Gần hai năm
trôi qua, kể từ ngày biển Bắc miền Trung nhiễm độc do Formosa Hà Tĩnh xả thải,
đến nay, đời sống của người dân Kỳ Anh vẫn chưa có gì phục hồi. Khó khăn, đói
kém, tha phương cầu thực, trốn sang Lào, Trung Quốc để làm thuê… Đó là bài ca
chung của người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, tình trạng môi trường không
khí phía Tây Hà Tĩnh bị ô nhiễm trầm trọng đang gây nhức nhối. Các dự án phía
Tây Hà Tĩnh đình trệ kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho đời sống nơi đây.
Tệ nạn xã hội tăng cao
Bà Trần Thị
Hà, người buôn bán ở chợ Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, chia sẻ: “Tôi nhận thấy
thì hiện tại tiền đền bù trước đó họ tiêu hết rồi, chỉ có một vài người làm ăn
nhỏ lẻ, có thêm đồng vốn họ chịu khó làm ăn thì có lên chút. Còn chủ yếu là
người dân tiêu hết sạch, thậm chí hiện tại nhiều người còn nợ nần nhiều, không
còn gì hết, đời sống khó khăn. Vào làm công ty thì độc hại nhiều, làm ăn không
ăn thua. Người dân giờ rất khó khăn, chợ búa chúng tôi có bán được gì đâu, cái
gì cũng giảm khoảng 80%.”
Bà Mai Thị
Lợi, cư dân xã Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chia sẻ: “Đời sống của
thanh niên hiện tại hư hỏng nhiều. Từ lúc Trung Quốc, Đài Loan qua đây thì tệ
nạn xã hội nhiều, thanh niên nghiện ngập, phụ nữ thì bỏ chồng bỏ con đi theo
Trung Quốc, làm bồ bịch của hắn này, thì nó chơi gái nó cho trả ít tiền rồi ham
tiền đi theo hắn, bỏ chồng bỏ con nhiều, ở Kỳ Thịnh, Kỳ Anh này nhiều lắm!”
Bà Lợi chia
sẻ thêm là hiện tại, đời sống kinh tế của người dân chung quanh bà không có gì
thay đổi kể từ sau vụ biển nhiễm độc đến nay. Nghĩa là đời sống vẫn chưa thể
hồi sinh, mọi thứ vẫn còn trong trạng thái chết, nghề nghiệp đánh bắt chết,
nghề buôn bán chết, công việc không có, sức mua chết… Với những người buôn bán
nhỏ lẻ, đặc biệt là buôn bán hải sản, kiếm được 100 ngàn đồng mỗi ngày là
chuyện quá khó khăn, nhưng trước khi biển nhiễm độc, họ kiếm mỗi ngày 500 ngàn
đồng một cách dễ dàng.
Trong khi
đó, giá thành mọi thứ tăng vọt bởi người Trung Quốc sống ở đây nhiều vô kể và
họ xài tiền dễ dãi, chính sức mua không tiếc tiền của họ đã kéo nhiều thứ vật
giá leo thang. Người dân bản địa phải chật vật vì thời giá bị lái hoàn toàn bởi
sức mua người Trung Quốc. Đời sống khó khăn, kiếm tiền chật vật nhưng tệ nạn xã
hội tăng rất nhanh.
Theo bà Lợi,
một số thanh niên làm việc thuê cho người Trung Quốc, có được chút tiền lại
chuyển sang chơi bời, nhậu nhẹt, phá phách, xài hàng đá, theo con đường xì ke,
ma túy. Đặc biệt, một số gia đình có tiền đền bù đất trước đây và còn một ít
đất để bán ăn dần có vẻ như họ bị lún tệ nạn xã hội nặng nhất. Hầu hết con cái
trong các gia đình này dính xì ke, ma túy, chơi hàng đá và suốt ngày chơi bời,
phá phách, không có công việc ổn định.
Riêng vấn đề
hôn nhân gia đình ở Kỳ Thịnh nói riêng và Kỳ Anh nói chung có vẻ như đã hết
thuốc chữa. Con số các phụ nữ đã có gia đình riêng, có chồng và hai, ba đứa con
nhưng do kinh tế suy sụp, họ đã bỏ chồng theo các thanh niên, đàn ông Trung
Quốc. Đi theo một thời gian dài thì bị hất hủi, lại quay về gia đình nhưng lúc
này chồng con không muốn nhìn họ nữa, họ lại lang thang rày đây mai đó để làm
công việc buôn phấn bán hương.
Nhiều gia
đình phải tan nát, nhiều số phận bị lún bùn đen, nhiều tương lai bị chặn đứng
bởi gia đình, cha mẹ đổ vỡ. Có thể nói rằng có quá nhiều đớn đau đến với người
dân Hà Tĩnh kể từ khi các công trình của người Trung Quốc mọc lên ở đây.
Tha hương ngay trên chính đất quê
Chị Lê Thị
Cúc, cư dân Kỳ Anh, chia sẻ: “Trước khi có khu công nghiệp vào đây thì còn
bán được, chứ hai năm nay không bán được nữa. Thu nhập ngày trăm bạc cả vốn lẫn
lãi, trừ vốn thì lãi được khoảng 20 ngàn bạc, không có gì cả. Bão lụt gì họ cho
mỗi nhà được 5kg gạo chứ không có gì cả.”
Chị Nguyễn
Thị Liên, cư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chia sẻ: “Ở đây thì đời sống kinh tế Việt
Nam khó khăn rồi, bởi Trung Quốc sang đây làm ô nhiễm, biển chết, ảnh hưởng đến
người dân, chứ nó không qua đây thì biển không bị như vậy, dân còn con cá biển
mà ăn.”
Hai phụ nữ
này chia sẻ thêm là hiện tại, tình trạng sống ngay trên đất quê mà có cảm giác
như đang sống nhờ, sống tạm ở một vùng đất nào đó là tình trạng chung của những
người dân nghèo nơi đây. Bởi dường như mọi quyền lợi hay tiếng nói đều thuộc về
những người đến từ phương Bắc. Người ta nói mạnh vì gạo, bạo vì tiền, hiện tại,
người Trung Quốc có đủ cả mạnh vì gạo bạo vì tiền, họ có thể ung dung làm bất
kì điều gì họ muốn trên đất Hà Tĩnh, kể cả việc dụ dỗ vợ người khác bỏ chồng,
bỏ con chạy theo đồng tiền của họ.
Cũng theo
chị Cúc và chị Liên, vấn đề đền bù do xả độc ra biển ở Kỳ Anh có nhiều chuyện
bất minh và bất công. Nhiều gia đình không làm gì liên quan đến biển nhưng có
người thân làm cán bộ thì được nhận đền bù với số lượng lớn, ngược lại, người
buôn bán hải sản và làm nghề biển như gia đình các chị, suốt hai năm nay khó
khăn, chồng và con trai lớn các chị phải sang Lào làm thuê, bữa được bữa mất vì
trốn chui trốn nhủi trên nước bạn, vì không có thị thực của nước bạn, các chị
phải ở nhà tần tảo nuôi con, kiếm tiền vô cùng khó… Nhưng các chị chẳng nhận
được đồng tiền đền bù nào.
Và đáng sợ
hơn cả, theo các chị là mặc dù đang sống trên quê cha đất tổ nhưng tiếng nói
của người bản địa lọt thỏm giữa ồn ào thanh âm người nước lạ. Mọi sinh hoạt bị
đảo lộn, đời sống ngày thêm cơ cực và luôn thấy mình giống như người tha hương,
sống tạm ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Có thể nói
rằng sau gần hai năm, đời sống người dân làm nghề biển và các dịch vụ biển nói
riêng, người dân Hà Tĩnh nói chung vẫn chưa hết đảo lộn và chưa hề có dấu hiệu
phục hồi sau những mất mát.
Nhóm phóng
viên tường trình từ Việt Nam
Nguồn: Theo RFA
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire