Trang

24/11/2017

Tiến sĩ dỏm và niềm tin bị nợ


Xuân Dương
 

(GDVN) - Dân gian có kinh nghiệm sống chung với người bị ghẻ rất dễ bị “ghẻ lây”, liệu “sống chung với dỏm” có bị “dỏm lây”?

Nói đến nợ nhiều người nghĩ ngay đến nợ công với con số nhiều nghìn tỷ đồng, đến câu trả lời còn nợ của một số quan chức trước chất vấn của đại biểu Quốc hội, đến nợ tiêu chuẩn mà không ít quan chức được “xí xóa” khi cấp trên ký quyết định bổ nhiệm.

Tất cả những món nợ đó tạo nên một món nợ khó đòi là “nợ niềm tin” với dân của bộ phận không hề nhỏ những ông chủ, những ông “vua con” nhưng luôn “khiêm tốn” xưng là công bộc.

 
Ảnh minh họa, nguồn: Vov.vn


Câu chuyện ông Cục trưởng Hàng hải Nguyễn Xuân Sang nợ tiêu chuẩn chuyên viên chính và nợ luôn cả “bằng tiến sĩ thật” nhưng vẫn được nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng ký bổ nhiệm có thể lạ với những người không “nằm trong chăn” nhưng có vẻ “rất đỗi quen thuộc” với một vài đồng chí cán bộ trung, cao cấp cỡ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thứ trưởng, thậm chí là Ủy viên Trung ương.

Chuyện bằng cấp của nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quangnguyên Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh có lẽ chẳng cần nhắc lại vì ai cũng nhớ.

Xin nêu thêm vài trường hợp khác:

Ông Nguyễn Văn Ngọc, nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Yên Bái chỉ mất có 6 tháng là thành tiến sĩ của Đại học Nam Thái Bình Dương, ngôi trường này được giới học thuật đặt tên là “trường ma” vì ngành kinh doanh chính (chứ không phải đào tạo) là bán bằng tiến sĩ.

Ông Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy kiêm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn được Sở Tài chính tỉnh này chi 386 triệu đồng để “học tiến sĩ”.

Câu chuyện của ông Toàn được “Báo chí khai thác thông tin rất đậm nét, tạo sự quan tâm của dư luận” - theo trần tình của ông.

Đáp trả ý kiến cử tri Bình Định ngày 4/5/2017, ông nói: “Như vậy, nói tôi sử dụng bằng 'dỏm' là không phải.

Nhưng do tôi có thiếu sót không tìm hiểu kỹ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà cụ thể ở đây là Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, nên bằng của tôi dù là thật, có giá trị pháp lý ở nước bạn nhưng chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta công nhận". [1]

Ông Lê Kim Toàn còn khẳng định với cử tri Bình Định:

Với tư cách là đại biểu Quốc hội được bà con cử tri bầu, tôi xin đảm bảo và hứa là tôi không làm gì trái với lòng mình, không làm gì dối Đảng, dối nhân dân”.

Không biết ông có làm gì “dối Đảng, dối nhân dân” nhưng vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại phiên họp thứ 14 đã “Yêu cầu Ban Thường vụ tỉnh Bình Định và ông Lê Kim Toàn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc về những khuyết điểm có liên quan”.

Không phải chỉ hai ông Phó Bí thư tỉnh mà còn nhiều ông bà khác không hề sử dụng “bằng dỏm”, bằng của các vị ấy “thật 100%”.

Chẳng qua chỉ tại “chuẩn tiến sĩ” nước ngoài mà các vị ấy đạt được còn lâu mới sánh ngang “tiến sĩ thật” do nước mình đào tạo, chẳng hạn vô số tiến sĩ do cái “lò ấp” mà dư luận từng sửng sốt khi Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Không nói miền núi như Yên Bái hay xa xôi như Bình Định, ngay tại Thủ đô, dư luận hẳn chưa quên chuyện một ông khi còn là Phó Giám đốc sở “không hề nhờ vả” nhưng cấp dưới lại “tự ý” đi thi hộ ông một môn học thuộc chương trình chuyên viên chính tại Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (hệ tại chức).

Vì cái sự “sốt sắng vô bổ” của cấp dưới mà ông mang tiếng, phải rời nhiệm sở sang làm lãnh đạo quận.

Nói “sốt sắng bô bổ” vì mấy ai học tại chức mà bị trượt, bị cho thôi học.

Thế nên đã là người Việt, ai chẳng biết câu thành ngữ hiện đại “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”!

Có điều chắc chắn là sau đó ông đã tự thi và đạt yêu cầu nên sau khi tốt nghiệp tại chức hệ “Đào tạo cán bộ”, ông lại quay về làm Giám đốc.

Báo chí chả một thời rộn ràng chuyện con ông Bí thư tỉnh nọ thiếu tiêu chuẩn nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Giám đốc sở khi mới 30 tuổi đó sao.

Mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng:

Việc tuyển chọn cán bộ, chúng ta phải áp dụng một cách rộng rãi, công khai, minh bạch, dân chủ và đề nghị nên xem xét và xử lý đối với những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc tham mưu việc không đúng tiêu chuẩn, điều kiện thì phải đưa ra và rút lại những quyết định đã bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình đối với trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời gian vừa qua”.[2]

Nghe ông Bộ trưởng nói thế ai chẳng hy vọng, nhưng liệu Bộ trưởng mới có đủ quyết tâm bỏ sang bên những phát biểu của những vị thứ trưởng kỳ cựu, rằng việc bổ nhiệm “ông 30” ở Quảng Nam “được thực hiện đúng quy trình thủ tục, không có gì trái quy định”?

Liệu Bộ trưởng Nội vụ có nên xem xét, yêu cầu bên Công an sửa lại thông báo trên website của Bộ, rằng:

“Việc bổ nhiệm thượng tá Võ Đình Thường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Đồng Nai là đúng quy trình”? [3]

Nếu bổ nhiệm Thượng tá Thường trở lại cảnh sát giao thông sau khi bị kỷ luật đưa khỏi lực lượng này là “đúng quy trình”, là hoàn toàn trong sáng, không có gì khuất tất thì việc tỉnh Đồng Nai vội vã chuyển Thượng tá Võ Đình Thường - từ phòng cảnh sát giao thông đường bộ sang làm Phó Phòng cảnh sát quản lý về trật tự xã hội (PC64) Công an tỉnh có phải là không đúng quy trình?

Và còn một câu hỏi khác, hầu hết các bài báo đều nêu việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam là không đúng với quy định do Bộ Nội vụ và chính Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

Vậy Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân có thể yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải hủy quyết định số 2468 do nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng ký bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang làm Cục trưởng?

Để minh chứng cho sai phạm của người ký Quyết định số 2468, xin trích kết luận mà báo Infonet.vn nêu:

Tại thời điểm bổ nhiệm ông Sang làm Cục trưởng Hàng hải Việt Nam thì ông Sang không đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ chuyên viên chính trở lên.

Điều này được thể hiện cứng tại khoản 3, điều 4, mục 2 Tiêu chuẩn đối với Vụ trưởng và tương đương của Quyết định 3688 ngày 15/11/2013 của Bộ Giao thông Vận tải về Quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải”. [4]

Nếu Bộ Nội vụ chưa (hoặc không) thể vô hiệu hóa quyết định số 2468 của Bộ Giao thông Vận tải thì phát biểu trước Quốc hội “không đúng tiêu chuẩn, điều kiện thì phải đưa ra và rút lại những quyết định đã bổ nhiệm” của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phải hiểu thế nào?

Từ năm 2002, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo làm cuộc tổng kiểm tra phát hiện cỡ vạn người dùng bằng “rởm”, đến nay “độ rởm” về văn bằng của cán bộ công chức đã có thể tìm thấy từ những cán bộ, đảng viên cấp phường, xã đến Phó Bí thư Tỉnh ủy, thậm chí là Ủy viên trung ương Đảng - như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về trường hợp nguyên Ủy viên trung ương, nguyên Bí thư Đà Nẵng.

Loài người chưa có khả năng chống lại thiên tai như động đất, núi lửa, sóng thần, bão lũ,… vì thế người dân Nam Bộ đã thay đổi tư duy “chống lũ” thành “sống chung với lũ”.

Thế còn người dân cả ba miền Bắc, Trung, Nam có cần thay đổi tư duy để “sống chung với dỏm” - tức là sống chung với bộ phận khá đông đảo quan chức sử dụng bằng cấp “dỏm”?

Dân gian có kinh nghiệm sống chung với người bị ghẻ rất dễ bị “ghẻ lây”, liệu “sống chung với dỏm” có bị “dỏm lây”?

Nếu không có chuyện lây “dỏm” thì vì sao phải “Nhanh chóng xóa "rau 2 luống, lợn 2 chuồng, một để ăn một để bán" như Vtc.vn ngày 19/10/2017 kêu gọi?

Một khi ông có thể dùng “bẳng dỏm” để nộp cho tổ chức, để thăng quan, tiến chức thì tôi cũng dùng “rau dỏm, lợn dỏm” để bán kiếm tiền, ông “tám lạng” thì tôi “nửa cân”!

Nói như ngôn ngữ sau lũy tre làng thì đó là “cái lý của người Mèo”.

(Xin đính chính ngay là hiện nay nước ta không có dân tộc Mèo mà chỉ có dân tộc H’Mông, cũng như không có người Mán, Thổ mà chỉ có người Dao, Tày,…).

Chừng nào các cơ quan quyền lực Nhà nước còn chưa làm ra nhẽ chuyện “bằng dỏm” thì chừng đó chuyện kêu gọi xóa bỏ "rau 2 luống, lợn 2 chuồng” sẽ vẫn như câu chuyện của những người Thổ “thích đùa”.

Liệu hy vọng “không đúng tiêu chuẩn, điều kiện thì phải đưa ra và rút lại những quyết định đã bổ nhiệm” có trở thành hiện thực hay chỉ là hư vọng không chỉ với những “Ông giám đốc 30”, ông Cục trưởng bằng tiến sĩ “lệch chuẩn” mà còn không ít “Ông 30”, “Bà 30” khác đang cố sức giành giật danh hiệu “đày tớ nhân dân”?


Tài liệu tham khảo:






Xuân Dương



Nguồn: Theo GDVN




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire