Trang

02/03/2018

Câu hỏi từ đâu có thuật ngữ “tam quyền phân lập”?


Tô Văn Trường
Tô Văn Trường
Tôi suy nghĩ rất nhiều trước các vấn đề và câu hỏi của Anh đặt ra vì là người từng trải đã kinh qua chức vụ ủy viên trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban tuyên giáo trung ương, có nhiều bài viết được bạn đọc quan tâm, đón nhận. Tôi cũng rất tiếc Anh Việt Phương đã đi xa, nếu còn sống chắc chắn sẽ cho chúng ta những ý kiến hữu ích.
Tôi là người làm công tác khoa học kỹ thuật nhưng “đam mê” cả lĩnh vực khoa học xã hội, sẽ cố gắng diễn giải xung quanh các vấn đề mà Anh đặt ra dưới đây:
- Từ đâu có thuật ngữ “tam quyền phân lập”? Có phải vì muốn phê phán nó mà dịch là “tam quyền phân lập” không?
- Trên thực tế, các nước thực hiện tư tưởng “tam quyền phân lập” như thế nào?
- Việc thực hiện quyền lực ở nước ta hiện nay.
- Hậu quả của nạn độc chiếm quyền lực ở một số nước.


Để nói “có sách mách có chứng”, tôi cũng sẽ dẫn ví dụ cụ thể mà người bạn là chuyên gia quốc tế “tai nghe, mắt thấy” cho biết tình hình thực tế diễn ra ở ba nước Venezuela, Zimbabwee, Nam Phi rất thuyết phục. Đồng thời, tôi cũng tự vấn với câu hỏi:  “Đảng là ai trong những vấn đề cụ thể?” để chúng ta cùng suy ngẫm.
Tôi thấy bài Wiki này viết khá tốt, Anh có thể tham khảo theo đường link dưới đây trình bày khá đầy đủ, sáng rõ về khái niệm, lịch sử hình thành, thực tế triển khai “tam quyền phân lập”.
Cơ bản nguyên tắc phân quyền (separation of power, hay division  of power) mà Montesquieu là nhằm quyền hành không tập trung vào nhà vua, hay sau này là vào người cầm đầu Chính phủ. 
Nhưng ông ta cho rằng tính độc lập của tư pháp (tòa án) phải là thực chất, không thể là hình thức, tức là quan trọng nhất.
“Montesquieu did actually specify that the independence of the judiciary has to be real, and not apparent merely”. 
Charles de Secondat Montesquieu (1689 - 1755) - nhà triết học Khai sáng, nhà tư tưởng chính trị, nhà xã hội học và sử học người Pháp. Các tác phẩm  của ông tiêu biểu như : Những bức thư Ba Tư; Nhận đinh về nguyên nhân thịnh đạt và suy thoái của Roma; Bàn về tinh thần pháp luật, nhiều nguyên cảo, trong đó có tập Những tư tưởng của tôi vv…
Với tất cả những cống hiến lý luận của mình, Montesquieu xứng đáng được tôn vinh là một trong những nhà tư tưởng lớn trong lịch sử tư tưởng nhân loại thế kỷXVIII, là nhà triết học Khai sáng Pháp nổi tiếng với tư tưởng đề cao "tinh thần pháp luật” luôn thể hiện ý chí và khát vọng xây dựng một xã hội mới mà ở đó, không còn áp bức, bất công, một xã hội có khả năng đem lại tự do cho mọi người, hoà bình cho nhân loại. Hơn hai thế kỷ qua, nhân loại luôn nhắc đến ông với tư cách đó và Bàn về tinh thần pháp luật của ông luôn được các nhà tư tưởng, các chính khách và giới nghiên cứu lý luận trên toàn thế giới sử dụng như một tài liệu tham khảo bổ ích, có giá trị gợi mở cho việc xây dựng và hoàn thiện lý luận về nhà nước pháp quyền.
Mỹ tổ chức hệ thống chính trị trên quan điểm của Montesquieu cả ba đều được dân bầu ra (trừ Tòa án tối cao và Toàn án Liên Bang được Tổng thống đề cử và được Quốc hội thông qua, và chỉ bị miễn nhiệm nếu có hành vi phạm luật pháp). Tòa án bang thì tùy có bang do bầu cử, có bang do Thống đốc đề cử và được Quốc hội bang thông qua.
Nhưng ở nhiều nước dân chủ hiện nay, theo chế độ đại nghị hiện nay thì không hẳn có tam quyền phân lập. Đảng nắm Quốc hội cũng là đảng nắm chính quyền. Trường hợp này, không thể gọi là tam quyền phân lập.
Tôi được nghe người bạn là chuyên gia quốc tế kể lại “mắt thấy tai nghe” đã đi qua Venezuela, Zimbawee và ngay cả South Africa rất đau lòng thấy chúng trở thành thùng rác sau "cách mạng" thành công như thế nào cho đến ngày bị lật đổ như mới đây ở Zimbawee và Nam Phi.
Người ta không thể tưởng tượng được là ngày nay, cả triệu người đói ăn bỏ xứ Venezuela mà trước đây thấy nó không thua mấy nước ở châu Âu cũng có xe điện ngầm, bảo tàng có tranh Picasso, Matisse vv…
Zimbawee và Nam Phi là hai nước từng giầu nhất châu Phi, trường đại học không thua gì Âu Mỹ, nhưng sau này ở Zimbawee, công chức phải trồng ngô, nuôi gà mới sống nổi, thành phố thì đầy người ngủ ngoài đường ban đêm. Còn ở Nam Phi, đi đâu cũng phải cần bảo vệ vì trộm cướp. Thời ông Mandala đi quá nhanh. "Cách mạng" kiểu lật đổ rồi bằng mọi phương tiện bảo vệ quyền nắm quyền của mình chả có giá trị gì, nó chỉ để lại vết nhơ.
Người bạn là cựu quan chức của Ban tổ chức trung ương bình luận về tam quyền phân lập, xã hội dân sự nguyên văn như sau: ”Tôi không cho rằng cách tiếp cận "từ nguyên" "ngữ nghĩa" những vấn đề chính trị quan trọng như thế này là đúng. Thậm chí nó chỉ làm rối tung các vấn đề, xa rời mục đích chính của các cuộc thảo luận và đấu tranh nghiêm túc cho sự tiến bộ đích thực.” 
Tôi vẫn thường thảo luận với một số bạn hữu, nhân đây muốn “mổ xẻ” sâu hơn cả về mặt lý luận và thực tế để thấy rõ sự nghiêm túc cho sự tiến bộ đích thực của xã hội. Về nhận thức cả hai phương thức tổ chức quyền lực “tam quyền phân lập” và “xã hội dân sự” (Civil Society) đều là đặc trưng của chế độ dân chủ, nhằm đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân.
Mục đích của “tam quyền phân lập” là để quyền lực không tập trung vào một người hay một nhóm người, mà được thực thi trên cơ sở phân công, kiểm soát giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ở các nước phương Tây, ngay cả nhánh lập pháp (Quốc hội) cũng bị 2 nhánh kia kiểm soát, chứ không phải muốn làm gì thì làm. Ví dụ, ở Mỹ, Tổng thống có quyền phủ quyết luật của Quốc hội; Tòa án có quyền phán quyết một đạo luật của Quốc hội là phù hợp hay không phù hợp với Hiến pháp. Ở một số nước khác, Tổng thống hoặc Thủ tướng có quyền giải tán Quốc hội để dân bầu Quốc hội khác.
Điều này khác với nước ta. Ở VN, Đảng quyết định tất. Cho đến nay vẫn không rõ ràng Đảng là ai về nhiều vấn đề cụ thể: Bộ chính trị, thường trực BCT hay Ban chấp hành trung ương hay đại hội Đảng.
Trên danh nghĩa, Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao; không cơ quan nhà nước nào có quyền kiểm soát hoạt động của Quốc hội, phủ quyết các đạo luật, các quyết định của Quốc hội. Nhưng thực chất thì đó là quyền của Đảng. Đảng mới là cơ quan quyền lực tối cao; nhưng thực hiện quyền lực thông qua cơ quan quyền lực nhà nước tối cao là Quốc hội. Tuy vậy, trong Đảng có phân quyền. Do đó, có nhiều việc chỉ do Bộ Chính trị quyết, có nhiều việc do Trung ương quyết, rồi Quốc hội quyết theo. Trên thực chất, Trung ương có quyết cũng là quyết theo Bộ chính trị. Nói cho đúng hơn Bộ Chính trị có quyết cũng là quyết theo “bộ tứ”. Khi Tổng bí thư nắm được tổ chức, quân đội, công an thì bộ tứ, Bộ Chính trị hay Trung ương cũng chỉ quyết theo ý chí của TBT.
Mô hình này cũng không phải sáng tạo độc quyền của VN mà là mô hình chung của các nước XHCN. Nó giống mô hình chế độ phong kiến nhưng vòng vèo hơn, kém hiệu quả hơn. Lấy chuyện chống tham nhũng làm ví dụ: Chế độ phong kiến chỉ có 1 ông vua. Vua là người quyết định hết. Tài sản trong nước, cái gì cũng là của vua. Cho nên tham nhũng là lấy cắp của vua, lôi thôi là bị tịch thu gia sản, tru di tam tộc như chơi.
Độc tài như vua trong trường hợp này sẽ điều hành chính quyền hiệu quả. Nhưng chế độ độc tài, cha truyền con nối khó đảm bảo phát triển bền vững vì không thể không sinh ra những ông vua kém cỏi. Vua kém quá, tệ quá thì sinh biến; một triều đại khác lại “cướp chính quyền” và lại bắt đầu cái vòng luẩn quẩn. Cha truyền con nối theo kiểu cộng sản cũng vậy thôi. Điển hình cho chế độ cha truyền con nối theo đúng nghĩa đen là Bắc Triều Tiên. Việc bổ nhiệm mấy ông lãnh đạo nhí ở nước ta cũng là sự phát triển của mô hình này.
Có lần tôi đàm đạo riêng với ông Nguyễn Văn An (Nguyên Chủ tịch Quốc hội) về bài trả lời phỏng vấn “Lỗi hệ thống và các ông vua tập thể” đăng trên báo Tuan VN-VNN rất được công luận quan tâm, đánh giá cao. Ông An kể lại viết góp ý theo lời kêu gọi của Tổng bí thư và BCT trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng nhưng sau đó còn bị các ông Lê Khả Phiêu, Nguyễn Đức Bình đề nghị viết bản kiểm điểm. Ở cương vị đã từng trong “bộ tứ” có uy tín xã hội mà còn bị “o bế” như thế cho nên gần đây khi có quyết định 102 của Bộ Chính trị cũng là điều dễ hiểu. Theo quy luật cuộc sống thì những gì mâu thuẫn với động lực phát triển thì sẽ bị đào thải và nhìn xa sẽ thấy hậu quả của mọi quyết định không phù hợp.
Muốn đất nước phát triển thì phải xây dựng chế độ dân chủ. Và để đảm bảo quyền lực không rơi vào tay một người hay một nhóm người, từ John Locke, Montesquieu, nhân loại đã sáng chế ra mô hình “tam quyền phân lập”.
Xin lưu ý: Các nước thực hiện mô hình này không giống nhau. Ở các nước theo chế độ đại nghị, trong trường hợp một đảng thắng cử thì họ nắm luôn cả 2 nhánh lập pháp và hành pháp. Như vậy vẫn có nguy cơ độc quyền. Và dù không xảy ra độc quyền đi chăng nữa, thì nền dân chủ đại nghị đó vẫn chỉ là dân chủ gián tiếp.
Sự can dự của dân vào công việc quốc gia là để thêm một phương thức cân bằng quyền lực, tăng cường dân chủ trực tiếp. Nhưng dân có thể biểu thị ý chí, nguyện vọng của mình bằng nhiều cách khác nhau: viết kiến nghị, viết báo, viết blog, biểu tình, bạo lực đường phố v.v… “Xã hội dân sự” chính là một cách tổ chức hòa bình và hiệu quả hơn để thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của dân.
Tôi nhớ có lần GS Nguyễn Minh Thuyết (đại biểu Quốc hội) đã từng đề xuất trên báo chí (lúc bàn về dự thảo Hiến pháp mới) là nên tổ chức Quốc hội lưỡng viện. Thôi thì đằng nào Đảng cũng lãnh đạo, để Trung ương do Đại hội Đảng bầu làm Thượng viện. Hạ viện do dân bầu. Hiến pháp sẽ quy định cụ thể việc gì chỉ cần Thượng viện quyết, việc gì chỉ cần Hạ viện quyết, việc gì cần cả 2 viện quyết với tỷ lệ phiếu cụ thể v.v… Đó cũng là bước đầu phân công trách nhiệm và gắn trách nhiệm của các cơ quan với mỗi quyết định của mình, tránh tình trạng Đảng đứng sau QH quyết tất mà trách nhiệm thì QH chịu (Như vụ sát nhập Hà Tây vào Hà Nội năm 2008) vv...
Lời kết: Điều đáng buồn nhất ở nước ta là cái gì cũng có nhưng không mấy cái là thật. Từ bằng cấp, danh hiệu, chức tước đến tổ chức đều vậy. Ví dụ, hỏi rằng có tổ chức của dân không thì cũng có đủ, nào Mặt trận, nào Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn,… Nhưng tổ chức của dân mà sử dụng kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước (thực chất là tiền thuế của dân) thì làm sao gọi là “xã hội dân sự” được!
Chúng tôi rất tiếc là các nhà lý luận của ta vì lo giữ “cái ghế” của mình, không dám đề xuất cải cách gì mới. Lãnh đạo thì không dám mạo hiểm, nhất là trong lúc triển khai chiến dịch sờ tổ ong bò vẽ tham nhũng, nếu tứ bề thọ địch thì rất nguy. Cho nên mới ra đời cái Nghị quyết 102 của Bộ Chính trị được người đời gọi là  quy chụp “có một không hai”!
Lãnh đạo nước ta nếu không biết nhìn lại mình cho rõ hơn, không vượt lên chính mình, xem xét thay đổi con đường phát triển thì hậu quả sẽ nhãn tiền đó là nỗi đau của đất nước, của dân tộc và trong đó, có cả trách nhiệm của chúng ta, những người đảng viên của cụ Hồ. 

Tô Văn Trường

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire