Trang

15/04/2018

Lệnh của Dân, làm thì sống, chống thì…

                chống thì…đúng quy trình ?


Xuân Dương
 

 (GDVN) - Có lẽ trên thế giới này, khó tìm được những quốc gia mà tỷ lệ công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhiều tương đương Việt Nam. 

Ảnh minh hoạ, nguồn: Baonghean.vn


Dân xưa nói: “Lắm thày nhiều ma; Lắm cha con khó lấy chồng”.
“Thày” mà Dân bảo làm ra “nhiều ma” có lẽ chủ yếu là thày bói.
Thời thế khiến cho chữ “thày” trong câu ngạn ngữ trên thay đổi, ngày nay không khó tìm các “thày” bói ra hàng đống … ma trong hàng ngũ được gọi là “cao quý”, “từ mẫu” hay thày chuyên đi “cãi”,…
Quan xưa tự gọi mình là “quan phụ mẫu”, nghĩa là “cha mẹ” của Dân, vì lắm “cha mẹ” nên Dân trở nên nghèo “kiết xác”, có điều “ế” ở đây là ế cả làng chứ chẳng riêng ai, chẳng phải chỉ là “khó lấy chồng” mà còn cả “khó lấy vợ”.
Ngày nay không ít “phụ mẫu” mỗi lần “xuống” hoặc “về” dự các hội nghị là các đồng chí phải thế nọ, thế kia.
Thế rồi bỗng một ngày không đẹp trời, bác í bị xe bịt bùng đến “đón”, thế là Dân ngơ ngác, thế là Dân vỡ lẽ lâu nay mình bị “bầy sâu” đội lốt người ấy trèo lên đầu, lên cổ mà không biết.
Đây là mấy dòng viết theo kiểu Dân … gian, còn kiểu “Dân ngay” thì phải viết khác!
Có lẽ trên thế giới này, khó tìm được những quốc gia mà tỷ lệ công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhiều tương đương Việt Nam.
Một số tài liệu cho biết nước Mỹ có 2,1 triệu công chức trong khi diện tích lớn xấp xỉ 30 lần và dân số gần gấp 4 lần nước Việt Nam.
Trung Quốc có tỷ mấy dân, diện tích gấp gần 30 lần Việt Nam đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số.  
Có lẽ có rất ít quốc gia mà hệ thống chính trị cồng kềnh, chồng chéo và kém hiệu quả như Việt Nam.
Cả ba cơ cấu quyền lực: Đảng - Quốc hội - Chính phủ đều có những cơ quan với chức năng, nhiệm vụ tương đương, chẳng hạn Đảng có Ban Dân vận, Quốc hội có Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chính phủ có Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hoặc Ban Đối ngoại - Ủy ban Đối ngoại, Bộ Ngoại giao,…  
Có lẽ rất ít quốc gia nhiều tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước như Việt Nam.
Một bài báo trên Vietnamnet.vn cho biết: “Chi phí cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và các hội đặc thù dao động trong khoảng từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP của cả nước, trong đó phần lấy từ ngân sách khoảng 14 nghìn tỷ”. [1]
Bộ Giáo dục và Đào tạo được phân quản lý ngân sách giáo dục cho khối trung ương khoảng 10.300 tỷ đồng (4,8% trên tổng ngân sách dành cho giáo dục), kém xa phần ngân sách chi cho các tổ chức hội, đoàn là 14 nghìn tỷ đồng.
Có lẽ khắp nơi trên thế giới, hiếm có quốc gia nào hình thức “rút kinh nghiệm” được áp dụng đại trà trong xử lý vi phạm như Việt Nam.
Có lẽ hiếm có nơi nào mà “quy trình” lại được vận dụng phổ biến như Việt Nam trong giải thích các vụ việc khiến dư luận bức xúc chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Người ta thường nói “quá tam ba bận”, ở đây đã năm lần “có lẽ” mà chưa hết, còn nhiều thứ “có lẽ” khác rất đặc thù, rất “Việt Nam” như số đơn vị hành chính, số tiến sĩ - giáo sư, số tướng tá trong lực lượng vũ trang,… nhưng đành khất để khi khác.
Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam Vov.vn đã tổng kết những sự “có lẽ” nêu trên như sau:
Bởi thực tế, bộ máy của Đảng và nhà nước ta rất cồng kềnh. Đảng có Ban, Ngành nào thì Nhà nước có Ban ngành đó, như thế không cần thiết.
Do đó, Đảng cần tinh giản và gọn nhẹ để tập trung trí tuệ giúp cho Đảng có tầm nhìn bao quát và có khả năng chỉ đạo vĩ mô.
Nếu bộ máy cồng kềnh sẽ không chọn được người tài để tập trung xử lý công việc”. [2]
Vấn đề người dân quan tâm không chỉ nằm ở khía cạnh “cồng kềnh” của bộ máy Đảng - Nhà nước mà còn là cả hệ thống chính trị và chất lượng từng con người cụ thể trong bộ máy đó.
Nói đến thể chế chính trị thì ngoài Đảng, Nhà nước còn phải đề cập đến các tổ chức chính trị-xã hội, các hội đoàn nghề nghiệp, các tổ chức tôn giáo,…
Chỉ riêng về Nhà nước cũng bao gồm rất nhiều mảng như cấu trúc chính quyền cơ sở, đơn vị hành chính, chính phủ,…
Tinh gọn bộ máy một cách toàn diện, triệt để thực sự phải là một cuộc cải cách lớn, không loại trừ bất kỳ lĩnh vực nào.
Chuyện cơ cấu lại Mặt trận Tổ quốc hay Bộ Công an có thể là những đột phá mang tính thí điểm, tuy nhiên nếu không làm đồng bộ e là không mang lại hiệu quả mong đợi.
Với vai trò là đội tiên phong, việc tinh gọn nên được thực hiện trong Đảng để làm gương cho tất cả. 
Xin nêu một ý kiến: Hiện nay tất cả các quận, huyện đều có Trung tâm bồi dưỡng chính trị.
Theo Quyết định 185-QĐ/TW ban hành năm 2008 thì mỗi Trung tâm có một Giám đốc, một Phó Giám đốc, một biên chế hành chính, còn lại có thể là kế toán, bảo vệ,… tổng biên chế từ 4-6 người.
Với cơ cấu này hai chức danh Giám đốc và Phó Giám đốc mỗi vị phụ trách từ 1 đến 2 nhân viên?
Quyết định nêu rõ các Trung tâm này không biên chế giáo viên, nếu lãnh đạo không giảng dạy thì 100% là giáo viên thỉnh giảng, 100% học viên là tại chức, vậy chất lượng sẽ ra sao?
Bên cạnh đó, tất cả các tỉnh đều có Trường Chính trị, ngoài ra còn Trường Chính trị của các bộ, ngành,…
Những tỉnh nhỏ, diện tích chưa đến 1.000 km2 có nhất thiết cấp quận huyện cũng phải có Trung tâm bồi dưỡng chính trị?
Các bộ, ngành có nên có trường Chính trị riêng, độc lập với địa phương?
Gần đây, tại Hội thảo đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội, đại diện Ban Tổ chức Trung ương đã trình bày bốn phương án về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động:
Phương án 1, giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội hiện nay. 
Tuy nhiên, có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức, Nhà nước có giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện.
Phương án 2, nhất thể hóa chức danh Chủ tịch Mặt trận Tổ quốcvà các đoàn thể chính trị và thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Phương án 3, hợp nhất 5 đoàn thể chính trị-xã hội vào thành các ban của Mặt trận Tổ quốc.
Phương án 4, hợp nhất Ban dân vận và Mặt trận Tổ quốc.
Về điều này, một số bài đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nêu các ý kiến liên quan từ đầu năm 2017, chẳng hạn:
Nhất thể hóa các tổ chức quần chúng nghĩa là Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh,… sẽ tập trung thành một tổ chức, có thể là Mặt trận Tổ quốc”. [3]
Nên tính phương án sáp nhập các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh,… thành các bộ phận thuộc Mặt trận Tổ quốc (như cục, vụ trong bộ)”. [4]
Để tinh gọn tối đa bộ máy, thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, người viết cho rằng nên kết hợp cả phương án 3 và 4 nghĩa là tất cả các tổ chức chính trị, xã hội không còn là tổ chức độc lập có tư cách pháp nhân nữa, đồng thời chuyển toàn bộ lãnh đạo và nhân sự Ban Dân vận sang Mặt trận Tổ quốc.
Khó khăn sẽ vô cùng lớn bởi chỉ với việc giải thể ba Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã dôi dư hàng loạt nhân sự trong đó có cả hàm cấp tương đương Thứ trưởng.
Các tổ chức Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân người đứng đầu đa số là Ủy viên Trung ương, chức vụ tương đương Bộ trưởng, vậy nên không thể không tính phương án để một số người nghỉ chế độ trước một vài năm!
Giảm thiểu đầu mối sẽ kèm theo giảm thiểu nhân sự, muốn hoạt động của cơ quan nhà nước tăng hiệu quả mà lại giảm chi phí nên chú ý mấy điều sau:
Thứ nhất, thực hiện nguyên tắc bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ  qua thi cử công khai, minh bạch, không nhất thiết các chức danh đều phải là đảng viên, “tìm người tài, không tìm người nhà”.
Thứ hai, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sáng tạo của cán bộ bằng cách xây dựng định mức cụ thể cho mỗi chức danh, chẳng hạn:
Nếu một tỉnh ba năm liền phải nhận gạo cứu trợ thì xem xét Giám đốc sở, nếu hết một nhiệm kỳ 5 năm mà tỉnh vẫn phải nhận điều tiết ngân sách từ trung ương thì xem kiên quyết không để tái cử toàn bộ ban lãnh đạo cả chính quyền lẫn bên Đảng…
Thứ ba, bãi bỏ việc cào bằng thu nhập cán bộ lãnh đạo địa phương như hiện nay, nhà nước đã phân thành phố thành ba loại 1, 2, 3 thì cấp tỉnh cũng cần phân tương tự (có thể căn cứ vào diện tích, dân số hoặc khoản đóng góp về ngân sách trung ương,…), thu nhập của các chức danh lãnh đạo các tỉnh loại 1 phải cao hơn tỉnh loại 2,…
Thứ tư, trong xu hướng cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0, cần hoàn thiện và vận hành thông suốt Chính phủ điện tử, giảm thiểu tối đa hội nghị, họp hành tập trung cán bộ cả ba miền bằng các cuộc hội nghị trực tuyến,…
Thứ năm, sau giai đoạn thí điểm với các bộ, ngành, đoàn thể, cần tập trung cơ cấu lại địa danh hành chính, không để tình trạng một tỉnh có diện tích chỉ khoảng 1.000 km2 và dân cư chỉ khoảng 1 triệu người.
Thứ sáu, từ kinh nghiệm của Quảng Ninh, tổng kết và nhân rộng mô hình nhất thể hóa, giảm thiểu tình trạng các đoàn đại biểu hỗn hợp đi thăm các nước.
Thứ bảy, điều cuối cùng mà người viết muốn bàn luận là xác định lại các tiêu chí bảo đảm cho “Quốc sách hàng đầu” là Giáo dục.
Vì Giáo dục được xác định là phải ưu tiên đi trước một bước nên việc tinh giản, cơ cấu lại các bộ, ngành, đoàn thể phải được tiến hành ngay từ giáo dục.

Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bo-bien-che-de-giam-ganh-nang-11-trieu-nguoi-an-luong-309270.html
[2] http://vov.vn/chinh-tri/dang/du-luan-danh-gia-cao-ket-qua-hoi-nghi-trung-uong-6-681564.vov
[3] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Lam-gi-truoc-nguy-co-Death-by-China--Chet-boi-Trung-Quoc-post176264.gd
[4] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Chao-2018--Niem-vui-cua-dan-va-noi-buon-cua-Thu-tuong-post182680.gd


Xuân Dương

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire