Trang

14/03/2018

Vì sao Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma năm 1988


1988 được coi là năm đỉnh điểm khó khăn của Việt Nam khi cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước ngày càng trầm trọng, Liên Xô vốn ủng hộ Việt Nam lại đang rơi vào tình trạng khó khăn, cải tổ.
Đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm đóng trái phép các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Subi, Huy Gơ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nước này đơn phương tăng cường từ 9 lên 12 tàu chiến gồm khu trục tên lửa, hộ vệ tên lửa, hộ vệ pháo và tàu đổ bộ... hoạt động trên quần đảo Trường Sa.



Tại các đảo Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan, hải quân Việt Nam xây dựng thế trận phòng thủ nhằm bước đầu ngăn chặn việc mở rộng phạm vi chiếm đóng của Trung Quốc ra các đảo lân cận. Xác định Trung Quốc còn tiếp tục tranh chấp chủ quyền hải đảo, chiếm bãi san hô nổi hoặc chìm xen kẽ với đảo của Việt Nam, kể cả có xung đột, Việt Nam chủ trương cấp tốc đưa lực lượng đi đóng giữ các đảo trong ba năm (1988-1990). Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh cho các tàu gấp rút đưa bộ đội, công binh ra xây dựng đảo, tiến hành chiến dịch Bảo vệ chủ quyền 1988 (CQ-88).



Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân họp nhận định, Trung Quốc sẽ chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và Đông kinh tuyến 1150. Đặc biệt là chiếm giữ các bãi Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao nhằm gây thanh thế ở khu vực Trường Sa và trên biển Đông.

Đá Gạc Ma cách đá Cô Lin 3,6 hải lý, cách đá Len Đao 6 hải lý giữ vị trí quan trọng, đánh dấu đầu mút phía Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn. Nếu để Trung Quốc chiếm được "sẽ khống chế đường qua lại của ta trong việc tiếp tế, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa". Hải quân Việt Nam hạ quyết tâm đóng giữ các bãi Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Đây được xác định là nhiệm vụ khẩn trương, nặng nề bởi phương tiện, trang bị cũ, lực lượng hạn chế.

Đầu tháng 3/1988, các tàu vận tải HQ 604, HQ 605, HQ 505 được lệnh đưa công binh và chiến sĩ ra Trường Sa xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma. Sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang chuyển vật liệu lên bãi đá Gạc Ma thì quân Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản, lính Trung Quốc xông lên bãi đá cướp cờ, xả súng giết hại các chiến sĩ. 64 người lính hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người khác bị bắt làm tù binh.

Tàu HQ 604 neo cạnh bãi Gạc Ma, HQ 605 bảo vệ bãi Len Đao bị bắn chìm. HQ 505 bị bắn cháy phần đuôi đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao, còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép từ đó.


Mưu đồ có hệ thống, chọn thời điểm thích hợp để 'ra tay'


PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng gọi ngày 14/3/1988 là "một sự kiện bi thảm nữa trong mối quan hệ hai nước Việt - Trung", sau sự kiện bi thảm đầu tiên khi Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam vào ngày 17/2/1979.

Gần 10 năm xung đột biên giới kéo dài, Việt Nam đã hao tổn không nhỏ nhân lực, vật lực. 1988 được coi là năm đỉnh điểm khó khăn của Việt Nam khi cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước ngày càng trầm trọng. Liên Xô là nước ủng hộ Việt Nam cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn, cải tổ. Trung Quốc "bằng con đường nào đó" biết được nếu họ có hành động quân sự ở Trường Sa thì Liên Xô cũng không can thiệp. Chính vì thế, Trung Quốc ra tay đánh chiếm bãi đá Gạc Ma, bắn chìm tàu, giết hại 64 chiến sĩ Việt Nam.


Ông Hà phân tích, sự kiện này có hai cuộc đối đầu. Cuộc đối đầu thứ nhất giữa một bên cố tình dùng vũ lực đánh chiếm với những người muốn bảo vệ hòa bình, lãnh thổ của mình. Cuộc đối đầu khác giữa một bên súng ống với một bên là lời nói thuyết phục. Kết quả 64 chiến sĩ hy sinh dưới họng súng của phía xâm lược.

"Khi đó, trang bị của chúng ta thiếu thốn, cũ kỹ. Người lính chỉ có suy nghĩ rằng đảo thuộc chủ quyền của mình thì tìm cách bảo vệ và gìn giữ. Tuy nhiên, mưu đồ sâu xa của Trung Quốc lớn hơn nhiều và phải nói thẳng rằng khi ấy chúng ta chưa nhận thức được hết mưu đồ có hệ thống của họ", Viện trưởng Hà nói và cho rằng dù sau đó Gạc Ma bị quân Trung Quốc chiếm, nhưng đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử bảo vệ chủ quyền đất nước. 

Ông Hà cho biết, sau này tổng kết lại thấy rõ ràng mỗi lần "ra tay" ở biển Đông, Trung Quốc đều lựa chọn thời điểm, căn cứ vào bối cảnh quốc tế và quan điểm của các nước lớn về vấn đề biển Đông ra sao. Âm mưu độc chiếm biển Đông của họ có từ rất lâu và hành động có hệ thống, từng bước thực hiện chủ trương này.

Từ năm 1909, Trung Quốc bắt đầu cử phái bộ từ Quảng Đông thăm dò một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là thời điểm đánh dấu Trung Quốc có những hành động thực tế nhòm ngó Hoàng Sa và sau này là Trường Sa, mở đầu cho kế hoạch nuốt trọn các đảo.

Vào năm 1956, Pháp buộc rút hết khỏi Việt Nam sau khi ký Hiệp định Genève tháng 7/1954. Trong bối cảnh Việt - Pháp đang có sự bàn giao, khoảng trống bố phòng ở biển Đông trở thành cơ hội tốt để Trung Quốc chiếm một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Năm 1974, Trung Quốc lại lựa chọn thời điểm để "ra tay", gây nên trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974 khi được Mỹ "bật đèn xanh". Sự kiện này có liên quan mật thiết đến chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Nixon năm 1972. 

"Nếu không có cái bắt tay giữa Mao Trạch Đông và Nixon thì Trung Quốc không dám có hành động đánh chiếm Hoàng Sa khi đó do chính quyền Việt Nam cộng hòa kiểm soát. Mỹ đứng đằng sau quân đội Việt Nam cộng hòa, tại sao không sử dụng lực lượng để ứng cứu? Bởi mối quan hệ lợi ích Mỹ - Trung thời điểm đó lớn hơn nhiều so với con bài Việt Nam cộng hòa đã được định đoạt số phận rõ ràng sau Hiệp định Paris", ông Hà phân tích.


Chọn Gạc Ma làm 'pháo đài' giữa biển Đông, tiến tới 'gặm nhấm' các đảo


Theo GS Nguyễn Đăng Hưng (Đại học Liège, Bỉ), lựa chọn Gạc Ma vì Trung Quốc muốn có một pháo đài ở trung tâm biển Đông. Bãi đá Gạc Ma gần như nằm ở giữa Việt Nam và Philippines, ở vị trí đó Việt Nam muốn lấy lại cũng rất khó khăn vì xa bờ. Trung Quốc muốn ở một vị trí an toàn và với việc chiếm được Hoàng Sa, họ có được thế gọng kìm tam giác, từ Hải Nam xuống Hoàng Sa và Gạc Ma để khống chế biển Đông. Thời điểm đó Việt Nam cũng không có tàu chiến hiện đại và đủ sức lấy lại được. 


Ông Đặng Công Ngữ:
 "Trung Quốc đang 
thực hiện chiến lực 
gặm nhấm dần
các đảo của 
Việt Nam". 
Ảnh: Nguyễn Đông.
Từng dành nhiều thời gian nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) nhận định, việc Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Gạc Ma là một bước đi cụ thể cho dã tâm đường lưỡi bò trên biển Đông. Gạc Ma nằm ở vị trí phía Tây của quần đảo Trường Sa và là một trong những bãi đá xung yếu. Chiếm được Gạc Ma sẽ quản lý được vùng biển phía Tây. "Nếu chiếm được bãi đá này thì với tiềm lực mạnh, Trung Quốc sẽ dễ dàng khống chế được cả vùng biển xung quanh", ông Ngữ phân tích.

Theo ông Ngữ, chiến lược quân sự mà Trung Quốc đang đưa ra không chỉ ở quần đảo Hoàng Sa mà ngay ở Gạc Ma, là kiểu "gặm nhấm". Thể hiện rõ nhất là sau khi chiếm đóng trái phép của Việt Nam, nước này không vội đánh chiếm các đảo khác, phần vì gặp phải sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc đã lén lút cho bồi đắp, xây dựng những công trình nhân tạo và "khi Việt Nam phát hiện ra thì mọi việc đã rồi".

Cả GS Nguyễn Đăng Hưng và nguyên Chủ tịch Đặng Công Ngữ đều cho rằng sự kiện lịch sử như Gạc Ma cho đến nay rất nhiều người không biết đến là điều đau xót. Đáng lẽ 28 năm qua, các thế hệ người Việt Nam phải được biết tường tận Trung Quốc đã làm gì để đánh chiếm đảo Gạc Ma và giết hại 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam như thế nào. "Lịch sử phải công khai, công bằng. Hy sinh, thương vong của các chiến sĩ không thể bị lãng quên", ông Ngữ nói.


Năm 2015, Trung Quốc ráo riết cải tạo 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này đánh chiếm trái phép, gồm Gạc Ma, Chữ Thập, Vành Khăn, Tư Nghĩa, Châu Viên, Subi, Ga ven. Trung Quốc không ngừng mở rộng và xây dựng trên những thực thể này nhiều công trình như bến cảng, đường băng.
Tại bãi đá Gạc Ma có diện tích khoảng 7,2 km2, đầu năm 2014, Trung Quốc cho xây dựng một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú. Nhưng đến nay, phần nền bê tông đã trải rộng trên diện tích 10.000 m2. Trên bãi đá hiện có các công trình như kênh tiếp cận, nhà máy xi măng, tháp phòng thủ, bơm khử mặn, bơm nhiên liệu, cơ sở quân sự nhiều tầng, rađar, trạm liên lạc, bãi đáp trực thăng, cầu cảng và đê chắn sóng gia cố.


Hoàng Phương - Nguyễn Đôn

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire