Trang

15/01/2018

Nước mắt Đinh La Thăng


Nước mt Đinh La Thăng


Lần đầu tiên, đông đảo người dân được chứng kiến cảnh sụt sùi, nước mắt vắn dài của một quan chức cộng sản cao cấp khi bị đẩy ra trước vành móng ngựa: Ông Đinh La Thăng. Những giọt nước mắt của ông Đinh La Thăng trước tòa trong phiên xử 13/1/2018 khiến cho chúng ta nhớ tới một câu ngạn ngữ của phương Tây: Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ…



Đinh La Thăng, nguyên ủy viên BCT, nguyên Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh,nguyên Phó Ban Kinh tế TW, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam ( PVN), nguyên Phó bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế…một yếu nhân của Đảng.
Đinh La Thăng là loại can phạm VIP nhất trong hàng ngũ của Đảng từ trước đến nay bị buộc phải ra Tòa. Trước đây một số quan chức của Đảng từng phải hầu tòa như Bùi Quốc Huy, Trần Mai Hạnh…nhưng lại sụt sùi nhỏ giọt lệ đài trang thì đây là lần đầu tiên người dân được chứng kiến quan chức Đảng khóc…
Trước Đinh La Thăng có cụ Hồ khóc về những lầm lỗi của cải cách ruộng đất và ông Nguyễn Phú Trọng khóc vì không bắt được sâu !
Đinh La Thăng là lớp thanh niên được đào luyện trong nhà trường XHCN, tốt nghiệp được bố trí về công trường thủy điện Sông Đà làm kế toán; Do năng lực và khả năng tự thể hiện mình, tự thân vận động, Đinh La Thăng được bầu làm Bí thư đoàn của Tổng Công ty Sông Đà, và từ cái nôi này mà Đinh La Thăng vươn lên…
Từ trước đến nay, phong trào đoàn, cán bộ trưởng thành trong môi trường Đoàn TNCS được dùng làm nơi tôi luyện, được coi là nơi chọn cánh tay và đội hậu bị của Đảng. Đinh La Thăng coi là một nhân tố, một hạt giống nảy mầm đắc địa gặp thời, gặp vận, gặp chủ…như là những nhân tố để được trọng dụng, thi thố tài năng…
Có một nguồn tin lan trên mạng rất lâu, người viết chưa có dịp kiểm chứng: Đinh La Thăng có một chỗ dựa quan trọng; vợ Đinh La Thăng là em vợ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…
Thế nhưng qua phiên tòa hôm qua, qua những lời tự bào chữa và qua 2 lần sụt sùi trước tòa dư luận thấy chất nam nhi, quân tử, đại ca của Thăng đã tiêu tán nhanh chóng. Dân gian vẫn có câu: Có gan ăn muống, có gan lội hồ; Có gan ăn trộm, có gan chịu đòn; Dám làm dám chịu trách nhiệm và trả giá cho trách nhiệm mà mình gánh vác, gây ra…
Trước Tòa, Thăng đã hiện nguyên hình là kẻ “miệng hùm gan sứa”, đã nhỏ những “giọt lệ đài trang” khi thấy án tù đã sát nách. Những giọt nước mặt sụt sùi của 1 cán bộ cao cấp của Đảng, được Đảng tin tưởng, đào luyện, dìu dắt và trưởng thành nhanh làm cho chúng ta không thể không liên tưởng tới khí tiết của những đảng viên CS tiền bối như Nguyễn Lương Bằng, Phạm Hùng, Xuân Thủy, Trần Hữu Dực, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Trần Độ…
Rất nhiều người vẫn còn nhớ những câu thơ đầy khí tiết của Hoàng Văn Thụ: Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành; Một Phạm Hùng với những dòng hồi ức viết trong xà lim án chém kể về hình ảnh cuối cùng của Hoàng Văn Thụ hiên ngang, bình thản khi bị giải ra pháp trường: “Chúng tôi dán mắt vào khe cửa nhìn theo dáng gày gò mảnh khảnh của anh Thụ: Các anh ở lại, tôi đi…Thế là anh Thụ phải đi rồi…”
Một Xuân Thủy viết nên những câu thơ hào sảng khi bị giam trong nhà giam đế quốc: “ Này này đế quốc biết hay chăng; Người đã già nua ta trẻ măng”… Một Trần Hữu Dực luôn ở tư thế: “Bước trên đầu thù” mặc dù bị cùm chân, cùm tay, ăn ỉa một chỗ…
Còn Trần Độ, là người dám đứng ra bốc cứt ăn trước lời thách của cai ngục Sơn La...
Còn Đảng cộng sản với một khách VIP mới bị giam chưa đầy một tháng mà nước mắt đã nhạt nhòa, vắn dài khi đứng trước tòa tự bào chữa cho những hành vi tự mình vi phạm pháp luật.
Đây là những giọt nước mắt theo người viết bài này khó tin là chân thành mà đây vẫn là hành vi đóng kịch, chạy tội. Bởi cái nước mắt nhạt nhòa vắn dài của Thăng không do sự ân hận về những hậu quả nghiêm trọng do hành vi cố ý của mình gây ra mà chẳng qua do anh ta cảm thấy khổ nhục vì cảnh tù tội chưa từng phải chịu đựng…
Để lấy được lòng thương cảm của Đảng và những ai nhẹ dạ cả tin: Đinh La Thăng đã kể về cảnh phòng giam 3-4 người chung nhau trong phòng khoảng 7 m2; Một phòng giam chuẩn theo chế độ tù hiện nay…
Người viết bài này, từng ở phòng giam như thế. Đó là loại phòng giam ánh sáng được giảm thiểu tối đa, chỉ để tù nhìn nhận ra mặt nhau, đọc viết một cái gì là hơi khó. Phòng được bố trí 2 giường, thực chất là 2 bệ xi măng rộng 0,8 m dài quãng 2,4; ở giữa là lối đi. Điều Thăng đã thuật lại chuyện này trước Tòa là xác thực. Kế bên 2 cái giường, dân tù quen gọi là “ cái mà” một bên là bể nước chứa được 40-50 cm3 nước; còn bên kia lái cái hố xí xổm…
Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Nguyễn Hữu Vinh, Mẹ Nấm, Cù Huy Hà Vũ, Trần Thị Nga, Hải Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức, Bọ Lập…đều đã trải nghiệm loại tiện nghi đó, nhưng ra Tòa không một ai khóc thân vì chuyện đó cả…
Thăng khóc bởi Thăng từng sống cuộc sống vương giả, giờ đây phải nằm co ro, tắm rửa bằng nước lạnh trong cái tiết trời 10 độ chắc bắt đầu ngấm và hiểu được kiếp nhân sinh của cảnh tù tội…Còn khó tin nước mắt của Thăng do sự ân hận, khóc cho những hậu quả của hành vi cố ý làm trái do mình gây ra.
Trước Tòa Thăng khéo léo tự bào chữa rằng cái sự cố ý làm trái pháp luật của mình là do nóng vội, là do cái tính quyết liệt, ham công tiếc việc phổi bò do cha sinh mẹ đẻ của mình gây ra.
Thăng lờ đi cái chuyện cái tính quyết đoán, độc đoán, gia trưởng của mình đã gây tai họa cho hàng loạt cấp dưới, trên dưới vài chục người phải vào tù vì làm theo lệnh Thăng. Và trước đây nếu không nghe Thăng, chống Thăng coi chừng phải đi ăn mày. Một thuộc cấp của Thăng đã khai trước Tòa rằng từng bị Thăng dọa: Không làm thì biến đi…Những Nguyễn Quốc Khánh, Phùng Đăng Thực chắc chắn giờ này cũng đang cắn răng chịu đựng vì bị Thăng kéo vô tù cùng cả dây.
Có điều hệ lụy của cái hành vi cố ý làm trái của Thăng cùng với hậu quả nhãn tiền gây ra cho nhà nước, cho nhân dân phải gánh chịu; Điều này Thăng làm tìm cách lờ đi, né tránh?
Đó là việc chọn PVC một nhà thầu không đủ năng lực, đang đứng bên bờ vực của sự phá sản, nợ nần, đứng đầu là Trịnh Xuân Thanh một kẻ với trình độ viết chữ Việt còn lỗi chính tả đầm đìa; nghĩa là chưa thoát nạn mũ chữ; bằng đại học thì dư luận cho là bằng chạy, bằng mua; đứng ra chỉ huy thi công một dự án nhà máy nhiệt điện với dự toán ban đầu 1,7 tỷ USD.
Hiện tại giá của dự án đã vượt qua số liệu ban đầu này vì thời gian kéo dài thêm 4 năm may ra mới hoàn thành ? Dự án khởi công 2011, dự kiến hoàn thành 2014 nhưng đến cuối năm 2017 mới hoàn thành được 80 % công việc xây lắp. Đó là những thông tin được các bị cáo khai trước tòa.
Đinh La Thăng khai trước Tòa là PVC đã từng liên doanh với LILAMA lắp đặt một công trình nhiệt điện đã giảm giá thành 100 triệu USD nên mạnh dạn đứng ra nhận thầu một mình. Đó là do liên doanh với một đơn vị có năng lực và có kinh nghiệm. Liệu cái nhà máy điện Thái Bình 2 này do PVC đứng ra xây lắp khi hoàn thành có phát ra điện, phải đắp chiếu, sản sinh một thứ điện với giá trên trời do phải chữa lên, chữa xuống như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự toán ban đầu dưới 2 tỷ USD, sau đội lên trên 3 tỷ USD?
Những giọt nước mắt của Đinh La Thăng liệu có khóc than cho những hành vi liều lĩnh sử dụng đồng tiền thuế của dân hay do phải tắm nước lạnh, nằm bục xi măng trong mùa đông buốt giá...
Khi xưa, các chiến sĩ cách mạng tiền bối, vì quyền lợi dân tộc họ đã coi mạng sống của mình nhẹ tựa lông hồng; Còn ngày nay những quan chức VIP của Đảng như Đinh La Thăng lại coi sinh mạng của mình đáng giá hơn tiền thuế cả tỷ USD của dân; Lại sợ làm “ma tù”…Tại sao Thăng lại không sợ điều này khi đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN ?
Còn nhớ, trong cái hội nghị TW kiểm điểm về việc thực hiện nghị quyết TW 4, trong khi trên bục ông Nguyễn Phú Trọng gạt lệ vì đã phải lùi trước những con sâu, con mối đang đục khoét ngân khố quốc gia; Phía dưới ống kính VTV1 chộp hình ảnh Đinh La Thăng ngồi đắc chí rung đùi. Hình ảnh này hiện đã bị VTV1 cắt. Đúng là cười người chưa vội cười lâu…
Thời Tam Quốc khi bình định xong Tây Xuyên, Gia Cát lượng đã đặt ra những luật lệ trị nước, binh pháp hơi nặng. "Pháp Chính can rằng: Ngày xưa Hán Cao tổ cai trị xứ này, chỉ đặt ra 3 điều nhân dân đều cảm phục. Xin quân sư phải rộng hình nhẹ luật để yên lòng dân.
Gia Cát Lượng đã giải thích:Ngươi chỉ biết một mà không biết hai. Nhà Tần dùng pháp luật dữ dội quá muôn dân cũng oán cho nên Cao tổ dùng phép rộng rãi để được lòng dân. Nay Lưu Chương.nhu nhược chính lệnh không được nghiêm minh thể thống dần dần suy tàn; chiều chuộng cho người dân cho ngôi chức cho vinh ngôi cao quá thì sinh hỗn yêu người ta ân tình cho thiết ân đằm thắm quá thì sinh nhờn bởi thế nên thế sự nát bét.Ta nay trên dưới có phép tắc có phép tắc rồi mới ban ơn,; tước lộc có hạn, có ngữ có hạn ngữ rối mới có vinh. Ân uy gần đủ trên dưới có bậc đạo trị dân như thế là rõ ràng
Pháp Chính chịu là lẽ phải. Từ đó, quân dân yên ổn, chia binh ra bốn mươi châu, đâu đấy đều an cư lạc nghiệp"...( Tam Quốc hồi 65)
Về chính sách hà khắc của Gia Cát Lượng, Mao Tôn Cương bình:" Xưa thầy Tử Sản có nói:" Nước mát dịu dàng, người ta coi thường đùa giỡn với nước nên nhiều kẻ sĩ chết đuối. Lửa nóng bỏng, ai thấy cũng sợ, nên ít người bị chết chay. Khổng Minh dùng chính sách khắc khổ ở nước Thục, phải chăng đã nghĩ tới quan niệm ấy? Hình pháp mà không nghiêm minh, bê tha khiến dân chúng không còn ai sợ nữa, đó chính là đã đưa dân vào vòng nguy hiểm. Còn hình pháp tuy khắt khe, nhưng thi hành đúng đắn, để cho dân chúng tìm lánh, lánh dữ, đó là đang giúp dân chúng tránh khỏi tội"...
Để xem TBT Nguyễn Phú Trọng xử lý Đinh La Thăng thế nào đây khi mà ông từng tuyên bố: Trị một người để cứu muôn người !


Phạm Viết Đào/(FB Phạm Viết Đào)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire