Trang

01/01/2018

TS. Lê Đăng Doanh: Những được mất của kinh tế Việt Nam trong năm 2017


The LEADER: Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ với The LEADER về bức tranh sáng tối của kinh tế Việt Nam trong năm 2017.


Lê Đăng Doanh
TS. Lê Đăng Doanh: " Kết quả kinh tế đầy bất ngờ được Tổng cục Thống kê liên tục làm các chuyên gia kinh tế khó lý giải với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, mức tăng cao nhất từ nhiều năm qua.

Bên cạnh những tiến bộ đáng trân trọng ta cũng nhìn thẳng vào sự thật là thể chế, bộ máy của chúng ta còn nhiều yếu kém, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Trong khi chỉ số năng lực cạnh tranh của nước ta được nâng lên thì xếp hạng về thể chế của nước ta được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp thấp hơn rất nhiều." 

Năm 2017 sẽ được ghi nhớ là một năm có những thành tựu quan trọng như tổ chức thành công APEC 2017, nhiều chuyển biến tích cực và kỷ lục với 16 cơn bão, lũ. 

Năm 2017 cũng làm dấy lên niềm hy vọng và quyết tâm mới cải cách thể chế để phát triển bền vững, tránh tụt hậu xa về kinh tế.

Xây dựng Chính phủ kiến tạo, Nhà nước liêm chính

Thủ tướng và tập thể Chính phủ đã vào cuộc, thúc giục các bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh (giấy phép con), đối thoại thẳng thắn với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, tả xung hữu đột đi các tỉnh, thăm nhà máy, công trường. 

Nỗ lực của Thủ tướng và tập thể Chính phủ đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và hưởng ứng tích cực.

Tình hình quốc tế ngày càng biến động khó lường, Tổng thống Donald Trump thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch với những quyết định bất ngờ như tuyên bố rút khỏi Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đe dọa đánh thuế lên hàng hóa của những nước xuất siêu sang Hoa Kỳ (trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam ở châu Á), rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện sáng kiến "Một vành đai,  một con đường" và Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB), triển khai thêm nhiều hoạt động trên biển Đông làm cho cộng đồng thế giới đặc biệt quan tâm... 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tổ chức thành công năm APEC với 200 cuộc họp ở 10 thành phố, thu hút 10.000 quan chức và doanh nghiệp nước ngoài, đỉnh cao là Hội nghị Thượng Đỉnh APEC 2017 ở Đà Nẵng, ra được Tuyên bố Đà Nẵng, đạt được thỏa thuận về Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ 11 (CPTPP11), thúc đẩy xu thế hợp tác trong khu vực. 

Cùng với chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe... APEC 2017 đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại đầu tư, du lịch.

Năm 2017 đầy ắp sự kiện từ đầu năm đến tận những ngày cuối tháng 12, từ những nỗ lực của Thủ tướng in đậm dấu ấn lên cải cách và điều hành năng động, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đến nỗ lực của Tổng bí thư chống tham nhũng và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, được doanh nghiệp và người dân quan tâm, ủng hộ.

Kết quả kinh tế đầy bất ngờ được Tổng cục Thống kê liên tục làm các chuyên gia kinh tế khó lý giải với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, mức tăng cao nhất từ nhiều năm qua. 

Quý II tăng 6,28%, Quý III tăng vọt lên 7,46% và Quý IV tăng lên 7,65%, GDP bình quân đầu người đạt mức cao nhất từ trước đến nay đạt 2.385 USD/người, tăng thêm 170 USD/người so với năm trước, hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu được Quốc Hội phê duyệt. 

Xuất khẩu vượt xa chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23%. 

Đáng chú ý là sự tăng trưởng xuất khẩu của nông, lâm sản đạt 19,8 tỷ USD, tăng 9% với nhiều trái cây, rau, củ quả xuất được sang những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, thủy sản tăng 18,5%...

Năm 2017 cũng là năm số doanh nghiệp mới thành lập đạt 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2017 là 60.553 doanh nghiệp, giảm 0,2% so với năm trước. 

Điều đáng mừng là tầng lớp trẻ đã hưởng ứng mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong khắp các địa phương trên cả nước, vận dụng công nghệ thông tin vào kết nối doanh nghiệp, đưa công nghệ Israel vào nông nghiệp công nghệ cao.

Những nỗ lực cải cách của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận

Xếp hạng của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể. Việt Nam được nâng 14 bậc, xếp thứ 68/190 nền kinh tế trong Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 do Ngân hàng Thế giới công bố, trong đó chỉ số nộp thuế tăng 81 bậc từ xếp thứ 167 lên 86/190, phản ánh những nỗ lực cải cách của ngành thuế và nỗ lực vận dụng công nghệ thông tin, nộp thuế qua mạng. 

Chỉ số Tiếp cận điện năng cũng tăng 32 bậc, xếp thứ 64/190. Chỉ số được xếp hạng cao nhất là Cấp phép xây dựng, xếp thứ 20/190, tăng 4 bậc.
Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 của WB


Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã nâng xếp hạng của Việt Nam về chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) 2017-2018 lên 5 bậc, xếp thứ 55/137 nền kinh tế, thứ hạng cao nhất từ trước đến nay.

Về khoa học - công nghệ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về vận dụng Cách mạng công nghiệp 4.0. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2017, trong đó xếp hạng của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ 59/127 nền kinh tế lên 47/127, ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong vận dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Những nút thắt cơ bản kìm hãm sự phát triển

Bên cạnh những tiến bộ đáng trân trọng ta cũng nhìn thẳng vào sự thật là thể chế, bộ máy của chúng ta còn nhiều yếu kém, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Trong khi chỉ số năng lực cạnh tranh của nước ta được nâng lên thì xếp hạng về thể chế của nước ta được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp thấp hơn rất nhiều.



Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới phối hợp với Chính phủ Việt Nam cũng nêu rõ những hạn chế về thể chế: “Để nhanh chóng hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ vào năm 2035, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, thực hiện những chuyển đổi lớn, mà trước hết là 6 chuyển đổi hoặc nút thắt căn bản:

Hiện đại hóa kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; Xây dựng năng lực sáng tạo quốc gia; Quản lý đô thị hóa nhằm tăng hiệu quả kinh tế; Tăng cường tính bền vững môi trường và nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu; Tăng cường bình đẳng và hòa nhập xã hội; Xây dựng thể chế hiện đại vì một nhà nước có hiệu quả.

Các hiện tượng thương mại hóa quan hệ giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, thiếu công khai minh bạch, pháp luật chưa được tuân thủ nghiêm ngặt, quyền lực chưa được kiểm tra, giám sát có hiệu quả... đều đã được nêu rõ.

Xếp hạng của Việt Nam về Cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) chậm được cải thiện.
Mặc dầu đã tiến từ xếp hạng 123/176 nền kinh tế, song xếp hạng 113/176 nền kinh tế là quá thấp.



Trong những tháng cuối năm 2017, dư luận rất chú ý đến việc bắt giam và khởi tố ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh. Vụ việc kỷ luật nghiêm minh những cán bộ như Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng hay Lê Phước Hoài Bảo ở Quảng Nam, đem lại hy vọng có chuyển biến trong công tác cán bộ, tiến tới trọng dụng người tài.

Chính Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề cập thẳng thắn đến hiện tượng “Trên nóng dưới lạnh” và bộ máy chưa chuyển biến có hiệu quả như mong muốn. Nếu không công khai minh bạch thông tin về thu nhập, tài sản của các quan chức thì nỗ lực chống tham nhũng sẽ khó đem lại chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản và bền vững trên toàn hệ thống.

Đối với Cách mạng công nghiệp 4.0, mặc dù Thủ tướng đã có Chỉ thị 16 về thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0, giao nhiệm vụ cho các bộ, ban ngành nhưng chuyển biến trong thực tế ở các doanh nghiệp còn chậm so với yêu cầu và tiến độ thực hiện ở các nước ASEAN khác như Thái Lan hay Malayssia, chưa nói đến Singapore.

Thu chi ngân sách còn mất cân đối, tình trạng doanh nghiệp nhà nước đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế vẫn là những thách thức cho năm 2018, Mậu Tuất.

Hy vọng những chuyển biến bước đầu trong năm 2018 sẽ tạo nên sức bật mới, quyết tâm mới cho năm 2018.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả: TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire