Trang

04/11/2017

Quan hệ Việt—Mỹ trước chuyến thăm của Tổng thống Trump


Hải Đăng
 
Trong khi dư luận trong nước và quốc tế đang tập trung theo dõi Hội nghị TW6 của ĐCS Việt Nam thì truyền thông đủ các loại “lề” vẫn không bỏ qua hàng loạt sự kiện nóng đã/đang diễn ra trong bang giao quốc tế của Hà Nội nhìn từ ba đỉnh của tam giác ngoại giao nhậy cảm nhất hiện nay, đó là các mối liên hệ giữa Việt Nam—Hoa Kỳ—Trung Quốc.



Sáng 6/10/2017, Đô đốc Scott H. Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đã đến thăm khu di tích lịch sử Bạch Đằng. Tại đấy, Đô đốc Scott H. Swift phát biểu với truyền thông rằng, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn để đánh bại quân xâm lược và các tướng lĩnh đã sử dụng những chiến thuật tài tình để giữ gìn nền độc lập tự do. Đô đốc Scott H. Swift nhấn mạnh, hiện Việt Nam và Hoa Kỳ đang phải đối mặt với những thách thức và quyền lợi chung. Vấn đề quan trọng nhất là các quốc gia hãy cùng nhau duy trì sự ổn định, hòa bình trong khu vực. Đô đốc Scott H. Swift cũng nhắc lại việc hàng không mẫu hạm của Mỹ sẽ đến Việt Nam trong một thời điểm thích hợp. Trước đó, tối 29/9/2017, qua một thông báo được phát đi từ Washington, Nhà Trắng tái xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có chuyến công du châu Á từ ngày 3 đến ngày 14/11 tới. Một cách cụ thể, người đứng đầu nước Mỹ sẽ thăm một loạt quốc gia là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines trong thời gian trên. Mục đích của chuyến công du là tham dự các diễn đàn khu vực và thảo luận về vấn đề thương mại cũng như mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ngày 14/9/2017, đích thân Tổng thống Trump cũng tái khẳng định ông sẽ tới Việt Nam để tham dự APEC.


Vấn đề Việt Nam tại Quốc hội Mỹ 


Trước thông báo chính thức từ Nhà Trắng hai hôm, ngày 27/9, tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, vị tân đại sứ vừa được đề cử Daniel Kritenbrink (người sẽ thay Ted Osius) đã có buổi điều trần để được Quốc hội chuẩn thuận trở thành đại diện ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam. Đại sứ Hoa Kỳ mới được đề cử đã vạch ra những ưu tiên hàng đầu trong các mối bang giao Việt – Mỹ. Ông khẳng định, có rất ít quốc gia châu Á mà ở đó chúng ta (tức là Mỹ) thấy rõ tác động của mối liên hệ lâu dài và sáng tạo của Hoa Kỳ như tại Việt Nam. “Đó là điều tôi đã chứng kiến trực tiếp trong quá trình làm việc trước đây của tôi với người Việt Nam, bao gồm ba chuyến công tác chính thức tới Việt Nam và kể cả khi tôi giám sát hoạt động đàm phán hai Bản tuyên bố chung với Việt Nam vào năm 2015 và 2016”, Ứng viên đại sứ nói thêm. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, Hà Nội muốn “duy trì mối quan hệ phức tạp nhưng khá quan trọng với Trung Quốc” và nhân buổi điều trần, ông Kritenbrink đã phát đi “tín hiệu mạnh mẽ” về vai trò của Washington trong vấn đề lãnh hải và Biển Đông.

Thượng nghị sĩ Edward J. Markey, một trong những người đặt câu hỏi tại buổi điều trần, nói rằng Việt Nam đã nhiều lần thách thức Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông), đồng thời đề cập tới chuyện công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng dự án thăm dò dầu khí tại vùng biển tranh chấp sau khi vấp phải phản đối của Bắc Kinh. TNS. Markey cho rằng việc Mỹ vẫn “còn do dự trong chính sách liên quan tới Biển Đông đã khiến Việt Nam cảm thấy đơn độc”, và đặt câu hỏi cho ông Kritenbrink rằng “dù Việt Nam và Hoa Kỳ không phải là đồng minh ràng buộc bởi hiệp ước, chúng ta có thể làm gì hơn nữa để Việt Nam an tâm rằng chúng ta sẽ hậu thuẫn về mặt ngoại giao nếu như Việt Nam dùng luật pháp để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”.

Ông Kritenbrink đã trả lời: “Tôi nghĩ rằng vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông cũng như hành vi của nhiều nước liên quan là quyền lợi quốc gia mang tính sống còn của Hoa Kỳ. Quyền lợi này bao gồm duy trì tự do hàng hải, quyền bay ngang qua Biển Đông, giải quyết hòa bình tranh chấp theo luật quốc tế, thương mại không bị cản trở”. Vị đại sứ mới được đề cử nói thêm: “Tôi nghĩ rằng cách tiếp cận hiệu quả nhất của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam, đó là tiếp tục giao tiếp ngoại giao với Việt Nam nhằm thúc đẩy các quyền lợi chung. Việt Nam cũng chia sẻ mối quan tâm của chúng ta để bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như duy trì các nguyên tắc mà tôi mới đề cập. Phía Việt Nam đã nhiều lần nhắc lại các tuyên bố công khai cũng như trong các tiếp xúc riêng tư. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải tiếp tục tăng cường khả năng của lực lượng tuần duyên Việt Nam cũng như các lực lượng khác để Việt Nam có thể củng cố tuyên bố chủ quyền của mình. Chúng ta cũng cần phải duy trì sự hiện diện và thực hiện quyền tự do hàng hải thường xuyên trên Biển Đông để có thể hậu thuẫn cho Việt Nam cũng như đối với các đối tác khác có chung các suy nghĩ giống nhau”.

Khi Thượng nghị sĩ Markey tiếp tục chất vấn ông Kritenbrink thêm về mức độ Việt Nam coi Hoa Kỳ là một đối tác như thế nào trong vấn đề đối trọng với Trung Quốc, nhà ngoại giao kỳ cựu này đã trả lời: “Việt Nam duy trì mối quan hệ phức tạp nhưng khá quan trọng với Trung Quốc. Cũng giống như hầu hết các nước khác trong khu vực, Việt Nam muốn đa dạng hóa và cân bằng quan hệ trong chính sách ngoại giao. Tôi nghĩ Việt Nam cùng các nước khác hướng tới vai trò lãnh đạo của Mỹ về các vấn đề lãnh hải mang tính sống còn và về đóng góp vào hòa bình và ổn định hay thúc đẩy thịnh vượng của khu vực. Tín hiệu từ những người bạn Việt Nam cũng như các đối tác có chung suy nghĩ rất mạnh”.

Biển Đông từng trở thành chủ đề thảo luận trong cuộc điều trần chuẩn thuận đại sứ Mỹ ở Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ. Đây không phải là lần đầu tiên Biển Đông được nêu lên trong cuộc điều trần chuẩn thuận chức đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Nhưng năm nay, vấn đề Biển Đông dường như đã được mang ra thảo luận nhiều hơn trước. Trong một sự kiện tương tự năm 2014, ông Ted Osius, người sau đó trở thành đại sứ Mỹ ở Hà Nội, cũng nhắc tới tranh chấp lãnh hải này. “Chúng ta có trách nhiệm lớn phải đảm bảo rằng các tranh chấp về lãnh hải và lãnh thổ tại Biển Đông được giải quyết theo luật lệ quốc tế và không phải bằng việc ép buộc hay đe dọa. Thật đáng tiếc, gần đây chúng ta chứng kiến một chuỗi các bước đi đơn phương của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các tuyên bố về lãnh hải và lãnh thổ”, ông Ted Osius cũng đã nói ba năm trước như vậy.


Hợp tác trong các lĩnh vực khác


Ứng viên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho rằng, trong 40 năm qua, mối quan hệ Mỹ-Việt đã trải qua một quá trình chuyển biến sâu sắc. "Nhờ những nỗ lực không ngừng của các chính quyền tiền nhiệm, Quốc hội, cựu chiến binh, cộng đồng doanh nghiệp và không ít thành viên trong cộng đồng hơn 2 triệu người Mỹ gốc Việt, Việt Nam đã trở thành đối tác đáng trân trọng của Mỹ" - ông Kritenbrink khẳng định. Nếu được Quốc hội phê chuẩn, “tôi cam kết sẽ phát triển mối quan hệ Mỹ-Việt trong 5 lĩnh vực ưu tiên: an ninh, thương mại đầu tư, nhân quyền, giao lưu nhân dân và các vấn đề nhân đạo, giải quyết hậu quả chiến tranh”. Phía Mỹ cũng đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam trong việc giải quyết khủng hoảng ở Triều Tiên. “Đặc biệt khác liên quan tới Việt Nam, nước này là một phần của chiến dịch gây áp lực toàn cầu của chúng ta nhằm cô lập và chặn các nguồn ngân quỹ của Bắc Hàn”, Ông Daniel Kritenbrink bổ sung trong cuộc gặp mới đây tại Thượng viện Mỹ.

Trong một diễn biến khác, ngày 3/10/2017, một Hội thảo về pháp luật hình sự và tố tụng tư pháp Việt Nam – Hoa Kỳ cũng đã được tổ chức tại Hà Nội. Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trịnh Xuân Toản, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương của Việt Nam, nhấn mạnh cải cách tư pháp là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Việt Nam để xây dựng một nhà nước pháp quyền và Việt Nam đã ban hành Chiến lược cải cách tư pháp từ năm 2005 với mục tiêu nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh. Phó Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ông Brett Blackshaw đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và tự do cơ bản cho người dân theo Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

Tình hình khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên không làm Mỹ lơi là Biển Đông. Hôm 30/09/2017, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tiến hành một cuộc tập trận thường lệ trong vùng biển mà Bắc Kinh tranh giành với các láng giềng Đông Nam Á, dưới sự theo dõi của tàu chiến Trung Quốc. Trong cuộc thao dượt vừa qua, Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan thuộc hải đội tác chiến chủ chốt của hạm đội 7 cùng với các chiến đấu cơ F-18 tiến hành các hoạt động thường lệ ở Biển Đông. Và cũng như thường lệ, các động thái của hải đội luôn luôn bị Trung Quốc theo dõi khi từ xa, lúc tiến gần. Theo phó đô đốc Marc Dalton, chỉ huy trưởng hải đội, vào lúc máy bay Mỹ thao dượt, hai chiến hạm Trung Quốc xuất hiện trong tầm nhìn. Trong quá khứ, đôi khi chiến hạm Trung Quốc ở trong tầm ra-đa của USS Ronald Reagan trong nhiều ngày liên tiếp.

Trog khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng trong số ra ngày 2/10/2017 nhận định, các cuộc hội đàm Việt-Trung gần đây mang dấu hiệu hòa giải hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn có bức tường lớn ngăn cách giữa Việt Nam và Trung Quốc khi Việt Nam đang tìm cách cân bằng mối quan hệ với cả Bắc Kinh và Washington. "Vì địa thế chiến lược của mình ở châu Á, Việt Nam luôn có một lợi thế trong vai trò cân bằng quyền lực giữa các nước lớn như Trung Quốc, Liên Xô cũ", chuyên gia về Đông Nam Á tại trường đại học Jinan, ông Trương Minh Lượng nói. Tờ báo này nhận định chiến thuật của Hà Nội là gần gũi với Bắc Kinh để đạt lợi thế về kinh tế, nhưng mật thiết Washington về phương diện an ninh. Và điều này sẽ thể hiện rõ tại hội nghị APEC vào tháng 11 năm nay, với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều dự kiến sẽ tham dự. Việt Nam và Hoa Kỳ đang tăng cường hợp tác an ninh đường biển và đang tiến hành tổ chức chuyến thăm của chiếc hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đến Việt Nam. "Một mối quan hệ khăng khít với Hoa Kỳ là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, vì Hoa kỳ là cường quốc duy nhất có đủ khả năng quân sự và động lức chính trị để thách thức những tham vọng chiến lược của Trung Quốc, bao gồm cả Biển Đông", Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về quan hệ quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) từ Singapore đã phân tích như vậy./.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire