Trang

12/01/2018

Nhiệm vụ không thể thực hiện




Manh Kim
Một nghiên cứu về tội phạm kinh tế tại Bắc Việt thời chiến tranh (*) cho biết, tình trạng tham nhũng của cán bộ lẫn quân đội từng là vấn đề được xem là sống còn. Một báo cáo cho thấy, những năm 1960, “tham nhũng là vấn đề xã hội nghiêm trọng nhất Bắc Việt và đa số cán bộ đều nhận hối lộ”. Đáng chú ý là nhiều con cái cán bộ đã dính vào các vụ trộm cắp. “Có 1.500 thiếu niên móc túi ở Hà Nội. Hầu hết là con cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao. Những thiếu niên này liên quan 30-40% các loại tội hình sự như tội phạm chuyên nghiệp”…



Con cái cán bộ bây giờ không chỉ móc túi ngoài phố và tham nhũng ngày nay không phải hối lộ vặt. Một ghi nhận chi tiết (GAN Business Anti-Corruption Portal, 9-2017) – tổng hợp từ báo cáo World Bank, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Minh bạch Quốc tế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới… - đã cung cấp một bức tranh ảm đạm về tham nhũng Việt Nam. Tham nhũng mọi nơi, mọi lĩnh vực, mọi ban ngành, mọi tổ chức… Các định chế kiểm soát trật tự xã hội và luật pháp lại là nơi xảy ra tham nhũng đặc biệt tồi tệ. Trừ các bản án chính trị và tội phạm kinh tế quốc gia, gần như chẳng có án hình sự nào là không thể “chạy”.

Cảnh sát là thành phần ăn hối lộ trơ tráo nhất. Cảnh sát không chỉ “ăn dân”. Cảnh sát “ăn thịt” cả “đồng loại” cảnh sát. Trước khi có thể chạy ra đường “kiếm ăn”, người ta phải “chạy” để trở thành cảnh sát công lộ. Dịch vụ công cũng là nơi mà hoạt động hối lộ-tham nhũng nhộn nhịp. Các hồ sơ hợp thức hóa nhà đất, kiện cáo tranh chấp đất đai, xin giấy phép thành lập công ty, giấy phép xây dựng… đều không thể được giải quyết nhanh hoặc thậm chí không bao giờ được giải quyết nếu không hối lộ. Tương tự cảnh sát, hải quan và nhân viên thuế cũng là những kẻ ăn bẩn nhất. Rất nhiều doanh nghiệp thậm chí đưa phần hối lộ vào “chi phí sản xuất” như là phần không thể thiếu trong quá trình kinh doanh dịch vụ hoặc sản xuất.

Báo cáo PCI 2016 (**) công bố tháng 3-2017 cho biết, có đến 66% công ty phải hối lộ cho quan chức địa phương. Khoảng 9-11% doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra PCI từ 2014-2016 cho biết, tiền đấm mõm cho bọn “thối móng tay” chiếm đến hơn 10% tổng doanh thu! Cũng theo PCI 2016, trong 1.550 công ty có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI), có gần phân nửa (49%) phải trả “phí” khi làm thủ tục thông quan; 25% nói rằng họ phải dúi phong bì để có giấy phép đầu tư và 13,6% phải trả tiền “hoa hồng” khi làm làm hồ sơ giành thầu nhà nước. Một sự mỉa mai là chính các cơ quan liên quan thanh tra lại là những nơi ăn kinh khủng nhất. Theo PCI, năm 2016, gần ½ doanh nghiệp phải hối lộ khi có đoàn thanh tra đến “làm việc”…

Đứng thứ 113/176 quốc gia trong bảng chỉ số tham nhũng mới nhất do tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng, tham nhũng ở VN không còn là hiện tượng. Nó không phải là vấn đề cá nhân mà là vấn đề tổ chức. Nó không phải là vấn đề Đinh La Thăng mà là vấn đề cơ cấu tổ chức của hệ thống cai trị, giúp tạo điều kiện đẻ ra những Đinh La Thăng. Tham nhũng cũng chẳng là những câu chuyện hối lộ mờ ám. Nó lộ mặt công khai, ở những tên buôn chổi đót, ở những gương mặt có tên có tuổi cụ thể - như Hoàng Thế Liên, khi còn là thứ trưởng Bộ tư pháp, đã bị trộm đột nhập vào phòng làm việc tại trụ sở Bộ, lấy đi khoảng 245 triệu đồng cùng 2.000 USD; như giám đốc Sở tài chính Kon Tum Đặng Xuân Thọ bị trộm 65 lượng vàng; như giám đốc Sở tài nguyên-môi trường TPHCM Đào Anh Kiệt bị trộm 1 tỷ đồng và hơn 30.000 USD ngay tại phòng làm việc, số tiền mà Kiệt nói rằng đương sự “tích cóp được trong suốt 37 năm làm việc” chứ không phải (có thể) là tiền hối lộ trong một tháng hay vài tháng mà đương sự còn để ở văn phòng chưa kịp mang về nhà.

Những vụ tương tự được tường thuật giới hạn trong “phạm vi” hình sự mà chẳng bao giờ được mở rộng điều tra dưới góc độ tham nhũng. Có những vụ việc mà mức độ “thách thức” sự kiên nhẫn của người dân rất cao, như trường hợp Trương Công Chiến. Chỉ là một tên “quan” thuộc loại “vớ vẩn” (Đội trưởng đội Đăng ký trước bạ thuộc Chi cục Thuế quận Bình Tân), Chiến đã bị trộm “12 sổ tiết kiệm trị giá 5 tỷ đồng, 6.000 USD, 10 lượng vàng SJC, một bộ nữ trang trị giá 10 lượng vàng 24k, hai bông tai hột xoàn, một nhẫn kim cương”! Thanh tra chống tham nhũng đâu? Sao không “vào cuộc”?

Không bao giờ có thể chống tham nhũng nếu không có minh bạch. Tháng 10-2017, Ban bí thư (trung ương) ban hành “hướng dẫn khung về các nội dung phải công khai để nhân dân biết”, bao gồm: “Công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; 19 điều quy định đảng viên không được làm…”. Cái quái quỷ “27 biểu hiện suy thoái” gì, là chuyện nội bộ đảng, mà có lẽ không cần “công khai để nhân dân biết”.

Có những điều nhân dân muốn biết nhưng chưa bao giờ có thể biết rõ ràng: tháng 9-2017, Phó tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết, “năm 2016 có 1.113.422 người kê khai tài sản, 77 người được xác minh, 3 trường hợp thiếu trung thực, trong đó có cả cán bộ cao cấp”. Tại sao có hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản mà chỉ 77 người được xác minh? Ba trường hợp “thiếu trung thực” là ai? Trong số hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản, có Nguyễn Phú Trọng không? Có vô số điều nhân dân muốn biết nhưng không thể biết, chẳng hạn trường hợp em chồng của Kim Tiến dính vào vụ tham nhũng VN Pharma được “xử lý” thế nào rồi?

Chẳng bao giờ có thể chống tham nhũng thành công nếu báo chí không được phép tự do điều tra. Cho đến thời điểm này, VN chưa hề có cái gọi là “phóng viên điều tra”. Báo chí chỉ tường thuật theo hồ sơ được mớm sẵn. Không thể chống tham nhũng nếu xử lý những trường hợp cá nhân mà không thay đổi hệ thống tổ chức. Và quan trọng nhất, thay đổi cả Hiến pháp, trong đó có vấn đề quản lý và sở hữu đất đai-tài nguyên.

“Cuộc chiến” của Nguyễn Phú Trọng là nỗ lực tàn hơi để vực dậy niềm tin cho một cái đảng tàn hơi. Người dân trông chờ một sự kiến thiết quốc gia của một nhà nước minh bạch chứ không chỉ là cuộc chỉnh đốn nội bộ đảng mà từ thập niên 1960 “đảng” đã nhìn thấy những “hạn chế” khiến đảng bị lợi dụng như thế nào. Một bài viết của tác giả Phạm Hưng Quốc đăng trên trang Viet-Studies (3-1-2018) gọi Nguyễn Phú Trọng là “hề cung đình”. Cách gọi này có phần thái quá. Trọng không đang múa may quay cuồng để làm trò cười thiên hạ. Trọng đang rất quyết liệt và chơi đến cùng.

Có lẽ hình ảnh gần hơn với Trọng là một ông già đang cố vá săm lốp cho chiếc xe đạp Phượng Hoàng thập niên 1960. Ông không muốn sắm xe mới. Ông thích chiếc xe cũ, có nguồn gốc sản xuất ở Trung Quốc. Trên chiếc xe cọc cạch ấy, ông muốn dẫn dắt đất nước đi trên con đường mà chính ông cũng không biết nó đưa đến đâu. Bất luận thế giới đang tiến nhanh như thế nào, Trọng vẫn thong thả trên chiếc xe cọc cạch. Trong khi đó, ông không còn nhiều thời gian cho sứ mạng bất khả thi của mình. Di sản của ông sẽ chẳng là gì ngoài một đất nước tan nát, nếu ông không tận dụng cơ hội này để đập bỏ hệ thống mục ruỗng của ông và thực hiện một cuộc canh tân toàn diện.


(*) “Moonshiners, Black Marketers, and Thieves among Us”: Economic Crime in Wartime North Vietnam, tác giả Harish Mehta, chuyên san The Historian (Volume 79, Issue 3, Fall 2017, 5-9-2017, trang 523–559)

(**) PCI – “Chỉ số năng lực cạnh tranh các tỉnh”, do Phòng thương mại và công nghiệp VN và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ phối hợp thực hiện.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire