Trang

04/04/2018

Thế lực đằng sau nhóm lợi ích quân đội lớn cỡ nào, mà phải mất hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của dân mở rộng sân bay về phía Nam?


Cái sân golf – một “lãnh địa” riêng bất khả xâm phạm của quân đội, chỉ vỏn vẹn có 157 ha nằm trong lòng sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng không một ai có khả năng bứng nỗi gốc. Cũng chính vì thế mà người ta phải tiêu tốn hơn 16 tỷ USD để xây thêm một cái sân bay Long Thành trong đó mất 23.000 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD) để giải phóng mặt bằng. Rồi nay phải bỏ ra hơn 9 tỷ USD – tiền thuế của dân để chi trả cho hàng ngàn hộ dân nhằm mở rộng sân bay về phía Nam, trong khi mở rộng về phía Bắc thì không tốn một đồng ngân sách nào. Vì đâu mà cái sân golf uy hiếp an toàn bay, tính mạng hành khách bay, cũng như ngốn hàng tỷ tỷ ngân sách lại nằm trơ gan cùng tuế nguyệt như thế?

Thế lực đằng sau nhóm lợi ích quân đội lớn cỡ nào, mà phải mất hàng ngàn tỷ đồng ngân sách mở rộng sân bay về phía Nam?



Được biết khi giao hàng trăm ha đất quốc phòng nhàn rỗi cho tập đoàn Him Lam của đại gia Dương Công Minh xây dựng sân golf để kinh doanh kiếm thêm thu nhập, người đứng đầu Bộ Quốc phòng khi ấy là Bộ trưởng Phùng Quang Thanh có cam kết: Khi nhà nhà nước cần sử dụng đất sẽ trả và không phải bồi hoàn một xu nào. Thế nhưng đời không ai biết chữ ngờ.

Khi sân bay Tân Sơn Nhất cần mở rộng về hướng sân golf thì dường như có một thế lực nào đó đứng sau âm thầm bảo vệ. Năm lần bảy lượt như thế mà nó vẫn bình an đến tận ngày hôm nay và chính thức được thoát án tử.

Còn nhớ chỉ vì cái sân golf mọc lên như ngọn đồi trong lòng sân bay của đại gia Minh Him Lam, khi trời mưa lớn đã biến TSN thành cảng nước sâu thâm thẫm. Lúc ấy dư luận mới biết đến sự tồn tại của nó và lên tiếng kêu gọi dẹp bỏ, thì người ta lại đổ lỗi cho hệ thống thoát nước bị tê liệt. Người ta sẵn sàng bỏ hàng tỷ đồng để đi nạo vét ống cống. Sau đó mọi chuyện cũng rơi vào quên lãng.

Chỉ vì cái sân golf của đại gia Minh Him Lam mà phải hy sinh hàng chục ngàn tỷ tiền thuế của dân và cuộc sống hơn chục ngàn hộ dân, ắt hẳn thế lực đằng sau khủng khiếp như thế nào?



Rồi đến khi các cửa ngõ ra vào sân bay TSN bị ùn tắc vì kẹt xe không còn lối vào. Rất nhiều lần tuyến chính dẫn vào sân bay là đường Trường Sơn cùng các đường nhánh bị kẹt suốt 3-4 tiếng đồng hồ, khiến nhiều hành khách phải bỏ xe hơi, ôm hành lý chạy vội vào nhà ga phi trường để khỏi lỡ chuyến bay. Cảnh này cứ tiếp diễn ngày này qua ngày khác.

Khi đã quá sức chịu đựng, người ta lại đứng lên nhất quyết kêu gọi mở rộng sân bay về phía sân golf một lần nữa. Thế nhưng tất cả những đề xuất cũng bị dìm xuống bởi nhiều “sáng kiến đột phá” che lấp. Điển hình là xây thêm cầu vượt sẽ hết kẹt xe, thế nhưng 2 cầu vượt chữ Y trị giá hơn 242 tỷ đồng đi vào sử dụng tình trạng kẹt xe tại đây vẫn nghiêm trọng. Coi như hơn 200 tỷ đồng đổ sông đổ biển.

Sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập nặng vào ngày 26/8 sau một trận mưa lớn khiến nhiều chuyến bay phải trì hoãn và hạ cánh khẩn cấp ở sân bay khác



Im ắng một thời gian, thì lại có một làn sóng yêu cầu mở rộng sân bay vì không thể chịu được cảnh kẹt dưới đất lẫn trên trời, máy bay phải bay vòng vèo trên không trung đợi đến lượt hạ cánh, thậm chí phải “qua đêm” ở Cần Thơ vì thiếu chỗ đỗ. Để dập tắt làn sóng mở rộng sân bay lan rộng, người ta lại khơi dậy dự án xây thêm sân bay Long Thành từ trước đó đã không được duyệt vì kinh phí cao ngất ngưỡng hơn 16 tỷ USD. Trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng gần 2 tỷ USD. Ngân sách đang có nguy cơ sụp đổ nên dự án này không mấy khả thi. Thế là nhóm lợi ích quân đội lật lọng 180 độ quay sang đòi đền bù chi phí đầu tư sân golf hơn 3.000 tỷ đồng. Như vậy lời hứa của người đứng đầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ông Phùng Quang Thanh năm nào như gió thoảng mây bay? Phải chăng lời nói hay những cam kết của một người đứng đầu Bộ Quốc phòng chỉ có giá trị khi còn tại vị?

Ở đâu lại có chuyện nhà nước lại bỏ tiền ra để bồi thường cái sân golf xây trái phép trên đất quốc phòng, mà một số tướng tá quân đội mang đi kinh doanh kiếm lời. Lẽ ra đất quốc phòng chưa sử dụng đến phải trả về cho nhà nước quản lý. Hơn nữa, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng hợp đồng xây dựng sân golf TSN là vô hiệu. Mà hợp đồng đã vô hiệu thì chỉ có giải tỏa trắng chứ không bồi thường. Nay quân đội chiếm dụng rồi giữ làm của riêng, mang đi kiếm chác, giờ đòi không trả còn uy hiếp buộc đền bù. Vì đâu sân golf TSN biến thành “kẻ tống tiền”, còn ngân sách quốc gia và tiền thuế của dân tạo ra ngân sách biến thành một thứ “con tin” như thế?

Bộ GTVT có ‘đi đêm’ Tư vấn Pháp?



Mọi chuyện giằng co chưa có lời giải đáp thì Bộ GTVT được giao nhiệm vụ thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn nhằm chọn phương án khả thi. Tưởng đâu mọi chuyện có chút chuyển biến, nhưng kết quả được đưa ra là trùng khớp với mong muốn của Bộ này và nhóm lợi ích quân đội. Người ta đặt ra câu hỏi, liệu Bộ GTVT có ‘đi đêm’ Tư vấn Pháp?

Như vậy cuối cùng người ta cũng hy sinh cuộc sống của hàng ngàn hộ dân cư các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả Công viên Gia Định – một trong hiếm hoi lá phổ xanh cuối cùng của Sài Gòn, chỉ đổi lấy một cái sân golf – là công cụ làm giàu cho nhóm lợi ích quân đội và Bộ GTVT. Liệu cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sau khi di dời có được như nơi ở hiện tại? Phải chăng nếu mở rộng sân bay về phía Bắc, thì không thể đền bù tất cả chi phí nổi lẫn “ngầm” mà nhóm này đã bỏ ra? Chưa kể sẽ đụng chạm đến quyền lợi của nhiều kẻ đứng sau.

Và rồi câu chuyện mở rộng sân bay cuối cùng cũng có hồi kết, thế là cái sân golf đã bảo tồn nguyên vẹn, như một lãnh địa bất khả xâm phạm. Có một điều mà dư luận thắc mắc là, tại sao vì một cái sân golf – con gà đẻ trứng vàng của nhóm lợi ích quân đội và Bộ GTVT mà người ta phải cố bảo vệ bằng cách “vẽ ra” nhiều phương án để bảo vệ? Khỏi phải nói những dự án vẽ vời ấy tiêu tốn hàng tỷ tỷ đồng ngân sách – tiền thuế của dân. Thậm chí vì cái sân golf mà người ta phải chịu tiêu tốn hàng tỷ USD, đánh đổi cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân, chắc hẳn thế lực chống lưng cho nhóm lợi ích quân đội, Bộ GTVT và tập đoàn Him Lam là rất lớn. Thế mới biết vì sao việc thu hồi đất của dân thì dễ còn của nhóm lợi ích lại chùn chân?


(Thanh Niên/Tuổi Trẻ)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire