Trang

11/05/2018

HỘI NGHỊ 7-SUY THOÁI-XUỐNG CẤP DÀI DÀI


Phạm Trần
 

Không ít cán bộ, viên chức Cộng sản Việt Nam  đã không chỉ suy thoái phẩm chất và  đạo đức mà còn tìm mọi cơ hội để bảo vệ quyền lợi cá nhân, gia đình và dòng họ nhiều hơn thời gian phục vụ người dân  và  đất nước.



Đó là nội dung đã được Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và một số Bộ trưởng và Đại biểu Quốc hội nêu ra trong kỳ họp 7 của Ủy ban Trung ương đảng XII từ ngày 07/05 đến 12/05/2018 tại Hà Nội.



Ông Trọng nói trong Diễn văn khai mạc:”Nhìn chung, đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao…”


“…Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém….Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, ... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi.”

Đó là lý do tại sao Hội nghị Trung ương 7 đã tập trung thảo luận 3 vấn đề :

1)Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ;

2) Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp;

3) Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; và một số vấn đề quan trọng khác.


Nhưng trước hết, hãy gác ra ngoài những khuyết tật kinh niên của cán bộ, đảng viên như quốc nạn tham nhũng, lãng phí, kém tài, bất lực, bè nhóm v.v…đã được nhiều đời Tổng Bí thư nói đi nói lại mà vẫn còn nguyên kể từ Khóa đảng VI thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh năm 1986.

“CHẠY” ĐỜI NÀY QUA ĐỜI KHÁC



Riêng 8 loại “chạy” của các viên chức mà ông Trọng nói vẫn còn “chậm được ngăn chặn và đẩy lùi” , tuy đã biến dạng theo thời gian, thì cũng đã từng được khóa đảng IX, thời ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư, báo cáo tại Đại hội đảng kỳ X (từ 18/04 đến25/04/2006).

Hồi đó,  Báo cáo về Công tác xây dựng Đảng đã viết:”Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng "chạy chức", "chạy quyền", "chạy tội", "chạy bằng cấp". Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Ðảng. Ðó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Ðảng, của chế độ.”

Nên nhớ khi Báo cáo viết 4 chữ “vẫn còn tình trạng…”  có nghĩa những loại “chạy” này đã có từ các khóa Đảng trước để lại. Nhưng sau 10 năm cầm quyền hai khóa IX và X (2001-2011), ông Mạnh cũng không làm nên cơm cháo gì. Ông ta lại rất tự nhiên để tiếp tục báo cáo tại Đại hội đảng kỳ XI (từ 12/01 đến 19/01/2011), trước khi trao quyền lại cho ông Nguyễn Phú Trọng.


Ban Chấp hành khóa X viết:”Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hoá giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước…”


“…Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục. Công tác cán bộ thiếu tầm nhìn xa. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thấp. Môi trường làm việc, chính sách cán bộ chưa tạo được động lực để khuyến khích, thu hút, phát huy năng lực, sự cống hiến của cán bộ; chưa cổ vũ ý chí phấn đấu vươn lên, sự gắn bó, tận tụy của cán bộ đối với công việc….”


Như vậy, sau 5 năm làm Tổng Bí thư  khóa XI (2011-2016), ông Nguyễn Phú Trọng đã múa may quay cuồng ra sao với các thứ “chạy” này ?



Chẳng khá được bao nhiêu, bởi vì trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đảng XII ( từngày21/01 -- 28/1/2016), ông vẫn khơi khơi “tự nhiên như người Hà Nội” để tường trình:”Trong tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến, một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao phụ trách. Trên một số vấn đề, qua kiểm điểm của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp từ Trung ương đến cơ sở vẫn chưa làm rõ thực chất, mức độ nghiêm trọng của tình hình, xảy ra ở đâu, ai chịu trách nhiệm, như tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tình trạng chạy chức, chạy tội, tham nhũng, lợi ích nhóm,... Việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân chưa thực hiện được. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước.”

Bây giờ, nhiệm kỳ khóa đảng XII cũng đã đi được ½ đường mà 8 loại “chạy” vẫn còn “chậm được ngăn chặn và đẩy lùi” thì Trọng đã bị dồn vào chân tường rồi.

Vì vậy ông Trọng đã lúng túng và muốn tìm lối thoát cho uy tín bản thân trước khi mãn nhiệm vào tháng 1/2021. Nhưng mấy ai trong số  ngót 200 Ủy viên Trung ương, chính thức và dự khuyết, có sáng kiến và quyết tâm giúp đảng, luôn tiện giúp luôn ông Trọng, diệt được các thứ “chạy” đang ngổn ngang trong đảng ?

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị 7, ông Trọng đã gợi mở ý kiến kêu gọi toàn đảng hãy lựa chọn giúp mình. Ông hỏi mọi người :”Khắc phục tình trạng "chạy chức, chạy quyền" hay "thân quen, cánh hẩu"? Chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực hay coi trọng cả hai? Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp? Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Vướng mắc chính là ở chỗ nào? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa? Chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết gắn bó với sự nghiệp là gì?...”



Hỏi như thế, nhưng ngay bản thân ông, người có quyền cao nhất nước, chưa chắc đã tìm được giải pháp cho những căn bệnh đã ăn sâu bám rễ trong cơ thể đảng viên từ mấy chục năm rồi.


Cũng khó khăn và phức tạp cho ông Trọng và cả đảng CSVN là những chuyện tham nhũng, quan liêu, lãng phí, cửa quyền và các thứ “chạy” của cán bộ đảng viên đã “sống lâu lên lão làng” trong máu đảng viên từ đời này qua đời khác từ lâu lắm rồi. Những chứng hư tật xấu đang đe dọa sống còn của đảng qua nhiều nhiệm kỳ Tổng Bí thư, vẫn tiếp tục sinh sôi nẩy nở không khoan nhượng.


Đó cũng là lý do tại sao, trong Diễn văn khai mạc Hội nghị 7, ông Trọng đã thách đố các Ủy viên Trung ương hãy tập trung suy nghĩ để :”Trả lời cho được câu hỏi vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây mặc dù Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp? Nguyên nhân từ đâu, ở khâu nào, cấp nào? “

Hỏi thế đấy nhưng ông Trọng cũng dư biết chả ai dám trả lời, dù có biết, vì những anh đã “nhúng chàm” có rất nhiều chước qủy ma loài và kinh nghiệm để bịt miệng kẻ khác.

THỰC TRẠNG CÁN BỘ



Tình trạng đảng đang “nuôi ong tay áo” còn được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói thẳng:” Có một số cán bộ đang biến quyền lực của nhà nước, thực chất là quyền lực của nhân dân, thành quyền lực cá nhân, lạm dụng để ban phát cho người này, người kia, trong khi trước những vấn đề mới của đất nước lại bảo thủ, trì trệ.”(Theo VNNET, ngày 09/05/018)

Trả lời  báo chí về việc xây dựng cán bộ, ông Dũng không ngần ngại nói thẳng, như tường thuật của VNNET:”Bộ trưởng KH-ĐT nêu thực tế đang tồn tại luồng tư tưởng khi được giao một việc gì đó, nhưng điều đầu tiên mà không ít cán bộ nghĩ tới là “ta có được lợi gì trong đó, có kiếm chác được gì không, người nhà của mình, lợi ích nhóm thân quen của mình có lợi gì trong đó và làm thế nào để làm được việc đó". Ít ai nghĩ rằng việc này có nên ủng hộ hay không, có làm được hay không, muốn làm được thì phải làm thế nào.

“Thậm chí nhiều lãnh đạo tỉnh có cả Doanh Nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia...”,


Ông Bộ trưởng Dũng cũng nhìn nhận:”Hiện nay, chúng ta có tình trạng 'lên rồi không xuống' hoặc đi ngang, có chỗ rồi cứ ngồi đó, bản thân cán bộ đó không có động lực để tiến bộ và thế hệ kế cận cũng không có cơ hội. Không răn đe thì khó chọn người tốt, tâm huyết trách nhiệm.”

Ông Dũng nói:” Thực tế chưa có đơn vị nào thay thế cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, do còn nể nang, né tránh trách nhiệm, khi bình bầu, lấy ý kiến trong quá trình bổ nhiệm lại thì qua loa, dễ dãi.”

Trong khi đó, theo lời ông Dũng :” Cán bộ hiện nay tồn tại rất nhiều hạn chế như ít đọc, nghiên cứu tài liệu, không chịu lắng nghe, nghĩ không thấu đáo, viết lách thiếu sáng tạo, nói không thuyết phục...;một số cán bộ chỉ nói hay nhưng khi viết, tư duy, suy nghĩ thì không đạt yêu cầu.”

VẪN CỨ TRƠ RA

Mặt khác, trong cuộc phỏng vấn của báo Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhữơng (Tỉnh  Bến Tre) đã nói:"Có cán bộ vi phạm, nhưng thiếu liêm sỉ, không thấy xấu hổ. Thậm chí một số người dân còn nói rằng, có cán bộ sai phạm nhưng vẫn cứ trơ trơ ra".(báo GDVN, ngày 08/05/018)

Sở dĩ có tình trạng chai lỳ này vì, theo lời ông Nhưỡng :”“Từ trước đến nay, thói quen của cán bộ là chỉ có “lên” (thăng tiến) mà ít có “xuống” (giáng chức).

Ông nhận xét:”Việc xuống chức đối với cán bộ có vẻ rất khó khăn và thực tế đã chứng minh, ở nước ta có rất ít cán bộ xin từ chức.


Việc từ chức không có trào lưu cũng không trở thành một thứ văn hóa đã định sẵn trong đời sống chính trị. Cho nên người ta (cán bộ vi phạm) nghĩ rằng, việc từ chức đối họ là hơi... khác người….Phải nói rằng, chúng ta hiện nay đang thiếu kẻ sĩ, bởi chỉ có kẻ sĩ thì mới có liêm sỉ.”

CHUYỆN CŨ-CHUYỆN MỚI


Sở dĩ Việt Nam ngày nay hiếm kẻ sỹ vì điều gọi là “chiến lược cán bộ” thi hành trong suốt 20 năm đã không thành công. Chủ trương quy hoạch này, thành hình  từ khóa đảng VIII thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bằng Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997 về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Theo bài viết của ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thì:”Chiến lược cán bộ đã xác định quan điểm, phương hướng cơ bản, các chính sách và giải pháp lớn để xây dựng đội ngũ cán bộ đến năm 2020” (theo báo điện tử đảng CSVN, ngày 06/05/018)


Nhưng bây giờ nhìn lại 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ, với 142 văn bản quy định các giải pháp qua các khóa đảng VIII, IX, X, XI, XII, ông Phạm Minh Chính nhìn nhận:”Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng không mạnh. Nếu năm 1997 có hơn 1,35 triệu cán bộ, công chức, viên chức thì năm 2017, số cán bộ, công chức, viên chức đã tăng gấp đôi với hơn 2,72 triệu người. “

Tuy nhiên, vẫn theo ông Chính:”Chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ còn xảy ra ở nhiều nơi. Không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Trình độ tư duy và khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế của một bộ phận cán bộ còn chậm; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện còn hạn chế. Không ít cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa gương mẫu, ngại việc khó, thích nhận việc dễ, có nhiều lợi ích. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chỉ tính trong 10 năm gần đây, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã phát hiện hơn 7.000 vụ vi phạm, trong đó có 280 vụ phải xử lý hình sự, hơn 1.700 cán bộ, đảng viên phải xử lý kỷ luật Đảng và 181 người phải xử lý bằng pháp luật.” (theo báo điện tử đảng CSVN, ngày 06/05/018)


Đưa ra những “con số xấu”  là điều đáng khích lệ, nhưng ông Chính lại quên đã có lần, vào ngày 26/01/2013, khi còn giữ chức Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc (bây giờ là Thủ tướng)  đã nói:”Chạy công chức vẫn diễn ra do chế độ thi cử đầu vào bất cập. Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về". (theo báo Lao Động, 26/01/2013)


Phát biểu tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức chiều 25/1, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng :” Chế độ công chức hiện vẫn nặng tính bao cấp, chưa phát huy được trí tuệ của cán bộ. Ông đặt câu hỏi liệu 2,8 triệu công chức hiện nay có cống hiến hết mình hay không?”

THAM VỌNG VÀ THỰC TẾ



Câu hỏi của ông Phúc năm 2013 có lẽ sẽ ám ảnh vào đề án “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” vừa được đồng tình ủng hộ tại Hội nghị Trung ương 7, theo tường thuật của Thông tấn xã VN (TTXVN).



TTXVN còn phác ra các chặng đường phải đạt mục tiêu, theo đó:

1) Đến năm 2020, thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo kế hoạch, phù hợp với tình hình thực tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; triệt để chống chạy chức, chạy quyền và chặn đứng tình trạng suy thoái; cơ bản thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.


2) Đến năm 2025, tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; phấn đấu hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.


3) Đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ cán bộ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ.



Vẫn theo TTXVN, đề án xác định 2 trọng tâm và 5 đột phá để thực hiện đồng bộ 8 nhiệm vụ, giải pháp.

Hai trọng tâm là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.


Năm đột phá là: 1) Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời;  2) Chấm dứt tình trạng chạy chức chạy quyền. 3) Thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.4) Cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm. 5) Hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân và thông qua đó nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.


Đọc qua những câu chữ chứa nhiều tham vọng và hứa hẹn của Trung ương 7, ai cũng thấy ông Nguyễn Phú Trọng đã đề ra mục tiêu chính trị cho hai năm rưỡi còn lại của  nhiệm kỳ hai, kết thúc vào tháng 01 năm 2021.



Đó là, song song với chiến dịch “đốt lò chống tham nhũng” đang đem lại những kết quả  nhất định nổi lên ở cấp cao, trong đó có vụ bắt giữ và xét xử cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, ông Trọng còn muốn lưu lại những kết qủa  ban đầu của dự án tìm kiếm 600 “cán bộ cấp chiến lược” cho khóa đảng XIII (2021-2026).

Trao đổi với báo VietNamNet (06/05/2018), ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ 4 (Theo dõi các cơ quan TƯ) của Ban Tổ chức TƯ cho biết:”600 cán bộ cấp chiến lược gồm các cán bộ trong Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ trưởng, trưởng các ngành, thứ trưởng, phó trưởng các ngành, bí thư và phó bí tỉnh uỷ, chủ tịch UBND và HĐND tỉnh.

TIÊU CHUẨN

Nhưng điều quan trọng nhất, theo Quy định 90 ngày 22/08/2017 của Bộ Chính trị thì  những người này phải :


1.1- Về chính trị tư tưởng: Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng để bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước và phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc; luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, yên tâm công tác. Giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng.


1.2- Về đạo đức, lối sống: Mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ trong công tác cán bộ.


1.3- Về trình độ: Tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp.


1.4- Về năng lực và uy tín: Có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược; phương pháp làm việc khoa học; nhạy bén chính trị; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận; có khả năng phân tích và dự báo tốt. Nắm chắc tình hình chung và hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực, địa bàn, địa phương, cơ quan, đơn vị được phân công. Kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, thời cơ, vận hội, vấn đề mới, vấn đề khó, hạn chế, yếu kém trong thực tiễn; chủ động đề xuất những nhiệm vụ giải pháp có tính khả thi và hiệu quả. Năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có quyết tâm chính trị cao, dám đương đầu với khó khăn, thách thức; nói đi đôi với làm; gắn bó mật thiết với nhân dân và vì nhân dân phục vụ. Là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao.


1.5- Sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm:
 Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định của Đảng. Đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp; có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

Với 5 Điều kiện nêu trên, liệu có gì bảo đảm 600 “cán bộ cấp chiến lược” của khóa đảng XIII sẽ mãi mãi là “hạt giống đỏ”, hay đội ngũ “then chốt của then chốt” như mong muốn của ông Nguyễn Phú Trọng ?



Hay những kẻ được xây dựng làm kẻ “kế thừa” của đội ngũ  đã bị ông Trọng lên án chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tộisẽ khá hơn cha anh để không bị nhân dân nguyền rủa là nhân nào qủa ấy ? -/-





Phạm Trần
(05/018)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire