Trang

16/11/2017

Quốc hội nảy lửa, dân đứng ở đâu?


Xuân Dương



(GDVN) - Hơn 200 năm sau, các vị đại biểu Quốc hội của chúng ta liệu có “Tả khuynh” hoặc “Hữu khuynh” trong các nhận định của mình?

Tại một số kỳ họp Quốc hội, xuất hiện những cuộc tranh luận giữa các đại biểu mà báo chí gọi là “nảy lửa”.

Chẳng hạn báo Infonet.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông giật tít: “Tranh luận "nảy lửa" tại Quốc hội: Có hay không việc công an đánh cụ Kình?”.

Báo anninhthudo.vn viết: “Tiếp tục tranh luận "nảy lửa" về quy định "luật sư tố giác thân chủ"

Tranh luận “nảy lửa” về chủ trương, đường lối, chính sách, về việc sửa đổi luật hoặc dự thảo các bộ luật là chuyện cần thiết để đảm bảo luật ban hành phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện trong nước.

Tranh luận “nảy lửa” giữa người phê phán hoạt động thực thi và bảo vệ pháp luật và quan chức chính quyền cũng là đại biểu Quốc hội lại là chuyện khác.
Đại biểu Đào Thanh Hải tranh luận với Đại biểu Dương Trung Quốc về vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm trong phiên họp sáng 7/11/2017. (Ảnh: quochoi.vn)


Xin điểm qua một chút về những người “châm lửa” và người 
làm “nảy lửa”:

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đoàn Phú Yên (cử nhân Luật) nêu ý kiến:

Lĩnh vực nào của luật phòng, chống có chương trình phòng ngừa thì kết quả ngược lại;…

Người dân vi phạm nhẹ hay nặng đều bị pháp luật xử lý, cán bộ gây sai phạm nghiêm trọng thì điều chuyển, vẫn an toàn sau lớp vỏ nghiêm túc kiểm điểm - rút kinh nghiệm, chịu trách nhiệm tập thể.

Điều này dễ làm cho dân hiểu rằng áp dụng luật dành cho dân khác với cán bộ”. [1]

Phản bác ý kiến của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đã:

Quy kết một chiều trước những hiện tượng cá biệt, không phổ biến, để đánh giá phủ nhận cả một chính sách pháp luật lẫn thực tiễn thành quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm…”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa là luật sư, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng là Tiến sĩ Luật kinh tế, đại biểu Nguyễn Chiến là cử nhân Luật quốc tế đều cùng đề cập đến các tồn tại, hạn chế trong hành pháp và tư pháp, đặc biệt là tình trạng oan, sai xảy ra trong quá trình tố tụng.

Ý kiến của các vị nêu trên đã nhận được phản ứng “nảy lửa” của các đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội), Hoàng Văn Liên, Nguyễn Hữu Chính (cùng là Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội).

Nhận xét về tranh luận trong kỳ họp lần này, báo Vietnamnet.vn đăng ý kiến của tác giả Đinh Duy Hòa:

Dường như có ranh giới ở đây. Vượt quá là không chấp nhận. Tiêu cực ư, cũng có. Tham nhũng cũng có.

Nói chung là đều có tiêu cực, yếu kém giống như các cơ quan hành chính khác.

Nhưng nếu nêu như các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Trương Trọng Nghĩa... thì là quá, là vượt rào và cần phải xem lại, thậm chí bác bỏ”. [2]

Người viết đồng tình với phát biểu của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội):

"Tại diễn đàn Quốc hội này thì trước tâm tư nguyện vọng của cử tri gửi gắm, các vị đại biểu Quốc hội nắm bắt được bằng nhiều kênh khác nhau, đại biểu có quyền và có trách nhiệm phản ảnh với Quốc hội". [3]

Nói như bà Trần Thị Quốc Khánh, cử tri gửi gắm tâm tư nguyện vọng tới đại biểu Quốc hội để phản ánh tại nghị trường, thế những người phản đối gay gắt các “tâm tư nguyện vọng của cử tri” có phải cũng đứng về phía cử tri?

Và không thể không nêu câu hỏi, vì sao tác giả bài báo trên lại dùng khái niệm “vượt rào” khi đề cập đến ý kiến tại nghị trường của một số đại biểu Quốc hội?

Vì sao “cần phải xem lại, thậm chí bác bỏ” ý kiến của họ nếu biết rằng gần 96% đại biểu Quốc hội là Đảng viên?

Để rõ thêm tâm tư nguyện vọng của cử tri, xin trích ý kiến của bạn đọc Vũ Văn Sử gửi tới báo Giaoduc.net.vn:

Nhưng liệu trên diễn đàn Quốc hội những Đại biểu của Quan có đồng tình không lại là 1 vấn đề.

Những Đại biểu của Dân cứ nêu vấn đề của Dân là lập tức một số Đại biểu của Quan phản ứng dập tắt ngay.

Thế cũng là mừng rồi vì chí ít tiếng nói của Dân cũng đã tới được Quốc hội”. [4]

Thế mới thấy, mong mỏi của người dân rất bình thường, chỉ cần tiếng nói của dân tới được Quốc hội đã mừng rồi!

Nếu những tiếng nói đó được xử lý thỏa đáng chắc chắn niềm tin của người dân sẽ trở lại.

Vậy những cuộc tranh luận nảy lửa tại Quốc hội sẽ góp phần củng cố niềm tin của người dân hay sẽ chỉ mang lại cho dân chúng những băn khoăn không đáng có?

Tại Nghị viện Pháp thời kỳ cách mạng Pháp cuối thế kỷ 17 (1789 - 1799), các nhà cách mạng mang tư tưởng canh tân, chống bảo hoàng tập trung ngồi phía bên trái của chủ toạ, họ được gọi là gọi là “cánh tả” (leftwing).

Những người thuộc dòng dõi quý tộc, bảo thủ ủng hộ chế độ quân chủ tập trung ngồi bên phải chủ tọa và được gọi là “cánh hữu” (rightwing).

Có ý kiến cho rằng những người mang tư tưởng “Tả khuynh” phủ nhận sự tích luỹ về lượng, muốn có ngay sự thay đổi về chất, còn “Hữu khuynh” lại không dám thực hiện sự thay đổi căn bản về chất khi vật chất đã biến đổi vượt quá giới hạn.

Hơn 200 năm sau, các vị đại biểu Quốc hội của chúng ta liệu có “Tả khuynh” hoặc “Hữu khuynh” trong các nhận định của mình?

Nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên nước ta ngày nay, Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 liệt kê 27 biểu hiện tập trung vào ba nhóm chính:

1. Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 

2. Biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống; 

3. Biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. 

Đánh giá trong Nghị quyết là: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Với nhận định của Trung ương về một bộ phận không nhỏ, trong đó có cả cán bộ cao cấp “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, với thực tế đã có người phạm tội phải đưa ra khỏi Quốc hội, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, liệu có xảy ra tình trạng một số người thuộc diện “không nhỏ” - theo nhận định của Trung ương - lọt vào Quốc hội nhiệm kỳ này?

Nêu câu hỏi này bởi vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại công ty L&M Việt Nam” có liên quan đến một vị hiện đang là đại biểu Quốc hội.

Báo Vietnamnet.vn trong bài “Chủ mưu 'rút ruột' tiền công ty vô can, kế toán trưởng lãnh hậu quả” đăng ngày 23/5/2017 viết:

Vai trò của ông Yee Lip Chee (Tổng Giám đốc công ty L&M Việt Nam) được cơ quan tố tụng “lờ” đi”.

Vụ việc mà Vietnamnet.vn gọi là “lờ đi” ấy liên quan đến cơ quan điều tra và đặc biệt là vị Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vị này hiện nay đang là Viện trưởng, đại biểu Quốc hội.

Phải chăng chính nhờ sự “lờ đi” của cơ quan tố tụng mà bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết bị giam giữ tới hơn 4 năm vẫn chưa thành án?

Và có phải cũng chính sự “lờ đi” ấy đã khiến Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phải quyết định “hủy án (sơ thẩm) và khởi tố ông Yee Lip Chee ngay tại tòa”.

Cũng nhờ sự “lờ đi” ấy mà bị cáo người nước ngoài Yee Lip Chee đã an toàn rời khỏi Việt Nam và “Đến nay, hơn một năm qua ông Yee Lip Chee vẫn bình yên vô sự !?” - như kết luận của bài báo trên Vietnamnet.vn.

Điều mà bài báo gọi là “lờ đi” ấy, ngôn ngữ pháp luật gọi là “Bỏ lọt tội phạm”, và đã quy thành tội trong điều điều 369 Bộ Luật Hình sự “Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”.

Tòa án cấp cao đã hủy án sơ thẩm và khởi tố bị can mới, hàng loạt bài báo trên hầu hết các báo điện tử đã đề cập đến vụ án, vậy hai ông Hoàng Văn Liên, Nguyễn Hữu Chính -  Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có biết những diễn biến tại cơ quan tố tụng Thành phố Hồ Chí Minh trong vụ án này?.

Điều đáng nói là hai ông có biết vị đại biểu Quốc hội cùng ngồi với mình trong nghị trường lại là người đóng vai trò chính của sự “lờ đi’ ấy?

Nếu biết thì vì sao các ông chưa lên tiếng mà để cho kẻ chủ mưu người nước ngoài nhởn nhơ còn mọi tội lỗi lại đổ lên đầu bị cáo là một phụ nữ người Việt?

Với vụ án này, ý kiến của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền “Người dân vi phạm nhẹ hay nặng đều bị pháp luật xử lý, cán bộ gây sai phạm nghiêm trọng thì điều chuyển, vẫn an toàn sau lớp vỏ nghiêm túc kiểm điểm - rút kinh nghiệm” có nên sửa là “Người dân vi phạm nhẹ hay nặng đều bị pháp luật xử lý, cán bộ gây sai phạm nghiêm trọng thì lại lên chức, trở thành đại biểu Quốc hội”?

Thiết nghĩ tranh biện tại các diễn đàn là chuyện bình thường, tranh biện là để đi tới chân lý còn tranh biện để bảo vệ cho cá nhân, đơn vị mình liệu có phải là cách nên chọn?

Trong bài “Quan sát nghị trường: Nảy lửa”, báo Tuoitre.vn viết: “Có một điểm khá thú vị trong chủ đề này: các đại biểu bị "phản kích" đều là luật sư hoặc từng làm nghề luật sư, các đại biểu dùng quyền tranh luận để "phản kích" đều đang là lãnh đạo trong ngành tòa án hoặc đã nhiều năm làm thẩm phán”. [5]

Có thể Tuoitre.vn viết còn thiếu, bởi trong số những người “phản kích” cũng có cả những người không trong ngành Luật như nhà sử học Dương Trung Quốc khi ông nêu ý kiến trước phát biểu của Phó Giám đốc Công an Hà Nội Đào Thanh Hải:

Không nên biện hộ, biện bạch. Tốt nhất là các đồng chí nên công khai nói sự việc ấy để người dân bình luận”.

Nếu việc “nảy lửa” tại nghị trường mang lại ích lợi cho nhân dân thì đáng được phát huy, còn nếu không thì có nên xem xét lại?

Để tránh việc “nảy lửa” mang lại kết quả tiêu cực, có nên đưa quá nhiều người thuộc khối hành pháp vào cơ quan lập pháp?

Có nên để tồn tại hiện tượng đại biểu Quốc hội “đánh trống” nơi nghị trường và “thổi còi” nơi công sở?

Và cuối cùng, khi mà hai phía cứ tiếp tục “nảy lửa” với nhau như vậy, dân đứng ở đâu?


Tài liệu tham khảo:







Xuân Dương



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire