Trang

14/04/2018

Cán bộ Hải quan nhận hối lộ, lạ hay không… lạ?

 (Dân trí) - Có thể khẳng định ngay và luôn, chuyện cán bộ Hải quan nhận hối lộ không lạ. Thậm chí, có người “ác khẩu” còn nói rằng họ không nhận mới… lạ. Người viết bài này không dám “vơ đũa cả nắm” và cũng không suy diễn kiểu “không có lửa, làm sao có khói”.

Song, nếu vào hệ thống tìm kiếm Google với dòng chữ “hải quan” + “hối lộ” thì xuất hiện nhan nhản những nội dung trên báo chí về đề tài này.



Mới đây, báo Lao động có một phóng sự mang tựa đề “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa - nhận tại Hải quan Hải Phòng”, chỉ với tính từ “nườm nượp” đã đủ thấy nó… tấp nập và công khai như thế nào rồi. Bởi “nườm nượp”, theo giải nghĩa của từ điển là nhiều và liên tục, hết lớp này tiếp đến lớp khác…
Phải công nhận phóng sự các đồng nghiệp của chúng tôi ở báo Lao động làm rất công phu và sinh động với những hình ảnh khó có thể chối cãi. Xin đọc một đoạn đối thoại trong bài báo trên:
“Khâu nào có giá sẵn khâu đó rồi, cứ thế mà làm, cần gì phải nói. Với Hải quan Lệ phí, hàng lẻ (nhiều đơn hàng ghép vào 1 contanier) thì 100.000 đồng/bộ tờ khai; hàng nguyên container thì 120.000 đồng/cont. Hàng tạm nhập tái xuất thì 200.000 đồng/cont. Bao nhiêu cont thì nhân lên thành bấy nhiêu tiền. Còn Hải quan Tiếp nhận thì 100.000 đồng/ bộ tờ khai”.
- “Hồ sơ mình chuẩn cũng phải tiền à?”- Tôi hỏi. - “Đúng. “Luật” rồi. Sai thì tùy cơ ứng biến”- Dũng đáp. - “Ở đâu cũng thế à?” - Tôi hỏi tiếp. - “Đúng. Đó là mức quy định chung cho tất cả các Chi cục Hải quan tại Hải Phòng”- Dũng nói.
Đoạn, Dũng lấy ra 1 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng, kẹp vào trong 1 tờ giấy A4 gập đôi rồi nhét vào giữa bộ hồ sơ công ty vừa giao rồi ngoắc tay, dẫn tôi tới khu vực có dòng chữ in trên kính “Nộp lệ phí hải quan”. Khu vực này hiện đã có 3, 4 người khác chờ đến lượt. Dũng rỉ tai: “Quy định của nhà nước chỉ 20.000 đồng/bộ tờ khai. Nhưng “luật” ở đây là thế, không thể làm khác”.
Ui cha. Nhà nước qui định có 20.000 đồng mà thực tế “luật” ở đây lên gấp 10 lần, thì không còn là “Ông Đồng ăn một, bà Cốt ăn hai” mà “Nhà nước thu một, cán bộ Hải quan thu… 10”.
Tiền này, tiếng là doanh nghiệp bỏ ra nhưng thực chất, chẳng doanh nghiệp nào vác tiền nhà của họ mà họ cộng vào giá thành tuốt. Tức là người tiêu dùng, cũng tức là dân chịu tất tần tật.
Người viết bài này chợt nhớ lại cách đây 3 năm (9/2015), toàn ngành Hải quan đã phát động phong trào thực hiện Chỉ thị 01-CT/ĐU của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài chính đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Khi đó, tất cả các Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc Tổng cục Hải quan đã ban hành nghị quyết, trong đó cam kết 100% cán bộ, đảng viên nói không với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng.
“Vui” nhất là chỉ ít ngày sau cam kết “thiêng liêng” đó, Bộ Công an đã bắt ông Nguyễn Tường Duy, cán bộ Đội kiểm soát hải quan (Đội chống buôn lậu), thuộc Cục Hải quan TP.HCM về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đồng thời thu giữ nhiều phong bì trị giá gần một tỉ đồng.
Nhiều lúc người viết bài này cứ “lẩn thẩn” nghĩ rằng không biết cái buổi cam kết, “thề thốt” có “húy kị” hay “uế tạp” gì không mà những lời “thiêng liêng” ấy đã trở thành lời thề “cá trê chui ống”?
Ui, biết đâu vì cái lời thề 100% này mà ngành Hải quan nhiều tiêu cực đến thế. Hay là giờ thề… ngược lại nhỉ? Có khi nạn “lót tay” lại chả giảm hẳn đi?
Nói thế thôi chứ 213 container ở cảng Cát Lái (TP HCM) còn “bỗng dưng mất tích” thì chuyện “nườm nượp” ở đây chả có gì lạ.
Điều xót xa là trong khi Đảng, Nhà nước đang nỗ lực xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp thì ở nhiều địa phương, tệ nạn tiêu cực, tham nhũng, hối lộ vẫn mặc sức tung hoành, diễn ra “nườm nượp”.
Mong rằng sau “củi tươi, củi to” sẽ đến lượt những khúc “củi vừa”, “củi héo” vào lò bởi chỉ với một “tổ mối hổng” đã đủ “sụp toang đê vỡ”, huống hồ đây không chỉ một, hai mà nhiều, rất nhiều “tổ mối”, phải không các bạn?


Bùi Hoàng Tám

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire