Trang

05/03/2018

Trung Quốc gây áp lực ngăn Australia bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông


Hồng Thủy 




The Australian ngày 1/3 đưa tin, Trung Quốc đang đặt Australia vào tình trạng đóng băng quan hệ ngoại giao, đình hoãn các chuyến thăm cấp bộ trưởng, hoãn chuyến thăm của Ngoại trưởng Australia và đưa ra một loạt các cuộc trao đổi cấp thấp.
Động thái này của Bắc Kinh nhằm gây áp lực lên Thủ tướng Malcolm Turnbull về các điều luật chống can thiệp của nước ngoài mới, cũng như khả năng Australia sử dụng hải quân thách thức các tuyên bố tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop (trái) và Quốc vụ khanh Ngoại giao - thương mại Frances Adamson đang bị hoãn các chuyến thăm đến Bắc Kinh, ảnh: The Australian.





Sau chuyến thăm của Thủ tướng Malcolm Turnbull tới Washington nơi ông đồng ý giúp Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt Triều Tiên và thảo luận các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, truyền thông Trung Quốc liên tục chỉ trích Canberra.
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã gây khó dễ cho các chương trình trao đổi cấp thấp và thăm viếng giao lưu về giáo dục. 
Theo các nguồn tin của chính phủ Australia, chuyến thăm Bắc Kinh của quan chức ngoại giao cao cấp nhất Australia, bà Frances Adamson - Quốc vụ khanh Ngoại giao và thương mại đã bị hoãn lại.
Chuyến đi Trung Quốc của Ngoại trưởng Julie Bishop cũng sẽ không được quyết định cho đến khi các kỳ họp ở Trung Quốc (Quốc hội, Chính hiệp) kết thúc trong tháng này.
Các nguồn tin chính phủ Australia phủ nhận 2 chuyến công tác nói trên bị ảnh hưởng, tuy nhiên họ thừa nhận đang có một sự đình trệ ngoại giao và quan liêu trong một loạt các hoạt động thăm viếng;
Bằng các động thái này, Bắc Kinh đang tỏ rõ sự không hài lòng của họ về các điều luật của Australia chống can thiệp của nước ngoài, được xem là nhằm vào Trung Quốc.
Điều này được hiểu là chính phủ Trung Quốc đã trì hoãn ít nhất một chuyến công du Australia theo kế hoạch của 1 bộ trưởng Trung Quốc; họ đang ép các cơ sở kinh doanh và giáo dục phải tách ra khỏi chính sách của chính phủ.
Tuần trước The Australia đưa tin, lãnh đạo các trường đại học tại Australia lo ngại chính phủ Trung Quốc ngăn cản sinh viên nước họ sang Úc học tập.
Bắc Kinh đã dồn áp lực lên các cơ sở giáo dục Australia bằng cách hủy bỏ các chuyến thăm viếng, các cuộc họp cấp cao ở Bắc Kinh về giáo dục bị hoãn lại, ngoài ra website Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra còn cảnh báo những nguy hiểm của việc học tập tại Australia.
Thời báo Hoàn Cầu còn có bài xã luận chụp mũ cho ông Malcolm Turnbull khi thăm Mỹ là "người tiên phong chống Trung Quốc".
Lập trường của ông Malcolm Turnbull về các hoạt động ở Biển Đông và trừng phạt Bắc Triều Tiên là hoàn toàn phù hợp với lập trường của chính phủ Australia, mặc dù Thủ tướng Úc không chấp nhận mô tả chiến lược của Mỹ với Trung Quốc như một "mối đe dọa".
Sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết, ông sẽ "yêu" Australia nếu Canberra tham gia hoạt động tuần tra hàng hải cùng Mỹ trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã từ chối nói rõ khi nào một hoạt động như vậy sẽ diễn ra.
Tại Australia, Ngoại trưởng Julie Bishop vẫn nhắc lại những điều mang tính nguyên tắc:
"Chúng tôi đã từng qua lại ở Biển Đông trong nhiều năm theo luật pháp quốc tế và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó.
Australia là một nước bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào nguyên tắc tự do hàng hải, tự do hàng không và chúng tôi sẽ tiếp tục đi qua Biển Đông như trước."

Nguồn:
https://www.theaustralian.com.au/national-affairs/cold-war-freeze-on-china-ties/news-story/f2673367ccfb5bf30f57dad473322a0f


Hồng Thủy


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire