Trang

30/03/2018

Ông Vương Kỳ Sơn có thể khiến chúng ta phải "nhận thức lại" Trung Quốc


Hồng Thủy
 

(GDVN) - Cần tìm hiểu nghiêm túc về những chỉ dấu cải cách thể chế tại Trung Quốc để có chính sách phù hợp, bởi đối nội hay đối ngoại của nước này cũng sẽ thay đổi. 


Nikkei Asia Review ngày 26/3 có bài phân tích của nhà báo Katsuji Nakazawa nhận định, hiện nay chỉ có ông Vương Kỳ Sơn là hiểu rõ những gì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ làm.
 
Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, ảnh: Reuters / Nikkei Asia Review.



Truyền thông và dư luận quan tâm tới chính trường Trung Quốc đã đưa ra những phán đoán về một "phái Chiết Giang" xuất hiện xung quanh những nhân sự cấp cao trong bộ máy lãnh đạo, quản lý Trung Quốc.

Đó là những người xuất thân quan lộ từ Chiết Giang và được cho là "tay chân thân cận" của ông Tập Cận Bình, ví dụ ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ.

Nhưng nguồn tin của Nikkei Asia Review cho hay, phán đoán này có thể dẫn đến những hiểu lầm về quyết định của Tập Cận Bình.

Chỉ có ông Vương Kỳ Sơn, 69 tuổi, người vừa được bầu làm Phó Chủ tịch nước Trung Quốc mà không còn là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19, mới thực sự hiểu ông Tập Cận Bình sẽ làm gì.



Sau phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 17/3, ngày 18/3 chương trình thời sự của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã nhắc đến tên ông Vương Kỳ Sơn ngay sau 7 ủy viên Thường trực Bộ chính trị khóa 19.

Người ta tin rằng, mặc dù ông Vương Kỳ Sơn không còn nằm trong Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng lại có đặc quyền tham dự các cuộc họp của Thường vụ Bộ chính trị, trừ quyền biểu quyết.

Nguồn tin nói với Nikkei Aisa Review, thực tế Thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay có 8 thành viên chứ không phải 7 trong danh sách;

Hơn nữa, trên danh sách chính thống thì thủ tướng Lý Khắc Cường xếp thứ 2 sau Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng trên thực tế ông Vương Kỳ Sơn đang được coi là người đàn ông quyền lực thứ 2 ở Trung Quốc.

Ông Vương Kỳ Sơn được xem là người chịu trách nhiệm chính giúp ông Tập Cận Bình xử lý các vấn đề của quan hệ Trung - Mỹ và đặc trách ngoại giao.

Hiến pháp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sửa đổi đã bãi bỏ giới hạn tối đa 2 nhiệm kỳ với chức danh Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước. [1]

Bình luận về vai trò của ông Vương Kỳ Sơn, giáo sư Ngô Cường, Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 19/3 được The New York Times dẫn lời cho biết:

"Vương Kỳ Sơn là nhân vật quan trọng nhất trong số các yếu nhân vây quanh Tập Cận Bình. Chức Phó chủ tịch nước giúp ông ấy giữ được một địa vị chính thức trong bộ máy.

Cho dù nước Mỹ đi nữa, thì Phó tổng thống cũng chỉ là chức vụ mang tính lễ nghi và mang tính lấp chỗ trống. Nhưng Vương Kỳ Sơn sẽ mang lại quyền lực thực sự cho ghế Phó chủ tịch nước.

Hiến pháp Trung Quốc sau khi sửa đổi, đã tăng địa vị của Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước lên nhiều.

Tôi có cảm giác, trong vấn đề ông Tập Cận Bình có thể thành công trong 5 năm tới hay không, có tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 thuận lợi hay không thì ông Vương Kỳ Sơn có vai trò cực kỳ quan trọng.

Tôi tin, ông Tập Cận Bình cho rằng, tương lai sẽ có nhiều thách thức với ông ấy và do đó ông Vương Kỳ Sơn sẽ vẫn còn đồng hành trong vai trò một cố vấn."

Hai ông Vương Kỳ Sơn và Tập Cận Bình lần đầu tiên gặp nhau từ thời Cách mạng Văn hóa, cách đây 50 năm.

Thập niên 1970 Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa kinh tế, ông Vương Kỳ Sơn đã từ bỏ cơ hội làm một nhà sử học trong một viện nghiên cứu quốc gia, để trở thành một chuyên gia về cải cách kinh tế nông thôn.

Ông Sơn đã đi một chiếc xe máy Nhật khắp các ngõ ngách ở Bắc Kinh từ thời xe máy còn hiếm thấy. Từ thập niên 1990, ông liên tục gánh vác nhiều công việc quan trọng trong chính phủ.

Vương Kỳ Sơn là người giúp Trung Quốc hóa giải khủng hoảng tài chính, quen biết rất rộng các chính khách Mỹ và giới tài phiệt Phố Wall.

Năm 2003 khi làm Thị trưởng Bắc Kinh, ông Vương Kỳ Sơn đã chỉ đạo chống dịch SARS trong khi người tiền nhiệm cố gắng che dấu tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh này.

Từ 2008 ông Vương Kỳ Sơn làm Phó thủ tướng phụ trách đàm phán thương mại, kinh tế với Hoa Kỳ.

Trong hồi ký của mình, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Merritt "Hank" Paulson viết lại lời Vương Kỳ Sơn từng nói với ông:

"Ngài là thầy của tôi. Nhưng chúng tôi không dám chắc có nên học các ngài không".

Henry Merritt "Hank" Paulson bình luận, Vương Kỳ Sơn hiểu nước Mỹ, nhưng không phải người ủng hộ kinh tế tự do. [2]

Người viết cho rằng, chức vụ và vai trò mới của ông Vương Kỳ Sơn trong bộ máy lãnh đạo cấp cao Trung Quốc là một chỉ dấu quan trọng cho thấy xu hướng cải cách thể chế đang diễn ra tại quốc gia này.

Theo quán tính, các nhà quan sát chính trị Trung Quốc luôn nhìn vào danh sách thành viên Thường vụ Bộ chính trị, rồi Bộ chính trị để phán đoán về các nhân vật quyền lực, hoạch định chính sách và thậm chí là các phe phái bên trong Trung Nam Hải.

Nhưng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nhậm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc từ sau Đại hội 18 năm 2012, mô hình chính trị tại Trung Quốc dường như đã thay đổi.

Các "tiểu tổ lãnh đạo" mà ông Tập Cận Bình làm tổ trưởng mới thực sự là cơ quan ra quyết sách cao nhất, bao trùm mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, thương mại, quản lý internet...tại Trung Quốc.

Với việc dỡ bỏ giới hạn tối đa 2 nhiệm kỳ cho Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, cộng với việc ông Vương Kỳ Sơn làm Phó chủ tịch nước mà không có "chân" trong Trung ương nói lên nhiều điều.

Vị tiền nhiệm của ông Sơn, cựu Phó chủ tịch Lý Nguyên Triều là ủy viên Bộ chính trị khóa 18; Trước đó Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình là ủy viên Thường vụ Bộ chính trị khóa 17.

Nay Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn không nằm trong Trung ương, lại được giao phụ trách đối ngoại, nhất là quan hệ Mỹ - Trung thì có thể thấy, nhận định về nhân vật quyền lực số 2 Trung Quốc không phải không có cơ sở.

Nếu ông Vương Kỳ Sơn được xem là cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình về đối nội, chống tham nhũng trong khóa 18, và về đối ngoại - xử lý quan hệ Trung - Mỹ trong khóa 19, thì Phó thủ tướng Lưu Hạc được xem là cánh tay còn lại giúp ông Tập Cận Bình về tái cơ cấu kinh tế, tài chính ngân hàng.

Cả Vương Kỳ Sơn và Lưu Hạc đều là những chính sách am hiểu Mỹ, có kinh nghiệm đàm phán với Mỹ và có quan hệ cá nhân mật thiết với chính giới, giới tài phiệt Mỹ.

Có thể hình dung phần nào ưu tiên của ông Tập Cận Bình về đối ngoại trong những năm tới, đó chính là xử lý ổn thỏa quan hệ Trung - Mỹ.

Điều này cho thấy các chỉ dấu về cải cách thể chế sẽ tiếp tục được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đẩy mạnh trong thời gian tới, nhận thức về Trung Quốc cũng cần phải thay đổi.

Và đã đến lúc các nước láng giềng cần có sự nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này.

Bởi sự thay đổi này sẽ dẫn đến những thay đổi trong chính sách đối nội, đối ngoại của Trung Quốc; tác động trực tiếp đến khu vực, cũng như vũ đài chính trị và nền kinh tế toàn cầu.


Tài liệu tham khảo:




Hồng Thủy




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire