTSG, 24.9.2017)
Xét cho cùng, bác sĩ Truyện và bộ Y Tế của bà Kim Tiến cùng
có nỗi sợ. Là người không có quyền lực, nỗi sợ hãi khiến bác sĩ Truyện có bài
kiểm điểm “nhũn”, có lẽ chịu xấu mặt để “tránh voi”. Nắm quyền lực trong tay,
nỗi sợ hãi khiến bộ Y Tế dùng quyền lực gây sợ hãi nơi người khác ý kiến.
Trong một hệ thống mà những người có quyền lực gây sợ hãi và
giới không có quyền thì sợ hãi, hệ thống đó sẽ phát triển như thế nào?
Lê Học Lãnh Vân
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire